Hôm nay thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024
Mỹ đáp trả vụ Trung Quốc áp luật yêu cầu tàu nước ngoài vào Biển Đông phải khai báo - Chuyên gia quốc tế: Quy định của Trung Quốc về kiểm soát tàu bè trên biển là "vô nghĩa". (03/09/2021 04:25 AM)
Khánh Như  -  Hoài Thanh

Lầu Năm Góc phản đối việc Trung Quốc yêu cầu tất cả tàu nước ngoài vào Biển Đông phải khai báo với cơ quan hàng hải nước này, gọi đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do hàng hải và thương mại.

Một tàu Hải quân Hoàng gia Malaysia trong cuộc tập trận ở Biển Đông vào ngày 12-8. Ảnh: BERNAMA/DPA
Một tàu Hải quân Hoàng gia Malaysia trong cuộc tập trận ở Biển Đông vào ngày 12-8. Ảnh: BERNAMA/DPA


Ngày 2-9, Lầu Năm Góc bác bỏ quy định mới của Bắc Kinh, trong đó yêu cầu tất cả các tàu nước ngoài đi vào Biển Đông phải khai báo với cơ quan hàng hải Trung Quốc. Đồng thời, Washington gọi đây là "mối đe dọa nghiêm trọng" đối với tự do hàng hải và thương mại, tờ South China Morning Post đưa tin.

Mỹ giữ vững lập trường về tự do hàng hải

Khi được hỏi về quy định mới của Trung Quốc trong tuần này, ông John Supple - phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết: "Mỹ vẫn giữ vững lập trường rằng bất kỳ luật hoặc quy định nào của một quốc gia ven biển đều không được vi phạm các quyền hàng hải và hàng không mà tất cả các nước cùng được hưởng theo luật pháp quốc tế".

"Các tuyên bố chủ quyền trên biển bất hợp pháp và sâu rộng, bao gồm cả ở Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng đến quyền tự do trên biển, gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, thương mại tự do và thương mại hợp pháp, các quyền và lợi ích của Biển Đông đối với các quốc gia ven biển khác" - ông nói.

Các bình luận được đưa ra hai ngày sau khi Bắc Kinh thông báo rằng những tàu nước ngoài đi vào "lãnh hải" của Trung Quốc - một khái niệm mơ hồ mà nước này tự ý đặt ra - sẽ phải báo cáo thông tin về tàu và hàng hóa của họ cho cơ quan hàng hải Trung Quốc.

Quy tắc này được cho là sẽ áp dụng cho Biển Đông, biển Hoa Đông và các đảo và đá ngầm khác nhau thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Theo thông báo của Bắc Kinh, quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1-9, song Trung Quốc vẫn chưa làm rõ nó sẽ được thực thi như thế nào.

Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan. Nhật và Hàn Quốc có tranh chấp riêng với Bắc Kinh ở biển Hoa Đông.

Và sẽ tiếp tục phản đối Trung Quốc

Những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với các tuyến đường thủy trên Biển Đông - một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất trên thế giới, là nguyên nhân gây ra căng thẳng ngày càng tăng giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng, và với Washington trong nhiều năm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price từ chối cho biết liệu chính phủ Trung Quốc có trao đổi trực tiếp với Mỹ về sắc lệnh hay không. Tuy nhiên, ông cho biết Mỹ đã nói rõ quan điểm của mình với Bắc Kinh rằng họ coi các yêu sách lãnh thổ mở rộng là bất hợp pháp.

Ông Price nói: "Chúng tôi không ngại phản đối và trong nhiều trường hợp sẽ cùng với các đối tác và đồng minh của mình để chống lại các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và quá mức" của Trung Quốc.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó" - ông nhấn mạnh.

Trung Quốc "thử" cộng đồng quốc tế

Các nhà quan sát đã đặt câu hỏi liệu Bắc Kinh có đủ năng lực để thực thi một quy tắc mới sâu rộng đến mức mà các quốc gia khác bao gồm Mỹ coi là bất hợp pháp và bất hợp pháp hay không.

Ông Raul Pedrozo - GS luật xung đột vũ trang và GS luật quốc tế tại ĐH Chiến tranh Hải quân Mỹ cảnh báo rằng các động thái của Trung Quốc sẽ tiếp tục gây mất ổn định ở khu vực.

Ông cho biết Bắc Kinh đã "tấn công" trật tự luật pháp quốc tế. Đây là một phần trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm "ép buộc các nước láng giềng, thúc đẩy an ninh quốc gia và các mục tiêu bành trướng, đồng thời củng cố quyền kiểm soát đối với các vùng biển tranh chấp và lãnh thổ".

"Trung Quốc đang thử cộng đồng quốc tế để đánh giá xem họ sẽ phản ứng như thế nào với luật mới" - ông nói.

Khánh Như


Chuyên gia quốc tế: Quy định của Trung Quốc về kiểm soát tàu bè trên biển là "vô nghĩa".

Theo giới quan sát quốc tế, quy định mới của Bắc Kinh yêu cầu tàu nước ngoài đi vào vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh hải của nước này cần phải khai báo thông tin, về tàu và hàng hóa trên tàu, sẽ rất khó được triển khai trên thực tế.

Tàu của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Theo đó, những bên có tranh chấp chủ quyền và các quốc gia thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc chắc chắn sẽ phớt lờ qui định này. Kế hoạch của Trung Quốc sẽ không đi đến đâu, kết cục cũng tương tự như việc Bắc Kinh từng tuyên bố Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông trước đây.

Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc (MSA) cho biết, kể từ ngày 1/9, tàu nước ngoài khi đi vào khu vực Trung Quốc tuyên bố là lãnh hải sẽ phải khai báo thông tin về tàu và hàng. Cơ quan này không nói rõ quy định được thực thi theo cách nào, nhưng khẳng định “sẽ có biện pháp” nếu tàu nước ngoài không tuân thủ.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, 5 loại tàu thuộc diện phải khai báo gồm: tàu ngầm, tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, tàu chở chất độc hại như dầu hỏa, hóa chất hoặc khí hóa lỏng và cuối cùng là các tàu khác có thể gây nguy hiểm cho "an toàn lưu thông hàng hải Trung Quốc".

Quy định nêu rõ các tàu phải khai báo danh tính, số nhận dạng tàu biển IMO, vị trí tàu, địa điểm và ngày giờ khởi hành, địa điểm sắp đến tiếp theo và ngày giờ dự kiến đến, số điện thoại vệ tinh, tên hàng hóa nguy hiểm và số lượng cụ thể.

Theo Collin Koh, chuyên gia cao cấp tại Trường Đại học Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), nhiều nước, trong đó có Mỹ, sẽ không chấp nhận quy định trên. Điều này có thể sẽ dẫn đến kết cục tương tự với việc Bắc Kinh triển khai ADIZ trên Biển Hoa Đông năm 2013, vốn là nguyên nhân khiến nhiều nước lên tiếng phản đối, nổi bật là Mỹ và Nhật Bản.

Theo đúng như tuyên bố về ADIZ, máy bay của nước ngoài ngay cả khi đang ở trên không phận quốc tế, cũng phải gửi thông báo tới cơ quan chức năng Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh gần như không triển khai thực hiện quy định này trong những năm gần đây.

“Tôi không hiểu là quy định mới này sẽ được thực thi ra sao, nó làm tôi nhớ lại điều đã từng xảy ra sau khi Trung Quốc tuyên bố thành lập ADIZ”, ông Koh nói. Theo chuyên gia này, trong điều kiện lý tưởng nhất, sẽ có một số nước làm theo. Nhưng với những nước lớn nhất và bên có liên quan lợi ích trực tiếp, số này sẽ không tuân thủ. Mỹ sẽ phản đối mạnh và sau đó hy vọng các nước khác sẽ làm theo.

Ông Shi Yinhong, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, cũng cho rằng việc thực thi sẽ đầy thách thức. Cụ thể, những bên có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông cùng nhiều nước phương Tây như Mỹ, Anh sẽ không tuân thủ quy định Bắc Kinh mới ban hành. Đây cũng chính là những nước phản đối mạnh nhất yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

Hoài Thanh - Báo Tin tức (SCMP)
@

 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo