Hôm nay thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024
Thái Lan "méo mặt" vì mua tàu ngầm Trung Quốc: Thỏa thuận béo bở sẽ vụt khỏi tay Bắc Kinh? (06/06/2022 06:06 AM)
Vy Lam

Nghi ngại từ phía Thái Lan về chất lượng của động cơ tàu ngầm Trung Quốc có thể khiến nước này đi tới quyết định hủy bỏ thỏa thuận. Bắc Kinh sẽ làm gì để đảo ngược tình hình đây?

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh minh họa: NIKKEI ASIA
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh minh họa: NIKKEI ASIA


Trong bối cảnh Đức từ chối cung cấp động cơ cho tàu ngầm Trung Quốc xuất khẩu sang Thái Lan, tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã cảnh báo rằng thỏa thuận mua sắm với Trung Quốc có thể sẽ bị gác lại nếu Bắc Kinh không thể lắp đặt loại động cơ được thống nhất trong các cuộc thảo luận ban đầu.

Trước đó, như tờ EurAsian Times đưa tin, hãng sản xuất động cơ Motoren-und Turbinen-Union (MTU) của Đức đã từ chối cung cấp động cơ diesel MTU396 để Trung Quốc trang bị trên tàu ngầm lớp Yuan S26T đóng cho Hải quân Hoàng gia Thái Lan (RTN).

Theo tờ Pattaya Mail, nhằm giải quyết vấn đề này, Hải quân Hoàng gia Thái Lan và Công ty đóng tàu CSOC của Trung Quốc đã sắp xếp một cuộc họp vào ngày 9/6 tới. Phó chủ tịch CSOC sẽ gặp Tham mưu trưởng Hải quân Thái Lan - Đô đốc Tharoengsak Sirisawat để thảo luận tình hình.

Công ty Trung Quốc lúc trước đã đề nghị Hải quân Thái Lan thay đổi điều khoản hợp đồng nhằm cho phép họ sử dụng động cơ thay thế do Trung Quốc sản xuất (như MWM 620), với chất lượng tương đương động cơ của Đức.

Các cuộc đàm phán về hạng mục này ban đầu được ấn định diễn ra vào tháng 5 nhưng nhiều lần bị hoãn lại do tình hình Covid-19 ở Trung Quốc.

Theo giới quan sát, CSOC có thể sẽ đưa ra các điều khoản sửa đổi cho Hải quân Thái Lan để hoàn tất hợp đồng. Tuy nhiên, nếu không có tiến triển nào thì thỏa thuận này thậm chí có nguy cơ bị hủy bỏ.

"Chúng ta làm gì với một tàu ngầm không có động cơ? Tại sao chúng ta lại mua nó?" - Ông Prayut nói với các phóng viên hồi tháng Tư.

Theo kế hoạch ban đầu, các tàu ngầm Trung Quốc dự kiến sẽ được chuyển giao cho Thái Lan vào năm 2024. CSOC sẽ cung cấp 3 biến thể xuất khẩu tiên tiến của tàu ngầm lớp Yuan Type 039B, còn gọi là S26T, với tổng chi phí 36 tỷ baht, chia làm 11 đợt chi trả theo năm.

Chính phủ Thái Lan đã phê duyệt kế hoạch mua 3 tàu ngầm lớp Yuan từ Trung Quốc vào tháng 4/2017. Tuy nhiên, sau đó, do hạn chế về ngân sách, họ chỉ có thể mua 1 tàu ngầm trị giá 403 triệu USD (dự kiến chuyển giao trong giai đoạn 2023-2024), kế hoạch mua thêm 2 chiếc tạm thời bị gác lại.

Tới năm 2020, theo tờ Nikkei Asia, chính phủ Thái Lan đã lên kế hoạch mua thêm 2 tàu ngầm từ Trung Quốc nhưng buộc phải tạm dừng sau khi vấp phải sự chỉ trích từ công chúng, những người cho rằng việc tái thiết nền kinh tế bị tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 nên được ưu tiên.

Bắc Kinh rơi vào tình thế khó khăn

Hãng động cơ của Đức đã lợi dụng một số kẽ hở để qua mặt các điều khoản cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với Trung Quốc, tuy nhiên, họ đã phải chấm dứt các thỏa thuận sau khi một cuộc điều tra phanh phui vấn đề này. Các nước khác không thể chấp nhận việc Đức mang lại lợi ích cho Trung Quốc - một đối thủ chung của châu Âu, đang thách thức quyền lực của liên minh.

Sau khi Đức đột ngột ngừng cung cấp động cơ, Trung Quốc dường như đã đề nghị bán cho Hải quân Thái Lan mẫu động cơ mà họ chế tạo bằng phương thức đảo ngược nhưng được hãng MTU của Đức chứng nhận.

Mô hình tàu ngầm S26T được CSOC trưng bày tại triển lãm quốc phòng và an ninh ở Thái Lan năm 2017. Ảnh: Navy Recognition.

Tuy nhiên, theo tờ PBS World, các quan chức Thái Lan từ chối đề nghị này, đồng thời nhấn mạnh rằng phía Trung Quốc cần tuân thủ các điều khoản ban đầu của thỏa thuận. Họ cũng từ chối đề nghị của Bắc Kinh về việc chuyển giao hai tàu ngầm đã loại biên của Trung Quốc cho Thái Lan như một hình thức bồi thường.

Trung Quốc từ lâu đã được biết đến với khả năng đảo ngược các công nghệ mà họ lấy được từ nước ngoài để phát triển các hệ thống nội địa. Tuy nhiên, Thái Lan vẫn còn rất nghi ngại về chất lượng của động cơ Trung Quốc.

Mặc dù Thái Lan nhấn mạnh rằng quyết định hủy bỏ thỏa thuận sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ song phương giữa hai nước, nhưng việc Trung Quốc không thể trang bị động cơ theo thỏa thuận ban đầu cho tàu ngầm xuất khẩu có thể sẽ mang lại nhiều rủi ro cho Bắc Kinh trong tương lai. Lý do rất đơn giản: Động cơ Đức thì không tới, trong khi động cơ Trung Quốc lại không đáng tin cậy.

Liệu Thái Lan có chấp nhận đề nghị của Trung Quốc?

Mặc dù Trung Quốc đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc chế tạo động cơ cho máy bay chiến đấu J-20 và đường hầm gió phục vụ công nghệ siêu thanh nhưng nước này vẫn còn nhiều yếu kém trong lĩnh vực chế tạo động cơ đẩy dành cho tàu ngầm.

Do phần lớn động cơ trang bị trên tàu ngầm Trung Quốc là do nước ngoài sản xuất nên kỹ thuật chế tạo động cơ đẩy hiện là một trong những điểm yếu nghiêm trọng nhất trong ngành quân sự nước này.

Tàu ngầm lớp Yuan của Trung Quốc. Ảnh: China Military

Các tàu ngầm tấn công lớp Song và Yuan (chiếm phần lớn trong hạm đội tàu ngầm thông thường của Trung Quốc) đều đang được trang bị động cơ diesel MTU 396 SE84 sản xuất tại Đức.

Trong một cuộc hội thảo năm 2015 về năng lực của Hải quân Trung Quốc, Giáo sư Andrew Erickson tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ (CMSI) đã nói rằng, kỹ thuật chế tạo động cơ đẩy của Trung Quốc mới chỉ đang trong quá trình hoàn thiện.

Không thể phủ nhận rằng Trung Quốc đã đạt được một số bước tiến nhất định trong kỹ thuật đảo ngược những năm qua, tuy nhiên, động cơ của họ hiện vẫn đang bị Thái Lan từ chối. Chúng ta vẫn cần chờ xem cuộc họp diễn ra giữa hai phía trong vài ngày tới sẽ mang lại kết quả ra sao.

Vy Lam


 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo