Bà cũng biết điều nầy làm khó nó nhưng có lẽ bà đã quá vội vàng
khi tuyên bố với Thục là bà sẽ nói Dũng cho nó ngồi trông hàng. Bà nghĩ, Thục
vốn không ưa Dũng, nó sẽ từ chối ngay và đó là lý do Thục phải về quê. Ngờ đâu,
bà vừa nói xong nó đã reo lên và hứa hẹn nếu được vậy nó sẽ ngoan ngoãn nghe
lời và sửa đổi tính tình. Trưa giờ bà cứ suy nghĩ hoài, bà biết nếu bà nói ra,
Dũng vì nể mặt bà sẽ chấp nhận nhưng còn Cúc và nhất là Trân sẽ phản ứng ra
sao? Có gì đâu, chỉ cần Dũng đồng ý, cô và chị của Thục lẽ nào lại can ngăn hay
sao? Bà là bậc trưởng bối của tụi nó, bà sẽ không để Dũng phải khó xử trong
việc trả lương cho Thục. Chỉ cần Thục ngoan ngoãn ngồi trông tiệm cho Dũng yên
tâm đi giao hàng, biết đâu về lâu về dài, hai đứa phát sinh tình cảm thì đó là
điều bà mong mỏi nhất. Thậm chí mong mỏi hơn cả chuyện của Trân và Dân.
Không phải bà thiên vị cháu nội, coi trọng hơn cháu ngoại, nhưng
Trân là đứa có tiền đồ, nếu nó thành với Dân theo ý nguyện của mẹ nó thì tốt,
không cũng không sao vì Trân thừa khả năng để tìm cho mình đối tượng tốt khác.
Còn Thục? Ngữ của nó để ra ngoài tìm bạn đời chắc chắn sẽ gặp thứ ôn hoàng. Nhà
họ Trần của bà chỉ còn có nó thừa tự, quơ ngang bắt hụt thằng chồng về sống với
nhau chẳng bao lâu lại tan đàn xẻ nghé người ta nhìn vô cười cho thúi đầu.
Phần Dũng, nó run lên khi nghe bà ngoại nói. Trời ơi, nó ghét
con nhỏ Thục nhất trên đời. Nếu như nó chưa gặp lại Đoan và có ý định đem Đoan
về, có khi nó cũng dẹp cái sự ghét qua một bên để bà ngoại vui dù nó biết,
chung đụng với Thục chắc chắn có ngày sẽ mang họa. Nhưng bây giờ trả lời sao
với ngoại đây? Rõ ràng là nó cũng đang rất cần người, không thể để bà cực khổ
mỗi ngày trông sạp cho nó được. Nhưng thà mướn người lạ hoắc lạ huơ phụ chứ bản
mặt con Thục nhìn là muốn đánh rồi sao lại ngày ngày đối diện với nó được chứ?
Hay là hoãn binh, chờ hỏi ý kiến mẹ và chị? Dũng tuy khờ nhưng
nó cũng hiểu bà ngoại cố tình nói với nó trước để nó gật đầu thì mẹ và chị sẽ
không lý do gì mà phản đối. Vậy nó có nên gật đầu không? Nếu gật đầu rồi thì chỗ
đâu mà Đoan về? Trời ơi sao bà ngoại mà nó thương lại nghĩ ra chiêu trò gì lạ
vậy chứ?
Dũng cứ đứng chết trân đó, chưa biết trả lời với ngoại ra sao
thì may thay, điện thoại của nó reo. Nó mừng quá khi thấy là điện của Dân. Dũng
vội vã bắt máy liền:
- A lô cậu. Kiếm con có chuyện gì vậy? Qua cậu biểu hả? Dạ, con
đi liền.
Dũng mừng quính, nói với bà ngoại:
- Cậu kêu con qua gấp. Ngoại coi chừng giùm con chút nhen. Qua
xem cậu nói gì rồi con về dọn vô.
Không đợi bà Ba phản ứng, nó phóng thật nhanh tới nhà Dân. Vừa
bước vô, nó ngồi phịch xuống ghế, thở hắt ra, mặt sa sầm.
Dân ngạc nhiên tra hỏi:
- Vụ gì mà chầm dầm chù ụ vậy mậy?
- Nan giải rồi cậu ơi.
- Chuyện gì nữa?
- Con quỷ Thục thất nghiệp nữa rồi cậu.
- Nó thất nghiệp đâu phải lần đầu, mắc mớ chi tới mầy?
- Bà ngoại kêu con mướn nó trông sạp đó cậu.
- Trời. Rồi mầy ừa chưa?
- May hồn cậu điện cái con chạy qua đây liền chưa trả lời ngoại.
Ngoại kêu con nể mặt ngoại cậu coi có chết con hôn.
- Mầy không muốn thì từ chối chứ sợ gì?
- Con từ chối thì ngoại buồn. Vậy biết sao đây?
- Hôm nọ tao nghe Trân nói bí quá thì giới thiệu nó vô công ty
thuốc nhỏ mắt Rohto gì đó.
- Trời. Nó đã muốn vậy rồi vô công ty làm được mấy bữa cậu ơi.
- Thì kệ nó. Chứ mầy rước nó về như đem quả bom nổ chậm về nhà
đó.
- Nhìn mặt nó con ghét quá trời sao nói chuyện với nó được cậu?
- Mẹ mầy với Trân biết chưa?
- Con nghĩ chắc chưa quá.
- Thì mầy nói với hai người coi.
- Nhưng mà ngoại đang chờ con nè. Nói thì nói với Hai họa may
chứ mẹ cũng như con, đâu dám làm phật ý ngoại.
Dũng chắc lưỡi lắc đầu hoài, coi bộ rầu rĩ lắm. Nó nắm khuỷu tay
Dân giật giật:
- Cứu con cậu ơi. Con nhỏ đó mà ở gần có ngày con hốt nó một
trận mích lòng tới cậu Ba luôn.
- Tao cũng nghĩ vậy. Nhưng biết đâu nó thấy mầy làm ăn được thì
theo ve vãn sao?
- Trời trời. Mới nghe thôi mà lạnh xương sống ở đó mà ve vãn.
Muốn nó thay đổi khó hơn lên trời à cậu. Ngoại cứ nói có ngoại dòm ngó nó không
đến nỗi nào đâu. Trời ơi, ngoại và cha nó đã dòm ngó nó mấy chục năm nay mà có
sửa được cái nết nó ha?
- Tao nói giang sơn dễ đổi bản tính khó dời là vậy.
- Nếu con từ chối nó, sợ ngoại nói con bụng dạ hẹp hẹp hòi. Con
xuất thân không tốt, cũng đầu đường xó chợ, may mắn mẹ cho cơ hội mà trở thành
người tốt, vậy sao con không cho nó cơ hội thì sao cậu?
Dân vỗ vỗ vào vai Dũng, trấn an:
- Là hai chuyện khác nhau à. Mầy đầu đường xó chợ nhưng mầy
không phải là kẻ đầu trộm đuôi cướp. Mầy sống trong sạch nhờ đồng tiền mầy vất
vả làm ra. Nó làm sao bì được? Từng tuổi nầy còn ngửa tay xin tiền cha mẹ, sống
trong hạnh phúc mà lúc nào cũng đua đòi. Nhìn một con người , muốn hiểu rõ hết
con người của người đó phải có thời gian. Đừng chỉ thấy qua hiện tượng mà đánh
giá bản chất. Mẹ mầy vừa gặp đã thương không phải vì chị nhẹ dạ cả tin, nhưng
vì những giọt nước mắt khóc cha của mầy đã đánh động vào trái tim chị.
Kẻ mà biết thương khóc người đã bên cạnh thương yêu mình thì tâm
địa bao giờ cũng sáng trong, lương thiện. Mẹ mầy thương là thương cái tính
lương thiện của mầy thôi. Càng gần gũi, tao càng quí mến mầy. Mầy lăn lóc chợ
đời hai mươi năm nhưng vẫn không bị vấy đục. Còn Thục thì khác, nó sống trong
nhung lụa ấm êm, hạnh phúc trong vòng tay cha mẹ mà luôn muốn bứt phá để trở
thành con hư. Nó sao sánh với mầy được? Nó có gia đình mà không chịu về, còn
mầy, từ khi có gia đình rồi thì chỉ biết vun quén, vun quén cho tình thương đầy
ắp và kinh tế cũng dồi dào. Nói thì mầy chảnh chứ người như mầy khó kiếm lắm
nhen Dũng.
Dũng cười chúm chím, hất tay Dân ra, mắc cỡ:
- Cậu nói gì cao siêu quá con không hiểu nổi. Hiện tượng, bản
chất gì ai mà biết. Con chỉ muốn cậu hiểu cho là trong lòng con rất rối. Từ
chối ngoại thì không đành mà nhận lời thì không muốn. Con ghét con nhỏ đó thúi
con mắt luôn mà cậu.
- Vậy thì nhờ Trân can thiệp đi.
- Chị đi làm chưa có về.
- Điện thoại cho nó.
Dũng kéo Dân ngồi xuống bên cạnh, nhìn thẳng vào mắt Dân, tâm
sự:
- Hôm rày con chưa nói cho cậu và mẹ nghe một chuyện. Là vì con
muốn để chuyện cậu với Hai xong xuôi hết con mới nói nhưng mà bây giờ không kịp
nữa rồi.
Dân khẩn trương:
- Vụ gì vậy mậy?
Dũng nhọn mỏ ra. Đắn đo một hồi rồi kể tất tần tật cuộc tao ngộ
với Đoan và dự tính của nó. Dân chăm chú lắng nghe, vừa nghe vừa cười.
Dứt câu chuyện, Dũng mắc cỡ nhìn Dân. Dân phực lên cười lớn:
- Thì ra mầy đã yêu rồi.
- Yêu gì cậu ơi. Con chưa có nói gì với Đoan hết á.
- Nhưng mầy đã yêu rồi đó. Mầy đã nung nấu trong đầu và phát họa
ra mái ấm gia đình của mầy rồi.
- Ủa vậy hả cậu?
- Giả bộ ngây thơ hả mậy?
- Nhưng giờ ngoại kêu vậy nếu như mà con đồng ý thì sao Đoan về
đây được? Không khéo nó tưởng con với nhỏ quỷ đó có gì cái chết con luôn à.
- Thì mầy về nói thằng với bà ngoại đi.
- Trồi ơi làm sao con dám?
- Ủa ngộ chưa? Đây là chuyện làm ăn của mầy mà? Buôn bán thì
phải trưng bộ mặt vui vẻ , luôn miệng nói cười chứ lúc nào cũng hãm tài, cũng
chầm dầm chù ụ như ai ăn hết của cha nó không phải là đuổi khách sao? Mầy coi
con mắt của nó kìa, nhìn xảo chết mẹ. Bà ngoại ngồi hoài ở chỗ bán đó sao? Lỡ
như mầy không có nhà, bán được bao nhiêu nó nhét vô túi hết có phải càng ngày
càng thâm thụt không?
- Con nghĩ đến chuyện đó liền nhưng không dám nói ra cậu ơi.
- Theo tao, thượng sách là bây giờ mầy điện cho Trân để coi nó
nghĩ sao. Theo tính cách của Trân, tao đoán chắc nó sẽ phản đối liền cho mầy
coi. Tin tao đi, điện cho nó liền.
- Mà con không biết nói với chị làm sao. Hay là con điện rồi cậu
nói giùm nhen cậu?
Dân đứng dậy, đánh vào tay Dũng:
- Bậy mậy. Mầy nói có tác dụng hơn tao chứ. Thì nghĩ gì nói nấy
như nói với tao vầy nè.
Dũng chợt buồn ngang:
- Dù gì người ta cũng ruột thịt. Cũng hơn con mà cậu.
- Đồ khùng. Nói như vậy là mầy không hiểu mẹ và chị của mầy rồi.
Mầy phải biết Trân bây giờ thương mầy như thế nào, nó luôn coi mầy là em trai
ruột của nó. Để bảo vệ, nó sẽ bảo vệ mầy chứ không bảo vệ Thục đâu hiểu chưa?
- Thiệt vậy hả cậu?
- Bộ tao là người hay nói láo lắm sao mậy? Điện đi, nhiều lời
quá.
Dũng ngần ngừ một chút rồi lấy điện thoại ra, gọi zalo cho Trân.
Trân hốt hoảng nghe máy:
- Chuyện gì mà điện cho chị vậy Dũng?
- Sao mà giật mình vậy Hai?
- Sợ ở nhà có chuyện gì.
- Nhà có chuyện được? Là chuyện của em thôi.
- Chuyện của em sao ha?
Tự dưng Dũng muốn khóc với chị mình:
- Ngoại nói con Thục thất nghiệp nữa rồi. Ngoại kêu em nể mặt
ngoại cho nó ngồi trông sạp, có ngoại canh chừng vì nó muốn như vậy.
- Tậm bậy không. Con nhỏ đó thất nghiệp nữa rồi hả? Thấy
chưa…chị đã nói trước rồi, nó mà làm ở đâu lâu được. Mà rồi em có trả lời ngoại
chưa?
- Em rầu sẫu ruột. Chưa biết nói sao thì may quá, cậu gọi điện
kêu em qua. Rồi cậu kêu em điện cho Hai để hỏi ý Hai.
- Mà em có muốn nó lên phụ hôn?
- Trời ơi, Hai biết quá rõ mà. Em ghét con nhỏ đó thúi con mắt
luôn.
- Hahaha…Ghét tới thúi con mắt lận hả? Thôi được rồi, chị sắp
tan sở rồi. Em ở nhà cậu chờ chị về rồi hãy về. Để chị tính cho.
Dũng mừng rỡ kêu lên:
- Vậy nhen Hai. Em ở đây chờ Hai nhen. Chừng nào Hai về em mới
về.
Dũng hí hửng cúp máy. Nhìn vẻ mặt của nó, Dân ghẹo:
- Ủa? Nay về chứ hết dìa rồi hả?
- Ở gần người văn minh thì cũng phải văn minh chứ cậu. Nhưng nói
chuyện với ngoại con cũng dìa hà.
- Mầy thấy tao đoán viêc như thần hôn? Tao nói Trân không bỏ mầy
đâu.
- Có khi nào chị gây với ngoại không cậu?
- Tao đoán tiếp nè nhen. Là Trân sẽ tìm việc làm cho con Thục
lần nữa. Miễn sao nó không đeo thẹo mầy thời gian rồi lựa lời nói với mẹ mầy
cho Đoan bán chè ké trước sạp trái cây, sẵn tiện trông hàng khi mầy vắng nhà.
- Vậy công khai luôn hả cậu? Nhưng chắc gì Đoan đã chịu? Con
chưa nói gì với nó hết mà?
- Vậy thì phải trông chờ vào mầy thôi.
- Có cậu có chị thật sướng quá. Nồi chè chiều nay của con thật
xứng đáng.
- Cho ăn rồi kể là hổng được nhen mậy.
- Con đâu có tệ dữ vậy cậu? Miễn sao cậu với chị con thành đôi
thành cặp để con kêu cậu bằng anh Hai là được rồi.
Dân chồm tới tính nắm đầu Dũng nhưng nó nhanh chân thoát ra,
định phóng ra cửa để về nhưng chợt tiu nghĩu quay vô:
- Cậu đừng ăn hiếp con, cậu biết con chưa dám về nhà mà.
Dân ha hả cười. Mà ngồi hoài cũng không phải là cách. Một hồi nó
đứng dậy:
- Thôi con về bển nhen cậu. Ngoại có hỏi con biết cách nói rồi.
- Nói sao?
- Nói Hai đã hứa tìm việc cho Thục thì chờ Hai về rồi tính.
- Ừ cũng được. Về đi chứ bỏ sạp lâu cực bà già.
Dũng lựng khựng đi từng bước về. Bà Ba vẫn còn trong tư thế chờ
đợi nó, Cúc đã com nước xong, quán vắng khách nên cũng bắt ghế ngồi cạnh má.
Dũng mừng trong bụng hết biết, nó đánh trống lãng để bà Ba không có cơ hội nhắc
lại chuyện cũ:
- Mẹ ơi, cậu Dân nấu nồi chè thưng tổ bố bên bển để tối kêu Hai
qua ăn đó mẹ. Con có mặt chút rồi vọt cho hai người tâm sự.
Cúc tươi nét mặt:
- Chính tay cậu nấu chè hả?
- Đúng vậy mẹ ơi. Nấu rất ngon nhen mẹ. Thế nào cũng có phần đem
về hà.
- Vậy là hai người chịu ngồi lại với nhau rồi phải không?
- Không chịu cũng không được. Con ép mà. Nhưng nói cho mẹ nghe,
con thấy hai người đều có tình ý với nhau. Chỉ cần một bên tung là bên kia hứng
liền.
Bà Ba cười cười, âu yếm nhìn nó:
- Còn con? Có để ý ai chưa?
Dũng hết hồn. nó muốn nói thẳng ra lắm để bà Ba đừng có ý gán
ghép nó với Thục nhưng lại mắc cỡ với mẹ. Nó ẹo qua ẹo lại rồi bưng mặt:
- Hổng nói với bà ngoại đâu.
Cúc phì cười:
- Vậy là con trai của mẹ có đối tượng trong lòng rồi?
Dũng lại ẹo:
- Hổng nói với mẹ luôn.
- Giấu mẹ là không được nhen?
- Nhưng con mới để ý người ta thôi, biết người ta có để ý con
hôn mà nói? Nhưng mẹ đừng quan tâm. Đúng thời điểm con sẽ khai hết với mẹ hà.
Dũng hết hồn hết vía khi thấy vẻ thất vọng trên mặt bà ngoại.
Ngay lúc đó thì Trân về. Dũng dắt xe vào nhà cho chị, Trân sà xuống cạnh ngoại
và mẹ:
- Có chuyện gì vui mà gom lại đây hết vậy ngoại?
Bà Ba nhìn Cúc:
- Chiều kêu con Thục lên ăn cơm chung nghen con. Má có chuyện
nầy muốn bàn với cả nhà.
Cúc hoảng hốt:
- Chuyện gì vậy má? Con Thục có chuyện gì sao?
Trân đứng dậy, lạnh nhạt nói:
- Chắc là lại thất nghiệp nữa rồi chứ gì?
- Nó nghỉ làm chỗ đó rồi. Nó nói cực quá mà bị chửi tối ngày nên
nhiều người nghỉ lắm. Ngoại thật không hiểu nổi, cùng là làm công ăn lương sao
cứ quen cái nết ma cũ ma mới như vậy mà cấp trên bộ không nhìn thấy sao?
- Ngoại đừng nghe nó nói một chiều. Ma cũ ma mới gì. Người ta
làm việc có dây chuyền, có chuyền trưởng chuyền phó. Mình làm trong dây chuyền
thì máy móc vận hành chứ không phải là thủ công nên nhịp độ phải đều tay. Nếu
sai sót gì chuyền trưởng phải chịu trách nhiệm. Nó làm việc chậm chạp không
theo kịp tốc độ của máy nên người ta góp ý xây dựng chứ cũ ăn hiếp mới gì
ngoại. Con thấy là Thục không thể làm việc ở đâu lâu bền. Nếu ai cũng như nó
thì tất cả các khu công nghiệp không có xí nghiệp nào làm việc được hay sao?
Vậy phòng thuế của tụi con cũng đóng cửa luôn a?
- Ngoại cũng biết vậy. Biết là Thục khó làm việc với người ngoài
nên vừa rồi ngoại kêu Dũng nể mặt ngoại mà cho Thục ở đây phụ bán trái cây cho
nó. Sẵn ở gần dạy dỗ nó luôn.
- Ngoại làm khó thằng Dũng rồi. Nói ra thì sợ ngoại buồn nhưng
không nói thì càng ngày con kia càng quá đáng. Ngoại đã ở với nó bao lâu mà có
sửa được tính nó không? Công chuyện của Dũng cũng đâu phải là nhiều, thuê thêm
người rồi tiền đâu nó trả? Thục nếu không chịu khó thì nó sẽ không trụ lại được
nơi nầy, về quê cậu Ba cũng tìm được việc cho nó. Dung dưỡng nó cũng không phải
là cách đâu ngoại.
- Nó hứa với ngoại là nếu Dũng nhận nó, nó sẽ ngoan ngoãn nghe
lời, không gây ra bất cứ xáo trộn gì nữa.
- Rõ ràng con nhỏ nầy không muốn về nhà. Nhà có cha có mẹ mà sao
lại không muốn về? Được. nếu nó không muốn về thì con cũng sẽ vì ngoại, vì cậu
mợ mà giúp nó lần chót, con sẽ nhờ bạn con tuyển nó vào công ty thuốc nhỏ mắt
để thử việc ba tháng. Công việc nhẹ nhàng sạch sẽ để coi nó có làm được hay
không. Nếu không, ngoại cho nó về quê đi, nó tự thân không sống nơi nầy được đâu nếu không bám víu vào người khác.
Bà Ba có vẻ hờn:
- Sao con không để thằng Dũng tự quyết định coi có giúp con Thục
được hay không?
- Thằng Dũng dám từ chối ngoại sao? Nhưng buộc nó phải nhận thì
tội nghiệp cho nó. Ngoại cũng thừa biết quan hệ của nó với Thục ra sao rồi mà. Con nói rồi,
chuyện của Thục để con lo. Nó phải dựa vào nó chứ đừng mong dựa vào ai cả.
Bà Ba im lặng nhưng cả nhà đều nhìn thấy bà bất mãn và buồn. Hơn
ai hết, Cúc hiểu mẹ dù miệng cứng nhưng lòng mềm. Tuy bà luôn hằn học với Thục
nhưng trong lòng bà, nó luôn là bảo bối.
Hết chương 38.
Còn tiếp chương 39.
Lê Nguyệt