Truyện ngắn – BẠN TÔI XVIII - Máy Móc chẳng Bao Giờ Hoàn Toàn Thay Thế Được Con Người
(04/11/2020 02:22 AM) |
Vũ Anh Tuấn
Bốn người chúng tôi, gồm có tôi, hai vợ chồng một anh bạn, và
một anh bạn khác đang ngồi ở quán Cà Phê Nến (vì có hàng ngàn ngọn nến được đốt
dọc theo hành lang lối vào) thì Bạn Tôi tới.
|
|
Anh cho biết có nhận được lời tôi mời anh lúc trưa nên tới để
tán gẫu… cho qua ngày. Chúng tôi không cần sự giới thiệu nào vì đã biết nhau cả
rồi, và mỗi người trong chúng tôi đều biết rất rõ là tất cả những gì anh em
chúng tôi sẽ bàn cãi và tán gẫu với nhau sẽ chỉ có một đề tài duy nhất là
“Chính Em” và sẽ chẳng bao giờ có, dù chỉ là hơi hám, cái gì liên quan tới “Cô
Chị”!
Bạn tôi nói: “Mấy vị biết cô bạn Lý Th. Kim chứ?” Tất cả bốn
người chúng tôi gật đầu, vì chúng tôi đều biết là cô bạn này hiện đang sống
cuộc sống nữ đại gia, sau khi rời bỏ anh chồng là một giáo sư khá nổi tiếng,
nhưng ít giàu, để lấy một người ngoại quốc làm tổng giám đốc một công ty đa
quốc, có chi nhánh ở Việt Nam. Bạn tôi kể: Trưa hôm qua cô ta ghé nhà mình chơi
bằng một chiếc Lexus đời mới dài thòng phải chạy vào cái hẻm bên cạnh nhà mình
để chờ.
Cô ta đến nhờ mình dịch hộ một lá thơ mà cô ta bắt được ở trong
túi áo veste của anh chồng ngoại. Tôi dịch miệng ngay vì thơ chẳng nói gì lạ
chỉ hỏi thăm và cho biết người viết có ghé Việt Nam nhưng không có thì giờ tới
thăm anh ngoại nhân; dịch rồi tôi hỏi cô ta: “Giả sử đây là một thơ hẹn hò thì
sao?” Cô ta trả lời tỉnh bơ: “Có hẹn hò thì cũng kệ bố nó, em công đâu mà ghen,
miễn là em muốn gì nó cũng chịu là OK rồi!” Nghe hai tiếng OK tôi phát lộn
ruột, nhưng cố nhịn không nổi nóng. Nhưng rồi cô ta đưa cho tôi xem một cái ví
da to đùng và khoe: “Ông xã em mới đi Singapore về mua cho em đấy anh ạ. Anh có
biết nó đáng giá bao nhiêu không? – 12.000 đô đấy anh ạ!” Kể đến đây bạn tôi
hỏi: “Các bạn có biết mình phản ứng như thế nào không?” Chúng tôi đồng thanh
trả lời là sao mà biết được, và bảo anh kể cho nghe. Anh vừa cười vừa kể: Mình
đi ngay ra bàn giấy, lấy một miếng bìa cạc tông cỡ 5cm x10cm, rồi lấy bút phớt
đỏ viết lên trên: 12.000 đô Mẽo, lấy một chút keo phết vào mặt sau, và đem lại
dán ngay vào mặt trước cái ví. Cô bạn hét lên:”Anh làm cái gì vậy?” Mình bình
thản trả lời: “Anh giúp em làm cho mọi người biết là cái ví em cầm giá 12.000
đô mẽo chứ không phải vài ba trăm đô Mít!” Vì anh nhìn anh cũng chỉ nghĩ nó chỉ
đáng giá độ 300 đô Mít là tối đa, làm sao mà biết được nó mắc tới mức đó? Mặt
cô ta sưng lên một đống, cô ta giựt phắt tấm bìa các tông vứt về phía tôi và
vùng vằng … ra về! Kể xong bạn tôi “bình loạn” thêm: “Nếu mình được những loại
người bỏ tình theo tiền này ghét bỏ, giận dữ, thì mình phải tự hiểu là mình là
người … hữu đa phước!”
Tất cả mấy người chúng tôi cười rộ hưởng ứng cách cư xử hơi bị
bất bình thường của anh, và rồi câu chuyện giữa chúng tôi chuyển qua việc viết
lách bằng com pú tè (chữ computer được Việt hóa). Tất cả mọi người đều đồng ý
cho là máy tính lúc này thật là tuyệt vời, nhất là khi đem so sánh với cái máy
chữ lọc cọc của những ngày xưa cũ. Này nhé! Sai thì có thể sửa ngay tại chỗ.
Đánh xong bài viết chỉ cần bấm nút là vài phút sau bài viết của mình đã có mặt
trên một trang mạng ở nơi ngàn trùng xa cách…bài viết tới rồi! Rồi, chị Duyên,
nhân vật nữ duy nhất trong năm người chúng tôi bỗng nêu ra ý kiến cho rằng,
ngay lúc này máy móc, thí dụ như máy tính thật là siêu việt, rất có thể trong
một tương lai gần, máy móc có thể thay thế con người làm được hết mọi sự, và
chị cho thí dụ là cái vụ phô tô sốp, phô tô xiếc, cái quái gì nó cũng làm được
hết!
Nghe chị Duyên nói vậy, Bạn tôi phản pháo ngay, anh nói: “Máy
móc không bao giờ vượt được vai trò của con người và sẽ chẳng bao giờ hoàn toàn
thay thế được con người.” Chị Duyên vui vẻ đáp lời: “Vâng, nếu anh quan niệm
như vậy thì anh có thể đưa ra một thí dụ cụ thể nào minh chứng lời anh nói
không?” Bạn tôi tươi cười trả lời: “Được quá đi chứ! Tôi xin đưa ra một thí dụ
siêu cụ thể mà qua đó tất cả anh em mình đều có thể thấy rất rõ là vô phương
chối cãi.” Và anh bắt đầu kể: Các bạn biết không? Cách đây hơn hai tháng mình
bắt gặp tại một tiệm sách cũ một tờ nguyệt san mới xuất hiện khổ 14cm x 20cm
được in ấn tuyệt đẹp. Mình khoái quá và vội gửi điện thư cho ban biên tập để
giao lưu, và gửi kèm theo điện thư một truyện ngắn của mình để đề nghị họ nếu
thấy được thì đăng. Mấy ngày sau họ hồi âm và cho biết sẽ cho đăng truyện ngắn
của mình vào số tới (số 14 thì phải). Được tin mình khoái quá, và còn được
khoái hơn nữa khi thấy số báo tháng tới đó còn được giới thiệu trên mạng Việt
Văn Mới tại Pháp. Khi thấy bìa trước bìa sau của số báo được giới thiệu, và khi
thấy tên mình trong số tên các tác giả mình khoái chí tử, và hồi hộp mong chờ
ngày tờ nguyệt san được phát hành.
Thế rồi ngày tươi đẹp đó cũng tới, và chiều hôm đó, mình ngồi
gọi điện thoại tới cả chục nhà sách để hỏi có bán số báo được mong đợi đó
không? Kết quả là mình được báo là nhà sách Hà Nội ở đường Nguyễn Thị Minh Khai
có. Thế là vừa dùng cơm tối xong là mình thượng lên taxi để hộc tốc đi rước số
báo, với tâm trạng mình vẫn cảm thấy từ trước tới nay mỗi khi đi rước một tân
mẫu hậu. Kết quả là khi ẵm được quý thư về thì mình thực sự đã phải chi ra một
số tiền bằng giá 5 quý thư, thay vì 1, khi tính cả số tiền taxi phải chi. Về
tới nhà, mình để nàng nguyệt san trước mặt, chưa dở ra vội, mà để một phút
nghía và thưởng thức vẻ đẹp của “nàng” đã, và thực sự cảm thấy là khâu trình
bày rất là đẹp, rất là bắt mắt vân vân và vân vân…Rồi mình dở quý thư ra, tìm
bài viết của mình nằm ở phần cuối để đọc, và hỡi ơi, chính vào lúc đó, mình đã
từ đỉnh Thiên Đường, rớt cái bịch một cái xuống tới đáy Địa Ngục, khi thấy tác
phẩm của mình chỉ dài có 11 trang mà mang trên mình tới 9 thương tích, trong đó
có 5 vết thương rất nặng, ý mình muốn nói những lỗi in ấn thừa thiếu rất nặng
chứ không phải chỉ đơn thuần là những lỗi chính tả. Này nhé từ chữ cuối cùng
của trang đầu tiên sang chữ đầu tiên của trang thứ nhì:thiếu mất một chữ - từ
chữ cuối cùng của trang thứ nhì sang trang thứ ba : thiếu mất 14 chữ - nơi đầu
trang thứ tư : thừa 12 chữ - cuối trang thứ tư : thiếu mất cũng 12 chữ - đầu
trang thứ sáu : thừa 14 chữ - đầu trang thứ bảy : thiếu mất 17 chữ - đầu trang
thứ chín : thiếu mất 1 chữ - đầu trang thứ mười : thiếu mất 1 chữ, và cuối cùng
cuối trang thứ mười : thừa một chữ. Than ôi! một truyện ngắn 11 trang mà thừa
thiếu lung tung, có chỗ mất tới 17 chữ, thì nó còn ra cái gì nữa không? Tác giả
đau xé ruột, còn độc giả thì cảm thấy bị khinh thường, vì không hiểu sao câu
văn lại kỳ văn cục như thế này?
Vâng, thưa chị Duyên, đây chính là siêu thí dụ của tôi vì nó
chứng minh được là máy móc dù tuyệt vời đến đâu đi nữa, nó đâu có phát hiện
được và sửa chữa được các sai sót này, và rồi nó cũng sẽ chẳng bao giờ hoàn
toàn thay thế được một con người làm công việc dàn trang và in ấn này một cách
cẩn trọng, biết tôn trọng tác giả và bản văn, cũng như biết tôn trọng độc giả.
Chị Duyên và cả mấy anh em chúng tôi đều chịu là Bạn tôi rất có
lý…
Vũ Anh Tuấn
|
Trở
về
|
|