Vào rạng sáng ngày 2/9/1666, một đám cháy bùng phát ở tiệm bánh của thợ làm bánh Thomas Farrinor trên đường Pudding Lane, thành phố London, Anh. Farrinor là thợ làm bánh của Vua Charles II. Sự kiện này mở đầu cho trận đại hỏa hoạn kinh hoàng càn quét thủ đô nước Anh.
Bởi lẽ, vụ cháy bắt nguồn từ cửa hàng của thợ làm bánh Farrinor nhanh chóng lan sang các ngôi nhà lân cận.
Vào thời điểm đó, nhiều ngôi nhà ở London được xây dựng từ gỗ oak. Một số gia đình còn phủ nhựa đường lên gỗ để tránh bị ngấm mưa. Tuy nhiên, chính việc này lại khiến các ngôi nhà dễ bắt lửa hơn nếu xảy ra cháy.
Tiếp đến, các đường phố ở London chật hẹp, nhà cửa san sát nhau và các phương tiện chữa cháy thô sơ khiến người dân London khó dập tắt ngay được đám cháy.
Thêm nữa, gió đông thổi mạnh khiến đám cháy ngày càng lan rộng và lửa cháy càng dữ dội hơn.
Dù người dân London nỗ lực dập tắt đám cháy nhưng không thể kiểm soát nhanh chóng. Phải tới ngày 6/9, vụ hỏa hoạn mới được khống chế.
Sau 4 ngày bị "bà hỏa" hoành hành, hơn 4/5 thành phố London bị thiêu rụi. Theo thống kê, khoảng 13.200 ngôi nhà, 87 nhà thờ... bị phá hủy.
Ước tính, khoảng 100.000 người mất nhà cửa trong trận đại hỏa hoạn nghiêm trọng này. Sau thảm kịch này, vua Charles II quyết định tái xây dựng thủ đô London.
Trong vài năm tiếp theo, các nhà thờ, trường học, nhà ở... được xây mới. Để phòng ngừa các vụ hỏa hoạn trong tương lai, người dân xây nhà mới chủ yếu sử dụng vật liệu gạch hoặc đá.
Khoa Công