Các cuộc biểu tình ở Iran đã kéo sang tuần thứ ba liên tiếp, theo kênh truyền hình Ả Rập Al Arabiya.
Ngày 2-10, biểu tình diễn ra ở thủ đô Tehran và nhiều thành phố lớn như Isfahan, Rasht, Shiraz. Theo hãng tin Reuters, biểu tình đã lan ra khắp 31 tỉnh của Iran.
Về thương vong, theo số liệu từ Tổ chức nhân quyền Iran (trụ sở ở NaUy) Reuters dẫn lại thì "đến lúc này đã 133 người chết" trong đó có hơn 40 người thiệt mạng trong các cuộc xung đột ở TP Zahedan thuộc tỉnh Baluchestan.
Theo số liệu của Nhóm nhân quyền Iran (IHR) thì ít nhất 92 người đã thiệt mạng. IHR cũng cho biết có thêm 41 người khác đã chết trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình với lực lượng an ninh tại khu vực đông nam Iran, giáp biên giới Afghanistan và Pakistan.
Trong khi đó, số liệu chính thức của chính phủ Iran vẫn là 41 người chết mà đài truyền hình nhà nước đưa tuần trước, trong đó có nhiều nạn nhân là cảnh sát. Truyền hình nhà nước Iran đưa tin cảnh sát đã bắt giữ số lượng lớn “kẻ bạo loạn”, nhưng không cho biết con số cụ thể.
Iran cáo buộc Mỹ và nhiều nước châu Âu kích động biểu tình nhằm gây bất ổn ở nhà nước Hồi giáo này. Ngày 2-10, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tuyên bố rằng "âm mưu" của các kẻ thù đã "thất bại", theo Al Arabiya.
Theo ông Raisi, trong thời điểm Iran đang nỗ lực vượt qua các vấn đề về kinh tế để đóng góp tích cực hơn trong khu vực và thế giới, các kẻ thù âm mưu cô lập, nhưng đã thất bại. Lãnh tụ tối cao Iran - ông Ayatollah Ali Khamenei chưa bình luận gì về các cuộc biểu tình trên toàn quốc.
Người biểu tình phản đối cái chết của Amini ở TP Zurich (Thụy Sĩ) ngày 1-10. Ảnh: EPA-EFE
Đây là đợt biểu tình lớn nhất tại Iran kể từ năm 2019 đến nay. Biểu tình bùng lên từ việc cô gái người Kurd tên Mahsa Amini (22 tuổi) chết vào ngày 16-9 sau khi bị cảnh sát đạo đức bắt giữ vì “trang phục không phù hợp”.
Biểu tình bắt đầu trong đám tang của Amini vào ngày 17-9 rồi nhanh chóng lan khắp 31 tỉnh của Iran.
Nhiều người dân ở Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đức, Mỹ, Úc, New Zealand ...cũng xuống đường ủng hộ làn sóng biểu tình ở Iran. Chỉ riêng trong ngày 1-10, các cuộc biểu tình phản đối cái chết của Amini đã diễn ra tại hơn 150 thành phố trên toàn thế giới, Reuters đưa tin.
Khôi Chương