Gỡ cuộn băng nhạc quấn cứng ngắc ra khỏi trục máy, ông buộc phải
cắt bỏ cả đoạn băng dài hơn mắt tay. Không biết mất khúc nào của bả, “ngày xưa
nàng vẫn yêu mầu tím” hay “ngày xưa ai lá ngọc cành vàng”. Ông lẩm bẩm lúc ngồi
dán băng keo cho đoạn nhạc bị đứt, tủm tỉm cười mấy cha nhạc sĩ sao giống y
chang mình với bà ấy bây giờ, mở miệng toàn nhắc ngày xưa.
Ai kêu ngày xưa toàn đẹp đẽ đáng nhớ. Như tối qua. Bà nhắc lại
chuyện lần đầu gặp ông trong cửa hàng mậu dịch. Bộ đội đi K về gì mà hiền như
cục bột. Mấy chị chung quầy với bà ghẹo cỡ nào cũng im re, mặt đỏ rân lên, ngó
bộ chắc nóng hơn cả ly cà-phê đang uống.
“Biết hồi xưa ông giả bộ nhát gái, tui đâu có mắc lừa!”.
Giữa chừng câu chuyện, bà cười khúc khích. Ngày xưa thần kỳ
thật. Người nằm cạnh ông thoắt cái trở lại thành một cô gái trẻ.
Cô gái ngày đó khiến ông tốn cho cửa hàng mậu dịch không biết
bao nhiêu ly cà-phê khét lẹt mùi bột bắp rang cháy. Người tròn lẳn, tóc dài
mướt rượt, mi dày rợp. Cà-phê cô bưng khét cỡ nào chạm đầu lưỡi anh khách vẫn
lìm lịm ngọt. Lần đầu tiên nàng chịu cho anh chở về, run quá, con đường đê quen
đi nhưng vòng xe anh toàn ngắc ngứ, loạng choạng. Sau lưng, tưởng nàng sợ xanh
mặt, ai dè lại bật cười. Khúc kha khúc khích lùa vào lòng anh, mát hơn cả gió
tuôn lên từ mặt sông.
“Bởi. Đương không đem bản mặt khờ khờ đi dụ khị tui. Để tui bị
bà trưởng cửa hàng hành lên bờ xuống ruộng”. Bà biến nụ cười thành cái liếc
mắt, vẫn nguyên si sắc lẻm tựa dao cau. Ông chợt thấy trước mặt anh bộ đội của
hơn ba chục năm trước, tay bối rối hết gãi gãi mặt sang vò đầu.
Bà từng nói thích nhìn ông nhất khi lúng túng. Rối rắm làm ông
dễ thương như một đứa trẻ… Bà không biết đấy là trạng thái ông ghét nhất. Phần
lớn những lần vướng nó, ông đều để bà đương đầu với khó khăn một mình. Như dạo
ấy, chuyện bà cửa hàng trưởng đổi thái độ, chèn ép ra mặt vì đứa gái nhà nghèo
dám cả gan từ chối “chức” con dâu. Ông biết. Nhưng làm được gì hơn ngoài ngồi
lặng bên bà, thấy mình ác độc với những giọt nước mắt ấm ức ứa ra.
Đáng lý, ông nên vui. Cô gái ông thương rốt cuộc vẫn không chọn
anh kỹ sư giỏi giang con trưởng cửa hàng. Tay phi công si tình đòi về bắc dắt
mẹ vô cưới ngay, nàng cũng lắc đầu. Hai đối thủ nặng ký bị ra rìa. Câu “làm vợ
anh nghen” nên chớp cơ hội nói ngay. Nhưng trở trăn, nghĩ ngợi. Cuối cùng, ông
đành ém xuống. Buồn không trôi được, vướng ngang cổ họng như xương cá. Hùa cùng
cảnh nghèo, buồn nhói lên, làm ông đau.
Chính bà đã tự tay vuốt trôi tất cả cho ông. Ông vẫn nhớ y bữa
ấy. Đang gò lưng đạp xe, bất ngờ ông nghe tiếng bà dứt dạc ngang tiếng gió.
“Mai tui nghỉ cửa hàng luôn rồi. Sau này... anh nhắm nuôi nổi
tôi không?”.
Gió phần phật gió. Bụi mù mịt bụi. Bờ đê người ta đang đổ cao
thêm lổn nhổn đá sỏi. Nhưng bàn chân ông trên pê-đan hệt được tiêm cho liều
tăng lực cực mạnh, cứ liên tục dấn tới. Trước mắt ông, chỉ có những cánh điệp
tỏa bung từ hàng cây ngang chân đê xoay tít theo gió rồi đổ xuống. Bọc lấy hai
người có hẳn một cơn mưa vàng rực.
Ngày ông cưới bà, đám rước dâu cũng đi dưới mưa hoa điệp. Cô dâu
thẹn thùng đi bên ông, áo dài cưới rộng thình tố cáo đồ đi mượn, bàn tay đeo
găng trắng nép trong lòng tay ông giấu mấy lỗ ren thủng. Cánh điệp rắc vàng tà
áo đỏ. Nụ cười bà rắc ấm áp đầy lòng. Nhưng sâu thẳm đâu đó, ông vẫn nghe ngực
trái mình nặng trĩu, xa xót. Giá ông có thể cho người con gái ông thương một
đám cưới đủ đầy, tươm tất hơn.
“Hồi đó tui dại. Mê ông chi. Cưới về ở cái nhà... nội chuyện
xách thau hứng mưa dột cũng muốn khùng!”.
Tới đoạn này thì bà hơi càu nhàu. Đúng quá chớ. Mái nhà đó giờ
nhớ lại chính ông còn thấy thảm não. Tổ ấm đầu tiên của hai vợ chồng ông đấy!
Tiền xuất ngũ cộng dành dụm chỉ đủ mua được miếng đất rẫy. Ông
không còn cách nào khác, đành trưng dụng luôn căn chòi cũ của chủ đất trước.
Chòi lợp lá buông, cô dâu mới về ngay mùa bấc. Đêm, nào lá mục nào nước mưa dột
rượt cặp đôi mới cưới chạy đúng một vòng nhà, khỏi ngủ.
Theo phong trào cây trồng bấy giờ, ông bắt đầu vụ rẫy đầu tiên
trong đời mình bằng cây ngò. Bàn tay mấy năm cầm súng chuyển sang cầm cuốc dè
đâu cũng lóng ngóng ngang bàn tay trắng trẻo trong quầy mậu dịch. May nhờ đất
mới, tiết tốt, trời thương, ngò cây nào cây nấy lên xanh rợp, bông đổ trắng
muốt.
Mùa bông ngò, đêm hai vợ chồng không đóng cửa sổ giường. Sáng
sớm mở mắt, ôm nhau nhìn ra khoảng chi chít trắng, lại thấy mình nằm giữa lòng
thuyền, lửng lơ trôi giữa đảo mù sương.
Hương tinh mơ, hương đất luồn vào cửa sổ cùng mùi ngò thơm. Mệt
nhọc, vất vả nghe hương thơm tan đâu mất cả. Cặp vợ chồng trẻ được trả lại cảm
giác lâng lâng, hạnh phúc.
“Đâu được mỗi mùa đầu. Ráng trồng tiếp chi cái cây khổ thôi rồi.
Còi cọc, sâu sia. Mướn không ra công cắt, công gánh. Có bữa ráng thức đến nửa
đêm để đập cho xong bao hột giống, sáng ra mới hay nằm đè xì ruột mấy con sâu
bằng cả lóng tay không biết đeo lúc nào sau áo. Vừa sợ vừa gớm muốn xỉu”. Bà
rùn người, chặc lưỡi. Điệu bộ vừa kể lể vừa hờn mát.
Ông lại nhìn thấy cô vợ trẻ sợ sâu mặt hờn ngồi giặt cái áo be
bét nhựa sâu chết bên giếng bơm. Đang băn khoăn không hiểu liệu vợ hờn ông, hờn
cảnh nghèo hay hờn chọn lựa ngày nào. Nhưng chạm vào ánh mắt bên giếng nước,
ông biết mình lo hão. Vợ ông, nàng chỉ hờn mỗi con sâu.
Mấy mùa ngò bể liên tiếp. Để nuôi tiếp giấc mơ cây ngò cho ông,
bà xoay qua buôn bán. Vợ ra chợ được hai tháng, kệ vợ cản, ông vẫn bán hết mấy
bao hột ngò trữ trong kho, sắm bằng được chiếc ba gác. Xe mua về mang tiếng
dùng chở mướn kiếm thêm thế thôi. Kỳ thực, vẫn là để sớm mai ông kè kè hộ tống
bà cùng mấy thúng bún ra khỏi nhà.
Bạn nhậu chòm rẫy sần sần vô vài ba ly hay ghẹo ông sợ vợ. Đàn
bà ngồi chợ lại xầm xì đoán ông tốt tánh ghen. Mỗi bà, một bữa tưởng ông ngủ
mê, dịu dàng chạm lên mấy vết chai giữa lòng bàn tay ông, âu yếm thì thầm trong
bóng tối: “Cảm ơn mình thương em”.
Người duy nhất trên đời hiểu thấu, người chỉ vài cử chỉ yêu
thương cũng đủ làm ông cảm động đến cháy lòng. Người ấy, chỉ có thể là bà.
Con gái rồi con trai nối tiếp ra đời. Gánh nặng làm cha mẹ lại
bắt ông bà phải xoay liên tục, tay chân không lúc nào ngơi. Hết ngò sang nho,
táo, cỏ chăn nuôi. Đất cũng không nghỉ cùng ông, ròng rã quay đủ đời cây trồng.
Lúc rã rời, mệt mỏi nhất, đất nhìn lên đỏ mọng mầu nho chín, xanh bóng da táo
hay những bóng cừu no căng giỡn nhau giữa mướt mát cỏ. Còn ông, ông nhìn bà.
Người làm vợ ông gần nửa đời người vẫn chưa thôi mắc cỡ. Người một lời yêu
thương cũng chỉ dám nói lúc ông ngủ say. Biết tánh bà, nửa đêm tỉnh giấc dẫu
thấy vợ đang vuốt tóc mình, ông vẫn giả đò ngáy vang nhà. Ông thích nhất được
những ngón tay vợ luồn vào trong tóc. Mân mê, vỗ về. Lời ru từ ngón tay gợi ông
nhớ đến bàn tay mẹ. Rất nhanh, ông lại thiếp đi. Say sưa, sung sướng như cậu bé
con.
Chiều qua, ông cũng vừa lén vuốt tóc vợ. Đó là giữa buổi gội
đầu. Chắc nước cộng thêm gió sau hè mát quá nên bà thiu thỉu ngủ. Cố vòng tấm
khăn lau qua đầu bà thật êm, ông ráng không làm người đang ngủ giật mình. Trên
tay ông, giấc ngủ của cái đầu trọc không một sợi tóc vẫn rất thảnh thơi,
xinh đẹp.
Tay nặng trĩu, chân dần tê cứng, lưng ê ẩm, ông vẫn không dám
đổi tư thế ngồi. Đỡ đầu vợ trong lòng, ông nhìn mãi khoảng trống đã từng có một
mái tóc. Suối tóc ấy đen nhức, mỗi khi gội đầu xong bà đều xõa ra. Hễ đi ngang,
mắt mũi, ruột gan ông đều bị vướng hết vào vạt đen mướt rượt.
Ba bữa trước, bà đã bắt ông cạo đầu cho bà.
“Tóc còn mấy cọng đâu, đã vậy còn rụng miết, mắc công ngó tui
lại đau lòng”. Ông biết bà không nói thật. Là bà sợ ông phải thêm khâu giúp bà
gội đầu. Từ lúc không ngồi dậy được nữa, ăn cơm hay tắm rửa ông đều phải nhắc
bà. Hạn chế hết mức các nhu cầu. Nếu không cần phải thay tã, chắc bà cũng không
bao giờ tự gọi ông.
“Bà này lạ. Chồng mình còn ngại nhờ. Người đâu cứ thích khổ!”.
Lúc bà ráng với tay bật nhạc bị cái cassette rớt xém trúng mặt,
ông giận quá, hét rầm lên. Ba mươi mấy năm, đến phút gần chót này sao bà vẫn
chỉ nghĩ cho chồng?
Bên da đầu nhẵn thín, không còn dấu tóc, ông vuốt cho bà mái tóc
tưởng tượng. Vạt đen mềm mại khẽ đung đưa trong ký ức. Hương tóc vương mùi bồ
kết nấu vẫn phảng phất. Nhưng những ngón tay ông co quắp, khóc giữa thinh
không.
Khóc lén lút. Như bao lần mắt ông, lòng ông nức nở ngoài hành
lang bệnh viện, trong xó bếp, nơi tránh xa tai bà. Bác sĩ nói ung thư xương đã
di căn. Họ còn thẳng thắn tiên liệu thời gian. Hề gì đâu! Ông sẽ chứng tỏ cho
họ thấy: Chỉ cần có ông, thời gian hay thậm chí thần chết trước bà đều bất lực.
“Cassette sửa chưa xong nữa hả ông? Sáng giờ chưa có miếng nhạc
nào!”.
Có tiếng bà phàn nàn trong buồng. Phải chi được nghe bả cằn nhằn
hoài như vậy. Ông lại lẩm bẩm.
Nhanh tay quay lại vào vỏ băng đoạn nhạc dán băng keo, ông gắn
thẳng nó vào trục cassette, bấm nút. “Ngày xưa ai lá ngọc cành vàng...” nguyên
vẹn cất lên, vui vẻ báo tin chưa bị ông cắt trúng.
Nhẹ nhõm, đi theo “ngày xưa” ông vào bên giường, khẽ nắm lên bàn
tay xanh rớt.
“Gì đó! Ông này!”.
Bàn tay mỏng lét bọc trong lớp da lấm chấm đồi mồi cự ông, chắc
vừa đang phải chịu đau nhức, vừa mắc cỡ.
“Tui hỏi bà câu này...”.
“Sao?”.
Giọng bà vẫn cáu kỉnh. Nhưng mấy ngón tay ông nắm mềm đi trong
lòng tay ông.
“Bà có hối hận vì lấy tôi không?”.
Ông hỏi. Đúng câu anh chú rể ngày xưa từng muốn hỏi bàn tay phải
đeo chiếc găng ren cô dâu bị rách.
Người bệnh không trả lời. Lặng lẽ nhưng dứt khoát (lại hệt ngày
xưa) bà đan tay mình chặt hơn vào những kẽ tay ông.
Chiếc cassette cũ hộp băng dẫu không đậy được nữa vẫn say sưa
lời hát. Ngoài cửa sổ, cây điệp vàng ông và hai đứa con trồng đang rải tung
theo gió dòng mưa cánh hoa.
Chiều nay cuối tuần, thể nào tụi nó và đám cháu cũng về...
Nguyễn Thị Kim Hòa