Hôm nay thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024
Lan Rừng Châu Úc (29/08/2020 06:21 AM)
BÙI XUÂN ĐÁNG

Úc đại lợi một quốc gia xa xôi thuộc Nam bán cầu, miền đất có nhiều giống hoa lan khác lạ những nguời biết chơi lan đều mong mỏi sẽ có dịp thăm viếng.



Nhằm vào đầu Xuân tại Úc, lan nở tưng bừng, nhóm 6 người chúng tôi: vợ chồng Neal và Tom Biggart đều là giáo viên đã nghỉ hưu, vợ chồng Sue và Charley Fouquette người vợ là Thảo mộc gia trông nom các công viên tại San Diego còn Charley là một nhà chuyên môn nuôi lan nữ hài và hồ điệp, John Kidwell một tay buôn lan tài tử và tôi rời phi trường Los Angeles tối ngày 25 tháng 8 năm 2005, bằng chuyến máy bay của hãng Qantas.

Sau 14 giờ, máy bay ghé lại Auckland, NewZealand 2 tiếng rồi đến Brisbane, một thành phố đứng vào hàng thứ 3 thuộc New Queenland, Úc đại lợi. Thuê một chiếc minivan làm phuơng tiện di chuyển, chúng tôi lạc lên, lạc xuống bởi vì chưa quen với lối lái xe bên trái và những bùng binh Round about cho nên cứ phải vòng đi vòng lại rồi mất phương hướng. Cuối cùng cũng đến khách sạn sau một tiếng đồng hồ dù rằng chỉ xa có hơn 30 cây số. Khách sạn nằm ngay giữa thành phố, bên giòng sông Brisbane trong xanh thơ mộng, nhưng chúng tôi chẳng có được một ngày nào trọn vẹn ngắm cảnh ven sông hay phố phường.

Sáng hôm sau mới 8 giờ đã phải lên đuờng để thăm một hội hoa lan cách Brisbane chừng 35 cây số. Cũng lại lạc đường và bị xe đi sau bóp kèn inh ỏi dù rằng trên kính phía sau chúng đã cẩn thận dán một hàng chữ "American Drivers, be carefull!"

Phòng triển lãm là một nhà kho ở trong một khu nông trại hoang sơ chẳng có trong bản đồ chỉ đường. Hương lan tràn ngập gian phòng nhưng khách viếng thăm thưa thớt. Biết chúng tôi từ một xứ xa xôi quá nửa vòng trái đất tới thăm, họ tiếp đón rất niềm nở. Ông Hội trưởng hội Australian Native Orchids Society (ANOS) tại Kabi đích thân hướng dẫn chúng tôi thăm khu triển lãm. Bốn giẫy bàn dài kê liền với nhau trên đó toàn những giống Dendrobium đặc biệt của Úc hiếm thấy trong các cuộc triển lãm tại Hoa Kỳ. Những cây Dendrobium đủ loại mang đến từ khắp vùng như Den. speciosum var. grandiflorum (king orchid) cao lớn với chùm hoa vàng rực rỡ bên cạnh cây speciosum var. curvicaule thân cong cong, hoa mầu vàng nhạt, speciosum var. hillii mầu trắng với thân cây nhỏ nhưng cao hơn và thẳng đứng hay speciosum var. pedunculatum (rock orchid) thân ngắn và mập mạp hoa thưa thớt. Những chậu Den. kingianum nguyên giống hoặc đã lai giống đủ mầu, đủ sắc xen lẫn vói những cây Den, delicatum và Den. grassilimum hoa trắng, hoa vàng khoe hương khoe sắc.

Một giàn lưới thép trên có máng những giống Den. teretifolia lá dài và nhỏ như chiếc đuôi chuột (rat’s tail orchid, bridal veil orchid) hoa trắng nhỏ nhưng thơm ngát. Den. canalicutatum hoa vàng, lưỡi tím tuy nhò nhưng thật là bắt mắt. Den. discolor thân như cây mía cao quá đầu người. Mấy cây Den. tetragonum cánh dài như con nhện nhiều mầu từ var. tetragonum mầu nâu tím, var. cacatua trắng xanh, var. giganteum hoa lớn hơn cả mầu hanh vàng có chấm nâu đậm. Bên cạnh đó là những cây Den x. rupianum, Den jonesii và Den aemuleum thân nhỏ như chiếc que nướng thịt tất cả đều ra hoa mầu trắng tuơng tự như nhau chỉ khác về kích thước to hay nhỏ. Bàn bên cạnh là những chậu Den. grassilicaule hoa vàng lấm tấm chấm nâu xen lẫn với những cây Den grassillimum hoa vàng tuyền vì đã được lai giống với Den. delicatum. Nổi bật hơn cả là một chậu Den. Telekon thật lớn mầu tím hồng, hậu duệ của cây Den. kingianum cùng vói những cây Den. Brinawa hoa đỏ thẫm, cây Den. Monroe hoa thật lớn mầu nâu tím. Nhưng tiếc rằng những cây hoa đẹp đó chỉ là để trưng bầy, không có bán tại khu triển lãm dù rằng cây nhỏ.

Chiều hôm đó chúng tôi tới thăm phòng triển lãm của North Brisbane Orchid Society. Nơi tổ chức là thư viện trong thành phố cho nên dễ tìm địa điểm. Khu triển lãm không có gì đặc sắc trừ một bàn trưng bầy toàn Dendrobium speciosum đủ giống và một vài cây Dendrochilum cobbianum với những chùm hoa buông thõng như chiếc vương miện.

Ngày hôm sau theo lời mời của một cặp vợ chồng người Úc, John Cunningham, chúng tôi dến thăm viếng vườn thảo mộc Maroochy ở gần bờ biển. Cũng lại lạc lên lạc xuống, gần trưa chúng tôi mới tới. Vườn này rộng 82 mẫu gồm đủ loại cây của những miền nhiệt đới và những cây đặc hữu của xứ sở Kangaroo. Trên thân cây đầy rẩy những nhánh phong lan của Úc mới được buộc vào, nhưng có vài bụi Hạc Đính (Phaius tankervilla) quen thuộc của quê hương chúng ta cũng mọc ở đây.

Theo chương trình, hôm sau chúng tôi tới thăm 2 khu rừng có đầy hoa lan của Úc. Ross Harvey chủ nhân vườn lan Cedarvale Orchids đã chờ đón chúng tôi với chiếc Landrover đầy cát bụi sẵn sàng cho một cuộc hành trình trong rừng núi. Địa điểm đầu tiên là khu Bulls Fall cách xa Brisbane chừng 100 cây số. Xe chạy qua những con đường đất đỏ gồ ghề, lên đồi xuống dốc qua các trang trại nuôi bò như vùng núi rừng Ban Mê Thuột, Đác lắc.

Cây lan đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là Sarcochilus harissonianae mọc ở trên cành thông ngoài bìa rừng hoa trắng lung linh trong gió sớm. Trong rừng những cây cổ thụ cao vút tận trời có khá nhiều giống lan Den. speciosum mọc gần trên ngọn. Thân cây sần sùi cho nên các giống lan Den tetragonum, Den teretifolium, Den monophyllum bám vào. Những cây nhỏ, mới chừng 5 phân mà đã có hoa, có quả. Bước lần ra ngọn thác, vào mùa này nước cạn khô queo cho nên mọi người có thể leo trèo qua những tảng đá dốc ngược. Den. kingianum hoa tím hồng mọc khắp nơi, lẩn trong đám cỏ dại hay đám cây dương sỉ lá khô cằn vì thiếu nước. Vài khóm Den. speciosum var. capricornicum và var. pedunculatum hoa nở trắng xóa trên các tảng đá cheo leo, với vách rêu xanh có những nhánh lan Araucaria cunninghamiana hoa vàng nho nhỏ bám vào. Đi xuống chân thác khoảng chừng 100 thước khá dễ dàng, nhưng khi trèo lên, lối đi dốc ngược làm cho mọi người phải dừng chân lại thở.

Địa điểm thứ 2 là khu rừng quốc gia Mountain Mee State Forest cách đó chừng nửa giờ lái xe. Đây là khu rừng rậm đầy những cây mây, giây dài cả trăm thước mọc chằng chịt khắp lối đi. Những cây này thân đầy gai và có những sợi râu dài hơn một thước toàn những gai móc ngược mà dân Úc gọi là Hairy Mary hay Wait awhile. Một sợi phất phơ trước mặt, móc vào áo người đi truớc, người này phải vài phút mới gỡ ra được làm tôi liên tưởng tới sự khổ cực của những bạn bè đã phải lặn lội trong rừng chặt đốn những sợi giây gai góc này với bàn tay trần và chiếc bụng lép kẹp.

Các cây giống như lim, táu, bằng lăng, teak (red cedar) và tràm (eucalypteus) cao sừng sững từ 30-40 thước trở lên. Có những cây, bị các cây có rễ phụ như rễ si, rễ đa (strangling fig, ficus) mới đầu bám ở ngoài như tầm gửi, sau đó quấn chặt làm cho cây chủ nhà ( host tree ) chết ngạt và mục nát dần, cho nên đám cây này đều rỗng ruột. Trên cành cao chừng 20-30 thước những bụi hoa lan đủ loại từ Den. speciosum cho đến Den x delicatum, Den jonesii v.v... bám đầy những cành cây xen lẫn những bụi sừng huơu (staghorn) hay sừng nai (elkhorn) và rong rêu đủ loại.

Trong rừng không khí ngột ngạt vì độ ẩm khá cao, vì mùi lá cây mục nát, gió không lọt vào được cho nên chúng tôi vã mồ hôi như tắm. Qua rừng cây đến giòng suối cạn hai bên toàn những giống cây gồi, cây cau lá xanh mướt thật là mát mắt. Những tảng đá ven bờ rêu mọc xanh rì, vài khóm Den. speciosum var. hillii mọc trên những thân cây đổ ngang bên giòng suốí nông cạn, chỉ còn giòng nước chảy lững lờ.

Chiều hôm đó vợ chồng Rhonda và Ross Harvey cùng ông Hội trưởng hội ANOS đón tiếp chúng tôi khá trọng thể. Trang trại của gia đình Harvey rất rộng, hai bên đường những khóm lan Cymbidium madidum to lớn hoa xanh vàng nằm vắt vẻo trên cành cây hoặc chỏng chơ dưới gốc cây hay cạnh những khóm lan Dendrobium đủ loại mọc bên vách đá. Căn nhà kiểu bungalow với hàng hiên chạy dài cả phía trước lẫn phía sau, hai bên có cầu thang cao ngất để tránh lụt, mặc dầu nhà đã cất trên lưng chừng đồi. Sau bữa ăn thịnh soạn Ross dẫn chúng tôi thăm khu vực trồng lan. Đây là 3 chiếc nhà vòm, mái che nylon dính liền vào nhau. Những cây con hãy còn nằm trong mẹt (community pot) hay trong các chậu nhỏ, lớn đủ cỡ do Ross ghép giống. Căn nhà thứ 2 gồm cây đã lớn, có nhiều cây đang trổ bông. Căn cuối cùng là những cây lan đặc biệt của chủ nhân, khoảng chừng 100 cây Den. speciosum đủ loại, hoa từ mầu vàng thẫm, vàng nhạt, trắng tinh tỏa hương thơm ngát.

Trời đã tối, đành phải hẹn chủ nhân trở lại vào sáng hôm sau để mua. Giá khá đắt chẳng thua gì ở tại Hoa Kỳ, nhưng tại đây lại có những thứ đã kiếm đỏ con mắt không ra. Dù biết rằng ngoài giá lan còn phải trả $25 cho một chậu để gỡ cho trơ rễ (bare root) sau đó ngâm vào thuốc sát trùng, đem đi kiểm dịch (physantory certificate) rồi xin giấy chứng nhận không phải thuộc diện bị cấm xuất cảng (CITIES permit) sau đó gửi sang bằng máy bay. Tại phi trường Los Angeles lại cần phải có một đại diện (broker) đem cây qua Quan thuế và Kiểm dịch. Như vậy phí tổn khá cao, nhưng chuyến đi này cơm ghe bè bạn khá tốn kém, chẳng lẽ trở về tay không cho nên đành bấm bụng mua vậy.

Từ giã gia đình Harvey, chúng tôi láí xe đến khu rừng quốc gia, lâm viên Lamington cách đó 4 giờ lái xe. Nằm trên cao độ 900 th với một diện tích quá rộng 366,507 mẫu tây bao gồm những ngọn núi cao, rừng rậm và đèo hẹp rồi lại dốc thẳm, quanh co lên xuống, nhiều chổ chỉ đi có một chiều. Phong cảnh và khí hậu nơi đây mát mẻ chẳng khác gì Đà Lạt. Tuy nhiên chỉ khác ở chổ có những con đại thử kangaroo thản nhiên đứng ngó đoàn người dừng xe quan sát. Chúng tôi đến O’Reilly’s vào lúc 5 giờ chiều. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một bầy chim két đủ mầu sắc ồn ỹ bay lên bay xuống tranh nhau ăn những hạt ngũ cốc trong bàn tay của đám du khách. Những con gà tây rừng, lông đen sẫm cũng len lỏi dành ăn. Con trống có một cái bìu mầu vàng tươi như được ai choàng một vòng hoa lên cổ vừa ăn vừa chạy theo mấy chị gà mái.

Tại đây chỉ có một khách sạn duy nhất, một phòng ăn với giá cắt cổ: $25 cho bữa ăn sáng, $30 cho bữa trưa và $48 cho buổi tối. Thị trấn gần nhất cũng phải hơn 30 cây số đường đèo, ra vào cũng mất cả giờ lái xe cho một lượt. Mới 6 giờ trời đã tối, sương mù bao phủ vạn vật, du khách chỉ còn biết vào phòng chuyện vãn. Ti vi không có và điện thoại cũng không, muốn liên lạc với bên ngoài phải lên văn phòng mới có, gọi về Hoa Kỳ sơ sơ có $2,80 một phút.

7 giờ sáng hôm sau, khi nhiều người hãy còn mơ màng nằm trong chăn ấm, một số du khách đã tụ tập trước khách sảnh để xem những giống chim khác lạ. Những con chim đủ giống đã quá dạn dĩ với người cho nên đậu vào tay vào vai người hướng dẫn. Đặc biệt hơn cả là giống bowerbird, tên khoa học: Sericulus chryocephalus. Chim mái lông xám, cổ pha xanh lá cây. Chim đực mầu đen, đầu và cánh mầu vàng tươi, khi làm tổ bằng cây cỏ ở mặt măt đất, dựng đứng lên như túp lều tranh và tha đủ vật dụng như nắp chai, mảnh thủy tinh, bìa giấy có mầu xanh dương để gợi sự chú ý của chim mái. Sau bữa ăn sáng du khách chia thành từng nhóm theo người hướng dẫn đi thăm những thắng cảnh quanh vùng. Gần nhất cũng 2 giờ và xa nhất 7-8 giờ, với giá tiền từ $25 đến $80. Kỹ nghệ du lịch ở Úc được khai thác mạnh mẽ và khoa học hơn ở Hoa Kỳ. Những tờ quảng cáo còn nhiều và đủ mọi khía cạnh gấp mấy lần ở Hawaii.

Mục đích của chúng tôi không phải là xem thắng cảnh cho nên chọn thang mây đi lơ lửng ngang ngọn cây để quan sát tại chỗ những khóm lan rừng, phần đông mọc ở cành cây phía gần ngọn. Đa số là Den. speciosum var. curvicaule hoa vàng nhạt và Den. teretifolium hoa trắng. Bước xuống khỏi thang mây rẽ về bên tay phải là vườn thảo mộc với không biết cơ man nào là lan đủ mọi giống người ta mang từ khắp nơi về đây. Buộc trên thân cây hoặc để ở khe đá hoặc trên gôc cây đã đổ. Có lẽ người nào đó không rành về tính chất của từng loại lan, cho nên phần đông đều để ở dưới bóng cây không có ánh sáng. Hàng ngàn khóm Den. speciosum nếu ở Hoa Kỳ giá bán vất đi cũng phải từ $4000-$5000 mỗi khóm, đã bi chết dần mòn. Những khóm được cột vào thân cây còn đỡ một chút, nhưng vì không có nắng nên lá xanh thẫm. Những khóm để trên khe đá, thiếu nước khô cằn quắt queo, vài chồi non vừa mọc lại bị thú rừng gặm cụt ngủn. Những người yêu chuộng hoa lan xứ Úc đành chỉ ngậm ngùi tiếc thương cho những khóm lan quý giá bị bỏ lăn bỏ lóc. Khu thác nước Morans Fall cũng toàn là rừng cây rậm rạp. Thác ở phía dưới thung lũng sâu khoảng 140 thước nhưng đường vòng đi, uốn lại dài gần 2 cây số và cũng phải mất gần 3 giờ vừa lên vừa xuống. Các cây cổ thụ phần lớn đều có lan mọc ở phía gần ngọn, còn thân cây phía dưới lan nhỏ bám đầy từ Bulbophylum cho dến Cymbidium cho đến những giống hiếm khi gặp trên thị trường. Sau 3 ngày ở O’ Reilly’s, trên đường trở về Brisbane chúng tôi ghé thăm một làng nhỏ. Đâu đâu cũng có lan từ quán nhỏ ven đường, bên hàng dậu gỗ hay trên cây đại trơ cành mọc ở trong vườn.

Đáp máy bay lên phía Bắc, Cairn một thành phố bên cạnh bờ biển nhưng vừa xuống khỏi máy bay, chiếc xe Van và người hướng dẫn đã đưa chúng tôi tới Daintree Heritage Lodge cách xa phi trường chừng hai gìờ. Vì khá gần đường xich đạo cho nên khí hậu ở đây nóng nực như mùa hè, dù rằng bây giờ mới vào mùa xuân. Hai bên đường toàn là những ruộng mía rộng ngút ngàn, thân cây nhỏ và có hoa như lau sậy. Cũng như ở O’Reilly’s, đây là một khu du lịch, toàn những căn nhà song lập nho nhỏ rải rác trong rừng rậm, không TV, không điện thoại và cũng chỉ có một tiệm ăn duy nhất ở cạnh văn phòng. Giá cả rẻ hơn O’Reilly’s một chút nhưng ăn khá ngon miệng vì có đủ thịt cá sấu, kangaroo, đà điểu và đặc biệt là loại cá barramundi, giống như cá chẽm của mình rất ngon. Vì toàn là rừng rậm không có lối mòn nên cần phải có hướng dẫn viên với $35 một người cho 3 giờ. Đi qua những khu rừng rậm chằng chịt giây leo, những cây song cùng loại với giây mây nhưng to lớn hơn và cũng có những chiếc râu đầy gai góc. Trên đường về người dẫn đường đưa chúng tôi thăm một vườn cây trái nhiệt đới có vú sữa, xoài và mãng cầu xiêm trên cây đầy trái và những khóm lan Den. discolor hoa nâu vàng hay Den. mundii hoa trắng lưỡi tím hồng thân cây cao chừng 6-8 feet.

Khu này có rất nhiều heo rừng cho nên chỗ nào cũng thấy đầy dấu tích của chúng, ngay cả vườn cây bên cạnh văn phòng cũng bị cầy nát. Ban đêm cầy, cáo rượt đuổi nhau trên mái nhà, tiếng heo rừng ủi đất hoặc gầm gừ cắn xé lẫn nhau, sáng sớm tinh mơ chim rừng đã kêu hót vang lừng. Lan chỗ nào cũng có, những cây Cymbidium madidum lớn nhỏ, Bulbophilum purpurascens và những cây không biết tên vì không phải mùa hoa, mọc đầy trên thân cây gần hồ tắm hay bên bờ suối nước trong xanh nhìn rõ những đàn cá trê đen lững thững kiếm mồi.

Hai ngày ở đây quá đủ, chúng tôi lại lên đường đi Palm Cove, thành phố du lich có bãi bể với tấm biển: "Bãi bể sạch nhất nước Úc" nhưng còn thua xa Vũng Tầu với những cây bàng lá đỏ, cây dừa quen thuộc và nhiều cây eucalyptous cao 40-50 thước gốc nhẵn bóng.

Ngày hôm sau chúng tôi dùng xe kéo lên trên cao bằng giây cable (Skyrail) quan sát vùng núi rùng Kuranda và được Tiến sĩ Geoff Stocker chờ đón để đi thăm những đóa lan rừng mọc ở khu vực miền bắc Cairn. Có lẽ quá thông thuộc địa thế nơi này, cho nên đang đi ông bỗng dừng xe lại ở một nơi chẳng có gì dễ nhận diện. Xuyên qua một đám cỏ tranh khô vàng úa với những thân cây cằn cỗi, ông chỉ cho chúng tôi một nhánh Den. canaliculatum hoa vừa chớm nở. Quanh quất đâu đây những gò mối và những thân cây trơ cành trụi lá nhưng là nơi những cụm lan Cym. canaliculatum vời những bông hoa nhỏ mầu nâu đỏ làm nổi bật mầu vàng chanh, lưỡi tím của Den. canaliculatum phất phơ trước gió và hiện rõ trên nền trời xanh cao có làn mây trắng trôi lờ lững.

Bỏ rừng lan khô cằn, xe chạy hơn hai giờ xuôi về miền Nam, qua Atherton rồi đến Malanda rồi Los Cerros. Nơi đây nhiệt độ và ẩm độ khá cao và toàn đất đỏ, hai bên đường là những vườn cây như cam, chanh, soài, dứa, đậu phọng, macadamia và chuối với những quầy chuối bọc trong bao nylon mầu xanh nhạt hay trắng đục. Lối vào trang trại của giáo sư Geoff Stocker, trên những gốc cây mọc hai ven đường toàn những lan. Nào là Den speciosum nào là Den nobile đủ mầu đủ sắc, có những khóm ngang chừng một thước hoa nở tưng bừng. Bà vợ, Sophia Stocker rất hiếu khách hết mời nước trà, cà phê, bánh ngọt, mứt gừng và những cặp bánh mì sandwich ngon lành. Sau khi thăm viếng vườn lan, chúng tôi mỗi người mua một cuốn DENDROBIUM AND ITS RELATIVES mà Dr. Geoff Stocker là đồng tác giả làm kỷ niệm.

Hôm sau nữa chúng tôi được David Daume, một thuyền trưởng nhưng cũng là một người chơi lan tài tử, dẫn ngược trở lại miền Bắc, Mossman Gorge một khu rừng quốc gia danh tiếng với những suối nước trong và rừng rậm, trên cây đầy hoa lan bản địa và đủ các loại rong rêu. Nơi đây du khách đủ mọi mầu da và tiếng nói viếng thăm tấp nập. Rời Mossman Gorge chúng tôi lên vùng núi Edith và Molloy ở cao độ 900 thuớc. Đường đèo vòng lên lượn xuống như khu đèo Ngoạn mục Krong Pha khác một đỉểm: cảnh vật vắng vẻ đìu hiu, chỉ có tiếng động cơ của chiếc xe vang vang trong khu rừng hoang vắng. Những tảng đá lớn ngổn ngang, đó đây vắt vẻo một vài khóm lan Den. speciosum var, pedunculatum. Những khóm Cym. madidum nằm rải rác trên cành hoặc dưới gốc cây. Mùa hoa đã qua, nay chỉ còn những trái mầu xanh đã ngả sang vàng, chờ ngày nở bung ra cho phấn hoa bay theo gió rắc reo truyền giống. Những nhánh Den. jonesii, Den. fleckerii, Bulbophyllum sheperdii mọc rải rác trên cành. Không khí ở đây lạnh và khô cho nên tuyệt nhiên không có một thứ rong rêu nào cả, khác hẳn với ở khu rừng dưới chân núi. Trên không vài đàn vẹt lông trắng (Sulphure crested cockatoo) bay lượn và kêu gọi nhau inh ỏi phá tan bầu không khí tịch mịch của núi rừng hoang vắng.

Khi trở về, David dẫn chúng tôi đến Danbulan xem một cây được mệnh danh là Cathedrale strangling ficus đã có 500 năm tuổi, trong ruột trống rỗng nhìn thấu trời xanh. Cây cao trên 50 thước, cành cây đầy những chùm lan hoa trắng nở đong đưa trong gió. David rất say mê hoa lan nên có một vườn lan khá rộng nằm chung quanh hồ bơi. Những cây Den. discolor nở hoa vàng rực rở bên cạnh khóm Hạc đính, Phaius tankervillae mầu hoa ngoài trắng trong nâu lúc nào cũng cúi xuống giống như chiếc nón của những bà Sơ nên được mệnh danh là nun orchid. Ngoài ra David còn có một sưu tập Laelia và Schomburgkia đủ loại và một nhà kính trồng toàn những cây Phalaenopsis và Cattleya đủ mầu mang những quả có nhưng tấm phiếu ghi ngày tháng thụ phấn cùng tên của cây cha và cây mẹ. Dẫn tôi vào thăm phòng thí nghiệm gồm lồng kính khử nấm, nồi áp xuất, hóa chất và dụng cụ cấy lan với 2-3 giá xếp hàng trăm chai lọ (flask) đựng những cây lan nhỏ mới mọc mầm chứng tỏ trình độ và kinh nghiệm của chủ nhân khá cao.

Chúng tôi cũng ghé thăm 3-4 vườn lan nhưng chẳng có gì đang chú ý ngọai trừ vườn cây Wonga Belle Tropical Garden có những khóm lan Cành giao Papilionanthe teres, Hạc đính và Chu đinh Sapathoglotis plicata quen thuộc của quê hương xứ sở và khá nhiều giống lan Den. nobile hay Den. phalaenopsis cũng như Den. biggibum trồng thẳng trên các luống chỉ cao hơn mặt đất chừng 20 phân. Không rõ vì thiếu nước hay vì lạnh những cây này còi cọc thảm hại như vừa trải qua một vụ hạn hán hay cháy rừng.

Người Úc thực là hiếu khách và thân thiện, đi đến đâu chúng tôi cũng được tiếp đón niềm nở và chỉ dẫn tận tình. Vật giá ở xứ Úc thứ gì cũng đắt, một chai nước nhỏ $1,50, ly cà phê khoảng $4 và cách gọi của người Úc cũng khác: long black=cà phê đen, flat white=nhiều sữa và lần đầu tiên tôi thấy tách cà phê được trình bầy với cây thông lạ mắt. Đặc biệt chiếc hamburger lại có thêm cả bacon, trứng chiên, phó mát, rau và cà chua trông rất đồ sộ, người nào khỏe lắm mới ăn hết. Có lẽ người Úc chú trọng đến chất lượng cho nên không quan tâm về giá cả. Riêng món bacon rất ngon vì nhiều thịt, ít mỡ, hương vị đậm đà và không chiên quá ròn.

Dù rằng người Hoa kỳ, kể cả một số người Việt ở Hoa Kỳ, luôn luôn tự hào coi cái gì của Mỹ cũng là nhất đều phải công nhận như vậy và bánh mì của người Úc cũng thơm ngon hơn. Có lẽ là họ làm bằng bột mì mới chứ không phải là thứ đã để trong kho dự trữ quá lâu. Đó là cảm tưởng có thể là chủ quan và phiến diện sau hai tuần ngắn ngủi ở Úc. Trong 2 tuần này chúng tôi phần lớn sống ở trong rừng, trong núi it khi ở phố xá thị thành. Tôi cũng tiếc rằng không có thì giờ thăm viếng bạn bè đã sinh sống tại đây, thôi đành chờ một dịp khác.

Úc đại lợi là một quốc gia bảo vệ môi sinh rất nghiêm ngặt, cây cỏ và thú vật xuất nhập cảng phải qua sự kiểm soát chặt chẽ của quan thuế và canh nông. Rừng cây đầy gỗ và đầy hoa lan nhưng không ai có thể vào rừng lấy về rồi mang ra bán đầy đường đầy chợ hoặc vơ vét đem xuất cảng dưới danh nghĩa thảo mộc dùng cho thuốc bắc với giá rẻ mạt như ở bên nhà, nghĩ đến mà thực đau lòng.

Placentia 15-10-2005
BÙI XUÂN ĐÁNG

 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo