Hôm nay thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024
Truyện ngắn – CHỊ THÂN (12/09/2022 04:04 AM)
Trác Diễm

Bố ơi, bố đang nằm ở đâu?
 


Chị thầm kêu lên trong vòm họng nhưng đáp lại lời chị là những tiếng vọng u u trong gió. Trong đầu chị hình bóng của mạ chập chờn, ánh mắt chờ mong khắc khoải. Chị Thân ngẩng đầu lên thấy bóng tối bao trùm lấy mình rất nhanh...
 
Cách đây mười mấy năm, rất tình cờ khi một nhà sư đi qua vùng đất K.H, ông trèo lên một ngọn đồi có hồ nước sâu bên cạnh. Đoạn, nhìn thật lâu về phía dãy núi hình răng cưa và phán: “Đất này là đất sát chủ!". Nói xong nhà sư bỏ đi. Và đúng thế thật, sau vài năm kể từ hôm nhà sư xem phong thủy phán vậy, đàn ông ở xóm này đều chết một cách bất đắc kỳ tử và lạ một điều là tất cả đều chết trẻ. Nguyên xóm đã quá bán đàn ông con trai ra đi. Tuy không nói ra nhưng ai cũng ngầm gọi đây là “xóm cụt đọt”. Những người còn lại dẫu thoát được “Thần chết” thì cũng ốm đau, bệnh tật, quặt quẹo.
 
Ngôi nhà nhỏ nằm dưới hõm sâu, hai bên là ruộng lúa, phía trước nhà có giàn hoa giấy lòa xòa phủ rợp cả một góc sân im ắng. Cạnh đó, con chó vàng kê cái mõm dài lên hai chi trước, ánh mắt buồn rũ rượi. Chị Thân ngồi giữa đám cải cao ngồng, trổ những cụm hoa vàng đung đưa trong gió. Chị tìm ngắt những ngọn rau còn ăn được bỏ vào chiếc rá nhỏ, nhưng ánh mắt cứ xa xăm.
 
- Có tin tức chi mới không Thân? Người đàn bà gầy rọc mặc bộ quần áo lụa đen ngồi trước bậc thềm ngoái trầu, nhìn ra chị hỏi.
 
- Không có tin chi mô. Mà một ngày mạ hỏi con câu ni đến mấy lần rứa? Chị Thân quày quả cắp cái rá đến vòi nước xả một thau đầy.
 
- Rứa mi không sốt ruột hả Thân? Hức... hức...! Tau ngó bộ mi không sốt ruột, nếu không mi đã đi tìm rồi! Bà Nhi kéo vạt áo chùi nước mắt rỉ ra bên khóe.
 
- Ngày mô mạ cũng như ri thì con răng sống nổi? Chị Thân nhìn vô cái giường bên góc phải nhà, nơi người chồng của chị đang nằm. Cách đây mấy tuần đi khám, chồng chị được các bác sỹ chẩn đoán là bị ung thư trực tràng giai đoạn đầu. Nhà nghèo, bây giờ biết đào đâu ra số tiền lớn để chữa trị? Chị Thân nén tiếng thở dài gác rổ rau lên chạn và đi vào bếp.
 
Thêm nữa, dạo gần đây tuổi già sức yếu, mạ chị trở nên trái tính trái nết bất thường. Bà hay khóc hờ ban đêm và suốt ngày nhiếc móc chị, đi lại cũng mỗi câu như thế. Chị rất hiểu cái cảm giác đau đớn, dằn vặt của mạ chị và kể cả bản thân chị cũng vậy, luôn phải nén những tiềng thở dài trong đêm bởi câu hỏi to đùng cứ lởn vởn trong tâm trí: “Bố chị đang nằm ở cánh rừng nào, con suối nào?” Manh mối nào để tìm được bố của chị bây giờ? Chị Thân hết nhìn mạ lại quay sang nhìn chồng chị, rồi buông một câu chỉ mình chị thấu hiểu: “Haiza! Muốn đi một chuyến lắm nhưng hai người này để ai chăm?”. Chị Thân vừa bê mâm cơm đặt lên bàn thì ngoài sân con chó vàng vẳng lên mấy tiếng quen thuộc, nó chồm ra dụi mõm và vẫy đuôi ngoe nguẩy mừng cô chủ nhỏ về nhà. Thêu vừa bước vào sân đã vóng lên, giọng có vẻ rất hồ hởi: "Ngoại ơi, mạ ơi... có tin tức rồi!"
 
- Hả, có tin tức rồi hả? Đâu...đâu...? Bà ngoại Thêu lật đật bước qua bậc cửa vấp đạch một cái, suýt nữa ngã sập mặt. “Đừng có mà lừa ngoại nghe Thêu? Có tin tức chi đó nói ngoại nghe mau lên? Trời ơi, mi lại lừa tau rồi...". Bà Nhi rối tung rối mù đến mức xưng hô rồi suy diễn loạn xị cả lên.
 
- Mạ bình tĩnh để con xem thử nào. Có tin gì nói mạ nghe coi Thêu? Chị Thân từ trong bếp chạy lại.
 
- Đây, mạ đọc đi, con lướt mạng vô tình thấy trang này từ facebook anh Thanh Trường, con liền truy cập vào mục tìm kiếm mộ liệt sỹ ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An thì thấy có người tên giống ông ngoại. Ngoại và mạ xem có đúng không?
 
- Sao có đúng không mạ? Chị Thân trả điện thoại lại cho con gái, toàn thân chị mềm nhũn như bún. Cạnh đó, bà Nhi trân trối hết nhìn mặt đứa cháu gái lại quay sang nhìn chị. Vành môi bà run lên như đánh đàn: "Đ...ú...ng...đúng... rồi hả Thân?".
 
Chị Thân khẽ gật đầu và từ hai hốc mắt đen xạm trào ra những giọt nước nóng hổi. Chị vội ôm choàng lấy bà khóc nức nở: "B..ố...bố...hy sinh... ở mặt trận phía Nam, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam".
 
Bà Nhi lúc này chẳng khóc, toàn thân bà lạnh ngắt như một que thép, bởi tận cùng của nỗi đau dường như bà đã chạm tới. Bà vỗ về, ôm chặt chị với nghị lực phi thường của một người mẹ đã từng đi qua nhiều đắng cay, mất mát. Thời điểm đất nước bước vào giai đoạn chiến tranh vô cùng cam go và ác liệt-chiến dịch Mậu Thân năm 1968, bà có thai chị được hai tháng thì chồng bà xung phong vào mặt trận. Kể từ khi còn trong trứng nước cho đến lúc sinh con ra và rất nhiều nhiều năm sau đó, bà không hề nhận được một tin tức gì về chồng.
 
Nhưng bà vẫn một lòng chờ đợi và hy vọng một ngày nào đó chồng bà sẽ sống sót trở về. Cho đến một ngày, mọi hy vọng đều sụp đổ khi bà nhận được tin chồng bà đã hy sinh gần mặt trận của đơn vị và được các đồng đội an táng tại một cánh rừng. Bà chỉ biết bấy nhiêu đó thôi và đằng đẵng suốt mấy chục năm qua, hai mẹ con bà luôn sống trong khổ đau, mòn mỏi khi chưa tìm được mộ ông để đưa về hương khói.
 
- Có manh mối là tốt rồi con ạ. Bà Nhi đẩy chị ra, cuộn lại mái tóc bạc thưa thớt sau gáy rồi nói như hạ lệnh: "Cuối tuần con Thêu xin phép nhà nội ở lại đây chăm bố để bà và mạ cháu vào Duy Xuyên đem ông về". Bà Nhi vào bàn thờ rút ba nén nhang đốt lên và lẩm nhẩm khấn. Xong, bà quay sang nói với chị:
 
- Nay đã biết rõ ràng địa chỉ nơi bố con nằm thì đó cũng là một phần an ủi. Con sắp xếp đi, mai hai mẹ con ta vào đó.
 
- Mạ ơi, bây giờ tuổi mạ đã cao mà đường vào Duy Xuyên thì xa xôi trắc trở, mạ cứ ở nhà để con đi một mình là được rồi.
 
- Mạ ơi... sao không nhờ người em trai của ngoại đi cùng?
 
- Ừ nhỉ. Con nói đúng đó Thêu. Nhưng mà bây giờ con thử liên lạc với anh Thanh Trường xác nhận lại thông tin thêm một lần nữa trước khi đi nhé.
 
- Dạ, mạ đợi con chút. Thêu viết một dòng tin nhắn khá dài và gửi đến trang Thanh Trường. Một lúc sau thì có tin nhắn hồi đáp lại. Thêu đọc xong và mừng rỡ kêu lên: Anh Thanh Trường nói vào đó sẽ có người cùng đi tìm mộ với gia đình ta ngoại à.
 
- Ôi thật vậy à? Là ai thế hả Thêu? Chị Thân xúc động hỏi.
 
- Dạ bác Đỗ Thành Vinh. Anh Thanh Trường nói bác ấy ngày xưa cũng tham gia chiến đấu ở mặt trận Duy Xuyên và tâm nguyện của bác ấy bây giờ là muốn đi tìm hài cốt những người đồng đội của mình.
 
Bà Nhi kéo áo đưa lên chặm mắt. Bà châm tiếp một nén nhang nữa trước khi rời khỏi bàn thờ.
 
Sáng sớm khi sương mù vẫn còn vấn trên những bụi sim cằn cỗi, mọc hoang dại bên sườn đồi. Chị Thân ra đó từ sớm đợi chuyến xe từ Vinh vào. Giây phút người cậu ruột mặc bộ quân phục sờn bạc từ trên xe bước xuống, họ nhào đến xiết chặt tay nhau xúc động mà không thể nói được lời nào. “Hãy lên xe đã!”. Xe chuyển bánh, giọng người lính già rung rung theo vòng xe nghiến trên mặt đường đá sỏi.
 
- Đây là bản trích lục hồ sơ của bố cháu, cậu xin từ Ban chỉ huy Quân sự Nghệ An. Vào tới cao tốc đường tránh Đà Nẵng thì bác Đỗ Thành Vinh sẽ đón hai cậu cháu mình đến Quảng Nam.
 
Suốt cả mấy giờ đồng hồ ngồi trên xe với tâm trạng ngổn ngang đầy xúc động, cuối cùng, hai cậu cháu cũng tới nơi. Bên đường là một người đàn ông cao gầy với ánh mắt thâm trầm và gương mặt cương nghị. Nét dạn dày của một người lính can trường vẫn còn vương động lại trên gương mặt ấy, dẫu đã đi qua nhiều năm tháng của cuộc đời. Người đàn ông nhanh nhẹn bước tới.
 
- Chào hai cậu cháu, hai người đi đường xa vất vả quá.
 
- Dạ... bác là Đỗ Thành Vinh, đồng đội của bố cháu đây ư?
 
- Ừ. Bác là đồng đội chiến đấu của bố cháu ngày xưa, nghe tin có con gái đồng đội đi tìm mộ bố, bác thật sự vô cùng cảm động và bác đồng ý lên đường ngay. Bây giờ hai người ngồi lên xe để tôi chở đến Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội hỏi danh sách truy tập mộ liệt sỹ.
 
- Dạ, thưa cô chú, danh sách ở đây không có liệt sỹ nào tên như thế ạ. Người cán bộ phụ trách giấy tờ gấp cuốn sổ bìa vàng cũ kỹ vào lại chỗ cũ và nói với ánh mắt lấy làm tiếc. Các cô chú hãy đến Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam xem sao nhé.
 
Ban chỉ huy Quân sự tỉnh cũng không có danh sách. Ba người trở ra với nét mặt thất vọng thấy rõ.
 
- Để tôi gọi điện cho người bạn này của tôi hỏi xem. Ông Vinh bấm số và áp lên tai. "Vâng... vâng... thế thì may quá. Chúng tôi sẽ đợi". Ông Vinh bỏ máy vào túi và quay sang nói với hai người:
 
- Tý nữa, một ông bạn sẽ dẫn chúng ta tới Ban chỉ huy Quân sự xã Duy Xuyên gặp ông Chức là người giữ danh sách hồ sơ, nghe nói liệt sỹ hy sinh quê ở Nghệ An cũng khá nhiều.
 
- Bố ơi, bố linh thiêng thì hãy dẫn đường chỉ lối giúp con tìm thấy để đưa bố về với gia đình, với quê hương bố nhé. Chị Thân quay mặt về phía dải xanh ngút ngàn trước mặt, cánh rừng đang về chiều sẫm vết chim bay chấp chới. Chị chắp tay lẩm nhẩm khấn trước khi lên xe cùng mọi người đi tiếp.
 
- Có danh sách rồi, cháu ơi. Bác Đỗ Thành Vinh nói như reo: Liệt sỹ Trương Công Tải, quê quán Quỳnh Mỹ, Quỳnh Lưu, Nghệ An, sinh năm 1947, nhập ngũ tháng 2 năm 1968. Cấp bậc thượng sỹ, trung đội phó. Hy sinh ngày 28 tháng 3 năm 1971, nơi an táng ban đầu tại thôn 2, Xuyên Phú, Duy Xuyên, Quảng Nam, nay là thôn 3, Xã Duy Tân, Duy Xuyên, Quảng Nam.
 
- Trời ơi, danh sách rõ ràng quá, đúng là ông ấy linh thiêng thật. Chắc ông ấy đã nghe thấy những lời cầu khấn của con gái ông lúc nãy.
 
Chị Thân úp mặt lên vai bác Đỗ Thành Vinh khóc nghẹn ngào vì quá xúc động. “Mạ ơi, con đã tìm thấy bố rồi!”.
 
Giữa nghĩa trang Duy Xuyên, những hàng bia mộ thâm trầm trong ánh chiều sẫm tối. Mắt chị như có một lớp sương giăng mờ bao phủ, chị đã đọc hàng mấy trăm ngôi mộ và lần lượt thắp lên những nén hương thơm nhưng đâu là ngôi mộ khắc tên bố, chị chưa tìm thấy.

- Bố ơi, bố đang nằm ở đâu? Chị thầm kêu lên trong vòm họng nhưng đáp lại lời chị là những tiếng vọng u u trong gió. Trong đầu chị hình bóng của mạ chập chờn, ánh mắt chờ mong khắc khoải. Chị Thân ngẩng đầu lên thấy bóng tối bao trùm lấy mình rất nhanh. Chị tất tả đi sang dãy mộ bên trái, mắt chị trố to hết cỡ, chị đưa tay dụi mấy cái như không tin vào mắt mình. Cả hàng trăm ngôi mộ không được khắc quê quán, tên tuổi gì.
 
- Đó là những ngôi mộ chưa trả lại được tên tuổi do quá trình bốc mộ từ chiến trường đơn vị sang nghĩa trang và sau đó, 3 xã trên địa bàn lại dồn về một nghĩa trang lớn này nữa nên không tránh khỏi việc lẫn lộn, thất lạc bia mộ. Tất cả hơn 1.200 ngôi mộ nhưng chỉ có 600 ngôi mộ có tên, còn lại chưa rõ thì chúng tôi tập kết sang cả bên này và hàng năm UBND xã đều ra chăm lo hương khói. - Mọi người lặng đi khi nghe ông bạn của bác Đỗ Thành Vinh công tác tại Ban chỉ huy Quân sự xã nói.
 
- Vậy là bố nằm trong số những ngôi mộ này rồi! Chị Thân thốt lên rồi ngồi thụp xuống giữa những hàng bia mộ, tàn nhang rớt xuống mu tay chị bỏng rát nhưng nỗi đau ấy không nhằm gì so với nỗi đau cắt xé ruột gan chị lúc này: "Vậy là con chưa thể đưa bố về với mạ được rồi bố ơi, bố đang ở đâu? con đang đến thăm bố đây... Bố ơi...". Chị Thân gào khóc. Nắm nhang trên tay chị bốc cháy. Chị vội vàng cắm chúng lên mộ và ngồi đó rất lâu, nghe những tiếng thì thầm từ lòng đất. Cậu ruột chị và những người còn lại tiếp tục đốt thêm nhang và lần lượt thắp hết không bỏ sót một ngôi mộ nào.
 
- Về thôi Thân ơi. Tiếng cậu chị khản đặc, dáng người nhỏ thó đi giữa những hàng mộ thâm trầm. Cả trăm, cả nghìn sợi khói và đốm đỏ chìm dần trong bóng tối...
 
Trác Diễm (baoquangbinh)
 
 Trở về
Các bài viết khác:
Truyện ngắn – TRẦM (08/02 08:38:39 AM)
Truyện ngắn – SHOPPING (04/02 08:35:43 AM)
Truyện ngắn – HỒNG GAI (30/01 09:42:49 AM)

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo