Hôm nay thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024
Truyện dài - TÌM CHỐN BÌNH YÊN (22/05/2022 04:42 AM)
Dương Hiệu Thư

Phần 09.
Tối sau khi rửa chén xong, Trọng lấy dụng cụ đo huyết áp, nhiệt kế, máy thử đường, máy đo nồng độ oxy ra, ngồi trước mặt ông Ba.
 


Anh lần lượt đo cho ông, ông Ba đưa cặp mắt ngạc nhiên nhìn anh:
- Sao tự nhiên đo chi vậy?
- Con thử lại cho chính xác và chỉ ba cách sử dụng. Nếu như con không có ở nhà, mà ba cần đo huyết áp khi thấy chóng mặt nhức đầu thì ba đo. Đường của ba trước giờ đều ổn. Huyết áp thì không được quá 15. Nhiệt độ không quá 37 độ. Nồng độ oxy không được dưới 95.
- Gì mà đủ thứ mắc mệt vậy?
- Cẩn thận vẫn tốt mà ba. Nếu có gì không làm được thì ba kêu Nguyên nhen.
- Bộ…tính không ở đây nữa hả? Chán rồi hả?
- Không. Con vẫn ở đây. Ba có đuổi con cũng không đi. Chỉ là ban ngày con cũng ít khi có ở nhà. Lo xa vậy thôi.
 
Ông Ba chớp chớp mắt. Trọng biết, ông đang xúc động.
 
Sau đó anh ngồi lên ghế, rút trong túi ra một ít tiền, để lên bàn, đẩy về phía ông:
- Cái gì vậy?
- Tiền tiêu vặt, cho ba để dành xài. Mỗi tuần cho một lần, không đủ nhớ nói.
 
Ông Ba nhìn vào xấp tiền, thầm nghĩ thằng này đúng là nhiều trò.
- Tào lao, cất vô đi.
- Gì mà tào lao, ba cất đi. Niềm kiêu hãnh của người trưởng thành là có thể cho tiền cha mẹ, con cũng không có đòi hỏi gì, chút kiêu hãnh đó cho con được mà phải không?
 
Câu hợp lí nhất mà ông nghĩ ra lúc này chính là: Thật ra chúng ta cũng chẳng phải mối quan hệ cha con gì. Nhưng rồi không mở miệng được. Tiếng gọi “ba” của Trọng nghe ngày càng suông tai suông miệng, chỉ là ông không thể nào chấp nhận nó mà không thấy có lỗi với Phúc. Mỗi lần nghĩ đến khuôn mặt sáng bừng của Phúc gọi ba từ nhà sau, từ cửa trước, là trong lòng ông thấy quặn lên đau nhói, vậy thì sao ông nỡ lòng thấy an ủi từ tiếng “ba” của người khác.
- Đem tiền cất vô đi, nhiều quá thì để dành cưới vợ, ở nhà có đi đâu mà xài tiền, trước giờ không có khoản này cũng đâu có chết.
- Bỏ túi đi, cũng không bao nhiêu, con nhờ bác Tư sáng đi chợ thì mua gì đó cho ba uống trà, ba cũng có tiền trả cho người ta. Còn vụ lấy vợ, cái đó dễ dàng gì, cứ như làm dâu của ba là chuyện đơn giản lắm vậy, nhỏ nào thấy con cũng chạy té khói.
- Có một con ba, bốn ngày cứ vào đây, không thấy nó chạy đó.
 
Anh mỉm cười:
- Ba nói Nhung hả? Ba thích Nhung sao?
- Con gái con đứa gì từ trên xuống dưới không có lấy một cọng xương cứng cáp.
 
Trọng cười lớn, gật đầu, rồi hỏi:
- Vậy Nguyên, Nguyên cọng nào cũng cứng, vậy ba thấy sao?
 
Ông Ba cười với kiểu cười của Trọng, rồi nghĩ một hồi, lắc đầu:
- Nhỏ đó không được, không nên thân.
 
Anh rót một ly trà, cẩn thận hỏi:
- Sao vậy ba? Quán Quân cũng dễ thương mà.
 
Ông Ba nhìn anh, rồi nói:
- Người lúc nào cũng vô trách nhiệm thì không đáng sợ, đáng sợ là người chuyện nhỏ thể hiện vô cùng có trách nhiệm, đến chuyện lớn mới vô trách nhiệm. Mà giờ sao, gan chứ có phải thận, lên không nổi hay gì, tự đẻ không chịu mà phải kiếm sẵn con để nuôi?
- Không biết, từ lúc mổ đến giờ chưa thử chưa biết.- Trọng nói, giọng bông đùa.
 
Ông liếc xéo anh, nói:
- Biết được bao lâu mà tính thấy ham.
 
Nói xong, ông lập tức nhận ra lỡ lời. Ý của ông chính là: không biết nó sống ở đây bao lâu mà tính, nhưng ngay khi nói ra xong, nụ cười trên môi Trọng lập tức cứng lại, ông nhận ra câu đó đã bị nghe thành một nghĩa khác.
 
Nếu như đó là Phúc, ông đã đánh vào đầu nó, rồi nói lại ý của mình, để nụ cười đó không bị gượng gạo như vậy, nhưng nói cho cùng đây cũng không phải con ông, nên chẳng biết làm sao để đính chính mà không ngượng ngùng.
- Cũng phải.- Trọng hớp một ngụm trà, rồi chun mũi, nói với ông - Không nên hại con gái người ta, đúng không ba?
 
Ông Ba cầm ly trà, im lặng. Thật lòng, ông không dám chờ đợi ngày đó, ngày mà Trọng sẽ phải ra đi như Phúc, sẽ bỏ ông lại cô độc một mình…như Phúc. Trời ơi, nếu có ngày đó, thì ông sẽ phải làm sao đây?
- Mai con đi công tác, ở nhà nhớ uống thuốc đầy đủ đó, đồ ăn con chút sẽ làm sẵn bỏ tủ lạnh, đem ra hâm nóng là được rồi.
 
Đặt ly trà xuống bàn, nghe trái tim se lại. Đôi mắt ông nheo nheo, sớm không nói chậm không nói, nói đi công tác ngay lúc này.
- Gì? Giận rồi hả?
- Không có. - Anh cười - Con đi công tác thiệt, hai ngày, hai ngày rồi về, phải đi họp mà thằng Hòa đi không được. Sáng 5 giờ con sẽ gọi điện nhắc đo huyết áp và uống thuốc, chiều 4 giờ sẽ gọi điện nhắc ăn cơm, nhớ canh điện thoại của con, con gọi không được sẽ nói bác Tư qua để đập cửa đó.
 
Ông Ba hừm mũi, dáng vẻ rất dửng dưng, lẩm bẩm: “Bày đặt quá.”
 
Trọng xoay ly trà trong tay, không nhắc anh cũng không nhớ, cuộc sống trôi qua bình yên và bận rộn theo một kiểu khiến người ta cảm thấy dễ dàng thỏa mãn, làm anh quên mất mình không như người khác, lại còn suy nghĩ vẫn vơ.
 
Trời tối một chút cuốc bộ qua nhà bác Tư, gặp Nguyên dặn dò mai đi đón Quán Quân, cô hỏi vì sao, anh nói phải đi công tác hai ngày. Trọng bật cười khi bản năng gà mẹ của Nguyên trỗi dậy, dặn dò đủ thứ, đặc biệt nhắc nhở anh phải đem theo thuốc chống thải ghép. Lời cô nói rất nhẹ nhàng, nhưng đem đến cảm giác ấm áp, rất khó khăn để giữ miệng lại không ghẹo cô vì đã tìm hiểu về bệnh của anh. Người nói vô ý, người nghe có lòng, cảm giác được quan tâm một cách vô thức thật sự rất dễ dàng gây nghiện.
 
************
 
- Ba, ba uống thuốc chưa? Chia ra sáng chiều trong hộp đựng thuốc, đừng có lấy lộn nha.
- Rồi.
- Nhớ ăn sáng, con đem gà kho để dưới ngăn mát, có canh nấu rồi, bỏ vô lò hâm lại là ăn được, ớt tươi thì ra cửa hái ăn nha, đừng ăn nhiều quá.
- Rồi.
- Vậy con làm việc đây, ba có gì thì gọi con, con để chuông suốt nha.
- Rồi.
 
************
 
- Ba chiều nấu xong cơm chưa?
- Mới 4 giờ mà nấu cái gì.
- Ah, cũng phải. Vậy 5 giờ con gọi lại.
5 giờ chiều….
- Ba, nấu cơm chiều chưa?
- Đi làm rảnh lắm hả? Gọi điện về hoài vậy?
- Dạ rảnh lắm, ba gọi cho con lúc nào cũng được. Ba nấu cơm chiều chưa?
- Rồi.
- Nhớ uống thuốc nha, có ngăn thuốc con ghi chú buổi chiều đó.
- Rồi.
 
************
 
Bình thường đi làm thì không gọi điện, đi công tác thảnh thơi thì một ngày gọi mấy lần, làm cho ông đi đâu cũng phải cắp cái điện thoại theo, sợ không nghe chuông. Ông Ba lẩm bẩm cằn nhằn khi phơi đồ ngoài sân, lâu lâu lại liếc nhìn điện thoại xem có sáng đèn hay không.
 
Nguyên buổi sáng qua nhà bác Ba lấy thức ăn từ ngăn đông đem xuống ngăn mát, anh hàng xóm nhờ giúp đỡ và sẵn tiện quan sát xem ông già có thật sự xử lí mớ đồ anh để dưới ngăn mát hay không.
 
Cô nhìn quanh quất không thấy người, sau đó đi xuống phía sau, thấy bác Ba đang phơi dra giường và mền, nhưng chỉ với một tay khó khăn, Nguyên bước nhanh lại để giúp ông, cười tươi:
- Bác Ba để con, cái này con làm cho.
 
Cô giúp căng cái chăn ra xong, rồi khi ông không để ý, Nguyên chụp lại tấm hình, sau đó đi làm.
 
Đến trưa làm việc, Nguyên sực nhớ đến, rồi gởi cho Trọng, kèm lời nhắn: “Thức ăn bị xử xong, hôm nay buổi sáng em có đêm đồ ăn xuống cho bác Ba. Hoạt động hôm nay của ba anh buổi sáng là giặt quần áo.”
 
Trọng đọc tin nhắn, không ngăn được bản thân mỉm cười. Nguyên có lẽ không biết, nhưng đó là chăn mền của anh, ông ấy sáng sớm giặt cho anh, như cách mà những người cha chờ đợi con mình.
- Đọc cái gì mà cười tủm tỉm vậy?
- Ông già giặt mền cho tao.
 
Hòa liếc mắt, đưa ly nước cho bạn:
- Vậy thôi mà mày vui vậy đó hả?
 
Trọng nhận lấy ly nước rồi lấy thuốc ra uống, lẩm bẩm:
- Mày biết gì.
 
Hòa ngồi xuống chiếc ghế đối diện giường. Sau phẫu thuật ghép gan, thường phải theo dõi từ sáu tháng đến một năm, có nhiều biến chứng sau đó, có người sống được một năm, có người sống ba năm, có người mười năm, số ít được hai mươi năm, không ai nói chắc được, nhưng thuốc chống thải ghép là phải uống suốt đời là chắc chắn, mỗi lần uống là cả nắm nắm như vậy.
 
Hôm nay Trọng về sớm, nhưng cậu ấy không về ngôi nhà đang ở với ba của Phúc mà đi thẳng về ngôi nhà trước kia mình đang ở, cả người mệt mỏi, lừ đừ. Sau khi phẫu thuật, thời gian đi làm và tan ca của Trọng đã được điều chỉnh rất nhiều so với trước kia, nhưng nói sao thì cũng chỉ có mấy tháng, đâu có thể như bình thường được.
- Hôm nay có về đó không? Hứa với ông già rồi.- Hòa nói.
- Để ổng nhìn thấy không hay, mai tao về đó.
 
Anh không biết nếu để ông thấy, thì sẽ có cảm giác gì. Ông sẽ đau lòng cho anh, hay ông sẽ nỗi giận, anh lấy đi lá gan của Phúc, rồi vẫn sống không ra gì? Anh nói sẽ chăm sóc ông, lo cho cái nhà của Phúc, nhưng biết đâu đến cuối cùng, anh lại biến thành gánh nặng của ông? Mọi thứ hiện giờ quá đẹp đẽ để đánh mất, Trọng không dám mạo hiểm, dù sao, ít nhất, bây giờ, anh không muốn thay đổi.
 
Con người thật sự rất tham lam, vốn ban đầu nghĩ chỉ cần làm tốt thứ mình muốn là được, đến lúc lại muốn bản thân cũng được đón nhận, ban đầu chỉ muốn lương tâm nhẹ nhàng là được, đến lúc lại mong muốn tâm hồn mình cũng được vui vẻ, ban đầu chỉ muốn an ủi cho nỗi đau của người khác là được, đến lúc lại muốn cả mình cũng được yêu thương. Yêu thương vốn dĩ không hề có lỗi, nhưng vì yêu thương khiến cho người ta mỗi một đổi thay đều trở nên sợ hãi, dẫu biết không có gì là mãi mãi ở một trạng thái, nhưng cũng  không mang  nghĩa là có thể điềm nhiên đón nhận.
 
          Còn tiếp Phần 10.
 
Dương Hiệu Thư
 
 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo