Đó là dịp tôi về quê giỗ mẹ, ngồi từ chiều đến tối ngoài mộ, hoàng
hôn buông sẫm trên vai áo. Tôi rời mộ mẹ đi thẳng một mạch đến nhà thầy, chó
sủa inh ỏi theo từng bước chân.
Cổng nhà thầy bao năm nay vẫn vậy, đóng mà như không đóng, ai đến
cũng chỉ cần đẩy nhẹ rồi tự nhiên bước vào nhà. Thầy ngồi đó trên chiếc chõng
tre ở đầu hiên. Không cần quay lại thầy cũng biết là tôi đã đến. Thầy chào tôi
bằng hành động nhấc ấm lên rót ra một chén trà. Cây đào tiên trồng ngoài sân
len lỏi tán vào tận hiên nhà. Dường như cây cũng đang cúi đầu chào một người
quen cũ.
- Thưa thầy, con mới về.
- Con vừa từ mộ mẹ đến đúng không?
- Dạ thầy.
- Vào trong nhà ăn cơm rồi ra đây uống trà cùng thầy.
Cứ mỗi lần ngồi ăn cơm cùng thầy tôi lại nhớ đến mình của hai mươi
năm trước.
Khi còn là thằng nhóc mười tuổi, bố bỏ đi, lại sớm mồ côi mẹ. Tôi đi
ở hết nhà này đến nhà khác cho đến khi bước vào cổng nhà thầy. Khi đó cái bụng đói
cồn cào khiến tôi dừng chân thèm thuồng nhìn mâm cơm tối nhà thầy. Mâm cơm được
dọn ra ngay gần bếp lửa, mẹ thầy đi hái ớt trộn lẫn trong bát muối. Tôi ngửi
thấy mùi tép kho tương béo ngậy, nước miếng cứ tứa ra, bụng sôi ùng ục.
Chiếc áo tôi mặc trên người vừa bẩn vừa rách rưới. Tôi buồn tủi, bật
khóc gọi “mẹ ơi”. Thầy từ đâu bước ra vẫy tay gọi tôi vào. Thầy mở nồi, hớt
phần sắn vào bát mình rồi xới cho tôi và mẹ già mỗi người một bát cơm ít độn.
Nhiều năm sau này khi cuộc sống khá hơn, tôi vẫn thèm được ăn tép kho, nhai
ngồm ngoàm rau muống chấm tương và cắn giòn tan những quả cà muối chua vừa đủ
độ. Đó là bữa cơm ngon nhất trong cuộc đời phiêu bạt, tôi đã ăn bằng tình
thương và nụ cười ấm áp của thầy.
Tôi ở với thầy đến năm mười sáu tuổi. Trong suốt quãng thời gian ấy,
tôi được thầy cho đến trường, dạy từng nét chữ. Thầy dạy trường làng, hàng ngày
đèo tôi cùng đến lớp. Lớp gần hai mươi đứa, tôi nhiều tuổi nhất, cao lêu nghêu
ngồi hàng ghế cuối ê a tập đánh vần. Thỉnh thoảng ngẩng lên lại thấy có biết
bao cặp mắt quay lại nhìn mình cười khúc khích. Tôi từng muốn bỏ học vì xấu hổ
nhưng thầy luôn ở đó, ấm áp và tận tình chỉ dạy cho tôi.
Tôi quen trường quen lớp, hòa nhập với bạn bè. Nét chữ thầy uốn đã
thẳng hàng, những câu thơ vang lên trong lồng ngực. Ngồi sau xe thầy suốt dọc
đường trở về nhà tôi hồn nhiên đọc to: “Trường em ngói mới đỏ hồng/ Mọc lên
tươi thắm giữa đồng lúa xanh/ Gió về đồng lúa reo quanh/ Vẫy chào những bước
chân nhanh tới trường” (*).
Thầy gò lưng đạp xe đèo tôi qua những con dốc ngoằn ngoèo. Hoa sim
nở tím hai bên đường, những chú chim sâu lích chích luồn trong từng bụi cây rậm
rạp. Có khi ngồi sau xe thầy, tôi còn với tay hái được nắm mua rừng ăn đen sì
miệng.
Buổi chiều tôi cùng thầy ra đồng làm ruộng, xuống mương tát tép. Hai
thầy trò hôm nào cũng lấm lem bùn đất nhưng tràn ngập tiếng cười. Con cua dưới
đồng, con cá dưới sông, những bông lúa cỗi cằn đều mặn giọt mồ hôi. Thầy nhận
nuôi tôi là gánh trên vai mình thêm sức nặng. Mẹ thầy đau bệnh suốt, cứ vài
tuần thầy lại đi một chuyến thật xa cắt thuốc nam.
Tôi biết có lúc thầy phải đi vay tiền nhưng sách vở cho tôi thầy
luôn mua đủ. Tôi là đứa trẻ từng sống một cuộc đời bụi bặm từ khi mất mẹ. Đến
với vòng tay của thầy được gột rửa bằng từng ý nghĩ tươi trong. Thầy dạy tôi
bài học làm người nhẹ nhàng mà thấm thía. Tôi như cái cây được uốn thẳng cứ thế
mọc những chồi non lộc biếc.
Thầy đi đến đâu người ta cũng trêu “không lấy vợ mà có con lớn thế”.
Thầy cười…
- Cuộc sống con thế nào? Tụi nhỏ có ngoan không?
- Các cháu ngoan thầy ạ. Con đi công tác suốt chỉ thỉnh thoảng mới
về.
Tôi ngó lên trời, trăng chìm trong màn sương mờ ảo. Hệt như mấy chục
năm về trước, cũng vào khoảng thời gian này tôi hay nhìn lên ngọn cau tìm kiếm
một vầng trăng. Những lúc ấy tôi thường nhớ mẹ, quay mặt vào tường khóc vụng.
Ngoài vườn tiếng dế gọi bạn râm ran, con cóc tặc lưỡi gọi mưa nhưng
trời không thấu. Mùa hạn còn kéo dài nên trong xoong nồi phần sắn ngô bao giờ
cũng nhiều hơn cơm trắng. Thầy trò tôi ban đêm đi soi cua dưới ruộng, bắt cóc
trong vườn bán lấy tiền thêm thắt. Nửa đêm trời mưa sấm chớp, sau khi dỗ tôi
nằm ngủ thầy đeo đèn pin đi soi ếch giữa đồng. Bóng thầy lẫn trong màn mưa
trắng xóa, tôi co mình trước những tia chớp sắc lẹm vừa chém vào khoảng không
trước mặt.
Sáng hôm sau trước lúc đến trường, thầy ghé qua chợ bán vài cân ếch,
phần của tôi là chiếc bánh rán bọc đường. Tôi ngồi sau yên xe bùi ngùi thương
thầy đêm qua thức trắng. Vậy mà trên bục giảng tiếng thầy đọc thơ vẫn trầm ấm
biết chừng nào…
- Sao thầy và cô không về chung một nhà, lúc trái gió trở trời còn
chăm sóc lẫn nhau?
- Khi đã yêu thương một ai đó quá lâu thì lúc nào cũng có cảm giác
đang được ở gần nhau, đâu cần phải sớm tối một nhà.
- Tình yêu của cô và thầy thật đáng để ngưỡng mộ.
- Tình yêu nào cũng đáng để ngưỡng mộ, chỉ có điều chúng ta có nhìn
ra và trân trọng hay không.
Tôi nhấp một ngụm trà, không rõ là vị ngọt hay đắng trên đầu lưỡi.
Ngồi ở hiên nhà có thể nghe thấy tiếng sương rơi xuống đất. Ngôi nhà này tuy đã
được xây lại nhưng tôi vẫn tìm thấy những điều thân thuộc cũ. Thềm giếng xanh
rêu, nơi mẹ thầy hay ngồi nhặt tôm tép mà chúng tôi mang về từ đồng ruộng.
Thầy múc từng gáo nước trong vắt dội lên tấm lưng bám đầy bùn đất
của tôi. Có khi thầy còn phát hiện ra con đỉa trâu đã ăn no máu còn bám ở cạp
quần, đen nhánh. Tôi có lần từng tin vào cổ tích nên lén giấu thầy thả vài con
cá bống xuống giếng khơi. Không có cô Tấm nào hiện ra, cá vài hôm chết thối.
Làm khổ thầy phải thả dây xuống nạo vét giếng để còn lấy nước ăn.
Một buổi sáng năm tôi mười sáu tuổi, bố bất ngờ trở về tìm lại vợ
con. Mẹ chỉ còn là nấm mồ xanh cỏ, còn tôi đã cao như cây sào, biết ngẩn ngơ
trước một mái tóc dài, một nụ cười dễ mến. Tôi đã quen với cuộc sống có thầy
nhưng cuối cùng vẫn đi theo bố. Thầy nói “cây có cội, suối có nguồn. Máu mủ tìm
thấy nhau phải bện vào bền chặt”. Tôi xuống thành phố sống một cuộc đời mới
nhưng đêm nào cũng đau đáu nhớ quê và nhớ đến thầy. Hằng năm, tôi về thăm thầy
vào ngày giỗ mẹ.
Mỗi năm làng quê mỗi đổi thay nhờ chương trình xây dựng nông thôn
mới. Những con đường đất xưa kia giờ đều đã được bê tông hóa. Trên cổng làng to
đẹp, cờ Tổ quốc tung bay trong cái gió heo may khiến lòng người con xa quê bùi
ngùi, khấp khởi. Dưới đồng, máy móc chạy bình bịch để giải phóng sức lao động
của bà con nông dân. Thấp thoáng những ngôi nhà văn hóa của từng khu hiện ra
khang trang trong màu sơn mới.
Tiếng cười rộn vang từ đồng lúa đến sân bóng chuyền, bóng đá. Lũ trẻ
hẹn nhau ăn cơm, học bài nhanh còn theo mẹ đi tập thể dục ngoài sân nhà văn
hóa. Tiếng loa làng vang lên những bài ca quê hương, đất nước khiến buổi chiều
quê thêm rộn ràng khắp làng trên, xóm dưới.
Ngôi trường năm xưa đã được xây mới khang trang, to đẹp. Lúc đi qua
trường làng, tôi thích được đứng nghe tiếng trẻ học đánh vần. Có khi tôi còn
nghe thấy tiếng chính mình khi còn là một cậu bé tinh nghịch ham chơi. Gió xôn
xao trên những tán cây, lòng tôi hệt như buổi chiều ký ức.
Sau này khi thầy rời bục giảng, mỗi khi tôi trở về đi qua trường đều
thấy lòng hụt hẫng. Có lần tôi thấy mình vừa chạy vụt qua cổng trường. Tôi định
cất tiếng gọi thì nhận ra chỉ là ảo ảnh. Chắc tại tôi đã quá nặng lòng.
- Con hay nghĩ về những năm tháng được sống cùng thầy dưới mái nhà
này. Có lúc nhớ trong mơ. Lại có lúc đang thức mà những hình ảnh cũ cứ hiện ra
ngay trước mắt.
- Thầy chắc là cuộc sống của con đang quá ít niềm vui. Con giữ quá
nhiều thứ trong lòng. Nên trút bớt ra cho nhẹ nhõm. Con cứ tìm về con trẻ.
Chúng như suối nguồn yêu thương trong lành vậy. Đừng bao giờ quên con còn tụi
nhỏ. Đừng để chúng phải trải qua những cảm giác mà con đã từng…
- Dạ thầy.
Chúng tôi ngồi cho đến khi trà pha đã nhạt. Bốn bề hàng xóm đã tắt
dần bóng đèn đi ngủ. Vài tiếng vạc ăn đêm vọng lại từ đồng. Thầy giục tôi vào
nhà ngủ sớm không mệt. Nhưng tôi vẫn muốn ngồi thêm để nghe những âm thanh quen
thuộc của quê nhà. Dù quê hương có đổi thay nhiều thì hương cau vẫn thơm ngát
thế thôi và lũ dế mèn vẫn rỉ ri bài ca gọi bạn.
Tôi ngồi cho đến khi con gà trống phành phạch vẫy cánh vươn cổ gáy
báo canh thì đứng dậy vào phòng. Tôi nằm bên thầy như những ngày thơ bé nghe
từng nhịp bình yên thở đều trong lồng ngực.
Truyện ngắn của
VŨ THỊ HUYỀN
TRANG
(*) Bài thơ “Trường em” của Nguyễn Bùi Vợi