Hôm nay thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024
Truyện ngắn – NIỀM TIN . . . (04/07/2022 05:26 AM)
Trần Đức Trường

Chị vác cây bạch đàn dài ngoằng đi như chạy trên dốc xuống.
 
Minh họa: Minh Quý
Minh họa: Minh Quý


Vứt cái cây xuống đất, chị bắt vạt áo dính đầy đất bụi lên lau khuôn mặt đẫm mồ hôi. Cả ngày vật lộn với những cây bạch đàn chị gần như kiệt sức. Chị ngồi bệt xuống vệ cỏ thở hổn hển.
 
Lúc này trông chị gầy gò, người thẳng đuột. Đôi tay xương xẩu, nhăn nheo bị nhiều vết xước rớm máu. Đôi chân nhỏ nhắn xỏ vào đôi dép rọ quá cỡ mà chị đã dùng dây thép cột lại nhưng vẫn lỏng lẻo. Chỉ có đôi mắt sáng, trẻ trung và rất đẹp. Chị mới ngoài bốn mươi nhưng nhìn chị ai cũng ngỡ là bà già ngoài sáu mươi. Cuộc sống, mưu sinh, gia đình đã lấy đi tuổi xuân, nhan sắc của chị.
 
Hồi trước, chị là cô gái xinh đẹp nhất làng. Bao chàng trai theo đuổi, si mê. Chị học chưa hết tiểu học thì phải bỏ học giữa chừng vì gia đình quá khó khăn. Ở nhà ít năm, chị lấy chồng khi chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn. Hai vợ chồng ra ở riêng trong căn nhà lụp xụp. Cái đói nghèo bám riết lấy họ. Mà càng đói nghèo họ lại càng đẻ nhiều.
 
Thực tình khi có hai đứa con đủ nếp đủ tẻ, chị cũng muốn kế hoạch để đỡ vất vả. Nhưng ở cái làng này, nhà nào cũng đông con. Chồng chị thì bắt chị phải đẻ. Anh ta bảo, nhiều con hơn lắm của, cứ đẻ thật nhiều thế nào cũng có đứa tài. Vậy là lấy nhau mấy năm, anh chị đã có tám mặt con, năm trai, ba gái.
 
Làng của chị nằm lọt thỏm giữa bốn bề rừng núi, chỉ có con đường độc đạo chạy từ trung tâm xã lên. Từ làng về xã cách hai chục cây số. Ngôi làng nhỏ ngày xưa là nơi dân sơn tràng lên khai thác lâm sản. Lâu dần, họ lập làng làm ăn sinh sống dựa vào rừng. Khoảng hơn chục năm trước, làng được gọi là làng"năm không”: Không điện, không đường, không trường, không trạm, không người đi học.
 
Người dân sống chủ yếu nhờ vào những sản vật rừng. Nhưng tài nguyên rừng bị con người tàn phá cạn kiệt. Giờ kiếm ra cái ăn còn khó đừng nói làm được việc này việc nọ. Trẻ em lớn lên học biết mặt chữ là đi miền Nam làm công nhân bao bì, giày da. Đứa nào hiếu học thì cha mẹ cũng "tróc xương trầy da". Học xong, không kiếm được việc làm. Con gái thì có đám nào ưng gả béng đi cho xong chuyện. Con trai thì đi làm công nhân, xuất khẩu lao động.
 
Tám đứa con của chị, ba đứa con gái học chưa xong tiểu học cũng bỏ học lấy chồng sớm như mẹ. Bốn thằng con trai theo bạn bè vào miền Nam làm công nhân, làm thuê. Nay dịch bệnh mắc kẹt không về được. Mới hôm trước, thằng cả điện về bảo tiền hết không còn tiền ăn, tiền trọ. Cả bọn đang rủ nhau đi xe máy về quê. Chị khuyên con chịu khó ở lại chứ về thế nguy hiểm lắm. Nhà giờ còn hai vợ chồng và thằng con út. Thằng bé năm nay lên lớp bảy.
 
Đầu năm học, nó đi học được mấy bữa thì dịch bệnh bùng phát phải nghỉ học. Nghe bảo, phải học trực tuyến gì đó, nó đòi chị mua cái máy tính hoặc điện thoại thông minh mới học được. Chị thương con nhưng bây giờ lấy tiền đâu để mua máy cho con. Hai vợ chồng đi vác cây thuê cho người ta, một ngày họ trả công anh trăm bảy, chị được trăm rưỡi. Mà việc thì không đều, ngày không có việc chị lại vào rừng chặt củi về bán. Trong nhà bao nhiêu thứ phải trang trải. Chồng chị đi làm thì chớ, ở nhà lại rượu chè lè nhè suốt.
 
Chị vừa bóc vỏ cây vừa suy nghĩ miên man. Bên kia, mấy người phụ nữ khác vừa làm việc vừa trò chuyện râm ran. Chuyện trên trời dưới đất. Họ hỏi nhau về số ca nhiễm Covid-19 trong ngày. Chuyện con cái học hành…Chị quay qua hỏi:
 
- Bữa nay một cái điện thoại loại rẻ khoảng bao nhiêu tiền?
 
- Loại rẻ cũng tầm ba triệu.
 
Chị nhẩm tính số tiền tích trữ bấy nay chắc cũng đủ.
 
Từ xa, có người đàn ông đang đi tới. Mọi người nhìn lên thấy anh ấy ăn mặc gọn gàng, lịch sự, đeo khẩu trang. Không phải người trong làng. Người đàn ông lại gần, hỏi:
 
- Các chị cho tôi hỏi đây có chị Thoa mẹ cháu Trần Tài không ạ?
 
- Tôi đây, có việc gì không anh?
 
- Chào chị, tôi là giáo viên chủ nhiệm của cháu Tài, tôi muốn gặp chị có chút việc.
 
Chị hốt hoảng, mặt đỏ bừng:
 
- Ôi thầy giáo, cháu học với thầy mà tôi bận quá không đi họp phụ huynh lần nào nên chưa biết thầy. Hôm qua nghe cháu nói thầy chờ cả buổi mà tôi đi làm về tối muộn nên không gặp được. Cháu học dốt hay quậy phá gì ở trường phải không thầy?
 
Mấy bà hàng xóm tò mò hóng về phía thầy giáo.
 
Thầy giáo nhẹ nhàng:
 
- Không chị ạ, cháu Tài rất sáng ý lại ham học, cháu rất mê và học tốt các môn tự nhiên và tiếng Anh. Chỉ là gia đình chưa quan tâm sát sao nhắc nhở cháu…
 
Thầy ngập ngừng:
 
- Gần đây cháu học sút, hay đi học trễ và đến lớp uể oải lắm. Lớp học trực tuyến gần một tuần nay rồi không biết lý do gì mà cháu không tham gia. Tôi có gọi điện để trao đổi với gia đình qua số điện thoại cháu cung cấp mà không liên lạc được. Hôm qua, tôi đến nhà chờ lâu không gặp anh chị. Hôm nay, tôi phải lên tới đây để gặp chị. Mong gia đình quan tâm, phối hợp với nhà tường để cháu học tốt hơn.
 
Chị ấp úng:
 
- Nói thật với thầy, tôi chưa mua được máy cho cháu học. Gia đình khó khăn, chúng tôi định cho cháu nghỉ học ở nhà giúp đỡ cha mẹ…
 
- Gia đình cố gắng cho cháu học, Tài là một học sinh có tư chất lại ham học, nếu được gia đình quan tâm hơn chắc chắn cháu sẽ học giỏi.
 
Nghe thế chị mừng lắm, mát lòng mát dạ lắm. Thực sự là, chị lo đôn đáo kiếm tiền. Đêm đến mệt lại lăn ra ngủ. Chồng chị thì đi làm cả ngày, tối về uống vài chén rượu xong lè nhè rồi cũng đi ngủ chẳng ai ngó ngàng hay nhắc nhở con học. Mới hôm qua, thằng Tài lân la mượn cái điện thoại của chú hàng xóm nói để học nhưng lại chơi điện tử. Ba nó đánh cho một trận nhừ tử. Chị hỏi con thì nó bảo con thi tiếng Anh qua mạng mà chú ấy không biết nên nói với ba là con chơi điện tử. Mấy đứa bạn nó cũng xác nhận thế. Vậy là nó bị đòn oan.
 
Chị quyết tâm sẽ mua máy cho con học. Bảy anh chị nó đã thất học, bây giờ đứa nào cũng cực khổ, vất vả. Không để thằng Tài phải nghỉ học giữa chừng nữa.
 
Trưa, chị xin theo xe chở bạch đàn về huyện mua máy cho con. Ngồi trên xe, lòng chị ngổn ngang. Nhìn hai bên đường, những rừng keo, tràm, bạch đàn xanh mướt. Chị ước mình là chủ của một cánh rừng này thì khỏi phải làm thuê, con cái khỏi phải khổ… Rồi chị hình dung thằng Tài sẽ vào đại học, sẽ có công ăn việc làm đàng hoàng hơn các anh chị nó. Nghĩ đến đây chị thấy ấm lòng hẳn.
 
Mua được điện thoại trời đã tối nhèm. Chị ra ngã tư chờ xe nhập xong bạch đàn để xin về theo. Phố huyện đang thực hiện Chỉ thị số 15 của Chính phủ về phòng dịch, người qua lại thưa thớt. Chị ngồi thu lu dưới cột đèn đường, hai tay ôm khư khư cái túi có chiếc điện thoại như sợ ai đó giật mất. Bụng réo ùng ục nhưng chị không thấy đói.
 
Bóng đèn điện vàng ạch chiếu cái bóng bé nhỏ của chị lên mặt đường. Lòng chị vui rộn rã. Thằng Tài sẽ được học trực tuyến. Chị nghĩ đến khuôn mặt phấn khởi của nó. Chị tin con trai út của chị sẽ phấn đấu bằng bạn bằng bè. Mong dịch nhanh hết để con sớm được đến trường…
 
Về đến nhà đã quá nửa đêm. Thằng Tài vẫn ngồi trước cổng đợi mẹ. Ai đó đã nói với nó mẹ đi mua điện thoại cho nó. Vừa thấy bóng mẹ, nó chạy rất nhanh ra ôm chầm lấy mẹ như lúc còn nhỏ đón mẹ về chợ đòi quà. Nó nói trong tiếng nấc: "Con yêu mẹ lắm. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ công ơn của mẹ". Chị đứng sững giữa sân, hai hàng nước mắt tự nhiên chảy dài xuống hai gò má tái sạm... Chị tin con trai. Trong xóm, tiếng gà đã bắt đầu gáy sáng!
 
Trần Đức Trường
Minh họa: Minh Quý
 
 Trở về
Các bài viết khác:
Truyện ngắn – TRẦM (08/02 08:38:39 AM)
Truyện ngắn – SHOPPING (04/02 08:35:43 AM)
Truyện ngắn – HỒNG GAI (30/01 09:42:49 AM)

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo