Hôm nay thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024
Truyện ngắn – Nhà Không Có Đàn Ông (20/07/2022 03:38 AM)
Dạ Ngân

Đã ngoài ba mươi tuổi nhưng Út Thơm là người trẻ nhất nhà.
 


Chị còn khá sạch mắt dù không tiếc thân mình trong việc nhà cửa, khi đi làm, không bao giờ chị viện tới các loại kem dưỡng da chống nắng vẫn theo xuồng hàng về tận xóm ấp mà các chị các cô thôn quê bây giờ quen dùng như một thứ bửu bối chống lại mặt trời.

 
Chị ở góa từ rất sớm, hồi mới hai mươi tuổi, ngay ôm đất nước hòa bình, may mắn duy nhất là đã kịp sinh với anh bộ đội ấy một đứa con trai hiện đang ở nhờ người bà con ngoài thị trấn, cách chỗ chị ba giờ đường xuồng để đi học. Dĩ nhiên chị còn có một trái tim khao khát, một tương lai ít ra cũng dài bằng đoạn đường sau lưng, vì vậy không có gì quá khi cho rằng chị vẫn thòm thèm muốn đi bước nữa.
 
Vậy rồi một người đàn ông góa vợ bên kia giang đồng tìm đến, lúc đầu bằng những lá thư mộc mạc xa gần nhờ những cậu học trò qua lại, việc ấy nghe thì buồn cười nhưng đó là hành trình muôn thuở của mọi mố tình không phân biệt tuổi tác. Ấy là một người thỏa mãn được nhiều tiêu chuẩn của chị, kể cả việc anh không có con riêng, điều đó thật dễ dàng khi chị đề nghị anh sang hẳn bên này vừa làm cây lao động chủ lực vừa góp phần thăng bằng đời sống tinh thần thất thường và thiếu hụt của nhà chị.
 
Sau hai cuộc gặp khá cặn kẽ ngoài đồng với người ấy, chị thấy đã đến lúc phải công báo cho cả nhà ý định tái giá, vì dù sao chị cũng không còn trẻ nhít để kéo dài thời gian mơ mộng hay để đặt những người thân trước chuyện đã rồi, tóm lại chị muốn đi tự mình một con đường trực diện, gãy gọn, nhanh chóng trong chuyện này.
 
Chị chọn một buổi tối, sau giờ cơm. Đã thành lệ, trời sập tối khá lâu nhà chị mới ngồi vào bàn ăn bữa cơm chiều, thói quen ban đầu còn khiến lối xóm kêu rêu cám cảnh, sau họ đâm ra phục lăn nết làm ăn sát rạt của nhà chị và thường lấy đó làm gương cho con cháu họ. Biết làm sao được, chị chỉ nghĩ, công việc nhà mình đa đoan đã đành, còn vì không ai đợi những người phụ nữ trong nhà trên giường, việc gì phải vội vàng sau một ngày cật lực vì miếng cơm manh áo.
 
Chiếc bàn ăn giữa nhà bếp đã được dọn trống, mọi người đang tranh thủ ngả lưng gần đó khi không khí quây tụ hàng đêm nhà họ giờ mới bắt đầu. Thông thường, thú tiêu khiển của những người đàn bà suốt ngày ngụp lặn trong mưa nắng và cô đơn không gì khác ngoài các thứ chuyện đời, lúc đầu để bộc bạch giao cảm thắt buộc tâm tình nhau nhưng chỉ cần một sơ hở trong lời ăn tiếng nói là họ bùng lên cấu chí nhau, khi ấy chỉ có một phương thuốc chữa lành tình trạng khốn khổ của họ là nước mắt của tất cả các thành viên trong nhà để sáng sớm hôm sau, họ lại lóp ngóp chui ra khỏi cái góc của mình, lại dè dặt bắt chuyện nhau, lại sớt cho nhau từng miếng chơm chiên và lại chúi nhủi vào công việc.
 
Tưởng cũng cần dừng lại với từng người trong nhà họ trước khi đi tiếp vào chuyện Út Thơm.
 
Người phải kể đến trước tiên là cụ nội, đã ngót nghét chín mươi, đại biểu hiếm hoi của thế hệ trung thành cho đến chết với chiếc quần lưng rút và chiếc áo cánh màu cau khô cùng chiếc khăn rằn có những sọc ca rô trắng đỏ. Góa chồng từ lúc hai cụ mới định cư trên miếng đất hiện giờ, bà hơn người ở cái cằm vuông vuông nghị lực, ở vóc dạc săn dẻo như một sợi dây luộc và ở phẩm hạnh ở vậy nuôi con mà bà coi như một thứ thể diện, một thứ của nả hồi môn cho con cháu.
 
Người thứ hai là bà cô, xấp xỉ lục tuần, có thói quen dựng mọi người dậy lúc nửa đêm để chuyện vãn hoặc đánh đuốc lá dừa sang với mấy bà bạn hàng xóm. Bà son sẻ, sắc nét như một lưỡi dao nhưng phải tật mau nước mắt như mọi bà cô lúc đầu vì những tiêu chuẩn nghiêm ngặt tự mình mà không chọn được tấm chồng, sau lỡ trớn nên thề quyết ở vậy cho thiên hạ biết mặt, giờ hết đời ngoảnh đi ngoảnh lại mới hay mình bất hạnh hơn ai bèn thường xuyên giải sầu bằng những cơn mủi lòng có khi không nguyên cớ gì. Trong nhà bà được coi như chính ủy, tuy nhiên, với đội quân toàn đàn bà, tiếng nói của chính ủy không phải lúc nào cũng được lắng nghe.
 
 Người kế đến là bà má, lặng lẽ nhất nhà vì vị thế dâu con nhiều năm, chính vậy mà được coi là người thứ ba trong mọi chuyện. Bà cũng góa sớm như mẹ chồng, coi ở vậy là chuyện đương nhiên trước bầy con. Hồi mới bốn mươi tuổi, ba chịu liền ba cái chết của ba người con trai trong những năm chống chọi với những chiến dịch phản công của giặc, từ đó tóc tai bà trắng xám ra như một bãi lau. Người ta nói bà bị khổ vọng.
 
 Cuối cùng là Hai Thảo, chị của Út Thơm, người phụ nữ trẻ làm thành cái mấu đối trọng với cô em trên chiếc đòn gánh gia đình. Chị cũng có một anh bộ đội trên bàn thờ nhưng bất hạnh hơn cô em là không kịp sinh với chồng một đứa con, mỗi khi nhớ lại mối tình tức tưởi của mình, chị cũng nhớ được số lần hai người gần nhau mà chị có thể đếm trên đầu ngón tay. Hồi còn trẻ, vì quá yêu chồng nên chị không tìm được ai thay anh trong số đồng đội dập dìu của anh, sau hòa bình, họ hoặc bị cuốn ra thành hoặc ở miết bên chiến trường Campuchia trong khi chị chỉ nhăm nhăm vào đối tượng đó, vì vậy việc ở góa của chị là không thể thay đổi và thành sự kế thừa một cách hiếu đễ truyền thống ở vậy của gia đình. Mỗi khi cụ nội trương ngọn cờ đó lên và được bà cô hưởng ứng bằng cái giọng của cô gái đồng trinh khắc khổ, chị chính là người ca bài ca thủ tiết như một thứ kinh kệ trong nhà.
 
 Vậy đó những vòng rào ruột thịt, được mạ kền bằng đủ thứ lý lẽ về phẩm hạnh mà Út Thơm phải vượt qua. Nhưng không đi thì sao có đến, chị tự nhủ và nhân lúc mọi người còn nhâm nhỉ buổi tối bằng món trà suông cuối bữa, chị bèn rụt rè đem chuyện ra thưa.
 
 Như vừa nổ ra một cái gì, nghiêm trọng, bàng hoàng sau khi Út Thơm ngưng nói. Thật khốn khổ thân chị, khi người ta muốn có chồng thì xưa nay cũng chỉ có một lý lẽ là muốn có chồng. Chị không thể nói gì nhiều và chợt thấy mình thật dại dột mới từ chối cái bước cổ điển do người ấy đề xuất là nhờ một bà mối, vì chị nghĩ chỉ có những đôi trẻ mới cần việc đó. Đáng lẽ chị phải tỉ tê trước với má nhưng chủ thuyết “vị con” của bà sẽ lớn hơn mọi thứ tình cảm khác, điều đó dễ làm chị nguội lòng. Chị cũng có thể nói nhỏ với Hai Thảo nhưng bà chị này vốn dễ hết mình, phản ứng có thể tóe loe và thế là hư cả bột lẫn đường. Còn với cụ nội và bà cô thì càng không thể, do đó chị chọn kiểu đi mạo hiểm này như một kẻ đánh cuộc với thời vận của chính mình.
 
 Bà cô bật dậy như chiếc lò xo trên võng, bước lại bàn rót thêm ly nước trà, đằng hắng mấy tiếng theo thói quen khi gặp chuyện nan giải. Đoạn bắt đầu.
 
- Cô thấy con còn trẻ, con có quyền, nhà không ai nỡ trách con. Cô chỉ ngại một điều, người đó không xa lạ với nhà mình thiệt nhưng quá thua kém so với chồng của con. Bất quá nó chỉ là anh nông dân tốt bụng siêng năng trong khi chồng con nếu còn sống thì cũng lên tá lên tướng rồi. Cô chỉ sợ con của con nó tủi, nó coi thường dượng kế hoặc chạy luôn về với nội nó thì sao? Mà con có lần nào ướm ý thằng nhỏ chưa?
 
  Im lặng. Như nghe được tiếng lục bình từ thưở hồng hoang đang chảy rì rầm dưới dòng sông Cái Lớn trước cửa. Út Thơm ngồi cúi đầu, tự dưng thấy mất hẳn tự tin và muốn phân vân với mọi chuyện trên đời. Lý trí của chị đang nói hình như có một thứ sự thật trong lời bà cô trong khi trái tim thì bảo điều đó không quan trọng, không là cái gì cả.
 
 Cụ nội chậm rãi đưa ống ngoáy lên miệng và trầu, những vụn trầu rơi lả tả bên cái khóe nhăn nheo. Bấy giợ cụ mới lên tiếng giác đác:
- Bà thì không tán thành chuyện so đo người cũ với người mới. Ai cũng được miễn tốt, được làng xóm thương với phải biết điều. Nhưng bà nhắc con, bà đây cũng góa chồng từ hồi cô của con còn lẫm chẫm, được mọi người nể nang là nhờ ở vậy nuôi con dạy cháu đàng hoàng. Nói vậy chớ trò ong bướm muôn đời nó đâu có chừa mình, chiến thắng được nó mới là oanh liệt. Kế rồi má con, cũng theo gương bà ở vậy, để tụi con khỏi mồ côi lần nữa. Rồi cô con, cô con không chịu lấy chồng phần vì núm níu bà, phần muốn tiếp má con gánh vác bầy chị em bây. Thương là thương co con đây nè.
 
Bà ngưng nói tóm tém khóc. Đây đó cũng sụt sịt theo. Bỗng bà cô nói tướng lên:
- Tui dại, tui vì tụi nó tui chịu, để bây giờ nó tính chuyện bỏ đi. Má đừng đem tui ra làm gương cho ai hết, tui không bắt ai học theo mình hết!
 
Nói xong, bà đưa tay áo chùi nước mắt như một đứa trẻ.
 
 - Con biết – Hai Thảo bắt đầu tấm tức góp vô - biết thế nào nội cũng đem con ra làm bài học cho nó. Nào là ở vậy, nào là thiệt thòi vì không được mụn con, nào là gồng gánh chuyện nhà…Đừng, đừng đem con ra, con không là cái gì hết, con chẳng là gì với nó hết!
 
 Trận mưa nước mắt đã bắt đầu rền rỉ. Út Thơm ngồi chết gí trên góc ván không còn cảm giác với bầy muỗi đói dưới chân, xấu hổ một cách cay đắng vì sao mình đâm ra nhỏ bé, tầm thường và vô ơn với những người thân đến vậy. Ấy cũng là sự cảm thấy của lý trí trong khi trái tim thì như một hòn than vừa bị hắt nước, nguội lạnh và dửng dưng với chung quanh, nó không vắt nổi một giọt nước mắt nào như trước đây, khi những người ruột thịt của chị khóc lóc.
 
 Lại tiếng của cụ nội:
- Hồi nãy con có nói người đó về bên này ở rể nhà mình? Thôi thì nội ghi nhận thiện ý của hai con nhưng theo nội, đã có chồng có vợ là phải riêng tư, cung đụng lâu ngày chày tháng thế nào cũng mích lòng. Nội sợ nhứt cái cộng đồng này không còn như trước, cái mà nội dày công ven giữ, chắt đặt mấy chục năm nay. Nhưng… nhưng nghĩ tới lúc nhà vắng con, tối lửa tắt đèn kêu cù hơ cù giựt cũng không thấy mặt, nội chịu sao nổi, con!
 
 Bà cô lại òa lên như đập vỡ:
- Con nhớ con là cháu nội út của nội, hồi nào giờ nội chưa từng xa con, chưa từng khóc vì con. Nội sống không bao lâu nữa, con làm sao bà nội vui đó thì làm. Còn cô, riêng nghĩ tới bữa ăn thiếu hẳn một người, cô cũng không chịu nổi đâu, con!
 
- Thôi, nội với cô Ba đừng có nài nỉ nữa - Hai Thảo lại ấm ức chen vào, tay kéo ống quần chùi nước mắt - Nó không thèm nghĩ tới ai thì thôi, nãy giờ con thấy ai khóc chớ nó có thèm nhỏ giọt nước mắt nào đâu. Nó là út, út cưng út chìu của má con, cứ để má con quyết định!
 
- Ừ, cô cũng thấy nên để má con toàn quyền!
 
 Bây giờ Út Thơm đã quá hoang mang, như chị vừa gây ra một tội tày đình với những người trong nhà. Chị những muốn cúi rạp xuống van nài những người thân hãy thông cảm, dù sao chị cũng còn non dạ, chị chưa lường hết những khổ tâm mà chị gây cho má và cũng không liệu đủ mọi bề khi chị đi bước nữa, đoạn đường chắc chắn sẽ không ít lụy phiền. Thế nhưng, lần nữa, trái tim với lý lẽ của nó lại bảo rằng, mọi thứ đã vô nghĩa tất, chẳng có trời xanh chẳng có đồng vàng cũng chẳng có nước bạc, mọi thứ bỗng trở nên trống rỗng và u mê, cả những ý nghĩ sám hối của chị cũng chẳng cứu vãn được gì. Chị ngẩng lên cầu viện má nhưng suốt từ nãy đến giờ bà vẫn ngồi trên ngạch cửa ngó mông ra bóng tối, mỗi ý kiến đều khiến bà ngọ nguậy như chính bà mới có lỗi trong chuyện này. Bà vốn vậy, thu mình theo cách của bà trước mọi chuyện nhưng khi đã tham gia thì hoặc là gây thương tâm hoặc là cái mồi lửa làm đám cháy bùng lên. Nãy giờ, bà đã lặng lẽ làm trò nước mắt của mình, bật nói bằng cái giọng nghẹn ngào:
- Phải chi con Thơm nó nói trước với tui thì không có cái đêm nay. Đã nói là vì con đi, nó sống chớ mình có sống đâu mà. Cuộc đời như một cái ngáp, hy sinh thêm cho con cái chút nữa thì cũng tới ngày xuống lỗ rồi.
 
          Út Thơm cảm thấy đã quá đủ, những lời khuyên và cảm giác ứa tràn như trong chị có cái gì đó vỡ òa. Chị thấy thương má hơn bao giờ vì nhận ra đó không phải một lời phán mà là một tiếng kêu, một tiếng thét bị uất nghẹn bấy lâu nay. Chị bỗng cảm thấy căm thù, căm thù chính bản thân mình, chính những ham muốn mà trước tối nay chị còn thấy nó tự nhiên, chính đáng. Thấy vậy nên khi cụ nội bảo chị cho biết ý mình hiện giờ đi thì chị không ngần ngại thưa rằng mình đã nghe ra, đã bình tâm và nội với má với cô cùng với chị đừng bận tâm gì nữa cả.
 
         - Con Thơm đi đâu đó? - tiếng má chị hốt hoảng sau lưng chị, nghe thảng thốt linh cảm của một người mẹ - Đi đâu xuống bến giờ nầy, trở lại coi!
 
         - Con đi rửa mặt thôi mà - chị đáp, bình thản đến mức má chị yên tâm ngồi lại bên ngạch cửa ngó theo.
 
Chị đi miên man theo ánh sáng guyên thủy của bầy đom đóm trong tán bần dưới mé bãi, trong tiếng gió thắp thỏm qua biền lá, cảm thấy hết sức nhẹ nhàng trong sự trống rỗng cuả mặt đất chị đang bước, của không khí chị đang thở và của cả những tế bào chị đang mang trong người, khi ấy hình ảnh người đàn ông góa vợ bên kia giang đồng thấp thoáng hiện ra xa xôi và trơ trẽn đến thảm hại. Chị vẫn đi, cho đến lúc sững sờ nhận ra mấp mé dưới chân mình là mép nước lạnh ngần trong ánh sáng ma quái của lũ đom đóm, chỉ cần một cái nhún mình là mọi sự vô nghĩa trong chị cũng nhẹ nhàng kết thúc. Nhưng chị đã ngồi xuống, còn nhớ là phải thận trọng khi vươn người khoát nước rửa mặt
 
Những người thân của chị đã thành công khi họ nhân danh đủ thứ, truyền thống và tiêu chuẩn, tình thương và sự hy sinh nhưng không ai để lộ một lẽ  nhân danh khác, ấy là tính đàn bà. Họ đã gắp gọn ra khỏi trái tim người phụ nữ trẻ ấy khát vọng tình yêu, cái mà con người cần hơn mọi thứ, vì từ đó mà có tất cả.
 
Để đêm đêm nhà họ phải nhai lại các thứ chuyện đời, lúc đầu là để bộc bạch, giao cảm, thắt buộc nhau hơn nhưng chỉ cần một sơ hở là họ lập tức bùng lên cấu chí nhau để sáng sớm hôm sau, mạnh ai nấy lóp ngóp chui ra khỏi cái góc của mình, lại dè dặt bắt chuyện nhau, lại sớt cho nhau từng miếng cơm chiên và lại chúi nhủi vào công việc cùng với cô đơn.
 
Đầu mùa mưa 1990
Dạ Ngân
 
 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo