Hôm nay thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024
Tổng thống Philippines Duterte đưa phán quyết về Biển Đông năm 2016 ra Liên Hiệp Quốc (24/09/2020 03:03 AM)
Thiện Nhân

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte kiên quyết bảo vệ phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) vào năm 2016, đồng thời bác bỏ mọi nỗ lực nhằm phá hoại phát quyết.

Tổng thống Philippines Duterte. Ảnh chụp màn hình
Tổng thống Philippines Duterte. Ảnh chụp màn hình


Trong bài phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể Khóa 75 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 22/9 (giờ Mỹ), Tổng thống Duterte cho biết Philippines bác bỏ mọi âm mưu phá hoại phán quyết năm 2016 của PCA tại La Haye, Hà Lan về vấn đề Biển Đông, theo SCMP.

"Phán quyết là một phần của luật pháp quốc tế, nằm ngoài sự thỏa hiệp và nằm ngoài tầm với của các chính phủ hòng pha loãng, giảm bớt hoặc từ bỏ. Chúng tôi kiên quyết từ chối các nỗ lực phá hoại nó", ông Duterte nhắc đến phán quyết của PCA.

Nhà lãnh đạo Philippines cũng hoan nghênh việc ngày càng có nhiều quốc gia ủng hộ phán quyết. "Đó chính là chiến thắng của lý lẽ trước sự liều lĩnh, của luật pháp trước nỗ lực gây rối, của tình hữu nghị trước tham vọng. Điều này – đúng như lẽ phải - là sự uy nghiêm của luật pháp", ông Duterte phát biểu.

Năm 2016, PCA, được thành lập theo Phụ lục 7 của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), ở La Haye, Hà Lan, đã ra phán quyết bác bỏ các yêu sách phi lí của Trung Quốc với hầu khắp Biển Đông. Dù là bên tham gia UNCLOS, Trung Quốc đến nay vẫn từ chối công nhận phán quyết này.

Mới đây, hồi tháng 7, Mỹ và Australia ra tuyên bố chung khẳng định ủng hộ phán quyết của PCA, nhấn mạnh Trung Quốc không thể đưa ra các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông dựa trên cái gọi là "đường chín đoạn" hay "quyền lịch sử" vì chúng hoàn toàn không phù hợp với UNCLOS.

Tuần vừa qua, các nước châu Âu gồm Pháp, Đức và Anh cũng gửi công hàm lên LHQ về việc họ bác bỏ "quyền lịch sử" phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Công hàm của các nước châu Âu theo đó đã nhắc lại tính bao quát và thống nhất của UNCLOS trong việc thiết lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động trên các biển và đại dương, nhấn mạnh "tầm quan trọng của quyền tự do đi lại trên biển được nêu rõ trong UNCLOS, bao gồm tự do hàng hải, hàng không và qua lại vô hại, với phạm vi bao trùm cả Biển Đông".

Thiện Nhân

 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo