Rồi ông buồn rầu nghĩ chắc mình đã tận số rồi. Tiếc cô vợ giỏi giang
xinh đẹp khi xưa. Khi xưa ông cặp bồ với bà Lý vì sợ Dung đẻ thêm nữa, vì Lý
không bao giờ cằn nhằn ông chơi bời vô độ, khác với Dung luôn tạo bộ mặt chầm
dầm khi thấy ông. Ông không muốn về nhà là vậy. Hơn nữa, mắc gì mà ông già Hai
đó ghét ông chớ? Đúng là cha làm hại con. Nếu như ông ta chấp nhận cho ông ở rể
biết đâu bây giờ ông không ra thế nầy? Sau nầy, con Lụa chê chồng bỏ đi, đem
con về nuôi, gặp ông là ông đánh cho một trận khủng hoảng luôn chứ ở đó mà chứa
chấp. Rồi con Xinh chưa đám cưới mà mang bầu đẻ con, Con Nhạn nợ nần tùm lum
cuối cùng cũng không giữ được chồng. Ông ta vẫn bỏ qua mà tha thứ. Người xưa
nói đúng, khác máu tanh lòng, ông ta chỉ thương ruột thịt của ổng chứ người
dưng nước lã như ông mà nhầm mẹ gì? Nhưng tụi nó đổi đời là do bản lĩnh của
từng đứa chứ do ông ta hay sao? Nói tới người dưng nước lã ông cảm thấy hận lão
già đó thêm. Cái thằng Giang gì đó tự nhiên thành người nhà của ổng, ổng đứng
ra chủ trì cho nó cưới vợ? Ai dám nói ổng không nịnh nhà giàu? Không ham cái mã
việt kiều của mẹ nó? Ai tin thì tin nhưng ông tuyệt đối không tin.
Bây giờ nằm đây chờ chết, vợ thì hai người, con có chín đứa mà không
một ai bên cạnh nấu cho nồi cháo, rót cho ly nước. Quá bất hạnh rồi. Thậm chí
mấy đứa em, mấy đứa cháu bên nhà cũng chẳng đứa nào léo hánh tới. Trời ơi, kết
thúc cuộc đời của ông là chết trong đói khát như vầy sao?
Thôi kệ. Ai cũng có số phần. Trả giá, quả báo thôi. Ông sẽ không kêu
ca nữa, sẽ thanh thản mà chết. Nhưng chết cho nhanh lên đừng để ông quá mỏi
mòn.
Ông Quí nằm ngửa ra, thẳng người lại, kéo mền đắp lên mình, khoanh
hai tay như người đã chết. Ông muốn người ta phát hiện ra ông trong tư thế đàng
hoàng nhưng cũng nhanh lên, đừng để xác ông đến hồi phân hủy, thối rửa tràn ra
ngoài người ta mới hay thì còn gì là Đặng Văn Quí một thời ngang dọc nữa?
Ông đã chuẩn bị tâm thế để chết rồi thì may mắn thay, số ông chưa
tận.
Sau khi cha má về hết. Lụa cứ suy nghĩ mãi. Cuối cùng cô quyết định
hẹn hai anh và bốn đứa em lại để bàn phương án giúp đỡ cha mình.
Lụa nói ra cô có dự định cất lại nhà cho cha và chu cấp tiền cho ông
xài hàng tháng thì không ai phản đối cả. Chỉ có Trà nói thêm:
- Chu cấp thì được, nhưng nếu bà Lý biết cha có tiền sẽ đeo theo bòn
rút. Cha cũng chưa phải là già cả lụm cụm. Ông ngoại chín mươi tuổi rồi vẫn còn
nuôi vịt gà được mà? Chi bằng chúng ta mua cho cha một số gà vịt để cha nuôi,
trước có cái ăn sau có thêm thu nhập hàng ngày do bán trứng. Đồng tiền ít ỏi
nhưng cha sẽ xài thoải mái cũng sẽ không có dư mà bà ta rút rỉa. Cha tự mình
kiếm sống thì vẫn tự tin hơn là hàng tháng ngửa tay nhận tiền của các con, còn
miệng đời nữa chứ?
Sáng gật đầu:
- Cô Sáu mầy nói cũng phải. Vậy đi. Bây giờ anh em tụi mình tới gặp
cha liền coi cha tính sao.
Vậy là bảy người dẫn nhau đến nhà ông Quí, lúc đó ông đã hôn mê rồi.
Mấy anh em tất tả đưa cha mình tới bệnh viện cấp cứu. Sau đó, bác sĩ
nói do ông bị suy nhược cơ thể vì quá đói, bây giờ trước mắt là đút sữa cho ông
uống, sau đó vài giờ cho ông ăn cháo loãng là sẽ trở lại bình thường.
Vì quá đói? Bảy người nhìn nhau. Dù không ai nói ra nhưng hết thảy
đều cảm thấy mình bất hiếu. Đứa nào cũng dư ăn dư để lại mặc kệ cha mình đói
đến ngất đi. Trong lòng họ ngập tràn một sự hối hận dù trước nay chưa từng thật
sự thương cha.
Ông Quí tỉnh lại, nhìn qua bảy đứa con, nước mắt chảy dài. Cuối cùng
thì cũng vẫn là những đứa nầy đến với ông, vực ông từ cõi chết trở về. Một nỗi
ân hận muộn màng trào dâng theo dòng nước mắt lặng lẽ chảy trên khuôn mặt teo
tóp vì trải qua thời trai trẻ sống trong sa đọa.
Ông ở lại bệnh viện hai ngày, bảy đứa con thay nhau chăm sóc ông.
Khi Xinh ở thì có Trà ở cùng vì cô sợ gặp mặt Tiến. Mấy lúc sau nầy, chồng vợ
đề huề, tình yêu dẫu chưa đến nhưng sự lưu luyến với Đức đã bắt đầu hình thành
trong tim Xinh. Cô cố gắng lãng quên Tiến. Đủ rồi, vậy là quá đủ với cô. Sự
hiểu lầm ngày xưa dẫn cô đi sai một bước sang nẻo đời không cùng hướng với Tiến
nhưng âu cũng là do phần số. Cuối cùng anh cũng biết sự hiện diện của bé Mỵ
trên đời đối với cô như vậy là đủ. Chỉ cần Đức không biệt xử Mỵ thì cô sá gì hy
sinh cho anh một chút, nhường nhịn anh một chút để cùng nhau đi hết quảng đời
còn lại?
Ông Quí về nhà thì lát sau bà Lý đến. bảy đứa con vẫn còn đủ mặt ở
đó để tính ngày kêu công thợ lại cất nhà cho ông. Nhìn thấy bầy con của ông bên
cạnh, bà Lý lăng xăng ra kiểu chủ nhà:
- Ủa? Mấy đứa tới đủ hết hả? Dì thiệt tệ. Mấy hôm nay bận quá nên
không tới lui với cha con, không hay cha con bị bịnh mà tới bệnh viện ở với
ổng. Làm cực mấy đứa rồi.
Không ai muốn trả lời bà dù rằng tất cả đều là người lịch sự tế nhị.
Ông Quí ngó bà ta mà tức tối, không cần giữ ý tứ trước mặt các con, ông chỉ tay
vào mặt bà trút nỗi bực dọc trong người cũng ngầm muốn cho các con biết ông đối
với bà ta đã cạn tàu ráo máng, sẵn sàng vì các con của mình mà chấm dứt quan hệ
với bà ta, đuổi bà ta ra khỏi nhà:
- Thôi bà đừng có làm bộ làm tịch ở đây. Màu mè khỉ khô gì. Tui quá
rành bà mà. Bà chắc chắn đã nghe người ta đồn con tui đưa tui vô bệnh viện và
thay phiên chăm sóc cha nó nên bà phớt lờ để không tốn đồng bạc nào với tui,
cũng không phải lo cơm nước nuôi bịnh. Chắc bà nghĩ rằng sau khi đưa tui về,
tụi nó sẽ gom lại cho tui tiền nên lật đật tới kiếm chát chứ gì?
Bà Lý sượng cứng mình. Hoàn toàn không ngờ thằng chồng có 2 mặt con
với bà lại nói với những câu phủ phàng như vậy. Phải. Đúng là bà cố tình lánh
né nhưng sao ông ta không nghĩ rằng bà ngại gặp tụi nó chứ? Con của bà Dung đứa
nào cũng khá giả, công ăn việc làm ổn định, còn hai đứa con bà thì lại sa đà
vào con đường mà ngày trước cha nó đã đi qua và đến giờ vẫn chưa rời khỏi. Lỗi
nầy do ai? Nếu như ông ta không cười vui hớn hở khi chúng thắng trận mua đồ về
bày ăn nhậu cả ngày, nếu như ôngđừng cùng nó đi coi mua gà đá và khen chúng có
mắt nhìn mà cấm cản không cho chúng dấn sâu vào con đường đó có phải là tốt hơn
không?
Bây giờ, cũng chẳng có nguồn thu nhập nào, chỉ biết chờ chúng mang
tiền về để mua gạo và thức ăn. Nếu như hôm nào vợ chồng thằng Táng thua trận về
mặt mày bí xị thì bà đành lỏn lẻn lại tìm ông. Thàng Nùng thì có hơn gì, ở bên
vợ mà thiếu trước hụt sau, nợ nần chất ngất, cả vợ và chồng đều một giuộc. Chắc
nó cũng chẳng được ai ưa. Ông thì dù hèn cũng thể, hết tiền ông đi kiếm các con
của mình, đi ăn sáng ăn trưa ngoài đường với con. Bà không chăm sóc ông nên
cũng chẳng dám đòi hỏi ở ông quyền lợi gì cho mình, chỉ là khi tới đây, thấy
ông có tiền bà len lén chôm cất lại, ông có biết chỉ chửi mắng một hồi rồi
thôi. Nhưng bà không thể nói cho ông nghe tình trạng của hai đứa con được, ông
ta không phải là người biết lắng nghe và thông cảm. Khoảng cách ngày càng xa,
nếu như có cuộc sống đủ đầy, bà cũng không thiết tha gì đến ông chồng nầy.
Sáng biết bà Lý quê lắm với anh em của anh thì cũng tội tội, nhưng
khi nghĩ đến người đàn bà nầy đã chiếm đoạt chồng của mẹ mình thì lại cảm thấy
bà ta bị như vậy âu cũng là quả báo. Trà thoáng hơn, cô nghĩ, trước khi bà Lý
đến với cha cô thì má cô cũng đã chán ghét cảnh làm vợ của cha cô rồi. Có bà ta
càng có động cơ để má cô chấm dứt cảnh cơm nhạt canh lạt mà quyết tâm quay về
bên gối ngoại. Má cô là người đàn bà có lập trường rõ ràng, dám yêu dám hận.
Khi yêu, bà có thể hy sinh cho tình yêu của mình nhưng khi cảm thấy đối phương
không xứng đáng với lòng tin của mình nữa, bà đã không dùng dao để cắt đứt quan
hệ mà dùng toàn bộ sức mạnh từ đôi tay gầy còm của người đàn bà bảy con mà bứt
phăng quan hệ vợ chồng chưa một lần hối tiếc dù đã trải qua mấy mươi năm.
Quang nhanh miệng hơn, anh nói với bà Lý bằng giọng nhẹ nhàng:
- Dì à. Bây giờ cũng già cả hết rồi. Dì có hai người con với cha
chúng tôi nhưng má tôi có tới bảy đứa lận. Hai đứa con của dì cũng thành gia
lập thất rồi, hai đứa chẳng lẽ không nuôi nổi một bà mẹ sao? Dì với cha tôi nên
làm bạn bè, đừng trói buộc nhau về kinh tế nữa. Vậy chúng tôi mới toàn tâm toàn
ý mà lo cho cha tôi. Dì cứ đeo thẹo và dòm ngó tiền bạc của cha để ông túng
thiếu như trước tui tôi sẽ bỏ chừng đó dì có trách nhiệm nuôi cha tôi không? Bởi
vì dù chúng tôi dẫu không còn ghét bỏ dì như trước nhưng cũng không vì cha tôi
mà nhân nhượng, nuôi thêm dì đâu. Cho nên, dì đừng nghĩ rằng cha tôi có là dì
có. Đất nầy do cha tôi đứng tên, thừa kế là má và anh chị em chúng tôi, bây giờ
lập tức cha tôi sẽ sang tên cho thằng Út em tôi, rồi chúng tôi sẽ cất một cái
nhà đàng hoàng cho cha tôi ở, có chỗ nơi để anh em tôi thỉnh thoảng gom về.
Nghĩa là: Cha tôi đang ở nhà của thằng Út dì hiểu không? Hai đứa con của dì,
thằng Nùng thằng Táng gì đó đừng có mong mà tơ hào chi cả. Tiến bạc chúng tôi
cũng không để cha dư giả, mấy đứa em gái sẽ năm ngày tới một lần, mua cho cha
gạo thóc và làm đồ ăn trong năm ngày, sắm cho cha cái tủ lạnh để đồ ăn, chiếc
xe đạp để cha sáng sáng có thể ra gặp tôi với anh Hai mà ăn sáng. Cha tôi sẽ
không có dư mà lo cho dì và hai đứa nhỏ, chiếc xe cũ của cha tôi cho dì đó, bán
ve chai cũng được hay để dì đi chợ cũng được. Cái nhà nầy, trong vòng năm ngày
nữa, dì muốn lấy gì đi thì lấy, lấy gì cha tôi cũng cho rồi chúng tôi sẽ sắm
lại cho cha cái khác.
Bà Lý mặt mày tái xanh, không biết trong lòng bà nghĩ gì, đôi mắt đỏ
dù chưa chảy ra giọt nước nào. Tăng tội nghiệp, lên tiếng:
- Dù vậy dì có thể thỉnh thoảng tới thăm cha, xem nhau như bạn già.
Có thể ăn cùng cha bữa cơm…
Quang ngắt lời:
- Không được. Tới thăm rồi về, ở ăn bữa cơm hôm nay mai lại đến tiếp
thêm bữa nữa, từ từ dọn về luôn à. Biết đâu sau nầy có ngày má mình cũng sẽ đến
thì sao? Già rồi lại nổi cơn ghen với nhau à?
Sáng kéo tay áo Quang, nói câu quyết định:
- Cha à, con là anh cả, nhưng con không có ý kiến gì về chuyện nầy.
Các em đề nghị và con thấy hợp lý nên hưởng ứng làm đầu tàu cho các em. Cha
cũng biết, anh em tụi con là một khối, không thể tách ra được. Chúng con sẽ
không xen vào chuyện tình cảm riêng tư của cha nên cha toàn quyền quyết định.
Nếu cha thấy dì Lý có tình nghĩa với mình thì cha có thể để dì sống chung cùng
chăm sóc tuổi già cho nhau. Các em à. Mình lo cho cha như vậy cũng chưa đủ đâu,
cha có thể không thiếu ăn thiếu mặc nhưng sẽ thiếu người bầu bạn, tuổi càng lớn
càng cần có người bạn đời bên cạnh cùng nhau chia sẻ vui buồn. Má mình thì
không bao giờ về với cha rồi, làm con thì phải hiểu cha mẹ. Mà nặng tình với
ông bà ngoại như dì Ba vậy, sau nầy ông bà ngoại không còn, má sẽ ở với Út
Tăng, còn có anh nữa. Quang thì ở bên vợ không tính vô được.
Lụa hấp tấp chen vô:
- Má ở với em.
Nhạn cũng góp phần chen lấn:
- Má ở với em vì em là Út gái mà?
Tăng trề:
- Giành nghe rần rần nhưng giành lại em ha? Em là bác sĩ, sau nầy vợ
cũng là bác sĩ, người có tuổi phải ở cùng bác sĩ.
Bà Lý nghe các con của ông Quí giành nhau lo cho mẹ mình thì tủi
thân, nước mắt bấy giờ mới bắt đầu lăn xuống đôi má hóp nhăn nheo của người già
trước tuổi do cuộc sống quá cơ cầu. Con của người ta là như vậy còn con của bà?
Máu chảy trong người chúng cùng là dòng máu họ Đặng kia mà sao khác nhau nhiều
vậy? Hay chúng có một bà mẹ hiền cả đời chỉ biết nghĩ cho con mình nên tính
cách hoàn toàn được di truyền từ người mẹ chứ dòng giống của cha chẳng ảnh
hưởng gì? Hay chúng có môi trường giáo dục tốt từ ông ngoại?
Bà không có mặt mũi nào mà đến đây ở với ông Quí nữa. Nhất là ông ta
chưa từng xem bà làm vợ, chỉ là kẻ qua đường dành giải quyết xác thịt khi không
có đàn bà bên cạnh, chỉ là ông đã lỡ tạo ra hai đứa con từ cơ thể bà nên kéo
dài đén mấy mươi năm. Hơn ai hết, bà biết rõ ông còn luyến tiếc bà Dung lắm,
người đàn bà đẹp và giỏi giang lại đức độ được cả làng trọng vọng. Các con của
bà Dung hôm nay thành đạt do chúng gồng gánh nhau, chia sẻ với nhau những khó
khăn về tinh thần lẫn vật chất và do bản lĩnh được trui rèn từ nhỏ dù chúng đã
từng có lúc vấp ngã trên đường đời.
Bà chờ câu trả lời của ông Quí. Chờ để đo xem mức độ tình cảm của
ông đối với bà mấy mươi năm nay sâu cạn bao nhiêu. Nhưng bà cứ thấy ông ta ngồi
im lặng mãi, không biết trong đầu ông nghĩ gì. Đúng là một bước lên đời nhờ
con. Con của người ta thì người ta nhờ, mình cũng có con mà mình không nhờ được
là do mình không có phần phước. Mình giật chồng người ta mà giờ mặt mũi nào lại
ké vào ông để ăn bám vào con của người ta sao? Dù hèn kém đến đâu bà cũng sẽ
không làm như vậy.
Bởi vì, bà biết rất rõ ông Quí chưa từng yêu bà, mà xem ra ông cũng
không hề yêu ai. Ông ta chưa bao giờ trao cho bà cái nhìn âu yếm, thường là hằn
học cau có khi thấy bà te tua chạy đến với ông. Người chồng nầy không thể nào
cùng nhau đến cuối đời được. Ông ta là loại chỉ biết nhận chứ không biết trả.
Khi nghèo khó còn làm ra vẻ ta đây rồi khi đầy đủ sẽ ra sao nữa? Vậy thì hy
vọng gì được sống đàng hoàng bên canh ông ta?
Bà Lý bậm môi ngăn những giọt nước mắt không cho rơi ra mà cứ lã chã
chảy mãi, sau một hồi trấn tỉnh, bà rõ ràng từng câu chữ nói với các con của
ông:
- Dì cám ơn mấy đứa có ý tốt với dì. Nhưng dì từ chối không tiếp cận
cha con nữa vì ông ấy thật sự trong lòng chỉ có mẹ của các con thôi. Ông ấy
chưa bao giờ thương dì và coi dì là vợ dù đã có hai mặt con. Mấy đứa lo cho cha
mình được bao nhiêu thì lo, trong đó sẽ không có phần dì ăn bám đâu. Từ nay, dì
sẽ chấm dứt quan hệ, không tới lui với ổng để các con an tâm. Trước nay dì hay
đến bởi sợ ổng ở một mình ăn uống thất thường. Bây giờ biết mấy đứa có kế hoạch
như vậy dì cũng yên lòng rồi. Đừng lo cho dì nữa. Dì cũng không phải là người
tốt lành gì đâu. Nếu tốt lành, dì sẽ không ngang nhiên xen vào giữa cha mẹ con
để cả ba người cùng sống trong cảnh chồng không ra chồng, vợ không ra vợ mấy
chục năm nay. Dì cám ơn mấy đứa đã bỏ qua cho dì và cho dì thật lòng gửi đến mẹ
các con lời xin lỗi. bây giờ già rồi mà nói trả ông ấy lại cho mẹ con thì nghe
quá muộn màng nhưng nếu chị ấy mở lòng tha thứ thì cha mẹ các con sẽ bên cạnh
nhau chăm sóc cho nhau quãng đời còn lại, các con cũng được an tâm về mẹ cha
mình.
Ông Quí quắc mắt nhìn bà, nạt lớn:
- Bà nói tầm bậy tầm bạ gì vậy? Ông già đó còn bà tưởng ổng cho phép
má tụi nó về với tui sao?
Trà từ đầu cuộc tới giờ vẫn chưa phát biểu một câu gì, nhưng khi
đụng đến ông ngoại, cô bực bội phản kháng liền:
- Cha không được nói về ngoại con như vậy. Cha kêu ngoại con bằng
“Ông già đó” con thấy khó chịu lắm.
Ông Quí vốn kiêng nể Trà, ông biết nó được ngoại thương nhất nhà vã
lại trên đường đời nó chưa từng có va vấp gì. Nó và Tăng là hai đứa con đáng tự
hào nhất của Dung và đương nhiên cũng là của ông. Được lòng nó và Tăng may ra
mới được lòng ông già vợ chết tiệt. Trà thì không sao chứ Tăng thì ông biết,
Tăng chưa dành cho ông chút tình cảm cha con nào. Nó rời khỏi ông khi còn quá
nhỏ thậm chí chưa nhận được mặt cha. Nhượng bộ, phải nhượng bộ thôi. Được các
con quan tâm như vầy cũng đã rất hạnh phúc rồi, đừng nên làm điều gì, nói câu
gì để tổn thương ai.
- Cha xin lỗi, do quen miệng chứ không có ý xúc phạm ngoại con.
Sáng đứng dậy, chấm dứt buổi viếng thăm:
- Cha và dì chắc có nhiều chuyện để nói. Tụi con về đây. Cha nghỉ
ngơi đi, mai sáng Tăng sẽ tới đưa cha đi làm giấy tờ nhà đất, con thì kêu thợ
lại tính toán coi sẽ cất nhà ra sao rồi năm ngày nữa sẽ tiến hành động thổ. Sẽ
tranh thủ cất nhanh để cha ổn định cuộc sống. Tụi con làm chuyện nầy cũng chưa
bàn qua ngoại nhưng cha yên tâm, ngoại dù không thích cha nhưng cũng không bao
giờ ngăn cản con cháu báo hiếu cho cha mẹ chúng đâu.
Xong, bảy người chào ông Quí và bà Lý rồi cùng nhau ra về.
Họ ghé nhà Sáng. Thấu kêu cà phê từ quán đem vào cho các em chồng.
Quang có vẻ hậm hực với Sáng:
- Hồi nãy anh nói, em không tiện xen vô nhưng em không phục. Sao có
thể cho bà ta về ở với cha chứ? Vậy là mình nuôi luôn bà ta à?
- Vậy chứ chú mầy tính sao? Nếu như cả hai người họ muốn chú cấm cản
được à? Như đã thống nhất với nhau rồi, mình sẽ không cho tiền cha hàng tháng
mà góp lại mua cho cha một trăm con gà mái, làm chuồng, lót ổ cho nó đẻ, cha
thu trứng hàng ngày làm thu nhập trang trải cuộc sống. Nếu bà ta có ở với cha
thì hai người cũng sẽ cùng làm. Có đàn bà cũng hơn. Bà sẽ đi bán trứng mỗi
ngày, mua đồ ăn tươi sống cho cha. Cũng đừng lo bà sẽ chèn nhét cho con của bả.
Hôm nay anh cũng đã nhìn kỹ lắm rồi, bà cũng không phải là người xấu xa gì lắm
đâu. Nếu chú muốn cha có một mái ấm cho riêng mình thì chú nên nhớ một điều là
cha đã già rồi, cũng phải có người sớm hôm bầu bạn khi tối lửa tắt đèn. Chuyện
vừa rồi còn sờ sờ ra đó, lỡ như khi anh em mình đến trễ thì cha đã chết rồi. Bả
ăn của mình, ở nhà mình bả không sợ má mình hay sao? Chuyện cha má tái hợp là
không bao giờ nữa, ông bà ngoại cũng không còn nhiều thời gian đâu nên má phải
trăm phần trăm bên cạnh. Mấy lúc sau nầy dì Ba cứ đến mỗi ngày bà ngoại mới
chịu các em thấy không? Bà ngoại quên hết hiện tại rồi, chỉ nhớ chuyện ngày xưa
thôi. Anh thấy ông ngoại cũng mệt mỏi lắm. Ngoại đã hơn chín mươi rồi các em,
nhìn tráng kiện vậy nhưng con người ta mấy ai được sống hơn một trăm tuổi đâu?
Tăng đưa tay lên:
- Có em. Em sẽ làm cho ông bà ngọai và má sống hơn trăm tuổi.
- Có khi sống qua lâu, càng già càng không thích sống trong mỏi mòn.
Nhiệm vụ của tụi mình bây giờ là lúc nào cũng phải bên cạnh ông bà và má, lúc
nào cũng phải để ba người ấy yên lòng vì chúng ta, có như vậy họ mới hạnh phúc
và vui vẻ.
- Nhất định rồi.
- Và, nếu có vấn đề gì khó khăn cần giải quyết thì họp anh em lại
cùng nhau bàn kế sách, tuyệt đối không cho ba người biết chuyện gì nghe không?
- Tuân lịnh anh Hai.
Còn tiếp phần 60.
Lê Nguyệt