Theo trang Newsweek, hiện tượng dải ánh sáng này được "kích hoạt" bởi một cơn bão Mặt Trời ập đến Trái Đất một cách bất ngờ. Còn Alan Dyer, một tác giả chuyên về thiên văn học thì giải thích rằng đây là một hiện tượng hiếm, gọi là STEVE (Strong Thermal Emission Velocity Enhancement - Sự tăng mạnh vận tốc phát xạ nhiệt). Nó xảy ra do sự kết hợp của nhiều yếu tố như nhiệt độ, độ cao (so với mặt biển)… Lần này, hiện tượng STEVE xuất hiện khi hiện tượng Bắc cực quang giảm.
Đẹp như một bức tranh. Ảnh: Alan Dyer.
Thực tế, hiện tượng STEVE cũng mới chỉ được đặt tên như vậy vào cuối năm 2016, bởi những người quan sát cực quang ở Alberta (Canada).
Rất nhiều netizen khen ngợi vẻ đẹp kỳ ảo của dải sáng trên bầu trời. Cũng có những người đặt câu hỏi rằng tại sao dải sáng này dường như chỉ xuất hiện ở Alberta. Về việc này, Alan đùa: “STEVE được “phát hiện” ra ở đây nên nó thích xuất hiện ở đây hơn ở bất kỳ nơi nào khác”.
Còn câu trả lời đúng là đất nước Canada vừa khéo nằm ở vĩ độ địa từ phù hợp để có thể chứng kiến rất nhiều hiện tượng kỳ ảo có thể được tạo ra do cực quang, trong số đó có hiện tượng STEVE.
Hiện tượng STEVE luôn trông rất kỳ ảo và đẹp mắt. Ảnh: Dave Markel.
Trước năm 2016, hiện tượng STEVE còn chưa được nghiên cứu và đến bây giờ các nhà khoa học cũng vẫn đang tìm hiểu thêm các chi tiết về nó. Hiện tại, người ta mới chỉ biết rằng STEVE không phải là hiện tượng cực quang bình thường, hoặc thậm chí có thể hoàn toàn không phải là cực quang.