Hôm nay thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024
Truyện dài - TÌM CHỐN BÌNH YÊN (28/04/2022 04:26 AM)
Dương Hiệu Thư

Phần 05.
Trọng rửa xong chén.
 


Anh đi chợ, đánh thêm một chìa khóa, mua đồ lót chống trợt trong nhà tắm, mua một tủ y tế, thay bóng đèn ngoài sân, mua đồ để ngăn mùi tủ lạnh, mua máy đo huyết áp, máy đo nồng độ oxy trong máu, máy thử đường, các loại thuốc cảm kháng sinh bỏ trong tủ.
 
Anh làm chút thức ăn rồi dọn lên bàn cho ông Ba, ông liếc mắt nhìn qua rồi không đụng đến. Trọng cảm thấy hơi đau đầu, nếu ông không ăn uống như vậy, có khi nào anh đến đây giành nhà rồi làm đói chết chủ nhà không.
- Ba, ba không ăn đồ con nấu thì ba nấu, ba nấu rồi con dọn, còn cúng cho Phúc nữa! Bếp có con ba không vào, cơm con nấu thì ba không ăn, vậy sao cúng cơm cho Phúc được.
 
Ông Ba không nói gì, cầm đũa gắp một ít thức ăn để vào chén cơm trắng kế bên, xem như cúng cho Phúc, rồi bản thân mình bỏ qua chỗ khác ngồi uống trà. Trọng nhìn thấy nuốt cũng không nổi cơm, anh đi xuống nhà sau, dọn lại mớ chén bát, không biết là đi mượn hay là đồ nhà.
 
Cất bước ngại ngùng đi qua nhà ông Tư lần nữa, anh nhìn thấy bà Tư, nên lại gần hỏi:
- Bác gái, con muốn đem trả mớ đồ làm đám, nhưng con không biết cái nào là đồ nhà, cái nào đi mượn…
- Ổng không chỉ con hả?
 
Trọng cười méo xẹo, lắc đầu. Bà Tư thở dài, ngoắc lấy anh rồi đi qua nhà ông Ba, vừa đi vừa nói:
- Cha già đó, cái nết đánh chết không bỏ, con qua đây, bữa đó bác có qua phụ, nên bác biết.
 
Trọng đi theo bà vào nhà, bà Tư chia chén bát ra, nói cái nào mượn của ai, nhà người đó ở chỗ nào, xưng hô ra sao, anh ghi nhớ từng món một, rồi hỏi đến bàn ghế, bà Tư lại không biết, cái đó là ông Tư mà mấy thanh niên sắp xếp, bà chỉ phụ dưới bếp thôi.
Anh cám ơn bà rồi đem mớ chén bát đi trả trước, đến mỗi chỗ để cảm ơn, mọi người đều có vẻ ngạc nhiên và hỏi han nhiều.
 
Chẳng mấy chốc chuyện này sẽ đồn đi khắp xóm, anh biết chắc như vậy, việc đó có lợi có hại. Trọng chẳng sợ người ta nói gì mình, dù sao cả con đường trưởng thành của anh cũng mang không ít điều tiếng, nhưng chuyện ông Ba bị đem ra bàn trong lúc trả dư tửu hậu, thật sự là điều anh không mong muốn, chỉ là ít nhất, người ta biết ông có người chăm sóc, khi cần đến ông hay có việc gì liên quan đến ông, họ biết phải tìm ai.
 
Về đến nhà, thấy Nguyên ngồi bên trong, cô đang châm ấm trà, và thằng bé con cô ấy đang ăn cơm cùng với ông Ba. Thấy anh, cô dừng tay lại, mỉm cười, bất giác Trọng cũng cười với cô, một cách nhẹ nhõm. Bất tri bất giác nhận ra, lúc anh đến nơi này, mỗi lúc cảm thấy khó khăn đều có gia đình cô xuất hiện giúp đỡ, nếu không có họ, tối ngày hôm qua và cả bữa cơm này, anh cũng không biết làm sao giải quyết.
- Mẹ em nói bác Ba không ăn cơm anh nấu, ba em nói ông ấy cần cái thang leo xuống, nên em đem thang qua cho anh mượn.
- Sao mẹ em biết cơm anh nấu?
- Mẹ em nói bếp sạch quá chắc không phải bác Ba tự nấu.
 
Trọng quay mặt đi nén cười, cả hai đi lại chỗ mớ bàn ghế, xa mâm cơm để nói chuyện không bị nghe thấy, Nguyên chỉ vào mớ bàn ghế, giống như như bác Tư gái, cũng chỉ anh cái nào mượn của ai, có lẽ bác Tư trai đã dặn.
- Quán Quân ăn mất chén cơm của anh rồi, nên lát nữa anh nhớ ăn cơm sau nha.
- Nếu em không phiền, cái thang này, em có thể cho mượn thêm vài lần nữa không?
 
Nguyên nhìn qua Quán Quân, thoáng có chút ngần ngừ, cô nghĩ thằng bé không thích ăn cơm với ông Ba bằng ăn với ông bà ngoại đâu.
- Anh sẽ dụ ông ấy từ từ.
 
Cô gật đầu, có thể dễ dàng bỏ qua một người đang cầu xin cho lợi ích của họ, nhưng thật khó để từ chối khi một người cầu xin cho lợi ích của người khác, khi mà họ đã cố hết sức vẫn không hoàn thành được.
 
Sau bữa cơm, Nguyên đưa Quán Quân về nhà, Trọng tiếp tục đi trả bàn ghế cho hàng xóm. Chiều đó, khi chuẩn bị dọn cơm chiều, nhà có khách đến.
 
Nhung đứng trước bàn thờ Phúc hồi lâu, tính đến nay đã hơn một tháng, mà cô đến thắp nhang cho anh có mấy lần, cũng không làm gì chăm sóc cha anh cho tử tế. Nhưng nghĩ đến việc người từng ôm ấp yêu thương mình giờ nằm dưới đất lạnh, vĩnh viễn không bao giờ có thể cùng mình mỉm cười, cô lại cảm thấy cứ như không thật. Cha anh, ông ấy hiện đang rất đau buồn, nhưng cô cũng không thể làm gì được. Từ lúc Phúc còn sống, cô cũng đã sợ ông, nên mong muốn duy nhất lúc anh và cô yêu nhau là có thể sau khi cưới dọn ra ở riêng, chính vì điều này mà anh ấy và ông đã tranh cãi nhiều lần, có lẽ trong lòng ông cũng không mấy gì thích cô.
- Con mang đến ít trái cây cúng anh ấy.
 
Nhung nói với ông Ba, ông gật đầu, không trả lời. Trọng từ phía sau đi lên, đỡ lấy dĩa trái cây rồi sắp lên cúng. Nhung nhìn anh, rồi nói:
- Em có nghe mọi người nói về anh!
 
Trọng nhướng mắt, quả nhiên, chưa hết một ngày mà đã như vậy. Và đây chính là cô bạn gái xinh đẹp nhất xóm mà cậu ấy nói, anh đưa mắt đánh giá một lượt từ trên xuống: quả nhiên là xinh đẹp.
- Anh tên Trọng, em là Nhung, bạn gái của Phúc?
- Dạ.
- Anh có nấu cơm, em ở lại ăn cơm với ba nhé?
 
Nhung có chút ngạc nhiên, cách anh xưng hô và cả việc nấu cơm, vậy ra những gì người ta nói là thật?
- Em không ở lại ăn cơm đâu, em phải về phụ mẹ dọn hàng. Anh Trọng nếu cần trái cây cúng cho anh Phúc, mẹ em mở sạp trái cây Hồng Nhung trong chợ, anh đến đó em gởi trái cây về cúng cho anh ấy nha.
 
Trọng gật đầu, xem ra bạn gái của Phúc không giúp anh rồi, vẫn là phải nhờ đến Quán Quân mới được. Anh nhìn qua ông Ba, con dâu hụt đến đốt nhang, ông cũng không nói một tiếng nào, làm con người ta sợ quắn giò, đốt xong nhang là chạy mất dép, kể ra làm dâu của ông quả là một chuyện không dễ dàng.
 
Trọng đến công ty, đi thẳng vào phòng, vứt cặp sách xuống ghế và tự pha cho mình một ly cà phê. Sáng nay ba anh lại đồ đi nước sôi mà 3 giờ rưỡi sáng Trọng chỉnh đồng hồ ré để thức dậy nấu, phần ăn sáng khi anh đi làm cũng chưa thấy ông đụng đến, sáng nay nghe nói “cái thang” nhà hàng xóm phải đi học bữa đầu tiên, nên cũng không nhờ nó được.
 
Ghế bố khá nhỏ so với chiều cao của Trọng, nằm trên đó vừa muỗi vừa nhỏ, sáng dậy rất đau lưng, may mắn ăn mặc của anh cũng không cầu kì, không nhất thiết phải ủi sơ mi vào mỗi sáng.
 
Chiều nay về anh cần ghé chỗ điện lực để lấy số hợp đồng điện nước, sau đó sẽ dùng điện thoại để đóng tiền điện nước ở nhà, ghé nhà cũ để lấy đèn bắt muỗi, như vậy mới qua được những đêm tiếp theo.
- Ê, nếu sau 3 tiếng rưỡi nữa mà tao không tìm được mày, là đủ 48 tiếng, tao sẽ báo cảnh sát đó! Mày đi đâu vậy? Qua nhà kiếm không gặp.
 
Trọng nhìn ra cửa, Hòa đang đút đầu vào. Nếu gọi là bạn thân, Hòa mới là bạn thân của anh, là người biết mọi thứ của Trọng.
- Tao dọn tới nhà Phúc, sống ở đó.
- Trời đất, mày làm thiệt hả? Mày điên quá đi, mày có nợ nó cái gì đâu.
- Sao không? Cái gì cũng nợ hết.
 
Hòa bước lại gần, ngồi lên cái ghế gần đó:
- Rồi, tiền đó đưa chưa?
- Chưa đưa, để cho ông già, khi nào ổng cần thì đưa cho ổng xài.
- Tao cứ tưởng mày nói chơi không thật đó, rủi mà tao có chết, mày có ghé nhà nuôi cha mẹ tao không?
 
Trọng nhìn bạn, muốn ném li cà phê vô đầu Hòa hết sức:
- Mày bớt cái miệng lại, sống được có một lần, chết dễ nói vậy đó hả? Hơn nữa, mày còn có em trai, cha mẹ mày cần tao chắc?
- Ông già biết mày là ai không?
 
Hòa trợn mắt khi thấy Trọng gật đầu:
- Vậy chắc gì ổng cần mày, không lấy đồ đập đuổi mày đi là mừng lắm rồi.
Trọng hớp một ngụm cà phê, nghĩ đến ông cụ ở nhà, trong lòng cũng phân vân bối rối. Anh đến đó ở có phải đúng hay sai? Anh cũng không phải không có chỗ để về, ông ấy cũng không phải nhất định cần ai đó bên cạnh để qua ngày tháng, anh ở đó cứ như nhắc nhở cho ông ấy vì sao con trai mình chết, và khiến ông không thoải mái ngay cả trong ngôi nhà của mình, vậy điều đó có nên không?
 
*
 
Ông Tư đem dĩa bánh bông lan qua tìm ông Ba uống trà, ngay khi rót ly trà đầu tiên, ông Ba hỏi ngay:
- Thằng nhỏ có khóc không?
- Không khóc, nhưng nó cứ bắt hứa nhất định chiều đón nó về, làm con Nguyên với vợ tui khóc bù lu bù loa.
 
Ông Ba hớp một ngụm trà, lẩm bẩm:
- Cha mẹ không nên thân thì con cái khổ vậy đó.
 
Ông Tư nghe thấy, vờ đi không trả lời, khó nói được một lời để giải thích cho con gái, nếu là gia đình khác, nhìn bằng đôi mắt bàng quang, ông chưa chắc nói được lời dễ nghe hơn.
- Thằng nhỏ của ông đi làm rồi à?
 
Ông Ba không trả lời, ông Tư nhìn vào nhà thấy vali và ghế bố đã được xếp gọn, bên trên có mền gối mà hôm trước ông kêu Nguyên đem qua.
- Ông cho nó ngủ bên ngoài vậy đó sao?
- Đuổi không chịu đi, nó ngủ đâu thì ngủ, tôi quản được sao?
- Ngủ ở đó muỗi cắn thấy bà nó, kêu nó vô phòng thằng Phúc ngủ.
 
Ông Ba trừng mắt nhìn bạn, rồi uống hớp trà:
- Vậy cho nó biết khó mà biến mất, tôi chưa từng thấy thứ gì lì lợm như vậy.
 
Ông Tư mím môi, uống một hớp trà, thở dài:
- Nói một câu khó nghe, hiếm đứa nào có tình có nghĩa như vậy, ông việc gì phải làm khó nó?
 
Ông Ba dằn mạnh câu nói:
- Thằng Phúc là vì hiến gan cho nó nên mới chết đó.
- Thì đúng, thằng Phúc của ông, ông cũng biết mà, nó chịu hiến gan là nó thân cỡ nào, giờ mà Phúc chết, thằng bạn này buồn cũng đâu có ít, rồi nó đến chăm sóc ba của thằng bạn thân, điều đó là quá tệ sao? Thằng Trọng không nên làm vậy, nên phủi đít rảnh nợ coi như không có chuyện gì mới đúng hả?
 
Ông Ba định nói gì, nhưng rồi không nói nữa, bàn tay run run cầm lấy li trà, hớp một ngụm rồi, nuốt xuống, rồi nói:
- Ông nói thì dễ, kim không đâm trúng thịt không đau. Con Nguyên nó về đây ở rồi, còn có thằng Quân chạy ra chạy vào. Từ hôm thằng Phúc chết, tôi đi ra đi vào trong nhà, cả ngày không biết mình sống vì cái gì, còn gì để trông chờ, chẳng lẽ như vậy rồi chờ cho đến chết sao? Nhà cửa sửa lại thì ai ở, tiền bạc tích cóp đến chết rồi thì ai xài, sau này tôi xuôi tay, đến người thắp nhang cũng không có.
 
Ông động đậy ngón trỏ trên mặt bàn, nước mắt loen ra ở đuôi mắt, tràn ở dấu chân chim, tiếp tục nói bằng giọng vô cùng thiểu não:
- Nhiều khi tôi nghĩ, sao tôi có thể đói thì ăn cơm, khát thì uống nước, trời nóng bật quạt, trời lạnh đắp mền khi mà nó thì đã chết rồi, sao tôi có thể sống như là nó chưa từng tồn tại như vậy. 49 ngày, nó vẫn còn ở trong nhà, mà ông kêu tôi để phòng nó cho người khác ngủ, chấp nhận những gì vốn là của nó bây giờ là của người khác, nếu nó giận rồi làm sao? Nó luôn cảm thấy tôi thương nó không đủ, nếu như đến chết rồi nó vẫn nghĩ vậy, thì làm sao?
 
Ông Tư im lặng, ông cũng không thể tưởng tượng được, nếu như đứa con duy nhất không còn, ông sẽ đối mặt thế nào với chuyện đó, nên những gì cần nói với nhau đều là thừa thãi, bởi nỗi đau không ai có thể thay ai gánh chịu.
 
- Ông có thể đừng xem như nó là thay thế, xem nó như một đứa con khác, như vậy thì thằng Phúc sẽ không giận, mà thằng Trọng cũng không khó khăn nữa.
Ông Ba không trả lời, câu chuyện đi vào ngõ cụt, cả hai ông già uống trà cùng nhau, chia sẻ khoảng không gian để mỗi người có thể đi theo suy nghĩ của mình, có thể không ai giống ai, nhưng ít nhất, họ có một người bạn để cùng nhau im lặng.
 
          Còn tiếp Phần 06.
 
Dương Hiệu Thư
 
 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo