Sáng và Thấu có hai đứa con, một trai một gái. Đứa con trai tên
Nhật nhỏ hơn Đức vài tháng tuổi, đứa con gái tên Hân vừa mới thôi nôi. Hai
người đã mua được căn nhà ngoài chợ huyện gần trường học cấp ba là chỗ Trà dạy.
Vợ chồng mở luôn một tiệm bán đồ điện máy lớn nhất chợ. Tiệm cũ giao cho Thẩm
quản lý. Ban đầu Sáng cũng có ý định để cho Lụa nhưng cô từ chối, nói rằng mình
không thích hợp vì “chẳng biết gì về điện”.
Quang cũng có một đứa con trai, Quân nhỏ hơn con của Sáng cũng
vài tháng tuổi và Bạch đang mang thai sáu tháng, siêu âm lại là con trai.
Bé Đức của Lụa được bốn tuổi, nó giống y chang Minh như cắt mặt
để.
Xinh vẫn đi dạy bình thường và tuyên bố sẽ không lấy chồng để ở
cạnh ngoại và mẹ suốt đời.
Trà đã ra trường, đi dạy được một năm. Cô chủ động làm quen với
Trạch và họ đã yêu nhau.
Trà nhớ như in và cho đó là duyên phận trời đã sắp đặt sẵn cho
mình và Trạch. Hôm cô ra trường, đùm túm đồ đạc về nhà nhưng trễ mất chuyến xe
cuối nên phải đi xe chuyền về Bến Tre rồi bắt hon da ôm về nhà hoặc gọi Tăng ra
đón.
Nhưng trên phà Rạch Miễu cô gặp được Trạch. Quá đỗi vui mừng dù
từ trước đến nay Trà và Trạch chưa một lần trò chuyện, chỉ gặp nhau ngoài đường
và gật đầu chào xã giao. Trà bước gần lại anh và reo lên:
- Anh Trạch.
Trạch thấy Trà có vẻ mừng rỡ khi gặp mình nên trong lòng rất vui,
thể hiện rõ trên nụ cười rạng rỡ của anh:
- Trà.
- Anh đi đâu về vậy?
- Anh đi Mỹ Tho.
- Đi với ai?
- Một mình chứ với ai?
- Có chở gì không?
- Trà nhìn thấy đó. Có chở gì đâu?
- Vậy cho em có giang về nha. Hôm nay em về nhà nghỉ luôn vì ra
trường rồi.
- Vậy là sắp làm cô giáo rồi hả?
- Nghỉ ngơi một tháng anh ơi.
- Nhưng chở cô giáo là phải lấy tiền xe ôm đó nha.
- Lấy bao nhiêu em cũng trả mà. Trả không nổi thì nợ.
- Anh đòi nợ dai lắm đó.
- Em cũng thiếu nợ dai lắm. Có người dễ dãi em cũng dám nợ cả đời
luôn đó anh.
- Em mà nợ cả đời anh cũng cho nợ luôn.
- Em nợ thiệt đó chứ chẳng phải chơi đâu. Anh cho em quá giang
lần nầy em sẽ nợ anh cả đời.
- Vậy thì không phải lần nầy mà cho quá giang hoài hoài cũng
được.
- Không có nói chuyện đưa đẩy qua loa với em được đâu nha.
- Anh nói thật chứ qua loa gì. Bận nầy anh cho em nợ nên lát nữa
lên phà anh sẽ mời em ăn cơm, uống nước. Nợ cho đáng nợ.
Trạch cười và Trà cũng cười. Hai người nói chuyện hợp rơ, vui vẻ
suốt trong thời gian bên cạnh nhau. Trà ngạc nhiên nhận ra Trạch rất thoáng
trong cách nói chuyện và suy nghĩ. Cô đột nhiên có cảm tình với anh kỳ lạ và
quyết định thay Lụa để đến với anh ngày nào bỗng trở lại mãnh liệt trong đầu
cô.
Sau lần gặp gỡ tình cờ đó, họ trao đổi số điện thoại cho nhau
rồi thường hẹn nhau đi chơi đêm. Trà cũng không giấu giếm với ngoại và má
chuyện nầy khi xin phép ngoại. Dung có vẻ ái ngại còn ông Hai cười kha khả coi
bộ đắc ý.
Khi Trà được phân công đi dạy thì Trạch tỏ tình với cô và Trà
đồng ý ngay. Trạch không mặc cảm về trình độ mình thua kém Trà, cũng như không
ái ngại việc anh bị cụt hai ngón tay vì Trà không bao giờ quan tâm đến chuyện
đó. Cô yêu tính cách của Trạch và tinh thần lạc quan của anh. Trạch là một
thanh niên giỏi giang như anh Hai Sáng của Trà nhưng công việc của Trạch đòi
hỏi phải sức dài vai rộng. Trạch bề ngoài nghiêm khắc nhưng khi anh nói chuyện
thì rất vui, làm cho Trà lúc nào cũng thấy ấm áp bên cạnh anh. Mặc dù Trà cũng
nghe mọi người nói chị Hai góa chồng của Trạch là người khó khăn nhưng cô nghĩ,
chị đã riêng tư rồi, và Trạch là người độc lập, gia đình Trạch khá giả, em út
chỉ còn hai đứa, một gái đã có chồng, thằng út cũng vừa cưới vợ. Cô cũng đủ
khôn ngoan để sống với bên chồng mà không phải bị áp lực nào. Mà Trà cũng tâm
niệm rằng, nếu nhịn được cho những người cô thương yêu vui vẻ thì cô sẽ nhịn,
nhưng nhịn mà không cải thiện được mối quan hệ cô dứt khoát không để cho mình
bị thiệt thòi dù đối phương là ai.
Đám cưới được thuận tiện tổ chức với sự chúc phúc của hai gia
đình. Cưới nhau xong, Trà dọn về che đường sống chung với Trạch mà không làm
dâu ngày nào vì Trạch có em trai là Lưu bằng tuổi với Trà vừa cưới vợ năm rồi.
Trà đạt được tâm nguyện từ lâu ấp ủ nên hài lòng với cuộc sống
hiện tại của mình. Lụa ngạc nhiên vì sao Trà lại chấp nhận và yêu Trạch trong
khi cô đã một lần thoái hôn với anh. Nhưng bây giờ với tư cách là chị vợ, em
rể, mỗi lần gặp mặt Trạch, Lụa đều cảm thấy ái náy nhưng cô cũng nhìn ra chưa
một lần nào Trạch tỏ ra ngại ngùng với cô. Lụa cảm nhận được Trạch giống như
Thấu, toàn tâm toàn ý với người đầu ấp tay gối của mình, bỏ ngoài tầm mắt những
người không liên quan. Vậy cũng tốt. Nhưng chuyện Quang và Thấu chỉ mình Lụa
biết còn chuyện Trạch và Lụa là chuyện đã rùm beng ở cái xóm nầy rồi kia mà?
Khi Nhạn học lớp mười hai thì cô và Tấn đã yêu nhau. Tấn là con
thứ hai của một gia đình gồm ba đứa em trai và ba đứa em gái, tổng cộng Tấn có
sáu đứa em. Cha mất sớm một mình mẹ Tấn xoay trở. Nhà ở mặt tiền chợ có tiệm
tạp hóa lớn nên gia đình Tấn cũng coi như vào hàng khá giả của chợ. Tấn và Nhạn
rủ nhau đi học Trung học sư phạm sau khi tốt nghiệp cấp ba để rút ngắn thời
gian học mà tính chuyện cưới nhau. Hết một năm trung cấp, họ ra trường và đám
cưới nên được phòng giáo dục sắp xếp cho cả hai dạy chung một trường.
Dung thật sự thấy mình rất hạnh phúc. Tăng đã thi đậu vào trường
đại học y khoa năm đầu tiên và hiện đang học năm thứ nhất. Khỏi phải nói ông
ngoại cưng nó như thế nào. Chị cảm thấy mình đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của
người mẹ, chẳng mấy chốc sẽ trở thành bà nội, bà ngoại với đám cháu đầy đàn.
Bây giờ chị có thể an tâm mà chăm sóc cho cha mẹ. Nhà chỉ còn có bốn người, cha
má chị, chị và Xinh mà thôi. Việc học hành của Tăng cũng do vợ chồng Sáng tài
trợ dù rằng Dung nói chị có khả năng nuôi Tăng. Sáng lại cho rằng mình có bổn
phận phải lo cho các em đến đứa cuối cùng.
Bước vào nhà Tấn rồi Nhạn mới biết gia đình anh rất xô bồ xô
bộn. Tiệm tạp hóa toàn bán sĩ nhưng đang có nguy cơ lụn bại vì ai nấy đều có
cuộc sống riêng của mình, chỉ một tay mẹ anh quản lý. Tấn là anh Hai nhưng nói
các em không nghe lời. Bốn người con trai ai cũng muốn sở hữu căn nhà nên dù có
vợ vẫn không ai chịu ở riêng. Ba cô con gái thì một cô đã có gia đình, chồng là
giáo viên cấp 2, sống bên chồng. Hai đứa còn lại đang đi học. Nhạn chán ngán
cho cảnh tranh giành nên bàn với Tấn xin tiền hai bà má hai bên để mua riêng
cho mình miếng đất cất nhà ở gần trường.
Vì Tấn là anh cả lại là người đầu tiên khởi xướng việc ra riêng,
từ bỏ quyền lợi của tiệm tạp hóa và căn nhà giá trị chung nên anh được mẹ mình
cho ngay một số tiền. Bên cạnh đó, mẹ Nhạn cũng ủng hộ con gái út đủ để mua một
miếng đất 500m2. Vàng cưới Nhạn cũng bung ra để cất nhà, Sáng, Quang, Lụa,
Xinh, Trà người ít người nhiều cũng ủng hộ cô. Nhưng khi nhà hoàn thành xong
thì Nhạn cũng hết sạch tiền. Hai vợ chồng chỉ dựa vào tiền lương ít ỏi của mình
mà sống tằn tiện mỗi ngày. Nhạn dạn tay, mượn nợ mua sắm vật dụng trang trí
trong nhà cho đẹp mắt lấy le với các em chồng. Hàng tháng cô phải trích tiền
lương ra để đóng lời nên cũng chẳng còn bao nhiêu.
Rồi Nhạn có thai, sinh ra đứa con đầu lòng đặt tên Phát. Trần
nguyễn Tấn Phát. Lụa dị ứng khi nghe tên Phát nhưng là con của Tấn nên cô chẳng
dám ý kiến gì.
Có đứa con rồi, Nhạn càng túng bấn nhưng không dám nói ra với mẹ
vì mẹ cô đã bù sớt rất nhiều cho cô. Mẹ Tấn cũng vậy. Bà mua sữa, tả lót, quần
áo cho đứa cháu nội đích tôn không thiếu thứ gì. Các anh chị của Nhạn cũng lo
lắng cho cô, nhất là Thấu, chị Hai cứ âm thầm cho tiền Nhạn bồi dưỡng, Thấu đâu
biết rằng Nhạn đã dùng số tiền đó để đóng lời đóng lãi cho người ta. Lúc nầy
đang nghỉ hậu sản nên chỉ còn 70% lương, đã ít lại càng thêm ít. Những chuyện
như vậy chỉ có hai vợ chồng Nhạn biết. Cô càng ngày càng bế tắt mà không dám
tâm sự với ai. Nhà cửa thì đẹp đẽ khang trang nhưng những món đồ có giá trị trong
nhà toàn mua bằng tiền vay hỏi. Muốn bán đi để trang trải nợ nần mà sĩ diện
không cho phép nên lúc nào Nhạn cũng rầu rĩ, mặt mày người con gái sắc nước
hương trời ngày nào bây giờ là đàn bà một con lẽ ra “trông mòn con mắt” lại
tiều tụy một cách thảm hại so với các chị dâu chị ruột của mình.
Dung nhìn thấy thay đổi qua sắc diện của con gái, chị đoán nó có
nỗi khổ tâm gì đó mà gặn hỏi thế nào cũng không nói. Khi bé Phát được sáu tháng
tuổi thì mọi người mới biết được Nhạn đang mắc một số nợ lớn mà với đồng lương
của hai vợ chồng là vô phương trả nổi.
Vậy là có một cuộc họp gia đình bên Nhạn để bàn cách giải quyết.
Chuyện nầy giấu tiệt không cho ông Hai hay biết. Dung biểu vợ chồng Nhạn thành
thật nói ra là nợ tổng cộng bao nhiêu để chị liệu bề mà thanh toán. Con số Nhạn
đưa ra làm mọi người hết hồn. Dung rất giận Nhạn, làm đàn bà mà không biết thu
vén tiền bạc, coi trọng bề nổi, mượn nợ để mua sắm se sua không nghĩ đến hậu
quả. Nhưng đứng trước tình huống nầy không giải vây cho nó thì làm sao đây? Để
đổ bể ra chủ nợ đến xiết đồ đạc nhà cửa thì còn mặt mũi nào đứng trong trời đất
nữa? Nhưng số tiền qua lớn, chị mà giang tay ra giúp hết thì tiền bạc đâu nữa
mà lo cho cha mẹ về già nay ốm mai đau? Những đứa con của chị, đứa nào cũng có
cơ ngơi nhưng thật sự chỉ có một mình Sáng là chủ động được đồng tiền của mình
và vợ Sáng lại là người biết điều. Còn Quang dù sao cũng ở nhà vợ, nó không có
tiền riêng nhiều. Bạch cũng được nhưng chị khó mở lời với con dâu. Lụa còn phải
nuôi con mà thật ra Dung cũng không biết Lụa có bao nhiêu tiền. Xinh ở chung
nên lương lãnh ra bao nhiêu đều đưa cho chị hết chỉ giữ lại phần nào tiêu xài
thôi. Trà khá giả nhưng đó là tiền của Trạch, nó chỉ có tiền lương mà tháng nào
cũng mua bánh trái, đồ ăn thức uống mang về cho cha mẹ chồng, cho ông bà ngoại
và chị. Nói chung, tụi nó làm ra tiền cũng cực khổ, cũng tiện tặn không xài
phung phí vào những việc vô bổ như Nhạn. Nay Nhạn lâm vào đường cùng lại bắt
anh chị em mình giải quyết hậu quả thật khó coi với chị dâu em rể biết là bao
nhiêu.
Trách nhiệm làm mẹ, Dung không thể bỏ con, chị nói chị sẽ giúp
Nhạn một số để trả dứt cho những chủ nợ có lãi suất cao. Sáng cũng giúp một số,
Quang cũng giúp nhưng anh hằn học với vợ chồng Nhạn:
- Con Nhạn nó ngu mà dượng mầy cũng ngu theo. Bán mẹ mấy cái sa
lon, mấy cái giường tủ không xài đi để trả bớt nợ cho người ta. Đàn bà mà không
biết gói ghém gì hết. Sống kiểu nầy cả đời vợ chồng bây cũng không ngóc đầu dậy
nổi. Thiếu đủ chút đỉnh thì mượn má hoặc anh em, có đâu lại đi vay hỏi nợ. Mầy
là đứa mở đầu cho sự nghèo túng trong nhà nầy đó. Một lần nầy thôi nghe chưa?
Để có lần sau thì tự gánh một mình không ai lo cho nữa đâu.
Sáng thấy Nhạn nước mắt rưng rưng, cúi gầm mặt tủi nhục thì đỡ
lời:
- Thôi, lỡ rồi. Cô mầy cũng nên rút kinh nghiệm. Lần nầy vượt
qua thì ráng tằn tiện để còn nuôi con nữa. Có con rồi tốn kém lắm chứ không
phải như trước đâu. Cô mầy nên nhớ một điều là má cũng có tuổi rồi, má còn lo
cho ông bà ngoại nữa chứ không phải chỉ có tụi mình không thôi đâu. Thiếu tiền
xài hay mua gạo thóc, sữa cho con thì ra nói với chị Hai, chị Ba cô, anh chị sẽ
không bỏ em út đâu.
Nhạn bật khóc. Cô tự hứa với lòng, sau nầy sẽ không bao giờ làm
phiền người nhà dù là một đồng bạc lẻ. Không phải cô giận hay tự ái mà là cô
biết mình đã sai. Cùng đề ba giống như nhau, cô còn có phần thuận lợi hơn vì
gia đình chồng khá giả, hồi môn má và anh chị cho nhiều nhưng cuối cùng cô lại
không bằng anh chị. Có thể do cô đã dùng tất cả tiền bạc để cất nhà, nhưng nếu
như cô không se sua làm nổi, không vay mượn mua sắm trong nhà thì chắc cũng
không đến nổi nào…Nhạn tự an ủi mình, do tuổi trẻ bồng bột, tới đâu thì tới
không tính trước hậu quả. Qua lần nầy, cô sẽ rút kinh nghiệm, sẽ không để cho
ai xem thường mình.
Sau lần đó, Nhạn dù không trả hết nợ nhưng cũng chẳng còn thiếu
bao nhiêu và chủ nợ cũng dễ dãi không lấy lời nữa mà cho cô trả dần. Bé Phát
ngày lớn hay bệnh hoạn, cứ không quá một tuần cô bồng con đi bác sĩ tư vì không
có thời gian đi bệnh viện khám. Hai vợ chồng dạy nghịch buổi nên đứa đi dạy đứa
ở nhà chăm sóc con, không làm gì thêm để có tiền. Lương thì chẳng bao nhiêu.
Tiền điện nước, tiền lời, tiền thuốc cho con, tiền sinh hoạt không tháng nào đủ
ý là thỉnh thoảng má cô mang tới vài chục ký gạo. Thấu và Bạch gặp cô ở chợ thì
mua quà mua bánh cho cháu. Trà thỉnh thoảng cũng cho cô tiền. Tuy nói rằng
không nhận của người nhà nữa nhưng nhu cầu cuộc sống buộc Nhạn phải quên lời
hứa với chính lương tâm mình.
Kẹt tiền mua thuốc và bồi dưỡng cho con, Nhạn lại mượn nợ. Do
lần trước Nhạn thanh toán sòng phẳng nên có uy tín, lại nữa chủ nợ cũng quen
biết với hai bên gia đình Tấn – Nhạn nên cô hỏi bao nhiêu cũng đưa. Nhạn mượn
được nhiều chỗ, ai cũng sẵn sàng với cô.
Rồi vợ chồng Nhạn lại một lần nữa vướng sâu vào nợ nần khi thằng
bé Phát mới hơn thôi nôi vài tháng.
Lúc nầy bí đường, Nhạn không có mặt mũi nào để nói với má nữa.
Cô bàn với Tấn tìm cha mình để hỏi về việc vượt biên mà lần trước ông đã kêu
Sáng đi. Kệ, một liều ba bảy cũng liều. Cứ đi, đi được thì sẽ có cuộc đổi đời
ngoạn mục còn không thì đổ thừa là do vượt biên nên mất hết tiền. Ít ra cũng có
cớ để hợp thức hóa số nợ, ai nói gì thì nói thời gian rồi cũng trôi qua. Tấn
không hiểu sao mà cứ nghe theo sự sắp xếp của Nhạn không một lần nào phản đối.
Rồi Nhạn đi gặp cha mình, người mà trước nay cô không hề liên
lạc.
Quí ngạc nhiên khi Nhạn chủ động tìm tới. Ông ta đon đã như bắt
được vàng. Quí biết bên chồng Nhạn khá giả, vợ chồng Nhạn đã có căn nhà riêng
hực hở và cả hai đều là nhà giáo. Ông vui mừng khi Nhạn bắt đầu liên lạc với
mình. Nhưng sau nghi nghe Nhạn trình bày vấn đề, Quí liếc ngang:
- Thời buổi nầy mà tính chuyện vượt biên gì nữa? Ở đây bây sống
không ngon lành sao?
- Ngon lành gì cha ơi. Nợ nần búa vây.
- Chỉ có hai vợ chồng mà nợ nần gì chứ? Má và các anh chị bây
khá giả bộ họ bỏ bây sao?
- Nhưng tụi con muốn đổi đời.
- Tao bây giờ đâu có đường dây nào nữa vì vụ vượt biên đã lắng
xuống lâu rồi. Thời buổi mở cửa, việt kiều về nước rần rần, bảo lảnh người thân
đi tự do ai mà tính chuyện vượt biển nguy hiểm nữa chứ. Có mấy cây vàng ở lại
làm ăn mua bán có phải dễ sống hơn không.
- Con bây giợ nợ nần tứ giăng, ở lại họ làm khó dễ rùm beng hổng
chừng ở tù nữa cứ không phải chuyện chơi. Cha có chỗ nào đi thì điềm chỉ giùm
con, qua tới bển rồi con sẽ không quên công của cha đâu.
- Tao nói không biết thiệt mà. Hồi đó anh Hai bây vô Kiên Giang,
chỗ đó tổ chức đi hoài còn bây giờ tao đâu có biết gì nữa? Mà bây đi má bây
biết bả chết sớm à.
- Chứ con ở lại vở nợ má còn chết sớm hơn.
- Trời ơi mần ăn làm sao mà ra nông nỗi nầy chứ? Hai bên gia
đình khá giả hết mà để vướng nợ như vậy. Nói với má bây và hai anh bây coi có
giúp được không?
- Thôi. Cha cũng đừng nên nói cho má biết, để tự con tính.
- Đừng có bỏ nhà đi nghe chưa? Chuyện gì cũng có thể giải quyết
được. Ở đâu cũng không bằng ở nhà, thấy chị Tư Lụa của bây không? Đi cho đã rồi
cũng trồi đầu về nhà thôi.
- Con biết rồi mà. Cha nhớ không được nói cho má biết đó.
Nói chuyện với cha mình xong, Nhạn bàn với Tấn, quyết định vào
Kiên Giang để tìm dịp may. Hai vợ chồng thu xếp quần áo, tiền bạc mới vừa đi
vay mượn hồi chiều để làm một cuộc dấn thân đi tìm hoàn cảnh mới vào khuya hôm
đó với chiếc hon da nửa sạc Tấn có từ hồi chưa cưới vợ.
Vậy mà hai ngày sau mọi người mới phát hiện ra vợ chồng Nhạn đã
khóa cửa bỏ nhà đi biệt. Các chủ nợ rần rần kéo tới kê khai số tiền Nhạn thiếu
đòi xiết đồ nhưng chính quyền can thiệp, tạm thời niêm phong nhà cửa của Nhạn.
Ngoài số tiền Nhạn vay của những người cho vay lãi, cô còn nợ chung quanh lối
xóm người một ít để chi xài, tất cả chưa trả ai đồng bạc nào. Dung chết điếng còn
ông bà Hai chỉ còn biết kêu Trời. Nhục nhã bởi sự trốn nợ của Nhạn lần nầy lớn
gấp biết bao lần sự ra đi vì chê chồng của Lụa năm xưa. Một mình chị tất tả
chạy như bay đến nhà Nhạn chứng kiến cảnh tái tê lòng. Làm mẹ như Dung sao chịu
nổi cú sốc quá lớn như vậy? Chị đổ gục ngay trước cửa nhà đứa con gái chẳng
biết thị phi dư luận miệng đời gì cả.
Còn tiếp phần 17.
Lê Nguyệt
|