Hôm nay thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024
Truyện ngắn – CĂN PHÒNG NẮNG (18/01/2022 03:50 AM)
VŨ PHẠM BẢO ANH

Tôi gặp bà Cả vào cuối năm X.
 
Minh họa: ĐẶNG TIẾN
Minh họa: ĐẶNG TIẾN


Bà là “bệnh nhân” đầu tiên của tôi, thế nhưng ngay từ lần đầu gặp mặt, bà đã ân cần giang tay đón chào tôi như thể tôi chính là người thân của bà. Sau này tôi có cơ hội gặp gỡ nhiều “bệnh nhân” khác, nhưng không ai kỳ lạ và đặc biệt như bà Cả.
 
Phòng bà nằm ở ngay đầu tầng hai, phía bên trái. Để lên phòng bà, tôi phải rảo bộ qua dãy hành lang tầng một sâu hun hút, ẩm thấp, luôn khao khát ánh sáng mặt trời, bước qua 17 bậc cầu thang. Căn phòng của bà có một ô cửa sổ mầu xanh da trời với nước sơn đã bợt mầu, tuy không lộng gió nhưng luôn tràn ngập ánh nắng.
 
Mỗi khi nghe tiếng gõ cửa, bà sẽ đích thân ra đón tôi trên chiếc xe lăn mòn gỉ. Tôi nhớ ngày đầu gặp mặt, bà mặc bộ váy nâu thêu hoa vàng mà sau này hiếm khi thấy bà mặc nữa. Không đủ sức để nói, thay vào đó, bà thường gật đầu khi nghe tiếng tôi đáp chào.
 
Mỗi thứ bảy hằng tuần, từ 7 giờ sáng tới 7 giờ tối, tôi có mặt ở nhà dưỡng lão. Công việc của tôi chủ yếu là trực điện thoại, lau dọn nhà tắm và thỉnh thoảng đi “tuần” qua các dãy hành lang. Những lúc rảnh rỗi, tôi được giao chăm sóc, trò chuyện với bà Cả. Tôi tắm rửa, cho bà ăn và như đã thành lệ, đầu giờ chiều khi tôi ghé qua, bà Cả sẽ rút một cuốn từ “kho sách” của mình đưa cho tôi. Bà Cả không tự đọc được sách. Mắt bà đã mờ xạm, thỉnh thoảng lại ứa ra những giọt nước đùng đục và bà yếu ớt tới độ chẳng thể cầm nổi cuốn sách lên, dù vậy bà khao khát được nghe từng con chữ vang lên, như thể bà được thức tỉnh từ những trang sách đã úa nhàu. Vậy nên, tôi dùng giọng nói của mình để tái hiện lại mọi thứ.
 
Trong số những cuốn sách giấy đã ngả mầu úa vàng, bìa được bọc lại bằng vải, tôi phát hiện có cả những cuốn sách “tự tạo” với các trang sách vá víu với nhau một cách vụng về. Còn các hàng chữ thì xô lệch như thể người nào đã bí mật viết chúng trong đêm tối dưới ánh nến nhập nhoạng. Bà Cả giữ tập sách của mình, đặc biệt là cuốn sách “tự tạo” ấy trong ngăn kéo tủ đầu giường như thể đó là báu vật quý giá nhất.
 
*
 
Thứ bảy nào cũng thế, tôi đến viện dưỡng lão từ sớm, làm xong công việc được giao là lại hối hả đi dọc dãy hành lang tầng một, lên cầu thang, tiến thẳng tới căn phòng đầu tiên phía bên trái.
 
Giờ thì tôi đã thân thuộc với bà Cả đến mức không cần gõ cửa. Cửa luôn mở he hé, chờ đợi, tôi chỉ cần đẩy nhẹ và bước vào. Bà nằm sẵn trên chiếc ghế mây chờ tôi, thân người nhỏ bé, hơi thở đều đặn phập phồng nơi cánh mũi. Bà mỉm cười chào tôi, ra hiệu cho tôi ngồi xuống. Bà nóng lòng đợi tôi lật giở một cuốn sách và đọc cho bà nghe. Mỗi dòng chữ mở ra cho chúng tôi con đường để tìm đến những vùng đất mới. Xa xôi, rộng lớn, đầy hoài bão…
 
Cạnh ngay chỗ bà nằm, khung cửa sổ với lớp sơn xỉn mầu, không lộng gió nhưng tràn ngập ánh nắng.
 
Có những lúc tôi dừng lại vì tưởng bà ngủ. Đôi mắt xám đục nhắm nghiền. Thân người gầy guộc co quắp lại, trông càng yếu ớt, mong manh. Chỉ có hơi thở đều đặn, phập phồng từ sống mũi bà giúp tôi yên tâm rằng, bà vẫn ở đây, không chỉ là thân xác già nua mà còn chất chứa một tâm hồn với rất nhiều ưu tư. Thấy tôi im lặng, đôi mắt mỏng tang như cánh bướm của bà nhẹ nhàng đập cánh. Bà liếc nhìn tôi và giục tôi đọc tiếp.
 
Đọc sách cho bà một thời gian, tôi nhận ra bà dường như thuộc từng dòng, từng đoạn, từng từ trong từng cuốn sách mà bà có. Bà cười trước khi nhân vật cười, khóc trước khi nhân vật rơi nước mắt, bà mấp máy môi theo lời thoại của từng nhân vật và thỉnh thoảng bà co rúm lại, hay mỉm cười sợ sệt. Những lúc ấy, cảm xúc bà hồn nhiên và bộc phát tựa một đứa trẻ con. Mắt bà không còn toát lên mầu xám đục lãnh lẽo, mà thoắt trở nên long lanh, xanh vời, tràn đầy hy vọng. Rồi bà nhìn ra cửa sổ và suy nghĩ những điều lặng thầm, bí ẩn.
 
Đôi lúc tôi tự hỏi, bà thật sự đang ở đâu, đang nghĩ về điều gì?
 
*
 
Dần dần, tôi yêu…
 
Tôi yêu những cuốn sách của bà. Yêu cái thế giới mà bà đã sẵn lòng mở ra để đón tôi vào. Từng trang sách hút lấy tôi bằng thứ ma lực kỳ bí. Tôi đọc cho bà Cả mà như đọc cho chính bản thân mình. Tôi cười cùng nhân vật, khóc vì nhân vật, mọi hỉ nộ ái ố tôi trải qua như thể mình là người trong cuộc. Tôi bước vào một thế giới mà trước đây tôi không hề biết tới và chúng thay đổi cách nhìn nhận về thế giới thực tại của tôi.
 
Hóa ra, tôi mồ côi thật đó, nhưng tôi không phải là người vô gia cư, lại càng không phải là người vô học. Tôi vẫn có tương lai của mình. Thật hài hước làm sao, vì thoạt tiên tôi đọc sách một cách miễn cưỡng, đồng thời cũng là cách để trốn tránh thực tại của bản thân, nhưng càng đắm chìm vào thế giới kỳ diệu trong những trang sách, tôi lại càng học cách để trân trọng và có niềm tin vào chính sự kỳ diệu trong thế giới mà mình đang sống. Hai điều kỳ diệu nhất mà tôi vô cùng biết ơn vì đã nhận được về mình, đó là sách và bà Cả. Tôi được chia sẻ thế giới này với bà. Tôi đã tìm được một người bạn đồng hành, hai chúng tôi chăm sóc cho nhau qua những thời khắc khó khăn nhất.
 
*
 
Tôi từng có cha, có mẹ. Nhưng họ vứt tôi bên lề đường năm tôi mới lên hai, cùng lá thư viết vội, gửi gắm cả tương lai sau này của tôi cho những người lạ mặt mà họ nghĩ rằng, sẽ đón nhận đứa con buộc phải từ bỏ của mình. Tôi được gửi vào làng trẻ mồ côi, sống vật vờ như một bóng ma, không ai muốn nhận về. Sau này, khi may mắn được học lên cấp ba, vào lớp học dành cho những trẻ có hoàn cảnh khó khăn, tôi đăng ký tham gia một chương trình tình nguyện. Cả khối chỉ mình tôi chọn làm việc tại viện dưỡng lão, vì thực lòng tôi thương những số phận già nua, kém may mắn ở nơi ấy. Họ khác biệt tôi về tuổi tác nhưng thật tương đồng về hoàn cảnh. Sự cô đơn, chẳng có người thân thích là sợi chỉ mỏng kéo chúng tôi lại gần nhau. Chúng tôi là những kẻ bị lãng quên, bỏ rơi. Dù là ở điểm bắt đầu cuộc đời, hay ở chặng đường cuối cùng trước khi rơi vào quên lãng.
 
Tôi thay đổi suy nghĩ của mình khi được gặp bà Cả. Bà nhân hậu, ấm áp. Bà dạy tôi qua con chữ, qua tình yêu đối với trang sách…
 
*
 
Bà Cả đột ngột qua đời sau hai năm kể từ ngày đầu tiên tôi gặp. Bà ra đi nhẹ nhõm như người vừa ngủ quên sang một cõi khác. Sáng thứ bảy ấy, tôi mở cửa vào phòng bà như thường lệ. Cánh mũi của bà đã không còn phập phồng. Bà nằm thanh thản bên cạnh những cuốn sách chờ tôi đến để đọc.
 
Nước mắt tôi ứa ra mằn mặn…
 
Bà không còn trên cõi đời này nữa, nhưng bà đã để lại cho tôi một kho báu quý giá hơn mọi món quà vật chất. Chúng là những quyển sách, long gáy, xỉn mầu tưởng chừng đáng bị vứt bỏ, nhưng đối với tôi lại là những viên kim cương quý giá nhất. Bà tin cậy trao lại chúng cho tôi với tình yêu thương của người ruột thịt dù bà và tôi chỉ may mắn gặp được nhau ở một chặng ngắn trong cuộc đời này.
 
Và cuộc đời tôi kể từ đó đã có những thay đổi lớn lao. Tôi bắt đầu theo đuổi sự nghiệp viết văn sau khi kết thúc đại học. Tôi không khỏi ám ảnh mãi hình ảnh về các buổi chiều thứ bảy quen thuộc của những ngày tháng ấy. Chúng tôi ngồi bên nhau. Ngay gần đó, ánh nắng tràn vào qua cửa sổ, chiếu tới chỗ bà Cả nằm. Những sợi tóc bạc của bà ánh lên như thể chúng biết phát sáng. Bà khe khẽ đung đưa chiếc ghế mây theo nhịp đọc của tôi, đôi lúc bà mỉm cười, thứ xúc cảm hạnh phúc mà chỉ tôi và bà mới có thể thấu hiểu.
 
Cả đời này, có lẽ tôi mãi chẳng quên được hình ảnh căn phòng đầy nắng, nơi có bà Cả của tôi…
 
*
 
Thời gian trôi đi. Từng nhân vật, câu chuyện giờ sống lại trong tôi và tôi như thể được tiếp thứ sức mạnh thần kỳ để lại hừng hực cầm bút viết. Tôi muốn làm nhà văn, để từ những gì tôi viết ra có thể chạm tới, đủ sức an ủi những số phận như tôi, những số phận tưởng chừng bị bỏ rơi, lãng quên. Tôi tin, cuối cùng họ sẽ tìm được một vòng tay yêu thương để nương tựa và một niềm tin để bước tiếp trong cuộc đời này.
 
VŨ PHẠM BẢO ANH
Minh họa: ĐẶNG TIẾN
 
 Trở về
Các bài viết khác:
Truyện ngắn – TRẦM (08/02 08:38:39 AM)
Truyện ngắn – SHOPPING (04/02 08:35:43 AM)
Truyện ngắn – HỒNG GAI (30/01 09:42:49 AM)

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo