Hôm nay thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024
Truyện ngắn – NĂM THÁNG TUỔI TRẺ (14/08/2021 03:33 AM)
Song Gia

... Mỗi ngày chậm rãi trôi qua, tôi thấy bản thân như dần hoàn thiện hơn.



Khi tôi được sống với mong muốn của chính mình, và được làm những điều mình thích. Bức tranh cuộc sống xuất hiện những mảng màu khác lạ, do chính tay tôi tô vẽ lên. Nhưng người tìm ra những màu sắc đó vốn chẳng phải tôi, mà là Quỳnh...
 
Tuổi trẻ của tôi có gì? Thực ra cũng chẳng có gì đặc biệt, ngoài những công việc cũ kĩ thay phiên nhau lặp lại mỗi ngày.
 
Buổi sáng thường bắt đầu lúc sáu giờ với những lát bánh mì khô khốc. Hôm nào may mắn hơn thì sẽ có thêm một cốc sữa hoặc tách cà phê nóng. Sau đó là lên trường, bắt đầu những tiết học nhàm chán. Khi về nhà sẽ lao vội vào ăn uống và tắm rửa, chuẩn bị tiếp cho ca làm thêm buổi chiều. Tôi làm wok cook ở một nhà hàng Trung, thường chỉ về nhà sau tám giờ tối. Đồng nghĩa với việc các cuộc chơi bắt buộc phải dẹp qua một bên, nhường chỗ cho công việc.
 
Mười chín tuổi, tôi thích con số mười chín. Nhưng đôi lúc lại cảm thấy bất an với các mối quan hệ ở độ tuổi này. Tôi không có nhiều bạn bè, các mối quan hệ đều ở dạng tương tác, không muốn thân thiết với bất kì ai. Cuộc sống lập dị và có đôi chút tách biệt, như thế với tôi lại là đủ cho các xáo trộn không cần thiết bên ngoài. Tôi không thích kết thân với những cá thể bận rộn ngoài kia, sợ phải nghe những câu chuyện của họ, và cảm thấy bị làm phiền bởi những nỗi buồn không nhớ nổi tên gọi.
 
Mười chín tuổi, chưa bao giờ đi xa nhà quá năm mươi cây, chỉ thuộc đường của vài nơi quen thuộc. Nhiều người nói như thế thì phí hoài tuổi trẻ quá mày ơi! Nhưng người ta đâu biết, tuổi trẻ trong định nghĩa của tôi khắc nghiệt như nào. Tuổi trẻ, hay quá trình trưởng thành thực chất chỉ là một cuộc biến đổi. Nó làm tiêu biến ước mơ của tôi, khi tôi phải tự lập về kinh tế, phải quay cuồng, vội vã.
 
Thời đại sống vội, đến cả việc hít thở không thôi cũng cảm thấy gấp gáp thì kẽ hở nào dành chỗ cho việc ước mơ? Có những ngày mệt mỏi vô cùng, đến mức chỉ muốn làm một cục nước đá, tan ra giữa trưa hè nóng nực. Có lúc lại muốn hóa thành cỏ dại, đắm mình trong làm sương sớm mai. Lại có lúc muốn như những hạt mưa, làm dịu mát đi cuộc đời, hoặc như những con thuyền trở nắng, cả đời ngả lưng vào sóng, bình yên.
 
Tuổi trẻ trong mong ước của tôi chính là như thế. Nhưng thực tế lại luôn luôn trái ngược, cuộc sống không màu, phức tạp và cuộn xoáy vào nhau, lẫn trong guồng quay vội vã của cuộc đời. Và tôi dùng nó để khỏa lấp cái gọi là sự “cô đơn”, vì khi người ta bận quá, chẳng còn thời gian đâu để nghĩ về nỗi cô đơn của mình.
 
Tôi quệt đi lớp bọt còn dính trên khóe miệng, nhìn ra phía ban công – nơi mà những phiến lá của cây thường xuân trở nên xanh mướt, tươi mơn mởn sau một đêm mưa phùn. Từ ban công tầng hai nhìn xuống, bắt gặp đường phố đang đắm mình trong làn sương mỏng chùng chình, không khí tinh sạch và trong lành khiến việc hít thở cũng trở nên dễ chịu hơn. Tôi đu nửa thân mình trên song chắn ở lan can, ngó xuống đường. Có niềm tin rằng hôm nay sẽ là một ngày cuối tuần tốt hơn so với những ngày còn lại. Tôi dắt xe ra khỏi nhà, xe điện, cũ, tiếng động cơ hòa cùng với âm thanh trên đường, rè rè.
 
Lâu lắm rồi tôi chưa mua thêm một cuốn sách nào, kể từ mùa hè năm ngoái. Thể loại mà tôi hay đọc là fantasy, thường thì rất mất thời gian vì phải vừa đọc vừa nghiền ngẫm. Lúc nào bên người tôi cũng kè kè một vài cuốn sách để tránh phải bắt chuyện với những người xung quanh, tránh vướng vào những cuộc chuyện trò vô nghĩa. Đối diện với hiệu sách, chếch về phía bên trái một chút là một quán cà phê với bảng hiệu bằng gỗ màu nâu sẫm, có cái tên khá thú vị là “Moschino Coffee’s”. Không gian trong quán thơm lừng mùi cà phê rang, cùng với tông màu be ấm cúng, tất cả khiến cho những ngày Đông của tôi bớt chút ảm đạm.
 
Tôi chọn một vị trí ngồi với ánh sáng vừa đủ để đọc nốt cuốn sách trước khi về đến nhà và đợi cà phê. Một ly double espresso, khói ấm tỏa lên mỏng mảnh. Người phục vụ mỉm cười lịch sự với tôi, khiến tôi cũng bất giác cười lại. Đôi khi, những con người xa lạ lại đem đến sự tin tưởng mãnh liệt hơn những người mà ta quen biết. Tôi chú mục vào cuốn sách đọc dở, và rồi vô tình nghe thấy những âm thanh sột soạt phát ra với mức tiệm cận. Thứ âm thanh phá vỡ sự tập trung của tôi, khiến tôi tò mò quay sang, để rồi bắt gặp hình ảnh một cô gái đang nhiệt tình tô vẽ.
 
Một cô gái nhỏ nhắn với mái tóc màu nâu nhạt, một cá thể hoàn toàn xa lạ, có lẽ bước ra từ dòng người đang không ngừng chuyển động ngoài kia. Cô ấy đang vẽ, chăm chú đến mức không hay biết rằng ở phía đối diện, có một kẻ đang nhìn mình chằm chằm. Dĩ nhiên, tôi cũng chỉ định ngồi nhìn thế thôi vì còn phải quay lại với cuốn sách đang đọc dở. Nhưng dự định ấy lại bị chệch choạc đi, khi cô gái kia ngẩng đầu lên và mỉm cười, với tôi. Đó không phải là nụ cười xã giao, bởi tôi đọc được sự thân thiện trong ánh mắt kia, cùng chút ấm áp chân thành, khiến nụ cười trở nên đáng tin cậy hơn. Quan trọng là, cười đẹp quá!
 
Tôi ngây người ra trong bảy giây, tuy là bất động nhưng bên trong lại xáo trộn vô cùng. Bảy giây tuy ngắn nhưng cũng đủ để nụ cười ấy tạc vào trong trí nhớ của tôi.
 
– Cho em hỏi, đó có phải là cuốn “Phố những cửa hiệu u tối” không ạ?
 
Tôi đáp như một cái máy phản ứng:
 
– Ừ. Của Patrick Modiano.
 
Cô gái xô ghế đứng dậy, cầm theo bản vẽ đang dang dở và tiến về chỗ tôi, không quên hỏi:
 
– Em ngồi cùng được không?
 
Tôi gật đầu thay cho câu trả lời, không muốn nói nhiều. Giữ khoảng cách chừng mực với những người lạ vốn là nguyên tắc của tôi, vừa đủ để không cảm thấy cô lập, hoặc quá thân thiết để chú mục vào cuộc sống của họ.
 
– Khi anh đọc xong, có thể cho em mượn nó không?
 
– Nhưng chúng ta đâu có quen nhau?
 
– Trước lạ sau quen. Anh tên gì?
 
– Hoàng. Minh Hoàng.
 
Cô gái đối diện gật đầu, viền môi khẽ cong lên. Tôi chỉ biết ngây người ra ngắm, cô ấy cười đẹp như mộng. Cảm giác như lạc vào trong một mê cung rực rỡ không lối thoát, càng không muốn thoát ra…
 
***
 
Vân Quỳnh. Đó là tên của em, cũng là cái tên được thêu trên ngực áo đồng phục cấp ba trong lần gặp đầu tiên của chúng tôi. Sau hôm đó, thỉnh thoảng cả hai có hẹn gặp nhau ở Moschino vì tôi đã hứa cho em mượn sách. Quỳnh thấp hơn tôi hẳn một cái đầu, mắt to tròn, tóc màu nâu nhạt giờ đã trở thành nâu khói, thực sự rất thu hút. Lần đó, khi Quỳnh bắt đầu đọc những trang đầu tiên của cuốn “Phố những cửa hiệu u tối”, và hôm nay, em đã đọc sang "Bảo tàng ngây thơ” của Orhan Pamuk. Em đã đọc chúng không ngừng nghỉ, tôi đoán thế, vì tốc độ đọc của em rất nhanh. Đôi lúc tôi thầm ghen tị với em, khi em có đủ thời giờ để đọc sách, làm những gì mình thích. Và khi nhìn lại cuộc sống tủn mủn của mình, tôi chỉ biết thở dài.
 
Quỳnh học vẽ. Em nói muốn thi vào trường Mỹ thuật. Quỳnh nhận vẽ minh họa cho một tờ báo có tiếng, vẽ bìa, hoặc vẽ graffiti cho những buổi biểu diễn đường phố. Tôi biết nhà em thuộc dạng khá giả nhưng Quỳnh nói muốn tự lập, và muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng em hoàn toàn có thể tự kiếm tiền bằng ước mơ của mình.
 
– Anh định học Đại học xong sẽ làm gì?
 
– Có lẽ là một công việc văn phòng, liên quan đến công nghệ.
 
– Đó có phải là mong muốn của anh không? Ý em là, anh có thật sự muốn làm công việc đó không? Và nếu như có một lựa chọn khác, anh muốn làm nghề gì?
 
Tôi không định trả lời, nhưng sau đó lại đáp lại em bằng một câu hỏi khác:
 
– Em trở thành nhà tâm lí học từ bao giờ thế?
 
Thực ra, câu hỏi ban nãy của em khiến tôi không ngừng suy nghĩ. Một năm trước, tôi cũng giống như em, luôn muốn làm những thứ mình thích, nhiệt thành và sôi nổi. Tôi muốn làm phim, hoặc bất cứ một nghề nghiệp nào đó liên quan tới phim ảnh. Không phải là Vlog, mà là một bộ phim: có diễn viên, kịch bản, bối cảnh, âm thanh ánh sáng,… hẳn hoi. Nhưng người nhà dĩ nhiên là không ủng hộ, họ nói nếu quay phim vì đam mê thì được, nhưng phải có một công việc với thu nhập ổn định.
 
“Muốn làm nghề gì?” là một câu hỏi tưởng dễ nhưng thật ra rất khó trả lời, và khi phải đối diện với nó, tôi chỉ còn biết quay lưng bỏ chạy. Như một kẻ hèn nhát, đã không dám và không làm gì để bảo vệ ước mơ của mình.
 
– Ban đầu gia đình cũng chẳng ủng hộ em. Vì nghề này kiếm được ít tiền lắm, lại lông bông nữa. Nhưng “You Only Live Once” mà anh, còn trẻ thì cứ bước thôi, đừng sợ vấp ngã. Ngày mai còn có chuyện của ngày mai, quan trọng là hôm nay ta phải sống hết mình.
 
Khi em nói với tôi những lời đó, ánh mắt lấp lánh và giọng nói tràn đầy nhiệt huyết của em vô tình thổi bùng lên những ấp ủ còn sót lại trong tôi. Trong một khoảnh khắc, tôi cứ ngỡ mình là một mầm cây tràn đầy nhựa sống, chứ không phải là một khối xi măng từ lâu đã se mặt. Các ý tưởng và khả năng cứ thế nối đuôi nhau, xuất hiện liền mạch. Có thứ gì đó thôi thúc tôi, bảo tôi cầm máy quay lên đi. Một cảm giác tựa hồ như Déjà Vu xuất hiện, gợi nhớ cho tôi về quãng thời gian miệt mài ở câu lạc bộ ngày trước. Những tháng ngày làm thêm vất vả để tiết kiệm tiền mua một chiếc máy quay, mất ăn mất ngủ xử lí đống phim và tâm trạng thấp thỏm khi nhận về những hiệu ứng không tốt, cùng nỗi buồn bã tột cùng ngày Câu lạc bộ tan rã, mỗi người một nơi. Trong lúc tôi còn đang mải hồi tưởng về quá khứ thì Quỳnh đã xốc lại balo, kéo tay tôi đứng dậy. Em túm lấy mấy sợi tóc mai, vắt qua tai rồi buộc lại tóc bằng một sợi chun nhỏ.
 
– Đi chơi đi!
 
– Đi đâu?
 
Em chỉ mỉm cười ra chiều bí mật. Chúng tôi rong ruổi trên chiếc xe điện cũ, đi vòng quanh thành phố.
 
Tối hôm ấy sau khi về đến nhà, Quỳnh gửi cho tôi một tệp file, nội dung chính là thể lệ của cuộc thi làm phim ngắn mở rộng, đề tài tự do. Cũng tối hôm ấy, tôi lên mạng tìm kiếm kiến thức làm phim căn bản, tải về máy hàng đống tài liệu về cách sử dụng phần mềm làm phim rồi lau chùi lại chiếc máy quay cũ nằm im lìm trong gầm giường suốt một thời gian. Tôi tìm cách liên lạc với những người bạn cũ cùng chung Câu lạc bộ ngày trước, gom được khoảng 4-5 người. Không khí quen thuộc của một năm trước lại ùa về, khi cả lũ cùng ăn ngủ với phim. Lần đầu tiên tôi về nhà muộn, quá 11 giờ đêm. Vì chúng tôi không có chỗ hoạt động cố định như hồi còn ở trường nên phải chạy vạy khắp nơi. Khi là nhà kho trong căn nhà của một người bạn, khi là một căn phòng nằm trong khu tập thể cũ kỹ. Tôi không nhớ là bản thân đã vật lộn với thời gian và ước mơ của mình như thế nào, chỉ biết mọi thứ cái gì cũng lướt qua rất nhanh.
 
Có những hôm tôi thức đến 2 giờ sáng, ngồi đọc gần trăm trang tài liệu và xử lí lại những cảnh quay trong phim. Thỉnh thoảng Quỳnh vẫn tỏ vẻ không hài lòng khi thấy quầng mắt tôi thâm như bị ai đó đấm vào mặt. Nhưng tôi không cho phép bản thân được buông lỏng, tôi tìm đến caffein nhiều hơn để duy trì trạng thái tỉnh táo. Lần đầu tiên, sau nhiều lần từ bỏ, tôi thấy mình phấn khích khi nghĩ về tương lai. Khởi đầu có thể chậm hơn một chút, nhưng rồi sẽ nhanh chóng trơn tru. Giống như những bánh xe đã cũ, chỉ cần được tra dầu đầy đủ là lại có thể vận hành như cũ. Nhưng cũng vì quá chìm đắm với phim ảnh, kết quả học tập của tôi bắt đầu sa sút. Khi biết bài kiểm tra môn Triết của mình được 4 điểm, tôi chỉ vo tròn tờ giấy trong tay, tự nhủ lần sau sẽ cố gắng hơn. Tôi biết suy nghĩ của mình đã thực sự chuyển hướng, bởi bản thân tôi nhìn thấy được sự hạnh phúc trong công việc ấy. Làm phim thật ra rất dễ nản, bởi không chỉ đam mê thôi là đủ, còn cần phải có thời gian, công sức và tiền bạc.
 
Mẹ thỉnh thoảng vẫn tặc lưỡi khi thấy tôi ngẩn người ra trong các bữa ăn, đó là vì khi ấy tôi còn đang mải nghĩ ra đoạn hội thoại hay nhất có thể. Bố thì nghiêm mặt mỗi lần thấy tôi ngủ gật trong phòng, nhưng không bao giờ đánh thức tôi dậy. Có lẽ họ đang từng bước đón nhận ước mơ của tôi, dù ngoài mặt vẫn còn khắt khe.
 
***
 
Mùa Hè nhanh chóng gõ cửa Hà Nội, với những cơn mưa rào vội đến vội đi, những tán phượng rợn ngợp cả một góc trời. Tôi ôm máy quay đi khắp nơi, để nếu có vô tình bắt gặp một cảnh gì đó hay ho, sẽ đưa vào phim ngay lập tức. Nửa năm trôi qua nhanh như một cái chớp mắt. Khi cây cối đã bắt đầu xanh lá, tôi vẫn còn miệt mài với bộ phim dang dở. Có lúc trở nên chán nản, trong lòng lại xuất hiện suy nghĩ muốn buông xuôi, tôi lại tìm đến Quỳnh. Có lúc chỉ để nghe vài câu an ủi từ em, có lúc lại chẳng để làm gì. Quỳnh biết rất nhiều trò có thể xả stress hữu hiệu. Em kéo tôi đi ăn kem, uống cà phê bệt. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn làm vài thứ điên rồ, như ngồi xổm trên ghế đá ngắm bồ câu mổ vụn bánh mì, hoặc thi ném sỏi xuống mặt hồ, vừa ném vừa hò hét khản giọng, mặc kệ những người xung quanh đang nhìn chằm chằm. Em bảo khi hét to, những phiền muộn trong lòng sẽ tự khắc vơi đi một nửa. Và lần nào em cũng kiên nhẫn đợi tôi hét xong, mới quay gương mặt hả hê sang và hỏi:
 
– Sao rồi?
 
Những lúc như thế, tôi sẽ giả vờ gật gù dù họng đang khô và rát. Quỳnh sẽ đưa cho tôi lon cà phê bật mở sẵn. Chúng tôi đứng cạnh nhau, nhìn những vòng tròn trên mặt hồ loang ra, tan đi rất nhanh. Nỗi buồn và những xúc cảm tiêu cực khác nhanh chóng bị cuốn đi, chỉ còn lại đây những gì đẹp đẽ nhất của tuổi trẻ.
 
Mỗi ngày chậm rãi trôi qua, tôi thấy bản thân như dần hoàn thiện hơn. Khi tôi được sống với mong muốn của chính mình, và được làm những điều mình thích. Bức tranh cuộc sống xuất hiện những mảng màu khác lạ, do chính tay tôi tô vẽ lên. Nhưng người tìm ra những màu sắc đó vốn chẳng phải tôi, mà là Quỳnh.
 
19 tuổi, có những cảm xúc xuất hiện tuy chẳng phải lần đầu, nhưng vẫn rất tươi mới. Đó là khi tôi nhận ra mình thích Quỳnh. Những ngày bên em là những ngày đẹp trời nhất đối với tôi. Tôi thích mùa Hè Hà Nội, một phần vì mùa Hè có em. Chúng tôi thi thoảng vẫn cùng nhau đi uống cà phê. Trong lúc em mải mê đọc sách thì bên cạnh, tôi sẽ tập tành chơi guitar, bản “Tình nhớ” của Trịnh Công Sơn. Nếu như lúc đó không quá tập trung, em sẽ lẩm nhẩm hát theo trong vô thức. Khoảng thời gian bình lặng cứ thế chậm rãi trôi qua, phảng phất mùi hương của hoa hồng tháng năm, ngọt ngào và quyến rũ. Tôi thấy tim mình trở nên bất bình thường hơn, bởi lúc thì đập nhanh rộn rã, lúc lại như chậm hẳn một nhịp. Cảm giác thích một người quả thật rất phức tạp, đặc biệt là đối với những kẻ khô khan như tôi.
 
Một cơn mưa rào chiều thứ năm vô tình phá vỡ kế hoạch ra Tạ Hiện uống cà phê của tôi và Quỳnh. Nhưng em không phải là một kẻ dễ dàng từ bỏ, nhất là đối với những thứ đã được lên kế hoạch từ trước. Quỳnh quyết định ngồi đợi ở nhà tôi, chờ cho cơn mưa tạnh hẳn. Tôi bất đắc dĩ cũng phải ngồi chờ trong nỗi uể oải mơ hồ, đầu tựa vào khung cửa sổ, ngắm mưa rơi lóng lánh, chảy thành từng dòng. Tay bất giác vươn ra hứng, vài giọt nước rơi trúng kẽ tay, mát rượi.
 
Bố và mẹ bận đi làm, cậu em có lẽ đang vùng vẫy ở một hồ bơi nào đó, thành ra chỉ có mình tôi ở nhà.
 
Quỳnh ngồi bó gối trên sofa, chốc chốc lại mang điện thoại ra xem giờ. Chúng tôi ngồi chờ mưa tạnh, chẳng ai nói với ai câu gì, có lẽ vì ngại. Tôi kiếm điều khiển, bật tivi với mức âm lượng lớn nhất cốt để tiếng ồn xua đi cái không khí nhàm chán này. Thời tiết mát mẻ, cộng thêm sự mệt mỏi vì lượng công việc dồn đống khiến ánh mắt Quỳnh trở nên lờ đờ hẳn. Tôi đoán em buồn ngủ, bèn tắt tivi, vào trong rửa nốt đống bát đũa. Tầm chục phút sau trở ra, đã thấy em ngủ gục trên ghế, đầu ngoẹo về một bên, tay trái trật ra khỏi mép ghế, sã xuống. Đến tướng ngủ trông cũng khắc khổ. Tôi thở dài. Một đôi lúc, tôi nhận ra mình chưa từng có cơ hội nhìn kĩ mặt em, không biết khi ngủ trông sẽ ra sao…
 
Tôi rón rén lại gần, ngồi xổm xuống trước mặt Quỳnh, lặng im quan sát. Này là hàng lông mi cong cong, viền mắt hơi tím, vài mạch máu hằn lên, li ti dưới lớp da mỏng. Này là chiếc mũi thẳng, đôi môi đỏ, gần như trong suốt. Tóc mái dài che mắt, phảng phất mùi hương thanh dịu của hoa oải hương. Cánh tay trật ra ngoài, trông lỏng lẻo đến xót xa. Làn da trắng mỏng đến mức nhìn thấy cả những đường gân xanh chằng chịt. Đôi mắt nhắm nghiền, yên bình đến lạ. Trông em như thể đang mơ giấc mơ nào đó hạnh phúc lắm. Bàn tay vô thức vươn ra phía trước, chạm vào mái tóc mềm mượt kia. Sự tiếp xúc nhẹ nhàng làm tôi xốn xang, não bộ bỗng chốc lại bật chế độ đòi hỏi. Đòi hỏi tôi phải tiến gần, gần hơn nữa. Đúng lúc ấy thì em cựa mình, đổi tư thế nằm vì mỏi cổ. Cả người em hơi co lại, có lẽ vì nhiệt độ đã hạ xuống thấp. Tôi như sực tỉnh, vội vào trong phòng lấy ra một chiếc chăn mỏng, phủ lên người em. Trông em ngủ ngon lành đến mức làm tôi cũng buồn ngủ theo.
 
Mở màn hình máy tính, tiếp tục công việc còn đang dang dở. Tôi quay cuồng giữa đống lời thoại và những thước phim vụn vặt, những góc quay, loáng cái đã đến 4 giờ chiều. Chúng tuy rút ruột thời gian của tôi, nhưng trôi qua không phí hoài. Tôi sắp xếp lại những chồng giấy kẹp trong bao da, để qua một bên. Quỳnh vừa mới ngủ dậy, tôi bèn đứng lên lấy cho em cốc nước. Em nói muốn mượn tạm nhà vệ sinh một lát, tôi nhanh chóng gật đầu. Khi trở ra, trông thần thái em đã tươi tỉnh hơn hẳn. Tôi lên tiếng nhắc nhở em về số thời gian đã trôi qua trong lúc em còn đang say ngủ rồi hỏi:
 
– Em không định về nhà à?
 
Quỳnh ủ rũ gật đầu, đứng dậy. Tôi tiễn em ra đến cửa, vẫy tay chào khi em rời đi, không quên mỉm cười trấn an em. Quỳnh vừa đi, chốc chốc vẫn ngoảnh đầu lại, nhắc tôi về buổi hẹn tuần sau. Hai tuần nữa Quỳnh thi đại học, chúng tôi có thể sẽ không gặp nhau. Nhưng không sao, chúng tôi vẫn còn những phương thức liên lạc khác, miễn là biết đối phương vẫn ổn.
 
***
 
Bộ phim đang trong quá trình hoàn thành gấp rút với những cảnh quay cuối cùng. Chỉ còn cảnh cuối là chúng tôi phải di chuyển ra vùng ngoại ô. Cần phải tìm một nơi có những bãi cỏ xanh mướt, rộng rãi, không khí trong lành, tách biệt hẳn với những khối hộp hình trụ cao chọc trời ở Hà Nội. Mất nửa ngày ngồi mày mò trên Google, tôi mới tìm được địa chỉ thích hợp, nhưng đường đi khá khó khăn vì địa hình dốc, hơi thoải và có nhiều bùn đất. Cả nhóm lên đường từ sớm, vỏn vẹn 3 xe ôm. 3 chiếc Dreams Thái chở cả người lẫn đồ đạc, lỉnh kỉnh vô cùng. Chúng tôi quay một mạch từ sáng đến chiều, ăn trưa qua loa với vài ổ bánh mì. Trên đường quay trở về, Kiên bảo tôi đổi tay lái, để nó lái xe cho. Tôi vừa thu dọn đồ đạc vừa đáp lời:
 
– Sao tự dưng lại tốt bụng thế ?
 
– Thì thấy anh quay phim nhiều chắc cũng mệt rồi, với lại em có bằng lái xe mà. Yên tâm!
 
Lí do của Kiên nghe có vẻ xuôi xuôi nên tôi đành gật đầu đồng ý, và sự thật là tôi cũng đã mệt lắm rồi.
 
Sau khi cố định lại đồ đạc trên xe bằng dây chằng, Kiên bắt đầu nổ máy. Cứ đi được một đoạn, xe lại xóc nảy lên vì đất đá và ổ gà ổ vịt. Xe của tôi bị bỏ lại sau cùng, vì Kiên di chuyển chậm chạp, lại chỉ lăm le tránh ổ. Tôi bắt đầu cảm thấy sốt ruột vì bị bỏ lại một đoạn khá xa, nhưng cũng không dám giục Kiên lái nhanh lên. Những người đang mất bình tĩnh, càng giục sẽ càng làm họ mất tập trung.
 
Cũng vì không có kinh nghiệm đi “phượt”, đặc biệt là đối với việc vượt qua những khúc cua quanh co này nên xe của tôi nhanh chóng lạc tay và bị xòe. Máy quay, đạo cụ và hành lí rơi khỏi xe, văng hết ra ngoài. Tôi và Kiên cũng bị ngã, đầu gối bị xây xát, máu bắt đầu thấm qua lớp vải mỏng. Kì thực, tôi không cảm thấy xót, thứ mà tôi chú ý đến lúc đó chỉ là chiếc máy quay. Tôi đảo mắt nhìn xung quanh, thấy chiếc máy đang nằm trơ trọi giữa đường. Quay sang Kiên, thấy thằng bé có vẻ tự lo liệu được, tôi bèn cà nhắc đứng dậy, tiến về phía chiếc máy. Đúng lúc ấy, một chiếc motor phân khối lớn lao đến, ngay chỗ máy quay phim. Tôi không cho phép bản thân có một giây phút do dự nào, vì trong chiếc máy quay này có chứa một đoạn phim chưa được xử lí, đó là chưa kể đến các đoạn phim khác đã hoàn thành. Công sức của cả nhóm, bao gồm cả mấy tháng trời làm việc cật lực, và hơn cả là ước mơ của tất cả chúng tôi. Mọi thứ đều nằm gọn trong đó! Tôi cố gắng ra hiệu cho chàng trai đang lái motor, nhắc anh ta dừng xe lại. Nhưng cô gái phía sau đang vòng tay ôm lấy anh ta, nên mọi lời nói lúc này đều trở nên vô nghĩa. Tôi bắt đầu trở nên cáu bẳn, sao lại có những người thiếu lịch sự như thế cơ chứ?!
 
Nhưng chiếc xe đã tiến đến gần lắm rồi, tôi đành phải làm liều thôi. Tôi cắn chặt răng, chạy đến chỗ chiếc máy quay trước khi xe lao tới, nhưng vẫn không tránh khỏi việc va chạm. Lực húc từ chiếc xe khiến tôi bị bắn văng lên lề đường, lăn hẳn mấy vòng. Cũng may là ngã vào cánh đồng hoa. Mùi hoa dại dập nát hơi nồng xộc vào mũi tôi, cùng cơn đau xông đến đột ngột. Cơn đau như hàng ngàn mũi kim xuyên thẳng vào bắp tay tôi, tê dại. Và cơn váng vất ở đâu lại ập tới, hình như là ở trên trán. Lạ là lúc đó tôi không thấy sợ, cũng chẳng cảm thấy đau. Khi quyết định sẽ lao tới chỗ chiếc máy quay, bên tai tôi chỉ còn văng vẳng lời của Quỳnh: "Còn trẻ thì cứ bước thôi, đừng sợ vấp ngã. Ngày mai còn có chuyện của ngày mai, quan trọng là hôm nay ta phải sống hết mình.” Khi tôi còn chưa kịp ý thức được mình đang bị gì, thì não bộ đã mất dần ý thức. Hình ảnh cuối cùng mà tôi tiếp nhận được chính là bóng dáng hớt hải của Kiên khi chạy đến chỗ tôi. Sau đó, mọi thứ trở nên đen ngòm.
 
***
 
Tôi không rõ là mình đã ngủ trong bao lâu. Chỉ biết, khi cơn chếch choáng qua đi, tôi thấy mình đang nằm trong bệnh viện. Cánh tay trái không cử động được, cuốn băng gạc từ đầu tới cuối. Tôi sờ tay lên trán, chỗ này cũng được băng bó cẩn thận. Mùi ete xộc vào mũi khi tôi cố cựa quậy (đây là một trong những lí do tại sao tôi ghét bệnh viện và luôn tránh phải đến đây). Vậy mà bây giờ tôi đang phải nằm ở đây, với một bên tay bị gãy và trán phải khâu mất mấy mũi, còn gì buồn cười hơn nữa không?
 
Nhưng như thế cũng đáng đấy chứ! Một mình tôi bị thương, bù lại có thể cứu được thành quả của 5 người. Và tay gãy thì cũng có thể lành lại, tuy hơi mất thời gian luyện tập, còn hơn là mất trắng những đoạn phim quý giá chẳng thể quay nổi lần 2. Nghĩ đến đây, tôi bỗng dưng bật cười. Đến nỗi, Quỳnh đang gà gật trên ghế dành cho người thân bệnh nhân bỗng chốc sực tỉnh. Trông thấy khuôn mặt ngái ngủ của em, tôi nhe răng cười nham nhở. Nhưng Quỳnh không có tâm trạng để cười đáp lại tôi, em dường như đang mất bình tĩnh lắm. Quỳnh túm lấy cổ áo tôi, gần như gào lên:
 
– Kiên nói đáng ra anh chỉ bị xây xước một chút thôi! Nhưng mà anh lại lao ra nên mới bị xe tông, gãy tay và rách trán như thế này. Anh điên à?!
 
Lần đầu tiên trông thấy vẻ mặt giận dữ của em, ngôn từ của tôi như thể bị rút sạch:
 
– Không… không phải!
 
– Cũng may là motor chứ không phải ôtô, chứ nếu không thì em cũng không có cơ hội mắng anh như thế này. – Ngập ngừng một chút, em nói thêm – Chúng ta đang ở Hà Nội.
 
Tôi khẽ gật đầu, rồi lại sực nhớ ra thứ quan trọng hơn cả, bèn quay sang em rối rít:
 
– Phải rồi. Còn máy quay thì sao?
 
– Không sao cả, mọi thứ vẫn còn nguyên…
 
Nghe em nói, tôi mới yên tâm mà thở phào một cái. Quỳnh nhìn tôi, ánh mắt dò xét, em hỏi:
 
– Sao anh… thay đổi nhanh vậy? Lúc mới quen anh, rõ ràng em thấy anh khá là hời hợt với mọi thứ xung quanh. Nếu là anh của trước đây thì chắc chắn sẽ không lao đầu ra đường chỉ để bảo vệ một chiếc máy.
 
Tôi chỉ nhe răng ra cười như một phản xạ có điều kiện:
 
– Kì lạ nhỉ? Như là phép màu ấy!
 
Em đấm nhẹ vào ngực tôi, tông giọng đã hạ xuống thấp:
 
– Lần sau đừng có làm mấy thứ như thế nữa, em sẽ mất đi một người để hành hạ đấy…
 
Tôi gật đầu cật lực để xác nhận. Quỳnh đứng dậy, nói phải xuống dưới kia mua ít đồ ăn sáng. Lúc đó em đã quay mặt đi thật nhanh, chỉ để che đậy dòng chất lỏng đang chảy ra từ khóe mắt. Mãi đến khi bóng dáng em khuất hẳn sau cánh cửa phòng bệnh, tôi mới giật mình, thoát khỏi cơn mộng mị. Em khóc vì tôi ư…?
 
Thật ra tôi rất muốn nói cho em biết, rằng em chính là người đã làm tôi trở nên “điên rồ” như thế. Trước khi gặp em, tuổi trẻ của tôi cũng chỉ như một màn đêm đen đặc. Chỉ tới khi em đến, dùng ánh sáng của mình để chiếu rọi mọi thứ. Cũng chính em là người đã bứt tôi ra khỏi vỏ kén chứa những nỗi sợ hại mơ hồ, khiến tôi trở nên nỗ lực hết mình. Và tôi nhớ mình đã từng đọc được ở một cuốn sách nào đó rằng: "Mỗi con người chỉ có một khoảng thời gian nhất định trong cuộc đời mình, mà ở đó họ đạt được tốc độ tối đa. Tốc độ học hỏi, tốc độ làm việc, tốc độ phát triển – cả về thể chất lẫn tinh thần, địa vị nghề nghiệp. Vậy nên các bạn của tôi, vẫn biết rằng tuổi trẻ qua đi chẳng một lần thắm lại, dẫu biết rằng You Only Live Once và trên chiếc giường bệnh của tuổi già, con người ta thường chỉ tiếc nuối những gì mình đã không dám hoặc không kịp làm khi còn son trẻ, nhưng cũng đừng dùng lí lẽ đó để biện minh cho việc buông thả bản thân vào những thú vui tầm thường, vô nghĩa.”
 
Tôi cũng từng chứng kiến việc em đã nỗ lực vì ước mơ của mình như thế nào. Ví như cách đây 1 tháng, em đã nhận lời đến vẽ graffiti cho một nhóm nhảy đúng vào hôm trời mưa tầm tã. Mọi người cố ngăn nhưng em không chịu, vẫn cương quyết vẽ vì “đã nhận lời rồi thì phải làm tới cùng chứ”. Cũng may là hôm ấy trời không mưa khi em đang vẽ, chỉ đến lúc Quỳnh ra về, mưa mới ập xuống xối xả. Tôi cởi áo để em phủ lên đầu. Chúng tôi cùng nhau chạy dưới trời mưa tháng năm, xác hoa phượng rơi đầy đường…
 
"Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào, dù bị cảm vẫn muốn quay lại để được ướt thêm một lần nữa.”
 
***
 
Tôi cũng sẽ không nói dông dài, hay chờ đợi đến ngày mà phim của tôi được tất cả mọi người biết đến, hoặc tranh của Quỳnh được trưng bày trong các buổi triển lãm quốc tế, hay cái ngày mà tôi trở thành một đạo diễn và Quỳnh được biết đến với tư cách là một họa sĩ thực thụ. Chúng tôi không thể trở thành người nổi tiếng hoặc những vĩ nhân trong tương lai, đó là điều chắc chắn. Nhưng có hề gì, vì chúng tôi đang được sống hết mình ở thời điểm hiện tại.
 
Cuộc sống vẫn tuyệt vời như thế, khi chúng tôi được làm những điều mình thích và nỗ lực vì ước mơ của mình, đó mới chính là tuổi trẻ.
 
Song Gia (Theo Foull)
  
 Trở về
Các bài viết khác:
Truyện ngắn – TRẦM (08/02 08:38:39 AM)
Truyện ngắn – SHOPPING (04/02 08:35:43 AM)
Truyện ngắn – HỒNG GAI (30/01 09:42:49 AM)

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo