Nhiều hôm chị mệt lả cả người, phải dọn gánh hàng rau về sớm. Chị lờ
mờ nhận ra sức khỏe có dấu hiệu bất thường nhưng chẳng dám đi khám. Chị có cùng
suy nghĩ của nhiều người nghèo khác, thà không biết bệnh còn hơn biết mà không
có tiền chạy chữa càng khổ. Người trời của trời, sống chết có số….
Mẹ góa con côi, căn nhà lúc nào cũng như chợ bỏ hoang.
Cô con gái 16 tuổi vắng nhà liên miên. Học hết lớp 9, con bé nằng
nặc đòi nghỉ học. Chị khuyên hết hơi mà con bé vẫn nhất quyết không nghe. Người
xưa nói đúng: “Con không cha như nhà không nóc”.
Chị có mạnh mẽ, quyết đoán đến đâu cũng chẳng thể làm thay vai trò
của người đàn ông.
Nhớ ngày chồng còn sống, con bé nghe lời cha răm rắp. Từ khi anh
mất, chị vừa làm cha, vừa làm mẹ. Chị tìm mọi cách lấp đầy khoảng trống cho con
nhưng xem ra nỗ lực của chị luôn công cốc.
Nhiều bận chị bảo con ra chợ phụ bán rau, con bé cau có.
-Con không thích ngồi lê ngoài chợ.
Nghe con bảo nghề bán rau của chị là “ngôi lê cửa chợ”. Chị nổi
giận.
-Tao không ngồi lê ngoài chợ thì lấy đâu ra tiền mà nuôi mày. Cái
thứ mất dạy…
Chị chửi xa xả một thôi một hồi. Con bé sụ mặt, xách đôi giày cao
gót, đi khỏi nhà.
Suốt đêm, chị ngồi ngoài bậc cửa, chờ mãi đến khuya con bé mới về.
Người nó nồng nặc mùi rượu lẫn mùi nước hoa.
Vừa thấy con, chị quát ầm lên.
-Mày đi đâu mà giờ này mới về?
Con bé nhìn chị, đôi mắt đỏ ngầu.
-Tôi sẽ đi khỏi nhà này cho bà vừa lòng.
-Mày dám…
Chị vung tay tát mạnh vào má con. Nó bưng mặt, khóc tu tu, chạy vào
nhà tắm, đóng cửa cái sầm.
Cả giờ đồng hồ, cửa nhà tắm vẫn khóa im ỉm. Chị nhìn chòng chọc vào
cánh cửa, thoáng hối hận. Lẽ ra chị không nên nóng nảy đánh con. Lẽ ra chị nên
dịu dàng, nhỏ nhẹ với con…lẽ ra…
Nhưng áp lực cơm áo gạo tiền, bệnh tật, mệt nhọc cứ dồn ứ trong
người chị. Chị có muốn hiền lành với con cũng không được.
Chị ngồi khuỵa xuống, ôm ngực, lại những cơn đau tê buốt như muốn xe
tan khoang ngực chị ra. Không muốn con gái nhìn thấy, chị vội vàng lên giường,
kéo mền trùm kín mặt để mặc cơn đau hành hạ và những giọt nước mắt cứ lặng lẽ
tuôn.
Nguyễn Nga