Hôm nay thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024
Truyện ngắn – SO ĐŨA TRỔ BÔNG (26/09/2021 03:33 AM)
Trúc Thiên

... "Tiếng đàn Việt đàn lên cung nhạc Việt, hỡi những người còn biền biệt xa xăm.
 


Nước nhà mà chưa kịp về thăm, nghe câu vọng cổ là đêm nằm nhớ quê"...
 
Tháng Mười Hai, những cơn giông thôi sa trên miệt đồng bưng, ngoại lại lững thững ra bến ngồi, nhìn nước chan đồng. Ngoại nhẩm tính, vậy là đã ngoài rằm tháng mười âm lịch. Tròn sáu năm trời. Út Bốn hổng dìa.
 
Lại thêm một mùa chướng thổi xác xơ mấy bụi chuối sau hè. Gió lật qua lật lại từng tàu lá, xé tả tơi theo đường chỉ lưng. Ðám bời lời, ô dước ngoài hiên mấy bận cong quằn từng cơn. Gió lùa qua cây, cỏ, ruộng đồng. Gió lao xao từng con sóng xa dội về. Mùa này, ven triền sông, so đũa nở trắng trời. Ngoại cứ ưa đếm từng mùa so đũa để rồi thắt théo ruột gan vậy thôi, chớ bao bận Út Bốn điện thoại về hỏi thăm, ngoại cười roi rói. Má ăn khỏe, ngủ ngon, bây đừng dìa chi cho tốn kém, lại cực thân, rồi qua bển lại thêm phần mất việc. Xứ người khổ lắm, mình ên thì phải chắt chiu, ráng mà sống.
 
Lần nào, sau khi cái màn hình điện thoại của thằng Long tắt đen tối thui, là hai hàng nước mắt ngoại chảy dài. Có lần thằng Long hỏi, ngoại tỉnh rụi vén cái vạt áo bà ba nâu sờn lên lau vội. Khóc đâu mà khóc con, gió lùa bụi bay, xốn mắt, không dưng nó chảy vậy hà.
 
Gió đâu khôn dữ thần, cứ canh mỗi lần Út Bốn gọi về thăm ngoại là thổi. Cũng có khi, chẳng cơn gió nào ghé ngang cái võng trước hiên nhà, mà ngoại vẫn chảy dài hai hàng nước mắt.
 
Thằng Long biết, ngoại thương Út Bốn, nhưng giấu trong lòng. Nói chi ra, để Út Bốn thêm lo nơi xứ người xa lạ. Cái xứ mù khơi tận nửa vòng trái đất. Xứ gì hễ bên này chướng ràn rạt hong khô những bãi lầy đọng nước thì bên đó tuyết rơi dày lạnh cóng, đóng băng khắp nẻo. Lạnh thấu xương tủy, lạnh tận tâm can.
 
Vậy nên, mỗi tháng, tiền Út Bốn gởi về để lo ăn uống tiêu xài của ngoại, ngoại lại cất riêng vào cái lon sữa hộp trong tủ, khóa lại cẩn thận. Xứ đó, ai cũng nói thiên đường, nhưng xứ nào cũng vậy à con. Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, mồ hôi chảy ròng ròng, mới làm ra tiền. Trên đời này, làm gì có chuyện ăn không ngồi rồi mà tiền vẫn đầy túi. Ngoại chắt mót dành dụm, được bao nhiêu hay bấy nhiêu, đặng lỡ có gì bất trắc, thì còn có cái mà gởi qua đó cho Út bây chớ.
 
Tiếng võng kẽo kẹt vang đều ngoài hiên. Ngoại lại nghe mấy tuồng cải lương xưa cũ. Tấm lòng của mẹ, Bông hồng cài áo, Con gái chị Hằng… Ngoại nghe riết đến nỗi thằng Long thuộc lòng từng câu ca. Giờ hễ nói lớp nào là nó vô câu ngon ơ. Chỉ có điều nó hát trật nhịp rớt lên rớt xuống. Mỗi lần nó hát, ngoại hay cười móm mém, hôm nào ngoại quỡn, ngoại dạy bây ca cho. Chớ ca vậy, ra đường nói cháu bà Sáu Lệ, người ta cười ngoại nghen con.
 
 
Tía kể, ngoại thương thằng Long từ hồi nó còn đỏ hỏn. Hồi đó, tía má lấy nhau khổ trăm bề, đầu tắt mặt tối quần quật lam lũ tứ mùa, cuộc sống cũng chẳng đủ đầy. Sanh thằng Long nhằm lúc thiếu tháng, thêm phần má tắc sữa, nó ốm yếu nhỏ xíu như con mèo con, má nó lại chẳng khỏe, một mình ngoại chăm bẵm lo toan đủ thứ. Lúc mới sanh, nó bị chứng vàng da, ngoại ôm thằng cháu trong lòng, mà khóc rấm rức. Tối nào, ngoại cũng ra hiên nhà đốt đèn trời, cầu bình an cho hai má con nó.
 
Rồi hồi nó lên ba, sốt cao, co giật liên hồi. Ngoại sợ nó như bao đứa trẻ nghèo cùng quê hồi đó, cứ hễ bị vậy mà không tiền chữa trị là chuyển qua bại liệt hay thành bại não. Ngoại bán miếng đất gấp, dù người ta chèn ép giá, chẳng được bao nhiêu, nhưng vì cứu đứa cháu, ngoại gật đầu cái rụp, không hề toan tính chi ráo. Tía chỉ làm rể, nhưng ngoại thương như con ruột. Ngoại từng nói, gọi ngoại một tiếng má, bước vào nhà này, thì cũng là con, chẳng phân biệt máu mủ hay dâu rể gì hết. Thương như khúc ruột mình dứt ra. Ngoại thương vậy, là con cháu sau này, lấy đó mà đùm bọc, biết nhường nhịn nhau, biết yêu thương để gia đình luôn là nơi ấm êm nhất.
 
Ngoại thương thằng Long lắm, nên khi Út Bốn điện thoại về, bảo thằng Long ráng học thật giỏi, để Út Bốn làm giấy tờ bảo lãnh sang bên đó học, cho có tương lai. Bên đó, cái gì cũng phát triển, thiên hạ đua nhau đưa con cháu mình sang chỉ mong cuộc đổi đời.

 
Mà đổi được hay không, bên này nào ai biết, chỉ thấy, người thì cứ ra đi, ngày một càng đông hơn, rồi biền biệt, mất hút giữa cái vòng xoay mãnh lực cơm áo gạo tiền nơi xứ đó. Người đi, cứ hẹn ngày về theo những mùa bông so đũa trắng triền sông. Vậy mà, bao bận, lớn ròng vơi đầy con nước, chẳng thấy người về. Có chăng, chỉ là những ngóng trông mòn mỏi theo từng mùa chướng.
 
Bận đó, ngoại hỏi khẽ thằng Long có muốn đi hông? Ði cho biết đó biết đây đi con. Lẩn quẩn chi xứ này với ngoại, biết ngày nào bây khôn ra. Ngoại nhịp chân đưa võng. Tiếng kẽo cà kẽo kẹt vang đều. Chiều phả mùi khói đốt đồng ngái nồng lên khoảng không bình yên của miệt đồng bưng nghèo.
 
Thằng Long ngồi bên cánh võng, nhìn chiều bảng lảng, đám sẻ dáo dác về tây sau một ngày dầu dãi kiếm ăn. Nó đi rồi ngoại có buồn không? Nhỏ lớn sống cùng với ngoại. Mười sáu tuổi đầu, vẫn cứ vui buồn gì cũng kể ngoại nghe. Ði học thì thôi, về tới nhà là đòi cơm ngoại, phụ ngoại chăm vườn tược, bắt cải lương ngoại nghe, mắc võng ngoại nằm, giăng mùng ngoại ngủ.
 
Sáng đạp xe chở ngoại ra chợ. Chiều sẫm trời, nấu nước ngoại tắm. Tối thì châm bình trà nóng, ngồi hóng mấy cái chuyện đời xưa của ngoại. Nó đi rồi ai làm đây? Mà nó đi rồi, chắc nó cũng lại nhớ mấy cái việc tủn mủn vụn vặt lệ thường này à! Có những thứ, đi suốt cuộc đời không thể nào quên. Vậy nên, nỗi nhớ mới có cái cớ mà xâm chiếm và dày vò lòng dạ con người ta.
 
 
Hồi má còn con gái, đẹp nhất xứ này, bao nhiêu gã trai thập thò trước cái rào tre giăng đầy khiết bông, từng chùm đỏ bời bời. Mấy bận mai mối tới ướm lời dạm ngỏ, nhưng ngoại không ưng. Chừng tía qua thưa chuyện, ngoại gật đầu cái rụp.
 
Ngoại nói tía lành tính, chí thú nhất vùng này, dẫu tía nghèo, miếng đất cắm dùi còn không có, nhưng với bản tính tháo vát này, má về làm vợ tía, chẳng đói ngày nào đâu mà lo. Lấy chồng là lấy người thật lòng thật dạ mà thương yêu chăm lo cho mình. Chớ giàu có bao nhiêu, mà biếng lười hay chỉ vì chút nhan sắc của mình thì coi như đời cập bến đục.
 
Phận đàn bà, lỡ một lần đò, hụt chân rồi, chẳng còn đường về lại bến quê. Ðời con gái, cũng như hoa vậy thôi, một mùa hương sắc, chừng nhụy vữa hương tan, biết ong bướm có còn ve vãn. Vậy nên, ngoại ưng tía, là mong cầu bước đường sau này má được an phần mà hưởng nhàn nhã. Tía thương má vẫn như thuở ban sơ. Bốn chục tuổi, má còn đẹp lắm, cái đẹp mặn mà đằm thắm của người phụ nữ đong đầy hạnh phúc. Rỗi rãi chuyện ruộng vườn, tía má lại cùng nhau rong ruổi theo chùa làm từ thiện ở những xóm làng heo hút còn nghèo khó. Có bận, tía má về thỉnh ngoại dọn qua ở chung, để tía má tiện bề báo hiếu. Ngoại phẩy tay cái rột. Ngoại quen sống một thân một mình từ ngày chồng mất. Căn nhà này, dẫu cũ kỹ. Mảnh vườn kia, dẫu bạc thếch. Nhưng đã là phần đời của ngoại. Ngoại chẳng dọn đi đâu.
 
Chừng bây lớn như má, bây mới hiểu, người già sống bằng mấy cái điều cũ mòn cũ rít, nhưng lại chính là thứ mà nuôi sống họ tốt nhất. Chẳng phải tiền, chẳng phải món ngon của lạ. Thứ mà người già sống, đó là kỷ niệm.
 
Má nghe vậy mắt đỏ hoe. Má lén ra bến điện thoại cho dì hai. Dì hai lấy chồng tuốt trên Sài Gòn, năm hết Tết đến, hay giỗ kỵ gì đó, mới có thể về thăm ngoại. Công việc, rồi cuộc sống trên đó, hối hả và bon chen lắm, mình đứng lại một nhịp, thì người ta đã đi gần cả cây số đường. Mấy lần dì hai về, ngồi nói chuyện đời, chuyện con cái công việc với ngoại. Thằng Long nghe đó, biết đó, chớ cũng hổng hiểu gì. Chỉ biết, mỗi lần dì hai về rồi lại đi, là thêm một lần, ngoại thở dài thườn thượt.
 
Mà bận đó, hổng biết má nói chuyện gì với dì hai, chỉ thấy má ngồi miết trên bến cả buổi. Nỗi buồn của má đắn đót theo từng lớp sóng vỗ. Chừng má vào lại nhà, má nắm tay thằng Long, biểu nó ở luôn với ngoại. Ngoại vui ngày nào, là nhà mình vui ngày đó nghen con.
 
 
Vọng cổ có sáu câu với tám khuôn, ba mươi hai nhịp. Ngũ cung của nó gồm Hò, Xề, Xang, Xê, Cống. Cung Líu chỉ dùng khi kết thúc nghen con. Ngoại đung đưa cái võng bên hiên nhà. Một chiều chướng nhẹ qua mấy ngọn tre. Trời bàng bạc một màu xám trĩu lòng.
 
Khi bắt đầu câu một hoặc câu bốn, mình hát phải nói lối trước mười sáu nhịp, mấy ông thầy đờn rao nhạc mùi bằng những âm điệu thiết tha. Bỏ bốn khuôn đầu, mình vào khuôn năm, ngay cung hò. Ca câu vọng cổ xuống xề rồi nghỉ hai nhịp cũng ghé lại về hò. Nhịp hai mươi bốn mấy thấy đờn sẽ gõ song lang để báo cho mình biết là còn tám nhịp sẽ hết câu một. Nhịp ba mươi hai dứt cống là khớp tiếng song lang.
 
Thằng Long ngồi nghe chăm chú. Ngoại vừa dạy, vừa lấy hơi vào câu một bài vọng cổ. Cái bài Lá trầu xanh, ngoại ca cứ nghe rưng rức. Giọng ngoại đổ hột theo thời gian vàng phai lên tuổi đời. Vậy đó, mà nghe nó da diết theo từng cung bậc. Dường như những thăng trầm cuộc đời này đã làm cho tiếng hát thêm thấm đẫm tâm can. Từng cái bỏ nhỏ của ngoại nghe thắt lòng thắt dạ thằng Long.
 
Ngoại giờ hơi cũng cạn nghen con, chứ mình ngân dài hay ngân ngắn, ngân ít hay nhiều là giọng trời cho. Ca riết rồi quen âm điệu biết luật để phân định các cung à. Chừng mình trải nghiệm qua nhiều buồn vui xa xót cuộc đời, thì tự khắc cái giọng nó chín mùi. Vọng cổ nó buồn như phận đời của người xứ này. Buồn rười rượi vậy đó, mà hồi xưa ở đâu có gánh hát, nghe tiếng rao đờn, là người ta chống chèo chạy đến mà nghe.
 
Ngoại dứt câu năm ngay cung xề, tiếng ngân chừng như lẫn tiếng khóc. Hồi đó, ông ngoại bây làm thầy đờn giỏi nhất xứ này. Người ta kêu ổng là ông Cò Líu. Bởi ổng có cái biệt tài. Ổng đờn đến câu sáu, khi dứt líu, ổng miết dây đờn, tiếng đờn nhồi lên theo từng cơn gió mà mênh mang giữa trùng trùng sóng nước bưng biền.
 
Vọng cổ bây giờ nhiều khi đám trẻ nhỏ hổng thèm nghe. Nhưng nó vẫn khắc sâu vào tâm trí mình bởi đã chảy tràn trong chính con người mình nghen con. Rồi ngoại lại hát: "Tiếng đàn Việt đàn lên cung nhạc Việt, hỡi những người còn biền biệt xa xăm. Nước nhà mà chưa kịp về thăm, nghe câu vọng cổ là đêm nằm nhớ quê".
 
So đũa vẫn nở trắng trời sông nước. Liệu Út Bốn có về cho lời hát ngoại thôi xao xác theo từng mùa chướng. Nồi canh chua bông so đũa với cá rô đồng, ngoại nấu mấy bận, lừng khừng đũa gắp đũa chừa.
 
Ngoại nói, món này Út Bốn bây thèm dữ lắm nghen Long! Út Bốn mới gởi tiền về cho ngoại nè con, ngoại nhét đầy cái lon sữa hộp rồi! Thương quá chừng!
 
Mấy chữ thương quá chừng buông ra, là ngoại lại vén cái áo bà ba chậm mắt. Chẳng có cơn gió nào lùa qua hết. Mấy nay chướng yếu rồi, sắp tàn một mùa bông so đũa. Biết ngoại còn bao nhiêu mùa so đũa nữa, để thấy Út Bốn về cho lời hát thôi xao xác theo từng mùa chướng?
 
Trúc Thiên
https:
 
 Trở về
Các bài viết khác:
Truyện ngắn – TRẦM (08/02 08:38:39 AM)
Truyện ngắn – SHOPPING (04/02 08:35:43 AM)
Truyện ngắn – HỒNG GAI (30/01 09:42:49 AM)

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo