Trước đây, Vy chưa cưới, có người bảo cưới nhau, vợ chồng chịu
đựng được nhau ba năm thì sẽ chịu đựng được suốt đời. Vy và Hải đã chịu đựng
hơn thế. Hai người có với nhau hai mặt con, đứa lớn đã mười bốn tuổi. Vậy mà tự
dưng thấy chán...
Nhiều lúc Vy nghĩ, chẳng biết bao nhiêu khuôn mặt ngoài kia, họ
có giống mình. Có phải thi thoảng một đêm mòn mỏi ở nhà chờ chồng, sau khi đã
nấu cơm chán chê không thấy về ăn, chỉ đêm khuya mới tha cái thân sặc mùi rượu
về. Họ có nhận được sự cục cằn, cáu bẳn của chồng mỗi khi không thuận lợi trong
công việc, hay phải đối mặt với những khoản nợ khó đòi của công ty? Họ có còn
lãng mạn, cuối tuần rủ nhau đi cà phê, mua sắm, hoặc cả gia đình đổi gió, rủ
nhau đi ăn tiệm. Hay họ cũng lâm vào những bi kịch chán chường, hai vợ chồng
chia ra mỗi người một thế giới, ai làm việc người nấy, chỉ trách nhiệm với nhau
và với con?
Ở phương trời nào, con người cũng đều có nỗi lo khác nhau. Vy
mang máng đã đọc được câu này ở đâu đó, của một nhà triết học mà nhất thời cô
không nhớ ra. Nhưng nó cho phép cô nghĩ về một điều, rằng ai cũng có nỗi khổ
riêng. Và người phụ nữ có trách nhiệm với gia đình, lúc nào cũng phải như con
cò đập cánh bay đi kiếm ăn. Thôi thì, cô tự an ủi mình, để bản thân căng lên,
gồng lên mà sống. Vậy mà, đôi khi cô thở hắt và thấy mệt mỏi. Nhất là nhiều
lúc, cô cứ nói một tiếng là Hải thấy cáu, hoặc chồng nhắc đến câu thứ hai của
một vấn đề gì đó là cô thấy ngán đến tận cổ. Mấy hôm trước, chồng muốn cầm sổ
đỏ đi vay tiền ngân hàng để đầu tư. Vy nhảy dựng lên như lò xo mà lúc nghĩ lại,
cô thấy mình tai quái. Rồi chuyện có nên cho con thi vào trường điểm không, có
hướng ra nước ngoài học không. Nếu theo hướng đó thì cần chiến lược lâu dài như
thế nào. Hai người không tìm được tiếng nói chung, và không còn những sẻ chia
tâm sự ngọt ngào như ngày nào. Cô cũng không nhớ điều này đã xảy ra bao lâu,
hình như năm rưỡi, à mà hình như lâu hơn. Cô thấy hẫng hụt và cô đơn.
Đang miên man buồn nghĩ xa xăm thì chồng về, lảo đảo lên tầng
đóng cửa rầm rầm. Đã mười hai giờ khuya mới chịu mò về trong cơn say xỉn, thật
hết chịu nổi. Vy đắm mình vào đọc mấy cuốn tiểu thuyết tình cảm, vừa để đợi mở
cửa cho chồng, vừa để tìm chút ít sự đồng cảm. Cô chạy lên xem chồng có cần gì
không. Anh ta nằm kềnh ra giường, không cần tháo giầy, mùi nồng nặc.
- Em pha cho anh cốc nước chanh giải rượu nhé.
- Không cần - Hải khục khặc - em đi ngủ trước đi, khỏi phiền.
- Nhưng em không an tâm, anh mà…
- Đã bảo không cần. Không sao đâu. Ngủ đi.
Vy quay ra, lòng dạ rối bời. Cô thấy tim mình như bị muối ướp.
Hải không cần mình. Chẳng giống như xưa kia. Một cử chỉ của cô cũng khiến anh
ấy rất vui. Nay sinh đâu ra cái thói…? Hay là giận vì không đồng ý cho cầm sổ
đỏ đi vay tiền? Mặc. Động đến gì chứ đừng động đến nhà, chẳng an toàn. Mấy mẹ
con rất dễ ra đường nếu công việc làm ăn không thuận lợi.
Hải nằm một phòng. Nửa đêm đạp đổ tan chiếc bình hoa. Vy giật
mình chạy sang, thấy thế quát toáng. Hải hét:
- Xót cái bình chứ không xót thằng này à?
Vậy là lại cãi nhau toé khói. Vy bỏ về phòng ôm một cục tức to
tướng.
***
Sáng sau, lo cho con xong, Vy một mình bỏ đến quán cà phê quen
thuộc. Đây là quán có kèm ăn uống vài món nhẹ, trong đó có món gà chiên. Mà gà
ta chứ tiệt không có gà nuôi công nghiệp hay gà Tàu. Cả hai nghiện món này, do
đích thân chủ quán làm. Chủ quán quá quen thuộc nên thành ra thân thiết. Hai vợ
chồng chủ quán cà phê và vợ chồng Vy. Nhiều lần gặp nhau tâm sự chia sẻ, trong
đó vài lần rủ nhau đi hát karaoke, và có du lịch với nhau một chuyến. Tiểu Thuý
- chủ quán - hỏi Vy:
- Anh ấy đâu mà đi một mình? Trời ơi mắt đỏ thế kia, hai vợ
chồng cãi nhau à?
Không đợi Vy trả lời, Tiểu Thuý đoán ra điều đó. Cũng là người
vợ, Thuý hiểu tâm trạng của Vy.
- Vợ chồng có lúc này lúc khác. Trước đây hai người đến đây đều
có cặp có đôi. Vậy mà hơn năm nay trục trặc, đến giờ vẫn không giải quyết ổn
được. Chẳng lẽ không còn cách nào chăng?
Tâm sự với nhau, Tiểu Thuý biết Vy còn yêu chồng. Chỉ có sự tủi
thân với lòng tự ái đã khiến cô nàng không nghĩ được điều gì sáng suốt. Nếu còn
yêu nhau thì sẽ có cách để tìm ra tiếng nói chung, chứ làm sao đến nỗi đổ vỡ
nghiêm trọng anh đi đường anh, tôi đi đường tôi. Chiều ấy, Tiểu Thuý lại thấy
một mình Hải đến quán gọi cà phê đen. Bộ dạng anh ta bải hoải, đầu óc phạc phờ
lắm. Thuý hỏi tại sao chỉ đến một mình, vợ đâu thì Hải nói tránh, rằng vợ bận.
Một mình ngồi xa xăm buồn. Chắc là đang có tâm sự. Tiểu Thuý
nháy chồng mình ra nói chuyện với Hải để dò la tình hình thế nào. Quân là người
tâm lý, ăn nói hoạt bát và thông minh, không khó nhận ra tâm trạng Hải.
- Hải à, ông để đâu phong độ rồi? Buồn bã nhìn phố thế, không
khéo ông định làm thi sĩ?
- Không đùa đâu - Hải chùng giọng - cuộc sống đâu phải lúc nào
cũng có nụ cười. Thi sĩ thế quái nào được, lòng tôi khô như ngói.
Sau khi Hải uống hết ly cà phê, ra về, Tiểu Thuý nói với Quân:
- Họ có vẻ tội nghiệp nhỉ. Em tưởng chỉ hai đứa mình mới trục
trặc. Nhưng mình đã có cách khắc phục. Còn bọn họ, em thấy dáng vẻ đấy là có
nhiều bức xúc dồn nén lắm.
- Thì mình giúp gì được đâu! - Quân nói.
Tiểu Thuý cười híp mí, nhìn chồng, ra vẻ nói anh có khả năng
giúp. Quân không hiểu ý, hỏi lại. Thuý bảo:
- Vợ chồng ta sẽ giúp được đấy. Phải thử. Anh và món gà chiên.
Hai người này nghiện món đó. Em dò rồi, từ ngày không tìm được quan điểm chung,
vợ chồng Vy - Hải đi chỗ khác ăn, và không phải ăn với nhau đâu mà với người
khác. Chúng ta sẽ dùng món gà chiên để giúp họ. Quân hiểu ra, choài hai tay ôm
chặt lấy vợ.
***
Kế hoạch đã được lập ra rất kỹ. Quán có ba tầng. Quân bảo Tiểu
Thuý, hôm đó sẽ tế nhị để trống hai tầng trên, nói khách thông cảm ngồi ở dưới.
Sẽ gọi điện nói với cả hai, vào ngày 30 tới kỷ niệm sáu năm ngày thành lập quán
cà phê Mùa cũ, mời cả hai vợ chồng đến nhưng để mỗi người ngồi một tầng. Khi
đó, Quân sẽ phụ trách nói chuyện với Hải, còn Tiểu Thuý nói chuyện với Vy. Mọi
chuyện phải thật hoàn hảo, không để Hải và Vy phát hiện ra.
Việc bố trí tầng suôn sẻ. Hải đến trước, Quân dẫn lên tầng ba bố
trí sẵn rượu, với chiếc tivi phát lại trận bóng đêm trước mà Hải khá thích.
Quân vờ khiêu khích:
- Tôi biết ông đang chán vợ. Thế này ông ạ, đàn ông có bản lĩnh,
nghĩ được là làm được. Hôm nay tôi mời ông tới đây để dự lễ, thực chất là đến
tối cơ, nhưng cứ bảo ông buổi chiều để tôi và ông nói chuyện. Tôi cũng như ông
thôi, thật ra cuộc sống cũng chẳng vui vẻ gì. Và mỗi người có cách để làm mình
vui.
Hai người đàn ông với nhau, Hải dễ mủi lòng. Uống được vài chén,
lòng Hải bải hoải. Anh nói thật với Quân là hai vợ chồng đang trục trặc. Những
chuyện cỏn con, chẳng đâu ra đâu mà đẩy nhau ra xa quá, lại còn sống ly thân
nữa.
Quân nói:
- Tôi hiểu. Vậy nên hôm nay tôi đã chuẩn bị mấy món, một món có
tên là Thương em, món kia có tên là Thông cảm.
Nói xong anh bảo nhân viên bưng ra. Thấy toàn món mình đã từng
ăn, chỉ khác là trang trí cầu kỳ hơn. Hải hỏi:
- Mọi lần có thấy ông gọi những cái tên oách thế đâu. Sao hôm nay…?
- Lâu ông không ăn thôi. Tôi đã nghĩ ra cách đặt tên cho món ăn.
Món ăn ngon đã quan trọng, cái tên của nó cũng quan trọng không kém. Vừa rồi đi
nước ngoài, tôi học được chân lý đó.
Ở tầng dưới, Vy đến sau, Tiểu Thuý cũng làm tương tự như Quân
làm. Thuý cũng bưng ra món Thương anh và Thông cảm. Lại còn mang sớm cả món
Nhẫn nhịn nữa. Vy thắc mắc tại sao món ăn bây giờ được đặt tên mỹ miều thế, dù
vẫn chỉ là gà, chế biến theo cách cũ. Thuý bảo bạn: “Món ngon không chỉ ở chất
lượng mà còn ở cái tên. Nhiều khách đến ăn chỉ vì mê cái tên của nó”.
***
Tầng trên, Hải ăn món Nhớ em, món Thông cảm rồi bỗng thấy hương
vị xưa ùa về. Anh nhớ mình đã từng ăn không biết bao nhiêu lần món này cùng vợ,
ở tại đây. Mỗi bữa, họ đều nhận thấy sự đầm ấm ngọt ngào. Vậy mà giờ đây… Anh
nghẹn ngào, nước trào ra từ khoé mắt.
Vy cũng vậy, hình ảnh chồng mình cười tươi, cắn cái đùi gà thơm
ngậy ùa về và thấy cuộc sống lúc đó sao mà ngọt ngào. Cô bỗng thấy nhớ những kỷ
niệm đó và tự dưng thấy thương chồng cùng nỗi vất vả anh đang phải chịu. Cô ứa
nước mắt.
- Vậy là Vy còn yêu anh Hải, nên giờ nhớ đến những ngày hai
người ăn cùng nhau?
- Quên sao được. Mình ước gì đừng xảy ra chuyện gì cả. Mình muốn
được như xưa - Vy nói - bọn mình từng rất hạnh phúc. Ngày đó xa rồi, giờ nhìn thấy
nhau đã chán ngán.
- Được rồi - Thuý bảo - tớ sẽ đãi cậu một món đặc biệt.
Ở tầng ba, Quân cụng ly liên tục với Hải. Nước mắt Hải chan cả
vào rượu. Anh bỗng thấy thương người vợ tảo tần, giờ đang ở nhà chờ đợi. Anh
định sẽ uống say, rồi về nhà thổ lộ hết tất cả, đồng thời xin lỗi vợ.
Quân khích tiếp:
- Vậy là vợ vẫn quan trọng đúng không?
Hải khẳng định:
- Không ai quan trọng với người đàn ông bằng vợ. Tôi ước gì mình
và vợ được như xưa.
- Được rồi, tôi sẽ đãi ông món đặc biệt. Ông đi theo tôi.
Hải đi theo Quân xuống tầng dưới. Ở tầng dưới, chỉ có Vy và Tiểu
Thuý đang ngồi. Hải nhìn Vy, Vy nhìn Hải. Bốn mắt rưng rưng. Quân nói: “Đây là
món đặc biệt, món Không thể xa nhau, hai vợ chồng tôi làm để dành tặng hai
người”.
Hải và Vy tiến lại gần. Hai người ôm nhau thật chặt. Họ xin lỗi
và khóc bên nhau. Chắc chắn, họ sẽ nhớ món đặc biệt này - “Không thể xa nhau”
mà vợ chồng chủ quán cà phê dành tặng.
Nguyễn Văn Học