Hôm nay thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024
Thượng viện Mỹ thông qua dự luật nhằm ứng phó với sự cạnh tranh của Trung Quốc (10/06/2021 03:56 AM)
Thế Việt

Thượng viện Mỹ ngày 8/6 đã thông qua một dự luật lên tới 250 tỷ USD nhằm ứng phó với sức mạnh kinh tế và quân sự đang gia tăng của Trung Quốc.



Dự luật với tên gọi Đạo luật Cạnh tranh và Sáng tạo Mỹ bao gồm các khoản đầu tư lớn trong lĩnh vực khoa học và các lệnh trừng phạt mới nhắm tới Bắc Kinh và được kỳ vọng sẽ gia tăng sự cạnh tranh lâu dài của Mỹ trước Trung Quốc, một trong những đối thủ địa chính trị chính của Mỹ. Dự luật đề xuất hàng tỷ USD cho các quỹ liên bang trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu và hơn 50 tỷ USD tài trợ cho các doanh nghiệp Mỹ sản xuất chip máy tính siêu nhỏ vốn trước đây phải phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc. Dự luật này cũng mở đường cho thế hệ tiếp theo của quá trình khám phá vũ trụ trong bối cảnh cả Mỹ và Trung Quốc đều đang chú ý tới lĩnh vực này.

Đạo luật Cạnh tranh và Sáng tạo Mỹ cũng bao gồm các đề xuất hạn chế các tham vọng của Trung Quốc cũng như ngăn chặn tầm ảnh hưởng chính trị của nước này. Dự luật đề xuất các biện pháp trừng phạt mới đối với Bắc Kinh liên quan tới vấn đề nhân quyền, kêu gọi thực hiện một cuộc điều tra mới về nguồn gốc Covid-19 và tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội mùa đông được tổ chức tại Trung Quốc năm 2022.

Dự luật này sẽ phải được Hạ viện thông qua trước khi chuyển lên Tổng thống Joe Biden ký thành luật./.

Thế Việt  (VOV-Washington)


Thượng viện Mỹ nhất trí dự luật đầy tham vọng, quyết phong tỏa mọi ảnh hưởng từ Trung Quốc

Ngày 8/6 (rạng sáng 9/6 theo giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua gói dự luật nhằm tăng cường năng lực quốc gia để ứng phó với mối đe dọa công nghệ từ Trung Quốc.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer, người đồng bảo trợ gói dự luật vừa được Thượng viện Mỹ thông qua nhằm đối phó Trung Quốc. (Nguồn: AP)

Với 68 phiếu thuận và 32 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua gói dự luật nói trên, trong bối cảnh Quốc hội Mỹ đang tìm cách đưa ra đường lối cứng rắn đối với Bắc Kinh.

Dự luật này cho phép chi khoảng 190 tỷ USD cho các hoạt động nhằm tăng cường công nghệ và công tác nghiên cứu; 50 tỷ USD để sản xuất, nghiên cứu chất bán dẫn và thiết bị viễn thông, trong đó có 2 tỷ để phát triển các loại chip sử dụng trong ngành chế tạo ô tô.

Không chỉ trong lĩnh vực công nghệ, gói dự luật còn có các nội dung nhằm ngăn chặn tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trên toàn cầu thông qua con đường ngoại giao.

Theo đó, Mỹ sẽ hợp tác với các đồng minh và tăng cường can dự vào các tổ chức quốc tế sau 4 năm cựu Tổng thống Donald Trump theo đuổi cách tiếp cận với quan điểm “Nước Mỹ trước tiên”.

Mỹ sẽ chi mạnh tay 120 tỷ USD để đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ hàng đầu như trí tuệ nhân tạo (AI) và máy tính lượng tử, những lĩnh vực mà Trung Quốc dành nhiều ưu tiên trong chính sách công nghiệp công nghệ cao của nước này.

Dự luật cũng cấm các cơ quan chính phủ mua thiết bị bay không người lái do công ty Trung Quốc chế tạo, trong đó có nhà sản xuất máy bay không người lái phục vụ thương mại lớn nhất thế giới DJI.

Bên cạnh đó, các nhân viên liên bang Mỹ cũng không được phép tải xuống và sử dụng ứng dụng công nghệ TikTok trên các thiết bị điện tử là tài sản của chính phủ.

Dự luật yêu cầu Bộ Ngoại giao và Cộng đồng tình báo Mỹ cung cấp cho Quốc hội báo cáo về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại các định chế quốc tế, như Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer, người đồng bảo trợ gói dự luật, đã cảnh báo Mỹ sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng nếu không cấp ngân sách cho các chương trình nghiên cứu-phát triển để bắt kịp Trung Quốc.

Ông Schumer nêu rõ: “Nếu không hành động, những ngày tháng chúng ta là siêu cường chi phối có thể chấm dứt. Chúng tôi không muốn thấy điều đó. Chúng tôi không hề muốn thấy Mỹ trở thành một quốc gia trung bình trong thế kỷ này”.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho rằng, khoản ngân sách giải ngân theo dự luật có thể giúp xây dựng từ 7 tới 10 nhà máy chế tạo chất bán dẫn mới tại Mỹ.

Trong một tuyên bố, đại diện của tập đoàn General Motors Co (GM.N) đánh giá dự luật trên “là bước đi quan trọng nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn đang gây ảnh hưởng tới ngành chế tạo ô tô của Mỹ”.

Quan chức cấp cao Nhà Trắng phụ trách chính sách với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Kurt Campbell cho biết, dự luật trên là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm giúp Mỹ tăng năng lực cạnh tranh, đối trọng với Trung Quốc.

Dự luật cần được Hạ viện Mỹ phê chuẩn trước khi trình Tổng thống Joe Biden ký thành luật. Hiện chưa rõ quan điểm của các Hạ nghị sĩ về dự luật cũng như thời điểm chính xác cơ quan lập pháp này xem xét văn kiện.

Thế Việt (theo Reuters)

 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo