Hôm nay thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024
Vận tải cơ khổng lồ C-17 Mỹ nuốt gọn trực thăng để rút khỏi Afghanistan (08/07/2021 05:05 AM)
Việt Hùng

Quân đội Mỹ đã điều những vận tải cơ khổng lồ C-17 chở các trực thăng vũ trang bắt đầu rút khỏi căn cứ không quân Bagram, Afghanistan vào ngày 2/7.

Vận tải cơ khổng lồ C-17
Vận tải cơ khổng lồ C-17


"Toàn bộ lính Mỹ và các thành viên của lực lượng thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng các khí tài quân sự đã rời khỏi căn cứ không quân Bagram", một quan chức an ninh cấp cao của Mỹ nói với hãng tin Reuters.

Căn cứ Bagram cách thủ đô Kabul hơn 60 km. Đây là nơi quân đội Mỹ đã phối hợp tác chiến trên không và hỗ trợ hậu cần trong toàn bộ sứ mệnh quân sự của họ ở Afghanistan.

Zabihullah Mujahid, phát ngôn viên Taliban, nói với Reuters: "Chúng tôi coi việc Mỹ rút quân là một bước tiến tích cực. Người Afghanistan có thể tiến gần hơn đến ổn định và hòa bình sau khi toàn bộ lực lượng nước ngoài đã rút khỏi đây".

Một số người Afghanistan khác tỏ ra thận trọng hơn. Javed Arman, cư dân Kabul cho biết: "Chúng tôi đang ở trong tình thế khó khăn. Hầu hết người dân đã di tản khỏi địa phương và một số quận đã thất thủ. Bảy quận ở tỉnh Paktia hiện nằm dưới sự kiểm soát của Taliban".

Việc Mỹ quyết định rút quân khỏi Afghanistan sau 20 năm hiện diện cho thấy nước này muốn chính quyền Kabul tự bảo vệ an ninh cho mình mà không cần sự hỗ trợ từ Washington. Tuy vậy một số tướng lĩnh Mỹ lại lo ngại rằng, việc rút quân có thể lại nhấn chìm Afghanistan vào một cuộc nội chiến mới.

Nhằm tăng cường khả năng không vận cho cuộc đại rút quân, Mỹ đã cử các vận tải cơ khổng lồ C-17 tới để chuyển chở trang thiết bị vũ khí và binh sĩ.

Tất cả các trực thăng của quân đội Mỹ đều được đưa lên trực thăng C-17 để mang về Mỹ. Chiếc máy bay này có thể vận chuyển 4 trực thăng vận tải UH-60 Black Hawk, 2 trực thăng tấn công AH-64 Apache hoặc 2 trực thăng CH-47.

C-17 Globemaster III là máy bay vận tải quân sự hạng nặng được hãng McDonnell Douglas phát triển cuối thập niên 1980 nhằm mục đích vận chuyển chiến lược và chiến thuật.

Những chiếc máy bay vận tải này cho phép đưa trang thiết bị vũ khí và binh sĩ Mỹ đến mọi địa điểm trên thế giới, cũng như sơ tán thương binh và thả lính dù.

Biệt danh Globemaster III được đặt dựa theo hai mẫu máy bay vận tải hạng nặng trước đó của McDonnell Douglas gồm C-74 Globemaster và C-124 Globemaster II.

Mỗi chiếc C-17 có chiều dài 53 m, sải cánh 52 m và cao 17 m, trang bị 4 động cơ turbine phản lực F117-PW-100 cho phép nó đạt tốc độ hành trình 830 km/h, tầm bay tới 10.000 km khi chở lính dù.

Khả năng tự động hóa cao khiến tổ lái C-17 chỉ có ba người, gồm hai phi công và một nhân viên bốc dỡ hàng hóa.

Cửa khoang máy bay, thiết kế bậc tải hàng và hệ thống neo bên trong cho phép hàng hóa được tháo dỡ nhanh chóng mà không cần các thiết bị chuyên dụng.

Khoang hàng của C-17 rộng 5,5 m, cao 4,6 m, cho phép nó mang trọng tải tối đa 77 tấn.

Mỗi chiếc C-17 có thể chở số lượng lên tới 102 lính dù được trang bị đầy đủ hoặc 3 xe thiết giáp Stryker hoặc một xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams.

Điểm nổi bật của C-17 Globemaster III là khả năng hoạt động trên nhiều loại đường băng khác nhau, kể cả nền đất không được phủ bê tông.

Hệ thống đảo chiều lực đẩy của C-17 tận dụng luồng xả động cơ tốt hơn các máy bay thông thường, giúp thổi dị vật ra xa cửa hút khí động cơ, đồng thời cho phép chiếc Globemaster III chạy lùi mà không cần xe hỗ trợ, tăng khả năng vận hành ở đường băng dã chiến hoặc địa điểm không có hỗ trợ hậu cần ở nước ngoài.

Máy bay có thể hạ cánh với tổng lượng hàng hóa lên đến 72 tấn trên một đường băng dài chỉ 914 m. Trong ảnh, một chiếc C-17 đang hạ cánh với hệ thống đảo chiều lực đẩy (khoanh đỏ) được mở hết cỡ.

Để tự vệ, C-17 được trang bị tổ hợp cảm biến nhiệt AN/AAR-47 gắn quanh thân máy bay, giúp tổ lái phát hiện dấu hiệu nhiệt từ luồng xả của tên lửa.

Để giảm tỷ lệ báo động giả, AN/AAR-47 có thể được thiết lập để theo dõi tín hiệu riêng biệt của từng loại tên lửa. Nếu phát hiện quả đạn đang tiếp cận, nó sẽ phát cảnh báo để tổ lái thực hiện động tác cơ động, đồng thời tự động kích hoạt hệ thống phóng mồi bẫy AN/ALE-47.

Tổ hợp AN/ALE-47 có thể bắn ra nhiều loại mồi bẫy khác nhau để đánh lừa tên lửa dùng đầu dò nhiệt hoặc radar. Tổ lái cũng có thể chọn ba chế độ phóng mồi bẫy gồm tự động, bán tự động hoặc thủ công.

Sau gần 30 năm hoạt động, C-17 Globemaster III luôn được đánh giá là xương sống của ngành vận tải quân sự Mỹ cũng như đóng vai trò "ngựa thồ" phục vụ các chuyến công du nước ngoài của lãnh đạo nước này.

Việt Hùng

 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo