Hôm nay thứ tư, ngày 17 tháng 4 năm 2024
Truyện dài - BA KIỂU SỐNG (47) KẾT TRUYỆN (10/01/2023 05:05 AM)
Lê Nguyệt

Chương 47: KẾT TRUYỆN
Cúc gật đầu nhưng chu miệng ngó Như:
- Biểu cảm của chị như vậy là sao?
 


Chị không thích Dân à?
- Bậy bậy. Tại chị giật mình. Lâu nay cứ ngỡ Dân như người nhà ai dè tụi nó để ý nhau hồi nào em cũng đâu biết hả?
- Là Dân thương thầm Trân nhưng không dám nói, bị thằng Dũng phát hiện. Thú thật, em cũng thích Dân lắm chị. Dù cậu ấy lớn hơn Trân đến mười tuổi nhưng có sao đâu phải không chị? Dân có tư cách, biết sống và tính tình nhân hậu. Trân gửi gấm cuộc đời cho Dân em cũng yên tâm rồi chị.
- Dân thương thầm nhưng Trân cũng phải chịu em mới gả nó được chứ?
- Trân thì lúc nào cũng yêu quý Dân nhưng nó cứ nghĩ đó là tình cảm cậu cháu. Đến khi nghe Dân thố lộ nó bối rối lắm mới hay rằng nó cũng thích Dân nhưng không xác định đó là tình cảm gì. Em cũng có đốc vô, cuối cùng khi Dân nói sẽ định ngày cho cha mẹ cậu ấy lên thì Trân không có phản đối. Vậy là nó chịu rồi chứ gì phải không chị? Mấy lúc sau nầy em cũng cho hai đứa đi chơi riêng. Trước thì tụi nó vẫn luôn đi chung nhưng bây giờ đi đâu cũng phải xin phép em.
- Tất nhiên rồi. Tụi nhỏ bây giờ dễ gì ép duyên nó được em ơi.
- Lấy Dân, Trân có cái lợi thế là ở gần nhà, lại không phải làm dâu con ai. Nó luôn tuyên bố nếu ai chọn nó thì phải đồng ý ở rể còn không thì miễn bàn. Mà điều mắc cười lắm chị. Hai đứa nó đi chơi với nhau vẫn cậu cậu cháu cháu, Dân cũng kêu em bằng chị như trước. Em la thì bọn chúng nói mắc cỡ.
- Vậy chứ đã kêu nhiều năm rồi, thay đổi liền sao được em ơi. Nhưng chị cam đoan với em, khi nào cha mẹ Dân lên coi mắt là tự nhiên tụi nó thay đổi xưng hô liền.
- Thì em cũng nghĩ như vậy.
 
Như chuyển đề tài:
- Thằng Dũng thì sao? Nó vẫn ngoan phải không?
 
Cúc chắc lưỡi một cái rồi từ từ kể cho Như nghe mọi chuyện về Dũng. Cô không nói vụ gây gổ với Thục nhưng chuyện nó quen với Đoan và chuyện Vạn cùng An tới nhìn con thì nói hết cho Như nghe. Khuôn mặt Như thay đổi theo lời kể của Cúc. Cúc nói xong, Như kết luận:
- Vậy cũng đáng đời cha Vạn. Mà chị thấy Dũng tính vậy cũng hay. Em gả trân rồi nó phải ở sớm hôm chăm sóc em chứ lấy vợ liền thì sẽ mang thêm gánh nặng sao có thời gian bên cạnh em được. Với lại, tuổi nó cũng còn nhỏ kết hôn thì quá sớm. Cứ coi như cho nó và Đoan có thêm thời gian tìm hiểu nhau. Vội vàng mà làm gì. Hai đứa mình không phải là tấm gương sống cho các con hay sao? Chỉ hai đứa mình là đủ rồi.
 
Cúc cười, mặt đăm chiêu một lúc rồi thỏ thẻ với Như:
- Em thấy, chị em mình như được tái sinh. Chị đã qua thời kỳ đấu tranh tư tưởng ác liệt để bây giờ trụ vững trong mái ấm của gia đình. Em buông bỏ quá khứ để cùng con tận hưởng những ngày tháng hạnh phúc. Nói đến tái sinh thì cũng phải nhắc tới Dũng. Bây giờ nó như một người hoàn toàn khác, yêu đời yêu người, may mắn thay, nếu sơ sảy thằng bé vốn là người lương thiện có thể đi lầm đường.
 
Như cũng cười, Cúc tiếp lời:
- Bởi vậy, chung quanh ta, tuy có những kẻ xấu nhưng người tốt vẫn đầy ra đó. Chị là người bản lãnh nên miễn bàn, tuy nhiên, nhờ những đứa con đã giúp chị bình tĩnh lại nhìn nhận về mình. Em nếu không có chị thì không biết bây giờ mẹ con em đã như thế nào rồi. Nếu Dũng không gặp được em chắc nó sẽ lận đận lắm. Chúng ta đã trở thành những con người khác không phải là được tái sinh sao chị?
 
Như cười khà khà, nhìn sâu vào mắt Cúc:
- Ừ thì tái sinh. Nhưng phần lớn là do chúng ta tự thân vượt qua. Người khác chỉ là đòn bẩy giúp ta trong một giai đoạn nào đó thôi em à. Chị hỏi thật lòng và em cũng trả lời thật lòng cho chị nghe. Em bỏ chồng khi chưa được hai mươi lăm tuổi, nhỏ hơn con mình bây giờ, em có từng bị bản năng đàn bà thôi thúc muốn tìm người đàn ông khác bầu bạn không?
- Điều nầy thì không chị à. Em dám khẳng định với chị như vậy. Trước giờ em chỉ yêu một mình Vạn và đó cũng là người đàn ông em khinh thường nhất. Chính vì vậy, em chưa từng nghĩ đến ai khác để có suy nghĩ đi thêm bước nữa. Trái tim em bị chai lì với tình yêu rồi, không còn rung động nên nhu cầu về xác thịt cũng lụi tắt. Điều nầy em không nói dối chị đâu.
- Chị hiểu mà.
- Còn chị? Trước đây chị nói mình bị lạnh cảm, bây giờ đã khắc phục chưa?
 
Như che mặt, cười khúc khích rồi đánh vào đùi Cúc thay câu trả lời.
Chơi tới chiều, gia đình Như giữ mẹ con Cúc ở lại dùng cơm nhưng Cúc từ chối. Tân đã về nhà từ sớm, Thịnh tiếp tục bàn cờ dở dang với cha. Khi Trân từ giã ra về thì cả mấy chị em đều lưu luyến tiễn nó ra cửa. Me chồng Như còn ân cần rủ hôm nào Cúc ghé lại chơi. Như cầm tay Cúc:
- Đám hỏi Trân nhớ hú chị nha.
 
Thịnh khều Trân, nháy nháy mắt:
- Hú em nữa nha. Em biết thầy Dân á. Thầy có dạy em môn vi tính nhen chị.
 
Vượng cũng ré lên:
- Hú em nữa nhen. Em sẽ đi cái đám cưới đầu tiên trong đời là của chị đó à.
Trân mặt đỏ bừng vì mắc cỡ, lính quính không biết trả lời sao. Tú bẹo má Trân:
- Điệu bộ mắc cỡ của mầy nhìn thấy cưng quá trời. Thầy Dân không chết mê mới lạ à.
 
Trân phát vào tay Tú:
- Tao đánh mầy bây giờ. Dám ghẹo tao hả?
- Rầu. Mai mốt gặp không biết kêu bằng Thầy hay anh nữa đây. Ha ha ha..
 
Trân kéo tay Cúc:
- Thôi về mẹ ơi, ở đây chị em nó ghẹo con hoài.
 
Cúc và Trân về tới nhà đúng giờ tan tầm, thấy sạp trái cây của Dũng công nhân vây chật kín và Dân đang phụ thu tiền cho Dũng, hai người nhào vô phụ bỏ bịch cho khách. Thấy Trân, Dân giao túi tiền cho nó. Thoáng chốc vòng dây giãn ra, Dũng hớn hở cười tươi, nhìn Dân:
- Ngộp thở luôn hả cậu?
 
Trân rí rố:
- Trời ơi, chị vừa về tới nhìn quang cảnh hồi nãy tưởng cái bánh ngọt bị rớt xuống đất kiến bu lại chứ. Bán kiểu nầy phát tài mấy hồi Dũng?
- Chiều nào cũng vậy mà Hai? Tại mọi hôm toàn trái cây mắc tiền nên ít người ăn. Nay em nhập thanh long rẻ rề nên ai cũng mua vài trái mới vậy chứ. Được cái nay chủ nhật mà công nhân cũng đi làm nên họ có nhiều thời gian hơn để bồi dưỡng mình.
 
Rồi nó quay sang, nói luôn miệng không ngừng:
- Con nấu cơm rồi nữa đó nhen mẹ. Hôm nay…”anh Hai” làm đồ ăn. Há há há…
 
Nó quay sang Dân, cười trêu:
- Đồ quỷ nà. Kêu anh Hai cái mặt đỏ lựng hà.
- Mẹ bà cái thằng nhiều chuyện.
- Nhờ nhiều chuyện mới được vậy. Anh Hai không cám ơn còn chửi nha.
 
Cúc cười còn Trân te tái mở cửa nhà. Nó đi thẳng xuống bếp xem hôm nay Dân nấu món gì. Dân nấu ăn thì khỏi chê rồi. Chợt nó rùng mình. Dân khéo vậy mẹ anh còn khéo như thế nào nữa? Trân giở nắp nồi. Chu choa, canh chua cá hú nấu với khóm và bạc hà, kia là chảo tép bạc rang dừa, món khoái khẩu của nó. Dân biết Trân thích canh chua cá hú nên khi dắt nó vào quán ăn cơm, bao giờ anh cũng kêu tô canh chua cá hú cho nó, còn gắp bỏ vào chén Trân nguyên cái đầu cá rồi cười hì hì: “Lấy cốt đi nhỏ” dù bữa ăn đó có cả mặt Tú. Một cái gì đó như là xuyến xao và hạnh phúc len lỏi vào tim Trân.
 
Trân đứng lặng trước nồi canh chua và chảo tép rang. Nghĩ đến một người đàn ông lại có kiên nhẫn canh chừng nồi tép cho vàng đều mà cảm động. Nghe phía trên tiếng của Dũng rí rố. Thằng đó bao giờ cũng đem niềm vui về cho cả nhà. Trân nghĩ, đã quen với sự có mặt của Dũng rồi, nếu hôm nó ông Vạn nhất định đi xét nghiệm và lỡ như nó là con của ông ta thì sao đây? Trân không muốn rời xa đứa em nầy. Nhất là khi nó có chồng rồi thì Dũng phải luôn bên cạnh mẹ thay nó chăm sóc mẹ khi trái gió trở trời nếu như nó quá bận rộn vì gia đình nhỏ của mình, như sinh con chẳng hạn.
 
Nghĩ đến đó, mặt Trân đỏ lên. Trên kia lại nghe tiếng Dũng:
- Mẹ với anh Hai vô nhà dọn cơm đi. Con đóng cửa sạp liền. Hôm nay chủ nhật, giờ chắc hết công nhân rồi. Mà cho dù có cũng xả hơi nữa. Bán hết thanh long với chôm chôm rồi, những món còn không sợ bị hư.
 
Trân mỉm cười, nó gọi Dân bằng anh Hai ngọt sớt không chút sượng ta ơi. Còn mình? Làm sao mà kêu cậu bằng anh được đây?
 
Cúc và Dân vào trong, nhìn thấy Trân đang mở nắp nồi nhìn chăm bẳm, Dân cười thoáng chút ngại ngùng:
- Sao? Mấy món nầy vừa ý không?
 
Trân tủm tỉm cười không nói gì dù trong lòng muốn nói cám ơn…anh, nhưng lại không mở lời được. Cúc thấy món ăn là biết Dân làm theo khẩu vị của Trân rồi. Cô chú ý quan sát nhất cử nhất độngcủa hai người. Cúc nhận ra con gái mình đã mất tự chủ trước đối phương. Cô dư biết nếu Trân chấp nhận Dân thì dù rất được anh thương, Trân cũng sẽ dưới màu của Dân vì trong lòng nó, Dân luôn đứng ở một vị trí bất khả xâm phạm. Cũng tốt thôi, người vợ xem chồng là bầu trời của mình để mình luôn sống trong sự che chở của chồng thì hạnh phúc nào bằng? Bây giờ, cũng đã đến lúc để Dân kêu cha mẹ lên gặp cô rồi. Mở miệng nói ra điều nầy với Dân cô cũng ngại nhưng mình làm mẹ mà, vã lại đây không phải là mong ước của Dân hay sao?
 
Dũng vào, mâm cơm được dọn lên, Dũng đã để mặc Dân lui cui dưới bếp một mình nên nó chưa biết hôm nay Dân cho cả nhà ăn gì. Nhìn thấy canh chua và tép rang dừa thì ré lên liền:
- Woa…anh Hai tâm lý ghê luôn nha. Biết chị Hai khoái ăn hai món nầy nên phục vụ liền hén? Anh Hai mà ra tay thì khỏi chê luôn. Nhìn thôi là đã chảy nước miếng rồi. Canh chua bảo đảm vừa chua vừa ngọt vừa thơm. Tép rang vàng hực vầy bảo đảm béo ngậy và vừa miệng lắm nè. Sau nầy ề ở với nhau rồi, Hai đừng xuống bếp nhen Hai, hãy để anh Hai phục vụ, bị vì có khi Hai làm ảnh chê nữa đó.
 
Dân đưa cùi chỏ vào bụng Dũng:
- Mầy lắm lời thiệt nhen Dũng?
- Nói trúng tim đen ha gì? Mà thằng Dũng thấy vầy anh Hai nghĩ sao? Cưới nhau dìa rồi, khi mà hai người chưa có con thì qua đây ăn cơm, em với anh chị mỗi người chịu một phần tiền chợ, mẹ chỉ có nhiệm vụ đi chợ mua đồ ăn thôi, còn cơm ai rảnh thì làm. Bánh trái của mẹ em lo. Anh chị đừng có chê thằng Dũng nầy không biết nấu ăn nhen? Nó luộc hột vịt bảo đảm chín luôn đó.
 
Cả nhà cười rần rần. Dân nhìn Cúc:
- Ăn cơm được rồi hén chị?
 
Dũng lại ré lên:
- Gì? Gì? Chị gì mà chị? Muốn con lão phải gọi lão bằng cha. Cưới con ta phải kêu ta bằng mẹ, câu nầy anh nói hoài nay quên rồi hả?
 
Dân phì cười, đập vào vai Dũng:
- Mẹ bà. Mắc thằng nầy như mắc trăm giạ lúa bạc.
- Vậy mà thà mắc trăm giạ lúa bạc chứ không thèm trả để mắc hoài chơi vậy hà. Em nói anh nghe nè, không có được gọi mẹ là chị nữa nhe hôn? Mai mốt hai bác dưới quê lên anh kêu vậy nghe gi được? Mà cũng không xưng cậu với Hai của con nữa. Bộ như ngoài bắc hồi xưa vợ chồng kêu nhau bằng cậu mợ sao? Thời đại gì rồi?
- Mẹ bà. Nay mầy lên lớp tao nữa hén?
- Còn nữa. Hai tiếng mẹ bà nầy anh phải cho em độc quyền. Nghĩa là anh chỉ nói với em thôi. Cưới Hai em về mà anh mẹ bà với Hai thì hổng được đâu đó.
 
Cúc thích thú cười ra tiếng. Trân ấn Dũng ngồi xuống ghế:
- Thằng nầy hôm nay ăn nhầm ớt lột lưỡi hay sao vậy?
- Thấy chưa? Chưa chi đã binh rồi hà.
 
Cả nhà vui vẻ dùng cơm. Cúc thấy mình hạnh phúc vô bờ bến. Trong gia đình nầy tuyệt không có chút mưu mô giả tạo, tuyệt không có gì để nghi ngờ nhau như ở nhà Như mà cô vẫn chưa thấy yên tâm. Dũng đã nói tới mức nầy rồi, Cúc cũng nên thừa dịp mà dọ ý Dân mới phải. Cô đắn đo một hồi rồi nhẹ nhàng nhìn Dân:
- Vài hôm nữa cô sẽ về quê giỗ ông ngoại và rước bà ngoại lên. Dân coi về quê bàn bạc với cha mẹ coi anh chị ở dưới tính sao nghe Dân?
 
Dân mạnh dạn gật đầu:
- Dạ. Em cũng định vậy.
 
Dũng la oái oái:
- Gì mà em em? Con. Xưng con biết chưa?
 
Dân tủm tỉm cười. Công nhận, nhờ có Dũng mà anh tránh được những bối rồi về danh xưng luôn đè nặng trong lòng bấy lâu nay.
 
Cúc về quê đám giỗ cha chỉ một mình vì Trân bận đi làm còn Dũng thì kỵ mặt Thục. Tiền đã xin cho Thục việc làm ở bưu điện huyện. Cúc cũng định dịp nầy sẽ nói chuyện với Thục nhưng nó lánh mặt cả hai ngày giỗ khi có cô về, viện lý do là đi công tác nhưng Cúc biết ở chức vụ của nó mà công tác nổi gì, chỉ là không muốn gặp cô sợ bị vạch tội thôi. Cúc cũng bỏ qua không muốn nhắc tới chỉ làm khó xử cho em mình. Chuyện Vạn lên nhà Cúc dắt theo An để nhìn con cả xóm ai cũng biết qua cái miệng của An. Chị ta còn kể nhờ có Cúc nên chị mới không bị Vạn lừa mất hết tiền. Từ dạo đó đến nay, Vạn không tới lui hay có bất cứ quan hệ gì với An nữa. Chuyện nhà của Vạn cũng rối nùi, vợ Vạn luôn miệng đòi ly dị nhưng phải chia đất cho cô ta vì khi về với Vạn cô ta đã đem rất nhiều tiền về cung phụng cả nhà. Vợ Vạn và mẹ chồng gây gổ suốt ngày bên hội phụ nữ can thiệp mấy lần, bà cũng mấy lần quăng đồ cô ta ra sân đuổi đi nhưng cô ta đâu có hiền như Cúc trước đây mà chấp nhận tay trắng ra đi, vụ việc cứ như vậy, sôi động cả xóm. Vợ thì nói gia đình chồng đã ăn hết của vợ đem về, mẹ thì kêu vì vợ lười nhát mà đất đai đem đi đợ hết còn đâu. Gia đình họ là đề tài cho người ta phê phán trong những buổi trà dư tửu hậu. Vạn buồn chán suốt ngày lê la ngoài bến xe khi màn đêm buông xuống mới thơ thẩn về nhà.
 
Cúc rước mẹ lên rồi thì Dân cho hay ba hôm sau cha má anh sẽ lên đánh tiếng cưới Trân. Cúc vui bao nhiêu thì Trân lo rầu bấy nhiêu. Nó vốn là một đứa dạn dĩ, xuất hiện trước đám đông chưa bao giờ bị khớp mà hôm nay chỉ mới nghe nói cha má Dân lên coi mắt mình thôi thì chân đứng muốn không vững rồi. Nhìn biểu cảm của Trân mà Dũng mắc cười quá. Nó nói với Dân:
- Anh coi chị em cà. Mặt xanh như dái khỉ và run như thằn lằn đứt đuôi.
- Cái thằng nầy. Chị đánh cưng bây giờ.
 
Dân nhìn thấy tội nghiệp nên an ủi:
- Có gì đâu mà lo Trân ơi. Cha má nhà quê thật thà chất phát. Bảo đảm khi nhìn thấy Trân là thích liền hà.
 
Dũng chêm vô:
- Không thích sao được Hai? Hai bác ở dưới tưởng anh Hai ế mọc mộng rồi, nay có người ưng mừng muốn chết, cám ơn Hai còn hổng kịp nữa à.
- Nói tao tệ vậy mậy?
- Giờ thì kêu mầy tao thì được. Vài chục năm nữa anh phải kêu em bằng cậu ba đó nhen anh Hai.
 
Cúc mắc cười. Nó gọi Dân bằng anh Hai ngọt lịm từ bữa đó đến nay. Cô nhớ lại hồi trước, để dạy cho nó danh xưng, rất lâu nó mới tự nhiên được.
 
Dân nhìn Trân, nói nhỏ:
- Cơm xong qua nhà bàn chút chuyện nhen Trân?
 
Dũng lại ré lên:
- Em đi nữa hén?
- Không mầy. Mầy đi kiếm nhỏ Đoan của mầy đi.
- Chuyện em thì không có gấp. Nhưng hổng cho thì thôi. Hahaha…
 
Tối đó, không biết hai người đã nói gì với nhau mà Cúc coi bộ khi về Trân khác hẳn, dáng vẻ tự tin hơn.
 
Đến ngày hẹn, Dân thuê chiếc mười sáu chỗ ra bến xe miền tây đón cha má, bên nội có bác Hai, cô Út. Bên ngoại có cậu Sáu, dì Bảy, anh em ruột của anh đủ mặt gồm anh Hai, anh Ba, chị Tư, chị Năm và thằng Út. Cả nhà họ mang theo lỉnh khỉnh quà quê nào là tôm khô, cá khô, mực khô, mấy con cá chẽm ướp đá, tôm càng xanh, tôm xú, toàn là đồ hải sản. Vì Dân cũng đã lớn tuổi ai cũng mong anh có gia đình nên khi nghe anh đã chọn được bạn trăm năm thì ai nấy đều háo hức muốn đi xem mặt.
 
Đứng bên nhà nhìn sang, Dũng lăng xăng chạy ra chạy vào thông báo:
- Trời ơi, lên quá chừng đông luôn mẹ ơi. Vác cái gì thùng thùng xuống luôn.
 
Bên nhà Cúc thì có vợ chồng Tiền và Đoan. Ban đầu Cúc cũng định mời Như nhưng cô thấy đây chỉ là lễ coi mắt, chắc gì đã suôn sẻ nên thôi. Sáng giờ ba người đàn bà lo nấu nướng đãi khách. Không ai cho Trân làm gì, chỉ kêu nó ăn mặc thật lịch sự ra chào mọi người. Trân không sử dụng son phấn nhưng nhờ nước da trắng trẻo hồng hào nên nhìn rất dễ ưa.
 
Cũng không cần phải diễn tả dài dòng buổi coi mắt làm gì. Chỉ là nổi bật nhất khi cha mẹ của Dân xuất hiện. Dân là đứa con thứ sáu của ông bà mà chỉ kém Cúc có mười tuổi nên anh Hai, anh Ba và chị Tư của của Dân lớn tuổi hơn Cúc. Nhìn ông bà có vẻ xứng sui với bà ngoại hơn. Vừa nhìn thấy Trân, mẹ Dân trố mắt không giấu được vẻ ngạc nhiên lẫn tự hào. Chắc bà không ngờ thằng con bị chê là ế vợ của bà lại chọn trúng một người con gái xinh đẹp lại có học thức như vậy. Cô dâu nầy ăn đứt ba cô dâu kia của bà rồi. Sở dĩ bà chỉ kêu những đứa con ruột đi coi mắt em dâu nó vì bà không muốn dâu rể bàn ra tán vào. Bà tin mắt nhìn của Dân. Nó đã từng tuổi nầy, biết bao lần ông bà kêu nó thành gia lập thất nhưng nó cứ bỏ qua nay quyết định vậy chắc là nó đã gặp người hợp ý mình rồi. Cô gái nầy mới gặp lần đầu bà đã có cảm tình, mà coi bộ chị Tư, chị Năm của Dân cũng vừa ý lắm. Gái thành phố mà không phấn son, không sơn móng tay móng chân, không nhuộm đầu vàng đầu đỏ là ngoan rồi. Mà Dân thì khó tính, nó dễ gì chịu lấy người vợ đua đòi? Bà hài lòng, rất hài lòng con dâu nầy, mà coi bộ ông cũng chịu rồi. Nhìn cách ông nói chuyện với bà ngoại của cô dâu rất mực kính trọng là biết. Vậy thì còn chờ gì nữa mà không đặt vấn đề mau lên?
Bà không phải chờ đợi lâu, thấy ông nhướng mắt về phía anh Hai và anh Hai gật đầu.
 
Sau đó anh tằng hắng một tiếng rồi trịnh trọng nói:
- Hôm nay, gia đình chú Ba nó cùng hai bên nội ngoại tới đây, trước là biết mặt cô dâu, sau muốn xin phép bác và cô cho đàng trai bước tới. Chị sui của chú Ba tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã là sui gia rồi thì cũng phải xưng hô cho đúng phép tắc. Tui là anh ruột của thông gia nên xin được gọi bằng cô. Chẳng biết bác và cô nghĩ sao với lời đề nghị nầy?
 
Bà Ba tươi cười:
- Không biết thì thôi. Biết rồi coi như người một nhà. Cháu Dân đây với gia đình nầy cũng đã quen biết nhiều năm, bây giờ cháu muốn làm rể con gái tui thì chúng tôi rất vui lòng. Vậy thì việc coi ngày để xúc tiến đám cưới giao cho nhà trai lo liệu giùm.
 
Bác Hai nhìn qua ông Ba, thấy ông gật đầu thì nói tiếp:
- Dạ. Tụi con sẽ về coi ngày rồi lên trình lễ nói, lễ hỏi và lễ cưới cho gia đình chuẩn bị.
- Xa xôi quá nên chế bớt hai lễ nói và hỏi đi. Chỉ cần tổ chức lễ cưới để hai đứa nhỏ ra mắt nội ngoại, và mời một số bà con thân hữu tới chúc mừng cho chúng là được.
- Bác thông cảm vậy chúng con biết ơn. Nhưng đời người chỉ có một lần, lễ nói thì chế được nhưng xin cho đàng trai làm lễ hỏi. Nhân ngày đó nạp tài theo yêu cầu của nhà gái luôn.
- Không không. Không nạp tài gì cả. Bên nào nấy lo. Nếu nhà trai muốn làm lễ hỏi thì cũng được nhưng chi phí thì cứ tự hai bên lo, đàng gái gả con chỉ mong nó được sống hạnh phúc chứ không phải bán con nên chẳng đòi hỏi gì hết.
- Bác nói vậy nhà trai rất mang ơn. Nhưng ngày hỏi nhà trai sẽ lên ăn ở đây nên nhà gái hãy nhận chút đỉnh tiền để gọi là thiện chí nhà trai muốn cưới vợ cho con mình.
- Nhà trai xa xôi nên lên đây ăn bữa cơm là hợp lý, hao tốn bao nhiêu mà lo? Đừng quá bận tâm về vấn đề tiền nong, ở đây lo được mà. Miễn sao cháu gái tui về bên đó được bên chồng quí mến thì chúng tôi vui rồi.
 
Sau đó, là màn nói chuyện thân tình của hai bà sui với nhau. Nhìn mẹ Trân lớn hơn cả má mình mà mình lại gọi là chị xưng em Cúc thấy ngại ngùng ghê gớm nên mỗi lần gọi cô đều đỏ mặt. Nhưng qua cách nói chuyện, Cúc nhận ra bà rất chơn chất hiền lành. Các chị của Dân cũng nói năng nhỏ nhẹ đàng hoàng, điều nầy chứng tỏ Dân được cả nhà coi trọng, đó luôn là mơ ước của Cúc, gả con vào một gia đình dù đông đảo nhưng mọi người đều lương thiện hiền lành thì còn gì bằng? Vã chăng, dù họ có khó khăn với nhau nhưng Trân cũng đâu ở cạnh bên họ mà sợ bị hiếp đáp? Và nhất là Dân, cậu ấy không phải lệ thuộc gia đình, không nhận một ân huệ nào từ cha mẹ anh  em nên muốn gây khó khăn cho Dân cũng không phải là chuyện dễ.
 
Ông Ba nói sẽ về xem ngày rồi điện thoại lên nhờ Dân trình với Cúc ngày cưới hỏi. Xin phép lễ hỏi sẽ cho trước cô dâu một số nữ trang và sáu mâm quả làm sính lễ, còn có con heo quay từ dưới Cà Mau mang lên. Dân là đứa con cuối cùng của gia đình lấy vợ nên không thể sơ sài được.
 
Nhà trai nói gì Cúc cũng bằng lòng. Từ bây giờ, cho phép hai đứa trẻ được gọi cha mẹ.
 
Trong bữa cơm, Tiền uống vài ly rượu với bên thông gia, cậu và bác của Dân. Pha nhìn thấy chỉ là coi mắt thôi mà hoành tráng như vậy đủ biết sau nầy Trân sẽ hạnh phúc cỡ nào.
 
Cơm nước xong, mọi người về nhà Dân nghỉ ngơi. Dân chào “mẹ và ngoại” đầy vẻ sượng sùng và mắc cỡ. Chỉ có Trân là tự nhiên hơn vì trước nay chưa từng gặp ông bà nên nó thưa gửi cũng dễ dàng.
 
Trân theo chân gia đình Cúc về nhà Dân, Dũng ở lại phụ mẹ và mợ Ba dọn dẹp tàn dư của buổi ăn nhậu bởi vì Cúc từ chối sự giúp đỡ của hai bà chị ruột Dân. Qua nhà Dân, ông bà Ba soạn ra quá chừng là quà cáp rồi kêu hai anh của Dân cùng Dân mang qua biếu thông gia.
 
Chiều lại, Dân và Trân đưa cả nhà ra bến xe miền tây, mua vé nằm cho mọi người về quê. Trên xe, bà Ba cố tình ngồi cạnh Trân để nói chuyện với con dâu.  Bà cứ luôn miệng nói và tay thì hay nựng càm Trân, bà nói cháu nội cũng có đứa lớn hơn Trân nhưng sao nhìn Trân chững chạc hơn nhiều. Bà cứ hỏi chị Tư và chị Năm của Dân coi bà nói đúng hôn? Nhìn Trân sao bà thấy ưa quá là ưa. Dân thấy má mình và hai chị yêu thích Trân thì vui ra mặt.
 
Trở về, vẫn ngồi trên xe, nhưng lần nầy Dân ngồi sát bên Trân, bạo dạn nắm đôi bàn tay nhỏ của nó nâng niu:
- Vậy là ván đã đóng thuyền rồi. Trân không thoát khỏi tay…anh từ nay.
 
Trân mắc cỡ đỏ mặt, ngại ngùng gỡ tay Dân ra nhưng vẫn bị anh nắm chặt. Tay còn lại, anh nâng cằm Trân lên, nhìn sâu vào đôi mắt đang mở lớn vì e thẹn:
- Anh  hạnh phúc lắm. Ước mơ cả đời đã thực hiện được. Em cứ an tâm làm vợ anh, anh sẽ cho em cuộc sống lứa đôi hoàn hão như cuộc đời của em vậy.
 
Trân không nói gì. Chỉ dịu dàng ngã đầu vào vai Dân, đây là bờ vai và điểm tựa duy nhất của nó kể từ ngày hôm nay.
 
Ông bà Ba về tới nhà thì xúc tiến coi ngày liền. Điện lên cho Dân báo với nhà gái là đúng một tháng sau nhà trai sẽ lên làm lễ hỏi và hai tháng sau là đám cưới.
 
Cúc cảm thấy đời mình đã mỹ mãn lắm rồi. Gả Trân xong, Cúc sẽ nhìn thấy con mình hạnh phúc. Bên cạnh Cúc vẫn còn có Dũng, đứa con mà ông Trời đã ban cho cô. Không cần biết nó xuất thân như thế nào và mang dòng máu của ai, nó đã gọi cô là mẹ thì đó là con trai của cô, nó đã có đối tượng để tìm hiểu, cô sẽ giúp nó và vợ chồng nó sẽ sống cùng cô. Như thế là đủ, cô không mong đợi gì hơn. Là người mẹ đơn thân ngỡ không nhìn thấy tương lai, cô đã cố chống chọi với bao khó khăn gian khổ để san bằng con đường trước mặt cho con. Chính hành trình chinh phục bản thân đã qua giúp cô tìm lại được chính mình, một con người mà cô tưởng rằng sau cuộc hôn nhân đã bị quật ngã.
 
      Chương 47 KẾT TRUYỆN
 
Lê Nguyệt
 
 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo