Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) cho biết cuộc tập trận "Lá chắn Tự do Ulchi" được Mỹ và Hàn Quốc khởi động từ ngày 22-8 trong bối cảnh nâng cao khả năng phòng thủ trước mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng của Triều Tiên. Cuộc tập trận dự kiến kéo dài đến ngày 1-9 tới tại Hàn Quốc với sự tham gia của máy bay, tàu chiến, xe tăng và hàng chục ngàn quân nhân.
Trực thăng tham gia "Lá chắn Tự do Ulchi". Ảnh: Yonhap
Hàng chục ngàn quân nhân Mỹ và Hàn Quốc góp mặt tại "Lá chắn Tự do Ulchi" năm nay. Ảnh: Yonhap
Washington và Seoul mô tả các cuộc tập trận của họ chỉ nhằm mục đích phòng thủ nhưng Bình Nhưỡng cáo buộc chúng là "các cuộc diễn tập xâm lược", đồng thời lấy lý do này để biện minh cho việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa.
"Lá chắn Tự do Ulchi" diễn ra cùng lúc với chương trình đào tạo phòng thủ dân sự kéo dài 4 ngày của Hàn Quốc, được cho là bao gồm các bài tập mô phỏng tấn công chung, chi viện vũ khí và nhiên liệu cho tiền tuyến cũng như phá hủy vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Quân đội Hàn Quốc tập trận pháo binh với lực lượng Mỹ ở phía Bắc thủ đô Seoul trước thềm "Lá chắn Tự do Ulchi". Ảnh: Yonhap
Mỹ và Hàn Quốc sẽ thực hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV), phản ứng quân sự - dân sự chung đối với các cuộc tấn công tiềm tàng vào cảng biển, sân bay và cơ sở công nghiệp lớn như nhà máy bán dẫn.
Quân đội Hàn Quốc không tiết lộ số lượng quân nhân tham gia "Lá chắn Tự do Ulchi" nhưng mô tả đó là "thông điệp về sức mạnh". Tuần trước, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết cuộc tập trận này giúp “bình thường hóa” các hoạt động huấn luyện và diễn tập thực địa quy mô lớn giữa các đồng minh, qua đó củng cố liên minh và thế trận phòng thủ của Mỹ và Hàn Quốc trước mối đe dọa ngày càng tăng của Triều Tiên.
Các trực thăng Mỹ đậu tại căn cứ Humphreys ở Pyeongtaek, cách Seoul khoảng 70 km ngày 13-8. Ảnh: Yonhap
Quân đội Mỹ và Hàn Quốc tập trung tại Dongducheon, cách Seoul khoảng 40 km. Ảnh: Yonhap
Dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc, "Lá chắn Tự do Ulchi" sẽ bao gồm một loạt quy trình nhằm ứng phó khủng hoảng có thể xảy ra trước chiến tranh. Cuộc tập trận chia làm 2 giai đoan: giai đoạn 1 là đẩy lùi các cuộc tấn công và bảo vệ khu vực Seoul rộng lớn và giai đoạn 2 là các hoạt động phản công.
Trong những năm vừa qua, Washington và Seoul phải hủy bỏ một số cuộc tập trận thường xuyên và giảm số lượng các cuộc tập trận mô phỏng trên máy tính để tạo tiền đề đàm phán ngoại giao với Triều Tiên cũng như do lo ngại về dịch Covid-19.