Hôm nay thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024
Truyện ngắn – XÓM NGỤ CƯ (24/05/2023 10:19 AM)
Vũ Thị Huyền Trang

Tôi trở về quê cũ vài ba lần như chỉ để nhìn thấy những người thân đang sống bình yên rồi lại ra đi biền biệt.
 


Sân ga, đoàn tàu lại đón tôi nhưng không phải cùng với đống đồ khô và những lo toan nặng trĩu bán mua. Mà đoàn tàu đã đưa tôi đến chân trời của tuổi trẻ nhiều ước mơ, hoài bão. Những tháng năm xa quê, ký ức về xóm ngụ cư như ngọn đèn như than ấm ủ lòng tôi giữa cõi nhân gian…
 
Ngày nhỏ thỉnh thoảng tôi phải xa nhà vào những ngày cuối tuần đi theo đám thợ buôn xuống miền xuôi cất hàng về cho mẹ bán. Tôi là con gái cả trong gia đình thiếu bóng dáng người đàn ông, nên từ nhỏ đã tháo vát mọi việc. Mẹ vốn đau ốm liên miên không làm được việc nặng. Nhờ dân làng, hàng xóm cưu mang nên ba mẹ con cũng có mái nhà che mưa nắng và cái quán lá nhỏ nơi mẹ bán đủ thứ hàng khô. Thường thì dăm bữa nửa tháng tôi đi cất hàng một lần, mỗi lần đôi ba ngày vì không phải lúc nào nguồn hàng cũng sẵn. Nơi gia đình tôi ở là một xóm ngụ cư. Ước mơ lớn nhất của mẹ là mua lại mảnh đất nơi chôn rau cắt rốn đã phải bán đi trong cơn bạo bệnh của cha tôi.
 
Từ nhà đến chỗ lấy hàng cách nhau gần hai trăm cây số. Tàu chạy qua chín ga lớn nhỏ, qua nhiều cánh đồng hiu hắt, vài ba bãi tha ma lạnh lẽo. Tôi thường được đi chung vé tàu với mấy bác lớn tuổi, loại vé cho những người buôn bán, lao động rẻ hơn vé thường. Thế nên chỗ ngồi của chúng tôi thường là khoang nhỏ xíu nối giữa hai toa tàu. Ở đó tôi có thể thỏa thích ngồi bó gối nhìn ngắm những đôi mắt trẻ thơ ngước theo đoàn tàu. Nhìn ngắm những miền đất vừa lạ vừa quen mặc cơn gió lạnh hun hút những ngày đông và luồng khí nóng thốc vào những trưa tháng sáu làm đống hàng khô cá tép bốc mùi nồng khắp cả khoang. Chỉ cần nghĩ đến tiếng réo gọi sung sướng của út khi đứng chờ tôi từ phía xa để đón vài ba thanh kẹo lạc làm quà. Nghĩ đến ánh mắt hạnh phúc của mẹ mỗi lần đỡ từ tay tôi chuyến hàng nuôi sống cả nhà, nghĩ đến những cái ôm choàng của cô bác trong xóm ngụ cư là bao nhiêu mệt nhọc tiêu tan.
 
Mẹ quý các con như báu vật của mình, đấy là điều tôi cảm nhận được từ trong sâu thẳm lòng mẹ chứ không khi nào mẹ thể hiện ra. Mẹ ít mắng mỏ chúng tôi, nhưng bà cũng chẳng bao giờ nựng nịu như những bà mẹ khác. Chúng tôi không quen đối thoại với nhau bằng ngôn từ, cũng như tôi thường đọc suy nghĩ của mẹ qua từng hơi thở. Tôi ít khi thấy mẹ vui bằng hơi thở đều đều, thường là tiếng thở kìm nén như gấp khúc của những cơn đau dạ dày. Có nhiều đêm tiếng mẹ thở mỏng tang va vào bóng đêm vỡ vụn, là khi ấy tôi biết mẹ đang thương nhớ cố hương, hoài niệm về những điều xưa cũ. Đêm nào tôi cũng nằm canh hơi thở mẹ đến mệt nhoài, thiếp ngủ mê man lúc nào không biết. Lúc tỉnh dậy đã thấy mẹ ngồi ngoài hiên thở dốc sau hàng tá công việc mệt nhọc buổi sáng, trán mẹ lấm tấm mồ hôi.
 
*
* *
 
Trong xóm ngụ cư có một ông tên Bảy Ngư. Nhiều lúc tôi cứ thắc mắc tại sao giữa đất Bắc lại lạc đâu cái tên nghe đặc sệt miền trong như thế. Ông cười bảo đời người ba chìm bảy nổi lưu lạc khắp nơi, chẳng giữ được cái gì chỉ cái tên còn thoảng mùi đất mẹ. Chiều nào ông cũng ra bờ sông ngồi nhìn lục bình trôi, những khóm lục bình biêng biếc tím. Có bữa tôi hỏi:
- Ông ơi! Lục bình trôi về đâu hả ông?
- Trôi mãi…
- Trôi mãi thì cũng phải có lúc dừng lại chứ ông?
 
Ông không nhìn tôi, mắt vẫn biêng biếc một màu, tiếng thì thầm lẫn vào tiếng gió sông tanh nồng mùi phù sa:
- Rồi chúng cũng sẽ neo đậu, ngụ cư ở một bến bờ xa xôi nào đó.
 
Tôi nghe ông nói về mấy khóm lục bình mà tưởng như ông đang nói về đời ông, đời mấy mẹ con tôi và biết bao nhiêu người dân nghèo khổ nơi này. Ông Bảy Ngư sống một mình, không bao giờ thấy ông nhắc đến vợ con. Ông thương thằng út nhà tôi, chiều nào đi cất vó về cũng qua nhà quẳng cho út nhúm tôm càng tươi sống. Có nải chuối chín, chùm vải ngọt vườn nhà hay xâu muồm muỗm bắt dưới đồng vụ gặt ông đều dành cho út. Thay vì ra bờ sông nhìn mải miết theo dòng nước thì ông hay ngóng lên bờ đê chờ đợi dáng người nhỏ bé của út lẫn trong đám bạn lúc đi học về. Ông làm diều cho út thả, dạy út những trò chơi dân gian. Ông còn dạy út những bài học đầu đời về cuộc sống như cách một người cha vẫn dạy con mình. Tôi thèm được thấy dáng ông Bảy Ngư chạy liêu xiêu theo chiếc xe đạp những ngày đầu út mới tập đi. Xe lao dốc đê loằng ngoằng cũng là lúc ông lao theo giữ cho xe khỏi đổ. Nếu út có ngã, có hoảng sợ mà khóc thét lên thì cũng đã có ông ôm út vào lòng nựng nịu. Vài lần ông lôi út ra bụi tre đầu ngõ cắt đầu cua cho nó. Út ghét nhất việc cắt tóc, thế nên lần nào bị ông lôi đi nó cũng phụng phịu than:
- Sao ông không lôi chị Hiên ra mà cắt tóc lại cứ lôi cháu là sao?
 
Miệng thì ông cười bảo:
- Tóc bây rậm rịt trông như cái tổ quạ. Không lôi bay ra cắt thì có ngày lơ ngơ đứng ngoài sân bầy chim sẻ nó lại tưởng tổ của nó, nó lao vào đẻ thì sao.
 
Nhưng mắt ông buồn hiu hắt. Sau này hỏi ra mới biết ngày xưa ông cũng có một đứa con bằng tuổi thằng út bây giờ. Nhưng vào thời đói kém đầu những năm 80, ông đã để lạc con trong hành trình lưu lạc kiếm ăn. Từ đấy ông bỏ đi biệt xứ luôn, chốn nào cũng đi chỉ mong tìm lại được đứa con. Đi đến gần hết cuộc đời thì dừng lại ở xóm ngụ cư này, dựng tạm căn lều ngày qua ngày ra sông cất vó và đan lưới thuê. Nếu ai có hỏi “sao ông Bảy Ngư chọn lưu ở chốn này?” là thể nào ông cũng cười rưng rưng bảo “bởi tao thương thằng út quá”. Người không hiểu thì nghi ngờ bậy bạ, người hiểu thì thắc thỏm thương ông “người sao mà tội…”.
 
Từ trước khi gặp ông, tôi không nghĩ ở đời lại có thứ tình yêu không phải máu mủ ruột già mà lại bền chặt, sâu lắng, thiêng liêng và hồn nhiên đến thế. Ông yêu thằng út như cây xanh yêu đất, như bầu trời yêu tiếng chim, như con cá nhỏ quẫy mình sung sướng trong dòng nước. Người ta thường thấy ông mắng thằng út sa sả như nó là thằng con ruột của ông. Như thể ông phải có trách nhiệm bảo ban, dạy dỗ nó nên người. Như thế ngày nào nó cũng làm ông rầu ruột vì mấy trò nghịch ngợm. Mẹ nhìn ông Bảy Ngư chăm thằng út, bà không nói gì chỉ thở dài mong manh như khói…
 
Đến năm út mười bốn tuổi thì ông Bảy Ngư đột ngột qua đời. Ông ra đi rất nhẹ nhàng, tuồng như ông đang ngủ một giấc bình yên thanh thản ngoài bờ đê lộng gió. Thằng út không khóc, nghe ai trêu “út ơi, cha nuôi chết rồi giờ lấy ai húi đầu cua và bắt tôm cho mày rang nữa, buồn không?”, nó cười hờ hờ, cười xa lắc lơ, nhưng tôi đứng kế bên thấy tim nó đập nhanh từng hồi, nhịp thở như gấp khúc. Tôi biết là út rất đau. Những ngày sau đó út trở nên lầm lỳ, không thích giao tiếp với ai. Thi thoảng, chiều tối út lại ra bờ đê nằm úp mình xuống cỏ, lúc ngẩng dậy mắt ươn ướt sương đêm. Tôi không lần nào dám nhìn lâu vào đôi mắt út.
 
Mẹ có lẽ thương út rất nhiều nên thi thoảng tôi nhận thấy mẹ vỗ về út dịu dàng một cách ngượng ngùng và kỳ lạ. Bởi trước kia mẹ chưa bao giờ làm thế với chúng tôi, dường như bà đang cố học cách để thể hiện tình yêu thương với chính con mình. Mẹ bắt đầu biết ôm út vào lòng khi nó khóc. Mẹ che chắn út từ mọi phía tưởng như gió lùa ngực út thôi mẹ cũng buốt lòng. Mẹ canh chừng những lời lẽ của thiên hạ làm đau út. Mẹ học cách vừa làm mẹ, vừa làm cha để thay ông Bảy Ngư bao bọc út. Xóm ngụ cư buồn hơn vì thương một kiếp người gần hết cuộc đời như khóm bèo trôi dạt. Đến lúc níu được vào thương yêu để quên đi những mất mát đời mình thì cũng là khi hóa thành mây trời lãng đãng. Tôi thường chỉ út nhìn lên bầu trời sẽ thấy ông Bảy Ngư trong hình hài những đám mây bay. Tôi tin ông sẽ vẫn tiếp tục hành trình kiếm tìm yêu thương ở một thế giới khác và cũng sẽ luôn dõi theo từng bước chân của út…
 
Bốn năm sau tôi đỗ đại học, xuống thành phố nuôi ước mơ trở thành nhà báo. May mắn là tôi vốn tháo vát từ nhỏ nên xoay xở kiếm được việc làm thêm tự nuôi mình ăn học. Ở quê, mẹ dành dụm đủ tiền mua lại một mảnh đất nhỏ trên thổ đất của tổ tiên mà ngày xưa nghèo khó mẹ đã phải bán đi. Út lần chần mãi không muốn đi, chiều nào cũng ra sông khóc vụng. Tôi không biết có phải vì út tiếc thương một quãng đời thơ nhỏ ngụp lặn vui buồn dưới dòng sông khi lặng tờ khi cuốn xiết này. Hay là bởi út không muốn rời xa mảnh đất gắn liền với hình ảnh người cha hờ Bảy Ngư mà phần mộ vẫn nằm lại nơi đây…
 
Có lẽ chỉ có mẹ hiểu hết được nỗi buồn của út, vì tôi đọc được tiếng thở dài da diết và đắng đót trong lòng mẹ. Tôi trở về quê cũ vài ba lần như chỉ để nhìn thấy những người thân đang sống bình yên rồi lại ra đi biền biệt. Sân ga, đoàn tàu lại đón tôi nhưng không phải cùng với đống đồ khô và những lo toan nặng trĩu bán mua. Mà đoàn tàu đã đưa tôi đến chân trời của tuổi trẻ nhiều ước mơ, hoài bão. Những tháng năm xa quê, ký ức về xóm ngụ cư như ngọn đèn như than ấm ủ lòng tôi giữa cõi nhân gian…
 
Vũ Thị Huyền Trang
 
 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo