Hôm nay thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024
Hậu căng thẳng với Trung Quốc, Australia đẩy mạnh ngoại giao, chứng minh "không phải dạng vừa" (24/03/2021 03:42 AM)
Bảo Mơ

Những dấu ấn trong lĩnh vực ngoại giao gần đây của Australia cũng như của Thủ tướng Scott Morrison đã cho thấy một phong cách ngoại giao kiểu Australia "tưởng vừa mà không phải dạng vừa".

Cựu Bộ trưởng Tài chính Australia Mathias Cormann được bầu làm Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). (Nguồn: The New Daily)
Cựu Bộ trưởng Tài chính Australia Mathias Cormann được bầu làm Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). (Nguồn: The New Daily)


Thời gian qua, Australia đã tạo được nhiều dấu ấn lớn trong lĩnh vực ngoại giao, đặc biệt khi cựu Bộ trưởng Tài chính Mathias Cormann trở thành Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Australia cũng tham gia cuộc gặp Thượng đỉnh đầu tiên của Bộ tứ (Quad) mà nước này là thành viên.

Cả hai đều là những thành tựu ngoại giao quan trọng đối với Australia cũng như Thủ tướng Scott Morrison, trong bối cảnh chính trị toàn cầu trở nên phức tạp, với nhiều biến động về địa chiến lược, công nghệ, kinh tế, biến đổi khí hậu và chính trị, thúc đẩy những liên kết mới trong thời kỳ hậu Covid-19.

Trước đó, trong năm 2020, Australia được nhắc đến nhiều bởi mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc, đặc biệt từ khi nước này kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, khởi phát từ Vũ Hán của Trung Quốc, trực tiếp thổi lên ngọn lửa mâu thuẫn giữa hai bên.

Nỗ lực thu quả ngọt

Những thành công mới của Australia trên trường quốc tế đã dập tắt những ý kiến trước đây cho rằng, Australia đang trở thành một quốc gia gần như bị cô lập vì biến đổi khí hậu cũng như đại dịch.

Đối với cá nhân Thủ tướng Morrison, những thành công ngoại giao này đã đập tan nhận định rằng, ông chỉ là một "tay mơ" trên trường đối ngoại.

Qua đó, Thủ tướng Australia đã cho thấy phong cách đối ngoại của riêng mình nhằm xây dựng mối quan hệ cá nhân ở cấp lãnh đạo, luôn mang tính thực dụng và tập trung vào kết quả.

Ông Morrison đã nỗ lực không ngừng nghỉ triển khai ngoại giao quyền lực mềm trong năm qua, tận dụng thành công trong việc đối phó với đại dịch và sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau suy thoái, thứ mà ông gọi là ngoại giao “kiểu Australia”.

Với ngoại giao “kiểu Australia”, dường như Thủ tướng Morrison cũng như Australia đang chứng minh một con đường khác với những ý kiến của các chuyên gia.

Nhiều nhà hoạch định cho rằng, Australia khó có thể đóng vai trò lãnh đạo của một thể chế đa phương uy tín, nằm ở trung tâm châu Âu.

Bác bỏ những hoài nghi đó, Thủ tướng Morrison đã huy động nguồn lực của chính phủ để cựu Bộ trưởng Cormann cạnh tranh chức Tổng thư ký OECD, tổ chức gồm 38 quốc gia thành viên.

Từ đầu đến cuối, ông Morrison đã tập trung vận động cho ứng cử viên của Australia trong các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo, những người đứng đầu các chính phủ.

Bên cạnh đó, chìa khóa dẫn đến chiến thắng sít sao của ông Cormann là uy tín của một cựu bộ trưởng tài chính giàu kinh nghiệm, thông thạo các chương trình nghị sự của OECD và hướng OECD nhiều hơn đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thủ tướng Australia Scott Morrison tham gia cuộc họp của các nhà lãnh đạo Bộ tứ dưới hình thức trực tuyến tại Sydney, ngày 13/3. (Nguồn: AP)

Nâng tầm đối ngoại đa phương

Với Bộ tứ, gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, nhiều nhà quan sát đã nghi ngại cấu trúc này không có mục đích chung và khó có khả năng đạt được hiệu quả.

Trước đó, ông Morrison cũng làm việc một cách "có hệ thống" với chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, đặc biệt là cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, để củng cố xây dựng Bộ tứ và tiếp tục nỗ lực đó ngay từ cuộc điện đàm đầu tiên với tân Tổng thống Joe Biden.

Sau cuộc họp ở cấp bộ trưởng ngoại giao của Bộ tứ, ông Morrison cho biết, việc nâng lên họp ở cấp lãnh đạo tạo thành một bước “lịch sử” và “một cấp độ hợp tác hoàn toàn mới”.

Với Bộ tứ, ông Morrison đã tham gia vào một trong những vòng đối thoại giữa các nhà lãnh đạo được coi là căng thẳng nhất trong lịch sử Australia từ các khía cạnh song phương đến đa phương.

Tuyên bố từ 4 nhà lãnh đạo gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Thủ tướng Australia Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, cho thấy, Bộ tứ đặt mục tiêu về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương "tự do, rộng mở, kiên cường và bao trùm".

Bô tứ cũng đưa mục tiêu cung cấp hàng hóa và dịch vụ chính sách công cho khu vực nhằm cạnh tranh với Trung Quốc. Đây là một tham vọng lớn, qua đó giúp củng cố và tăng cường ảnh hưởng của các nước trong Bộ tứ nói riêng, cũng như phương Tây nói chung ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Việc nâng cấp họp nhóm Bộ tứ lên cấp cao nhất cho thấy sự đầu tư nghiêm túc và quyết tâm của Australia trong đối ngoại đa phương lên một tầm cao mới.

Đây là một trong những kế hoạch của Thủ tướng Morrison để củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ, đồng thời làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Nhật Bản và Ấn Độ, đồng thời bày tỏ mong muốn nắm vai trò dẫn dắt trong khu vực, đương đầu với các thách thức chung.

Thủ tướng Morrison từng bày tỏ mong muốn Bộ tứ phát triển như một diễn đàn thiết thực mang lại lợi ích cho khu vực, đồng thời chứng minh tính ưu việt của nền dân chủ tự do phương Tây.

Mặt khác, Bộ tứ cũng là một diễn đàn có thể tạo ảnh hưởng lớn, nơi các nhà lãnh đạo có thể ghi dấu ấn cá nhân trong các vấn đề quốc tế.

Với Australia, Bộ tứ chính là nơi để xứ sở chuột túi phô diễn vai trò quốc tế, khẳng định sức mạnh và vị thế của mình.

Bảo Mơ (theo The Australian)

 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo