Hôm nay thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024
Truyện dài - BA KIỂU SỐNG (05) (14/07/2022 04:33 AM)
Lê Nguyệt

Chương 05: VẾT RẠN.
Vạn lù lù xuất hiện trước mặt Cúc.
 


Người đàn ông một thời làm chồng cô chỉ biết chơi bời đua đòi mèo mả gà đồng nay trông tiều tụy bụi đời vì dãi nắng phơi sương. Anh ta lúng túng, bối rối nhìn Cúc, thu hết can đảm mới dám mở miệng nói khi nhìn thấy thái độ dửng dưng không chút biểu cảm của người đã từng chăn gối với mình:
- Em về lúc nào?
 
Cúc thở hắt ra một hơi dài, cố kiềm chế để mình không giận mà buông những lời khó nghe. Cô lạnh nhạt:
- Tui có quen anh sao?
 
Vạn cụp mắt xuống, cố tạo ra khuôn mặt buồn và giọng nói não nuột:
- Anh biết em oán hận và khó tha thứ cho anh. Anh cũng không có lời nào để biện minh cho những việc đã xẩy ra trong quá khứ. Nhưng anh chỉ muốn em hiểu rằng bao nhiêu năm nay anh luôn hối hận, hối hận vì đã vuột khỏi tầm tay hạnh phúc trời ban. Nhưng hối hận để làm gì? Tất cả đã muộn màng rồi phải không Cúc?
 
Thật lòng Cúc không muốn nghe những lời ngọt ngào đường mật của Vạn nữa. Trái tim cô đã nguội lạnh và hình ảnh Vạn cùng mối tình đầu đã chết cũng như cô đã tẩy xóa cẩn thận không để lại dấu vết rồi. Cô không tiếc nhớ, không ân hận vì bên cạnh cô vẫn còn một Trần Hỉ Trân quí giá nhất trên đời.
 
Không muốn dây dưa với Vạn chỉ làm mất thời gian của mình, Cúc thẳng thừng:
- Anh nhận lầm người rồi. Tránh ra cho tui đi.
- Tàn nhẫn. Nhưng em có thể cho con gọi anh một tiếng cha không?
- Buồn cười. Tại sao con tui phải gọi người xa lạ bằng cha chứ? Anh bị điên rồi sao?
- Nó là con của anh mà?
- Nó không có cha từ lúc mới sinh ra rồi. Đừng nhận bá vơ. Anh tránh qua cho tui lên xe.
 
Cúc nắm tay con đỡ lên xe và tìm chỗ ngồi trước đôi mắt thẫn thờ bất lực của Vạn. Bé Trân thông minh và hiểu ý mẹ, nó chỉ thoáng nhìn qua người cha vô tình vô nghĩa với mẹ con nó rồi thôi, lặng  lẽ ngồi cạnh mẹ không hỏi một câu gì.
 
Xe chạy, Cúc ôm con, cho nó ngã người trong lòng cô mà ngủ. Chạnh lòng nhớ tới thời gian làm dâu cho gia đình đó mà lạnh mình.
 
Nhà họ có nuôi một đàn chó để dành bán cho quán thịt cầy. Họ nuôi mà người chăm sóc chỉ là Cúc. Hễ thấy Cúc tỏ ra yêu mến con nào thì họ bắt ngay đem đi cân. Lâu ngày, Cúc không dám đặc biệt ưu ái con nào. Thê thảm nhất là một lần, thấy họ mua cá về nấu cho chó, Cúc lựa lại vài con còn khá làm sạch, ướp muối chiên thì bà mẹ chồng khắc nghiệt cười mỉa mai:
- Coi bộ món nầy thích hợp cho mầy ăn đó à nhen.
 
Vậy rồi từ bữa đó trở đi, Cúc luôn bị ăn đồ ăn chung cùng với chó. Vạn thấy hết nhưng cũng chưa một lần lên tiếng giúp cô. Nỗi bất bình ấy Cúc mang mễnh một mình không biết tâm sự với ai. Một lần, cả nhà đi vắng, đói quá, cô lén bới tô cơm và lấy đồ ăn do chính tay cô làm cho cả nhà ăn một chút thì bà ta về, giật lấy tô cơm và trút ra cho chó ăn, không nói một lời.
 
Trời ơi, sao cô lại chịu đựng được đến ba năm trời vậy nhỉ?
 
Mà đâu phải chỉ nhiêu đó?
 
Nhưng họ đối xử với cô ra sao cũng được, cô chỉ cần một người thông hiểu và che chở cho mình, đó là Vạn: chồng của cô. Người mà cô đã không ngại điều tiếng thị phi giao thân cho anh ta để rồi nhận lấy cảnh ê chề. Vạn chưa bao giờ lên tiếng bênh vực Cúc. Vì sao vậy? Vì sao anh ta lại vô tâm khi nhìn  thấy cô bị gia đình anh ngược đãi?
 
Cúc nhếch môi cười chua chát. Đã vậy, cô lại không có dũng khí để thoát ra bể trầm luân đó, phải đợi đến lúc họ quăng ném đuổi xô. Tha thứ cho họ được không? Tha thứ cho gã đàn ông ngay cả người đàn bà khờ khạo ngây ngô không làm chủ được hành vi của mình anh ta cũng cưỡng bức?
 
Bây giờ đã thật sự không còn quan hệ gì nữa, anh ta cũng đã có vợ rồi, cô hoàn toàn không hề bị trói buộc. Trước mắt cô, ánh vầng dương le lói, hứa hẹn một tương lai sáng chói, nơi đó, chỉ có mẹ con cô mà thôi.
 
Cúc ghé nhà Như trước để biếu Như một số trái cây vườn nhà mà sáng sớm Tiền đã hái và má tĩ mĩ bọc lại bằng báo nhật trình. Cô không điện thoại trước cho Như, dành cho chị một sự bất ngờ. Nhưng Cúc khựng lại, thật là buồn khi vừa bước vào cổng nhà là nghe tiếng vợ chồng Như cãi nhau. Tân ngồi trên bộ sô pha, gắt gỏng với vợ:
- Anh nói thiếu điều muốn gãy lưỡi mà em vẫn không hiểu ý anh sao? Thằng Học nó cần tiền làm ăn, mình là anh chị giúp nó chút đỉnh sẽ làm em nghèo sao?
 
Như từ tốn:
- Anh à. Mình không còn nhiều tiền đâu. Vừa qua lo cho hai cái đám cưới em muốn khánh kiệt rồi. Nhà trai cưới vợ mỗi thứ mỗi tốn kém. Vàng vòng cho dâu mẹ đã chuẩn bị rồi ma vẫn vòi thêm chúng ta chiếc lắc. Xe rước dâu ba chiếc cũng chúng ta lo. Tiền cổ bàn ba mươi mâm chúng ta hơn phân nửa. Lúc cưới vợ cho chú Ba anh nói là mẹ mượn nhưng sau đó có trả lại không? Chúng ta cũng không nhắc mẹ một tiếng vì anh nói đám nhà trai bao giờ cũng lỗ, nếu có dư ra thì cho chú ấy làm vốn ban đầu. Rồi đám cưới cô Út Cơ cũng vậy, cũng vợ chồng mình lo, mẹ có tốn đồng nào không? Tiền mừng cưới mẹ thu vào cả.
 
Tân lại lần nữa gắt gỏng:
- Em tính toán so đo như vậy hay sao?
- Em không tính toán so đo. Lo cho em út của anh thành gia lập thất em sẽ cam tâm tình nguyện, nhưng em cũng không phải là ngân hàng, rút bao nhiêu cũng có. Mình ba đứa con rồi anh. Căn nhà rộng lớn như vầy cũng chỉ mình em lo trước lo sau, em không dám thuê người làm là để tiết kiệm tiền, con càng lớn chi tiêu càng nhiều, lỡ như có sự cố gì thì cũng có tiền trong nhà để xoay trở. Anh muốn giúp chú Ba tiền để làm ăn thì đó không phải là số nhỏ, nếu mình cần gấp chú ấy trả lại kịp hay sao?
- Chưa bỏ ra mà đã nghĩ đến chuyện lấy lại, em thật nhỏ nhen.
 
Như đỏ bừng mặt vì giận. Cô đã lựa lời lắm rồi. Dùng đại từ “chúng ta” chứ không dùng “em” để anh không mặc cảm tự ti là đồng tiền do chính cô làm ra. Phải. Từ lâu lắm rồi, Tân có bao nhiêu tiền đều tự giữ lấy mà chi tiêu, anh sử dụng tiền bạc như thế nào cho mục đích gì Như chưa bao giờ hạch sách hỏi han, nhưng như vậy có nghĩa là anh đã mặc định khoán trắng cho cô mọi sinh hoạt trong nhà. Trước đây, chỉ có mình bé Khả Tú, anh còn phụ cô chăm sóc, đôi khi thay cô nấu cơm, giặt giũ. Nhưng từ lúc cả nhà dọn lên Thành phố và căn nhà nầy được cất lên, Tân cảm thấy cuộc sống của anh đã chạm vào giới thượng lưu rồi nên quên bẵng luôn trách nhiệm làm chồng làm cha, tích lũy được chút tiền là nghĩ đến chuyện sẽ đưa nhân tình ra ngoài hu hí. Không phải Như không biết không hay hoặc là chấp nhận anh ngoại tình nhưng quả thật cô không có thời gian để theo dõi và cô cũng không thích cảnh bắt ghen gây náo loạn làm mất mặt mũi uy tín của chồng. Có thể vì vậy mà Tân cho rằng cô không hề hay biết?
- Em nhỏ nhen sao? Có khi nào anh nằm đêm, nhẫm tính thu nhập và chi phí của em không? Chúng ta lấy nhau bao nhiêu năm, tài sản ban đầu là chút tiền bán cái nhà dưới quê, rồi tiền mua đất, cất nhà, lo hôn lễ cho hai đứa em của anh, chi phí cho mẹ anh hàng tháng, em đào đâu ra số tiền lớn như vậy nếu không dè sẽn tằn tiện? Hồi đó một đứa con khác với bây giờ ba đứa chứ anh?
- Nói tóm lại, em không muốn giúp chứ gì? Loanh quanh cao thấp làm gì nghe mệt tai quá.
- Đúng. Em không giúp được vì em không có tiền. Bây giờ em không có bổn phận phải lo cho ai ngoài gia đình mình cả. Tiền anh kiếm được thì cứ tiêu xài nhưng nhớ phải để phần chu cấp cho mẹ, em cũng không có nghĩa vụ đó nữa.
 
Như nói xong, đùng đùng bỏ ra ngoài, rất may hôm nay không có đứa con nào ở nhà, Khả Tú đã đi học, Thịnh, Vượng đi nhà trẻ. Nếu cứ ngồi lại đôi co với Tân cô sợ mình buộc miệng nói ra những lời trong lòng sẽ làm tổn thương tình cảm vợ chồng dù cô biết rõ rằng trái tim của Tân bây giờ không còn thuộc về cô nữa.
 
Như Chạm vào Cúc đang đứng nép bên cánh cửa lắng nghe cuộc nói chuyện của hai vợ chồng cô. Như vội vã dắt chiếc xe ra khỏi nhà, chở Cúc và bé Trân ra quán cà phê gần đó.
 
Kêu ba ly cam vắt, Như buồn bã nhìn Cúc:
- Em đã nghe tất cả rồi phải không? Thật ngại khi vạch lưng cho em xem thẹo.
 
Cúc ve vuốt bàn tay Như để trên bàn, nhìn bạn bằng đôi mắt chứa chan niềm thương cảm:
- Mình là chị em mà chị. Nếu chị tâm sự được với em có thể chị sẽ thấy nhẹ lòng hơn.
 
Như đăm chiêu, khuôn mặt vốn dĩ khắc khổ ánh lên nỗi buồn càng làm cho cô thiểu não hơn:
- Em biết không, tiền bạc như là nội y đang mặc của người phụ nữ. Ai cũng biết là có nhưng khó thể nhìn thấy. Nhưng người ta là chồng mình mà, nội y giấu ai chứ sao giấu chồng được. Anh ấy biết chị có tiền nên lúc nào cũng muốn chị bung ra để giúp gia đình ảnh. Không phải cho mượn là là cho luôn đó em. Muốn có được tiền, chị phải tranh thủ làm tăng ca, ôm đồm nhiều việc, tiền thưởng quí, thưởng năm, thưởng năng xuất đủ thứ nhưng chị có dám xài phung phí đâu, thậm chí người giúp việc cũng không có. Chiều tan ca tranh thủ về rước con, tranh thủ cơm nước, tắm gội giặt giũ cho chúng, dỗ con ngủ chị mới có không gian cho riêng mình. Anh ấy ở đâu? Trước đây khi chỉ có mình bé Khả Tú anh ấy còn phụ chị mỗi khi về nhà, bây giờ có đến ba đứa con rồi thì chỉ còn mình chị quần quật lo toan, rảnh rỗi thì ảnh về quê với gia đình. Sao không chờ những ngày nghỉ cùng đưa con về chơi luôn? Rồi mẹ con to nhỏ rù rì với nhau.
 
Em thử nghĩ xem, muốn khởi nghiệp mà không có một đồng bạc vốn đầu tư, chỉ mong đợi người khác bỏ vào. Kinh doanh kiểu gi mà bản thân không có chút kinh nghiệm về mọi thứ? Có phải là tìm cớ để sử dụng tiền hợp pháp là công sức của người khác không? Chị dù tốt cách mấy cũng không đem tiền bạc quăng vào cái động không đáy được. Ảnh có buồn giận hay kiếm chuyện với chị cũng vô ích, chị còn ba đứa con, chị phải tích lũy để lo cho con chị. Em biết không, gia đình bên ngoại tụi nhỏ khá giả, chưa hề nhờ chị điều gì, không phải mẹ ghẻ không thương nhưng các em của chị tự trọng.
 
Mà cũng hiếm có mẹ chồng nào như mẹ chồng chị. Bà đối xử với chị trọng vọng lắm, nhưng nói chuyện chưa được mấy câu lại muốn mở mòi nhờ cậy, ban đầu để cho vui cửa vui nhà, hễ bà yêu cầu gì chị cũng đáp ứng nhưng dần dà điều đó trở thành thói quen, đến độ chị sợ phải gặp mặt mẹ chồng thì em hiểu rồi đó.
 
Cúc im lặng nghe, cô thương cảm cho bạn. Thì ra mỗi người đều có hoàn cảnh của riêng mình. Không hẳn nghèo khổ bươn chải tìm miếng cơm manh áo như cô là khổ, cũng không hẳn giàu có nhà cao cửa rộng như Như là sướng. Khổ hay sướng  đều do nội tâm sinh ra. Cô bây giờ đã qua thời kỳ dằn dặt vì phải nhìn sắc mặt của người khác mà sống rồi nhưng Như thì lại khác. May mắn là chị chủ động được nguồn tiền của mình, may mắn là Như bản lĩnh. Tự chị cũng có thể sống vững vàng lo cái ăn cái mặc, chuyện học hành cho con mà chẳng cần lệ thuộc ai.
 
Cúc xiết chăt tay Như, thì thầm:
- Em tin chị đủ sáng suốt mà quyết định hướng đi cho mình. Non kém như em nên không dám khuyên chị điều gì, chỉ mong được nghe chị chia sẻ tâm sự và đồng cảm với chị mà thôi.
 
Như nhìn Cúc, bỗng nhiên thay đổi thái dộ, cô dịu dàng cười tươi tắn:
- Thôi bỏ qua chuyện của chị đi. Em về quê mọi chuyện đều suôn sẻ phải không?
 
Cúc gật đầu, cô kể như nghe về tất cả, luôn chuyện gặp Vạn ở bến xe. Như tủm tỉm cười, nụ cười tươi tắn như chưa từng có nỗi bức xúc vừa rồi:
- Khá lắm Cúc, từ nay hết cơn bĩ cực rồi hén?
 
Hai bàn tay của đôi bạn đan lấy nhau, xiết chặt. Như cười:
- Hôm nay chị không đi làm, thời gian nầy cũng không muốn về nhà chạm mặt ảnh mà ngoài đường chờ đến giờ rước con thi quá lâu, chị cũng không thích lân la mấy shop thời trang mua sắm nên để chị đưa mẹ con em về. Sẵn tiện xem công việc hiện tại của em ra sao cho chị yên tâm.
- Em nghĩ hôm nay thôi đừng đi chị à. Chị về nhà dỗ dành anh, phân tích thiệt hơn cho anh nghe, đừng để vợ chồng xích mích. Vết rạn thời trẻ sẽ là miếng mẻ lúc gia đó chị.
 
Như đăm chiêu nhắc lại:
- Vết rạn thời trẻ, miếng mẻ lúc già.
- Phải đó. Còn bữa nước hôm nay em xin phép được thanh toán. Chị đã làm cho em rất nhiều rồi mà em chưa làm gì cho chị, vài ly nước thì đáng là bao.
 
Như phì cười:
- Khách sáo vậy à? Em đã làm cho chị nhiều lắm rồi. Khi chị sinh hai đứa sau, một tay em lo lắng chăm sóc. Vắng chị lâu em vội vã đến thăm và ở lại khi chị bệnh vừa mới hồi phục. Tình nghĩa nầy chỉ có ruột thịt mới có. Đừng nghe chị than vãn với anh mà nghĩ rằng chị hết tiền. Dù sao thì chị cũng ổn định hơn em biết chưa?
- Em biết chứ. Nhưng hôm nay nhất định phải giành chị khoản nầy.
 
Hai người phụ nữ cùng cười, âu yếm nhìn nhau.
 
Hết chương 5.
          Còn tiếp chương 06.
 
Lê Nguyệt
 
 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo