Do kinh doanh thua lỗ nên công ty của bố bị phá sản, người ta
đến siết nợ đầy nhà...
Trời cuối năm nhưng lúc nào cũng u ám từng cơn gió rét thổi
mạnh, cả phòng đứa thì nằm trong chăn học, đứa thì ngồi nhưng trùm chăn kín đầu
ôm lấy cái bàn con và chồng sách vở đồ sộ, với những quyển từ điển dày cộm rơi
xuống như muốn vỡ đầu người ta, vì đang là kỳ thi cuối cùng của sinh viên năm
thứ 4, Trường Đại học Quốc gia. Duy chỉ có Nga là vẫn đều đặn đến trung tâm
ngoại ngữ để tham gia dạy thêm. Nga không chỉ ôn thi như mọi người, mà thời
gian biểu của cô luôn quay chong chóng. Ngoài giờ học tập trên lớp cô luôn đi
làm thêm lấy tiền trang trải cho học tập.
Gió lại thổi mạnh hơn, cái Hiền run như cầy sấy.
-Trời ơi, đóng cửa vào nhanh lên, lạnh quá, thế mà con Nga vẫn
đi dạy à! Tao phục con này sát đất đấy.
- Hiền ơi, mở cửa tao với!
- Thiêng chưa, vừa nhắc đã thấy xuất hiện, hôm nay là buổi cuối
chứ?
- Không, còn hai buổi nữa thì nghỉ Tết luôn.
Hiền an ủi:
- lLiệu mà nghỉ để ôn thi, đừng tham quá như thế, tao thấy mắt
mày có quầng thâm rồi đấy.
- Cảm ơn mày! Tao đang cố gắng nốt, chắc về nghỉ Tết lên lại
khỏe ngay ấy mà.
Hiền là đứa bạn quê ở tận Nghệ An với giọng nói nằng nặng, không
hiểu sao Nga rất thích nghe cái giọng nói của nó và hai đứa thân nhau nhất
trong phòng. Những đêm mùa đông, Hiền thường ôm chăn lại nằm cùng giường Nga,
có điều gì thường nhỏ to tâm sự cho nhau nghe.
- Này! Nga ơi phải khao đấy nhé.
Tiếng cái Thảo lảnh lót giấu 2 tay đằng sau.
- Mi có thư đấy, trời ơi lãng mạn quá, thời đại này mà vẫn có
hoàng tử nào ngồi viết thư thật là "rồ-man tíc" (romantic).
- Gì cơ! Tao có thư á?
Nga đang hồi hộp.
- Nhưng phải khao đã chứ.
- Ừ để tao lĩnh lương đã rồi khao sau.
Thảo giơ cao lá thư lên mặt.
- Trời ơi! Brother gửi... không biết là anh trai nào đây.
Nga vội chộp lấy lá thư vẫn còn kín trong phong bì, nhìn nét chữ
Nga không thể đoán được ai, lòng đầy hồi hộp, áp bức thư vào ngực rồi chùm chăn
kín đầu và khẽ khàng bóc lá thư.
"Chị Nga xa nhớ! Chắc chị bất ngờ lắm phải không?"
Nga khẽ thốt lên: - Trời ơi thằng Phong, nó đang ở đâu đây.
Nga vội nhìn lướt xuống dòng cuối lá thư, nhưng không có địa
chỉ, chỉ có dòng chữ "Tết này em sẽ về, chị sẽ biết địa chỉ cụ thể của em
sau." Nga đọc tiếp...
"Em đang ở trong Thành phố Hồ Chí Minh. Em đã có công việc
ổn định, nói chung là không vất vả lắm. Chị học hành thế nào? Mẹ và em Nam có
khỏe không? Em nhớ cả nhà quá! Chị Nga ơi em không tìm thấy bố đâu cả... Thôi
hẹn Tết về em sẽ kể cho cả nhà nghe, nhưng ít nhất phải đến 28,29 Tết em mới về
được, chị cứ nói cho mẹ an tâm. Em Phong!"
Nước mắt Nga đã nhòa đi từ lúc nào, thì ra Phong vào miền Nam,
đã gần 2 năm nay, cả nhà mất liên lạc với nó cũng từ ngày đó. Tết năm ngoái
Phong cũng không về, chỉ nhắn qua bạn bè là đang ở trong miền Nam. Mẹ buồn và
khóc nhiều lắm, và năm trước cả nhà cũng mất Tết luôn.
Đang mải suy nghĩ miên man không để ý cả phòng đã về, cái Thảo
lò dò đằng sau, vỗ vào vai Nga, nó là đứa vui tính nhất phòng, những khi Nga
buồn Thảo thường bày trò cho Nga vui.
- Thế nào cô nương, chàng không ra đón được à?
Nga vội lau nước mắt khẽ cười.
- Thôi đâu sẽ có đó, ăn cơm đi. À tối nay mày lên giảng đường
không đấy?
- Có lẽ tao ở nhà, tụi mày cứ đi đi.
Cái Hiền tặc lưỡi.
- Thôi phòng mình quyết tâm giật học bổng, phải chịu khó lên
giảng đường xem có nhét được cái gì vào đầu không.
- Mày ở nhà học nghe.
Lại chỉ còn mình Nga ở trong phòng, đầu óc cảm thấy nhẹ đi rất
nhiều, vừa vui, vừa hồi hộp mong cho nhanh được nghỉ Tết để về gặp mẹ và em
Phong. Vừa lo soạn bài cho buổi mai đi dạy thêm, vừa lo chuẩn bị cho môn thi
cuối với 12 học trình. Tạm gác lại đống sách vở, Nga lật lại cuốn Album ngắm
tấm ảnh gia đình chụp cách đây 8 năm mà nước mắt lại trực chào ra.
Ngày ấy gia đình Nga thật hạnh phúc, bố làm giám đốc công ty
trách nhiệm hữu hạn, mẹ là giáo viên tiểu học. Do kinh doanh thua lỗ nên công
ty của bố bị phá sản, người ta đến siết nợ đầy nhà. Gia đình phải bán nhà ngoài
thị trấn vào ở xóm trong với căn nhà cũ kỹ do ông bà nội để lại. Lúc đấy Nga là
chị cả cũng không hiểu lắm, chỉ thấy bố mẹ thức trắng 2 đêm liền, Nga cũng
không giám ngủ, ngồi học mà chỉ thấy lo cho bố mẹ. Rồi bố bỏ mẹ con Nga mà đi
chỉ để lại vài chữ, mẹ gần như suy sụp hoàn toàn.
Còn em Phong thì bắt đầu lười học, em Nam còn nhỏ chỉ thấy khóc
theo mẹ. Nga nghĩ mình phải nghỉ học để đi làm thuê, nhưng mẹ không đồng ý. Vì
là năm cuối cấp nhưng Nga luôn nghĩ về gia đình, sợ mình không vào được đại
học, mà đi học rồi thì ai sẽ lo cho... Mẹ động viên "con phải cố gắng dù
vất vả đến mấy mẹ cũng không cho con nghỉ học đâu".
Nga lại cố gắng đến trường ôn thi, nghe phong thanh bố đã trốn
vào Nam, người thì lại bảo bố đã trốn ra nước ngoài. Mẹ cũng không muốn nhắc
đến chuyện đó. Thương mẹ, Nga càng cố gắng học hơn và tự nhủ được học đại học
mình sẽ làm thêm để tự lo cho bản thân.
Ngày Nga đi học mẹ vui lắm, chỉ buồn cho em Phong, lúc này Phong
đang học lớp 11, nhưng từ ngày bố bỏ đi, nó cũng trở nên khó bảo, bắt đầu bỏ
học đi chơi đua đòi. Mẹ đã khuyên bảo nhiều lần nhưng Phong không nghe. Vốn là
đứa học giỏi, thông minh, song do đua đòi theo bạn bè mà Phong học sút đi nhiều.
Tết năm nào Phong cũng phải gây ra việc này, việc nọ, lúc thì
đánh nhau, lúc thì đánh bạc, hay uống rượu gây rối trật tự công cộng, có người
độc miệng nói "Nhà dột từ nóc rột xuống" mẹ thấy đau lòng lắm... Còn
em Nam tuy mới học lớp 8 song đã biết thương mẹ, thương chị, sớm đi học, chiều
ở nhà giúp mẹ.
Chỉ có tháng đầu tiên đi học là Nga phải tiêu tiền mẹ cho, thời
gian sau Nga tự tìm việc làm thêm, tuy vất vả nhưng Nga vẫn phải cố gắng để mẹ
ở nhà đỡ khổ hơn. Năm đầu tiên tiền làm thêm cộng với học bổng Nga cũng đủ sống
với cuộc sống của sinh viên con nhà nghèo. Năm thứ 2, Nga nhận đi gia sư cho
một số gia đình nên có thu nhập cao hơn. Với đồng lương của một giáo viên cộng
với chăn nuôi thêm, mẹ vẫn gửi tiền đều đặn hàng tháng cho Nga, mặc dù cô dặn mẹ
không phải gửi lên. Để dành tiền mẹ gửi, mỗi lần về quê Nga lại mang về cho mẹ,
nhìn mái tóc mẹ bạc đi nhiều, mẹ gầy hơn cô lại càng thương mẹ.
Có lần nghe cu Nam nói.
- Anh Phong lười học lắm, hay cãi lại mẹ với bắt nạt em, suốt
ngày đi chơi.
Khi Nga vào năm thứ 2 thì Phong cũng hết cấp 3. Nhớ lại ngày Nga
về chuẩn bị đưa Phong đi thi đại học. Phong nói:
- Em không thi cử gì hết, em sẽ đi làm.
Nga nhẹ nhàng động viên.
- Em cố gắng đi học. Mẹ và chị sẽ lo được.
- Lo được? Ra trường chị đi lấy chồng thì ai lo.
Mẹ nói trong nước mắt.
- Nhà mình không may sảy ra việc như thế, con không thương mẹ,
chị và em thì đi nốt đi.
Phong đã trốn khỏi nhà đi luôn đêm hôm đó, chỉ nhắn lại là đi
tìm bố ở trong miền Nam. Tết năm đó Phong không về, mẹ lại càng gầy yếu hơn.
Nga biết ngày đêm mẹ vẫn ngóng chờ tin bố nhưng đã gần 4 năm rồi mà bố vẫn
không có tin gì.
Đã 11 giờ khuya, Nga mới hết dòng suy tưởng, các bạn đã đi học
giảng đường về, suốt đêm hầu như Nga không ngủ. Ngày về nghỉ Tết mẹ vẫn chưa
biết tin gì về Phong, chắc Phong muốn cho mẹ bất ngờ. Nga đem lá thư đọc cho mẹ
nghe, mẹ vui lắm. Ngày 29 Tết, Phong về, nhìn chững chạc hẳn lên, ra dáng người
lớn lắm. Phong kể:
- Con đã học được nghề sửa chữa điện tử, làm việc ở một cơ sở ở
thành phố Hồ Chí Minh. Năm nay về con sẽ mở cửa hàng tại nhà để cho em Nam đi
học.
Mẹ thấy an tâm hơn, ra Tết Nga đi thực tập và sẽ ra trường, Nam
lại tiếp tục vào đại học, Phong đã biết suy nghĩ chín chắn hơn. Chiều 30 Tết,
đây là cái Tết thứ 5 vắng bố, tuy mẹ vẫn buồn, song Nga cảm thấy trong mắt mẹ
ánh lên niềm vui và hy vọng. Mẹ uống một ngụm rượu nhìn ba chị em cười vui vẻ.
Đêm Giao thừa, Nga thắp hương khấn tổ tiên hy vọng năm mới bố sẽ trở về./.
Nguyễn Trung Thành