Hôm nay thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024
Truyện dài - TÌM CHỐN BÌNH YÊN (27/05/2022 05:05 AM)
Dương Hiệu Thư

Phần 10.
Nguyên đang làm thì thấy tin nhắn kết bạn của Hòa, sau khi cô đồng ý thì anh gọi cho cô.
 


- Chào Nguyên, anh là bạn của Trọng, có ghé nhà em ăn đám giỗ. Em nhớ anh không?
- Dạ, em nhớ.
- Hôm nay Trọng không có về nhà được, em biết chưa?
 
Cô mím môi cười, vấn đề là tại sao cô phải biết, nhưng rồi không nói, chỉ trả lời:
- Em chưa biết, anh gọi báo em để kêu em tự đón Quán Quân phải không?
- Ah đúng rồi hén, cái đó nữa.- Hòa bật cười - Đúng rồi, phải đón Quán Quân nữa. Em không thắc mắc tại sao Trọng hứa về rồi không về sao?
- Anh Trọng chắc chưa xong việc mà.
- Không phải, nó bệnh rồi, nằm chèm bẹp, không muốn ba nó lo nên nó không về hôm nay.
- Ảnh có sao không anh Hòa?
- Không có người chăm sóc thôi, chứ cũng không có gì, em cũng đừng lo, hiện nó đang ở căn nhà gần công ty, nghỉ ngơi chút chắc được.
- Dạ.
- Báo em biết chút thôi, sợ mọi người lo lắng.
- Dạ.
 
Nguyên vừa cúp máy đã thấy định vị được gởi đến, cộng thêm mật khẩu vào nhà, thiết nghĩ nếu Hòa có đi lên ủy ban mượn loa la lên “Tôi muốn làm mai” cũng không thể rõ ràng hơn thế này.
 
Chiều tan làm, xin về sớm để đón Quán Quân, xe chạy đến đầu đường đã thấy bác Ba chống cây ba tong ở đó, cô dừng lại nói:
- Bác Ba, sao bác ở đây? Bác lên xe con chở về nhà.
 
Ông lập tức mở lời ngay không ngần ngừ:
- Con chở bác đi thăm thằng Trọng. Nếu không rảnh, cho bác địa chỉ thôi cũng được.
 
Nguyên tỏ ra ngạc nhiên nhìn ông, nhưng trong lòng thầm khen mình thần cơ diệu toán, một cú điện thoại gọi về nhà kể với ba mẹ, mọi chuyện lập tức đi theo ý cô ngay.
 
Vốn dĩ anh không muốn cô đến, Trọng có phải là người hay e dè đâu, nhưng anh đã không gọi, Nguyên nghĩ so với cô hàng xóm mà bạn anh muốn làm mai, Trọng càng muốn sự quan tâm của bác Ba. Bình thường anh là “quí ông biết tuốt”, cái gì cũng làm được, cái gì cũng chuẩn bị, nhưng anh cũng đâu phải thần tiên, anh cũng chỉ là một con người, còn là người vừa trải qua cửa ải sinh tử.
 
Dù chẳng liên quan đến mình, nhưng cô cũng muốn biết bác Ba đối với anh thế nào. Quán Quân ba tuổi còn nháo nhào lo lắng mình bị bỏ rơi, anh đã cô đơn nhiều năm như vậy, lẽ nào không mong muốn được yêu thương sao, lẽ nào sự tồn tại của anh ở ngôi nhà đó đơn thuần chỉ là trả lại ân tình cho anh Phúc? Người khi cái gì cũng có, thì sao cũng được, khi không có tiền và không có sức khỏe, mới biết mình cần ai, và mình có ai.
- Dạ, bác Ba chuẩn bị đi, con đem Quán Quân về nhà rồi con qua chở bác đi.
- Không cần, con nhanh đi, bác ở đây đợi.
 
Nguyên nhìn thấy dáng vẻ của ông, muốn mỉm cười mà không dám, vội vã đi nhanh vào nhà, mẹ cô còn chu đáo hơn, nấu sẵn một cà mên cháo, kêu đeo theo, rồi nói, bác Ba đã đứng ở đầu đường chờ cả tiếng đồng hồ hơn trước khi cô về đến.
 
Ông Ba đứng đợi, cây ba tong cũng nhấp nhổm vì sốt ruột.
 
Bênh hoạn không về nhà còn tấp bờ tấp bụi, ông nên nghĩ ra câu nào cay độc để chửi nó, vậy mới hết giận được.
 
Trưa này nhận điện thoại, Trọng báo vẫn chưa về được, ông còn nói: Ở nhà một mình còn khỏe nữa. Rồi chiều đến, nghe ông Tư nói nó bệnh nằm chèm bẹp ở chỗ khác, ông thấy cả buổi chiều của mình thay đổi.
 
Ở nhà một mình đúng là khỏe thật, nhưng ông có mong chờ. Ông chờ Trọng về để thấy thức ăn trong tủ lạnh được xử lí theo ý nó muốn, gật đầu hài lòng khi thấy ông uống thuốc đầy đủ, ông sẽ âm thầm quan sát nụ cười không thể giấu được khi nó thấy chăn màn được giặt sạch sẽ, hồi trưa này ăn quên không nấu canh, ông phải đem giấu đi sợ chiều về nó biết.
 
Trọng như một miếng mút bọt biển, đổ vào đó bao nhiêu tình thương nó đều tham lam hút lấy, nhưng ông chẳng bao giờ đổ nhiều, vì nếu nhiều quá, ông sợ mình sẽ bớt đi phần của Phúc, ông sợ tình thương của mình giống như một bình nước, bên này nhiều thì bên kia sẽ ít lại.
 
Ông Tư nói là sau khi ghép gan xong, có người sống đôi ba năm, có người sống năm mười năm, có người sống hai mươi năm, sau khi mổ gan thì vẫn còn nguy hiểm biến chứng, uống thuốc mỗi ngày.
- Giờ nghĩ lại thấy ông nói cũng đúng. Ông nghĩ đi, biết nó sống được bao lâu, rủi mà một hai năm sau mà nó bệnh, lúc đó ông còn lo lại cho nó nữa, có phải chết không?
 
Lúc đó mình cũng thương nó rồi, có chuyện gì sao ông chịu được, đúng không?
 
Ông Ba cầm ly trà, hớp một ngụm, tự hỏi ông có bằng lòng chăm sóc nó nếu bệnh đau hay không? Tự nhiên nhìn vào bàn thờ của Phúc, nếu là thằng Phúc của ông, ông có bằng lòng không? Dĩ nhiên ông bằng lòng, có cha mẹ nào không bằng lòng chăm sóc con mình chứ? Nhưng thằng Trọng thì sao?
- Tui thấy thằng nhỏ cũng là người biết điều, ông đợi nó về nói thẳng với nó, chắc nó hiểu mà. Nó ở đây chị Hai với cô Tư cũng nói ra vô, nó chọc giận hết hai bả, nếu nó mạnh khỏe thì không nói, nó không mạnh khỏe thì ông coi, sau này tính sao? Con cái không có, chị em không có.
 
Liếc mắt nhìn ông bạn đang nỗ lực làm người xấu, ông Ba dở khóc dở cười. Có phải nói với ông những lời động viên riết rồi chán nản, nên ổng chuyển sang “chơi chiêu” với ông.
- Thằng Phúc chết, cái tui buồn nhất, là nó bất ngờ quá. Lần cuối cùng gặp là tui với nó đang cãi nhau, nó chết mà tui không chăm sóc lấy một ngày, chưa làm cái gì cho nó biết là tui thương nó.
- Ông đừng nghĩ vậy, thằng Trọng đâu phải thằng Phúc.
 
Bàn tay nắm chặt lấy ba tong, trong đầu ông bật ra câu trả lời: “Nhưng nó cũng kêu tui bằng ba mà.” Chỉ là, không phải ông không muốn nhận sao? Không phải ông vờ như không hề nghe thấy sao?
 
Nhìn qua gương mặt ông Tư đang cười tủm tỉm, ông nói:
- Vui lắm hả?
- Uhm.
- Về đi, thấy là thấy ghét rồi.
 
Ông Ba đứng dậy đi vào nhà, bỏ ông bạn đang ngồi cười vui vẻ bên ngoài.
 
Đi vòng quanh, chỗ nào cũng có bàn tay của nó. Hộp thuốc của ông, bình thủy của ông, tủ lạnh của ông, sân vườn của ông, bếp của ông, nhà tắm của ông.
 
Mới có ba giờ, còn hai tiếng nữa mới đến lúc Trọng gọi điện về, nhưng lúc nào ông cũng cắp cái điện thoại trong người, mở tủ ra, để ra ngoài ít rau, ông Tư thầm nghĩ, thì ra nó chính là như vậy, khỏe mạnh thì ở đây diễu võ giương oai, bệnh thì đi kiếm chỗ mà chui rút, nhớ lúc xưa, thằng Phúc của ông mỗi khi bị bệnh, nó luôn tìm cách để ở nhà, có thể làm nũng, có thể lười nhác, có thể vô lí, từ tám tuổi đến ba mươi, chưa hề thay đổi, sao thằng Trọng lại không hề giống một chút nào.
 
Bó rau trên tay khựng lại, phải rồi, sao mà giống được, nơi đây đâu phải nhà của nó, ông có bao giờ để nó nghĩ như vậy, nên sao có thể trở về khi mệt mỏi ở đây?
 
Ông chợt nhận ra, trong khắp căn nhà này, từ đầu đến đây Trọng đã xem mình như người cần chịu trách nhiệm, bất kể thái độ ông thế nào, nó cũng mỉm cười đáp lại. Ông cáu gắt, ông ỷ lại, ông để mặc nó trong căn nhà này, thậm chí khi không chống đối nữa, ông cũng chưa từng tìm cách nói với nó là nó được chào đón ở đây.
 
Đột nhiên vết bỏng trên chân nóng lại, dù nó chẳng còn đau. Nhớ đến cái đầu lúi húi cúi xuống băng cho ông, nước mắt lại ầng ậc. Thứ duy nhất mà ông làm cho nó đến tận lúc này, chính là giặt chăn màn, thứ mà thậm chí nó còn chưa thấy được. Vẫn câu hỏi cũ, nếu như thằng bé bị bệnh, ông có bằng lòng chăm sóc không? Dĩ nhiên, dĩ nhiên ông bằng lòng, có cha mẹ nào không bằng lòng chăm sóc con, ông không thể để bản thân mình lại hối hận lần nữa.
 
Ông Ba đóng tủ lạnh lại, tay chân bỗng nhiên bối rối. Nếu ông có thêm một đứa con nữa, rồi giờ nó bệnh, mà nó không dám về nhà, vậy ông phải làm sao? Đứa con mới của ông, nó không biết ỷ lại, nó muốn được thương nhưng nó không dám xin, vậy ông phải làm sao, phải làm sao mới có thể đem cho nó thứ mà ông có, có rất nhiều, không phải chỉ một cái bình nhỏ, mà là một ao chứa không vẹn, một bể chứa không tròn, đủ để chia cho tất cả, chẳng phân ít nhiều.
 
Nguyên đưa ông Ba đến chung cư, bấm thang lên tầng 10, dọc đường nói với ông về các vấn đề có thể gặp phải sau khi hiến gan, cần làm gì và uống thuốc gì. Ông lắng nghe, không ngắt lời cô, cũng không nói gì, đột nhiên sau cùng, ông hỏi:
- Sao con tìm hiểu kĩ vậy? Nhà có ai bị bệnh sao?
 
Cô bị cứng họng, rồi mỉm cười không nói, thật muốn bỏ luôn ông cụ ở thang máy mà. Căn chung cư số 101 là của anh, ngay cả số nhà cũng có vẻ cô đơn nữa, Nguyên nghĩ.
Bấm chuông đợi cửa dù là có mật khẩu vào nhà, dù sao cứ mở cửa mà vào vẫn cảm thấy quá đường đột.
 
Trọng mở cửa nhà, hoàn toàn đứng hình khi thấy Nguyên và ông Ba. Nguyên nhún vai nhìn anh, còn ông Ba rất tự nhiên đẩy cô qua một bên, rồi đẩy cửa đi vào trong, lẩm bẩm.
- Nhà cửa cái gì cách đất cả cây số, xung quanh không có một cái lá nào hết, sao mà không khí trong lành được. Bệnh hoạn không về nhà, đi tầm bậy tầm bạ.
 
Trọng nhìn theo ông, để mặc Nguyên tự mình khóa cửa. Từ lúc anh dọn đến nhà Phúc, vào phòng của Phúc, thì căn phòng đó hầu như ông chẳng bước vào, hôm nay lại đi thẳng đến đây…
- Ba, sao ba lại đến đây?
- Không được hay gì? - Ông nhìn qua Trọng, bước lại gần, đưa tay chạm vào trán - Nóng dữ, ăn uống gì chưa?
 
Trọng vẫn đứng nhìn ông, không nói một lời, rồi lắc đầu. Ông Ba nhìn con, muốn nói câu gì đó khiến nó vui vẻ, để nó hoàn hồn sau cái chạm vào trán lúc nãy, mà ông không nghĩ ra được.
 
Bối rối, ông đi lại tủ lạnh, mở ra, bên trong chỉ có nước lọc và ít đồ đông lạnh, còn lại trống rỗng.
 
Nguyên lại gần Trọng, đưa cà mên cháo lên, nói:
- Ăn xong rồi uống thuốc, còn nóng đó.
 
Anh xoay mặt nhìn cô, muốn nói gì đó lại thôi, đôi mắt đỏ dần lên, Nguyên ngạc nhiên, rồi cô cảm thấy mình cũng muốn khóc, cô nhìn thấy trong anh hình ảnh của Quán Quân, chỉ là thằng bé còn can đảm hơn anh, ít nhất lúc này, nếu như nó thấy vui hay cảm động, nó sẽ ôm lấy cô, còn Trọng, anh chỉ dám nhìn bác Ba, và thấy bỡ ngỡ.
- Bác ấy lo cho anh, bác ấy đợi em hơn cả tiếng đồng hồ để kêu em chở đến thăm anh, ba em đã nói không sao, nhưng bác Ba không chờ được đến ngày mai.
 
Trọng nhìn Nguyên, nước mắt rớt xuống thành giọt. Anh không chờ đợi điều này, anh đến ngôi nhà đó, không chờ đợi để có người ba thăm anh lúc bệnh, chăm sóc ông là trách nhiệm của anh, nhưng để ông chăm sóc là điều anh không hề nghĩ đến. Vậy mà ông đã đến, nghênh ngang như thể anh là đứa con bướng bỉnh không biết nghe lời, đi quanh nhà và chê bai như thể ông đã quen với nơi này từ lâu. Trong cuộc đời mình, chẳng ai làm điều đó với anh, đây là điều quá mới mẻ.
 
Nguyên nắm chặt lấy cà mên, nếu không phải bác Ba ở đây, cô đã kéo anh xuống mà ôm lấy trong tay mình, để xóa đi vẻ mong manh yếu đuối đó. Một người đàn ông cao lớn, sao có thể dễ dàng bị đánh động chỉ bởi một cái chạm tay vào trán thăm nhiệt độ của người khác như vậy, anh không nhận ra mình muốn nó đến thế nào, phải không?
Cô đưa tay chùi nước mắt trên mặt Trọng, rồi nói:
- Em đi trút cháo cho anh, lại xem bác Ba kìa, ông ấy sẽ chê nát căn nhà nếu như anh để ông ấy ở một mình như vậy đó.
 
Trọng chớp mắt vài cái, rồi xoay lại nhìn ba, ông đã ngồi xuống ghế sofa ở phòng khách, tay cầm lấy hộp thuốc đã được phân theo ngày của anh, mở ra xem.
- Tự mình uống bao nhiêu đây thuốc mà ngày nào cũng nhắc nhở người khác uống thuốc.
- Tại có người cậy mạnh, cứ vờ chuyện uống thuốc nên con mới phải vậy thôi.- Trọng ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh.
 
Nguyên đem tô cháo ra để lên bàn, kèm một ly nước. Anh ngẩng đầu lên tỏ ý cảm ơn, rồi nói với cô khi Nguyên cũng ngồi xuống:
- Nhiều chuyện.
- Anh nói ba em và anh Hòa sao? Em sẽ chuyển lời.
- Nó dĩ nhiên là phải nói rồi, bệnh hoạn đi tùm lum tà la.- Ông Ba chen vào.
 
Trọng cười, húp một muỗng cháo, im lặng không cãi lại.
- Ăn xong uống thuốc rồi xuống lầu đón chiếc xe, tối nay về nhà, sao mà bệnh hoạn ngủ một mình ở đây được, tủ lạnh cũng không có cái gì ăn được.
- Không cần đâu ba, ở đây…
- Không có nói nhiều, ăn nhanh rồi về. - Ông Ba nói, đưa mắt nhìn quanh, bâng quơ nói - Về nhà đi, hôm nay ba có giặt mền cho con rồi.
 
Trọng dừng lại muỗng, nhưng anh không ngẩng đầu lên, nghe nước mắt rơi xuống tô cháo. Nguyên rút tờ khăn giấy đưa cho anh, Trọng đón lấy tờ giấy, mỉm cười nhìn cô:
- Cháo bỏ tiêu nhiều quá đó.
 
Nguyên gật đầu, anh nói gì cũng được, anh nói gì cũng đúng, hôm nay anh bệnh, hôm nay ba anh đến lo cho anh, gọi anh về nhà, giặt mền cho anh, ai mà dám cãi lại anh chứ?
 
Ông Ba không nhìn Trọng, rất ngượng ngùng ngó nghiêng ngôi nhà. Nguyên mỉm cười cảm động với cha con họ. Quan hệ giữa người và người kì thực luôn có tính đàn hồi, tình cảm có trao ra, dẫu muôn hình vạn trạng, dẫu sớm dẫu muộn, vẫn sẽ có tình cảm đáp lại.
 
          Còn tiếp Phần 11.
 
Dương Hiệu Thư
 
 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo