Hôm nay thứ ba, ngày 15 tháng 10 năm 2024
Truyện dài - RƠI XUỐNG TỪ ĐƯỜNG ĐẪM MÁU (04) (12/09/2024 15:45 PM)
Lê Nguyệt

Chương 04. Nằng nhất định không ăn, nhường cho ông Hương, ông Hương sẵn đang đói bụng nên ăn hết hai tô.
 


Mỗi tô có chút ét hủ tiếu và vài lát thịt heo bào mỏng lét như giấy quyến dùng hút thuốc vậy thôi.
 
Nằng nhìn mọi người ăn, hỏi:
- Mấy chú làm nghề bốc xếp hả?
 
Bốc xếp gì vậy?
- Vác gạo mầy ơi. Vác từ dưới tàu lên bờ, cũng có khi vác từ trên bờ xuống tàu. Bao năm chục ký nặng trình trịch mà đi trên tấm be bắt xuống tàu dài ngoằng cả mười mấy thước, đi nhún nhún không có kinh nghiệm té nhào xuống sông như chơi. Ướt gạo đền thấy mụ nội.
- Mỗi bao mấy chú kiếm được bao nhiêu?
- Mười ngàn. Bằng tô hủ tiếu gõ này nè. Hôm nào vác được trên ba chục bao mới có tiền. Eng eng trong mình vác vài bao kiếm cơm là mồ hôi mẹ mồ hôi cha tuôn ra nườm nượp. Làm cái nghề này ngán nhứt là bị bịnh.
 
Nằng chắc lưỡi, lắc đầu:
- Cực vậy mà còn bị tấn lột sao công bằng được? Thôi mấy chú cứ để con. Hễ họ lấy của mấy chú một con lấy lại của họ tới mười.
 
Bốn người cười phun cả nước miếng:
- Mẹ bà cái thằng nói trời. Nhưng có mầy cũng vui. Mầy giỏi vậy sao không đi kiếm bạc về nuôi ông?
 
Nằng nghinh mặt hãnh diện:
- Ông con thà chịu đói chứ không chịu sử dụng đồ phi nghĩa đâu.
- Nói Trời nữa. Nhưng mầy quê ở đâu vậy?
- Xa lắc xa lơ, nói mấy chú cũng không biết đâu.
- Xời, nói chơi hoài mậy. Không biết tao tra Google là ra chứ gì?
- Tra Google?
 
Mộc móc túi lấy cái điện thoại ra:
- Mầy chắc nghèo nên chưa tiếp cận với công nghệ thông tin. Bây giờ khoa học tiến bộ lắm mầy ơi. Muốn biết gì gõ vô Google là biết hà.Tụi tao gọi điện về nhà thấy mặt vợ con luôn mà.
 
Nằng trố mắt nhìn cái điện thoại. Không dám hỏi gì thêm sợ bị phát hiện. Vụ này sẽ nghiên cứu sau.
- Ngó bộ mầy chắc quê Miền Tây. Dân Bến Tre là chắc. Gì mà Bến Te trời mưa tơn tợt … hahaha …
 
Thật ra Nằng không biết tám mươi lăm năm nay, An Hòa có đổi tên làng xã gì không, cho nên nghe Mộc nói như gợi ý,
 
Nằng sáng mắt đáp liền:
- Chú hay ta? Thì con ở Miền Tây chứ đâu. Bến Te quê con mừ.
- Vậy sao nói xa lắc xa lơ? Đây xuống Bến Tre không đầy 100 km, chạy xe hơn hai tiếng là tới chứ gì.
 
Nằng cúi đầu thật thấp:
- Ta nói có nỗi khổ mừ.
- Bà mẹ cái thằng khôn trước tuổi luôn ta.
 
Lát sau thằng nhỏ coi bộ lớn hơn Nằng tới lấy tô lấy tiền. Mộc móc ra một tờ tiền xanh xanh đưa nó. Nó trả lại cho Mộc bốn tờ nhỏ hơn màu vàng không ra vàng xám không ra xám. Trời, tiền bây giờ là vậy đó sao? Coi chắc chắn và có thể không bị ướt. Vậy là tờ của Mộc chắc chắn là một trăm ngàn. Hủ tiếu mười ngàn một tô, sáu tô sáu chục ngàn thối lại bốn chục. Vậy mỗi tờ mười ngàn. Phức tạp thấy ghê vậy ta?
 
Nó sề sề lại khều khều Bổn:
- Chú, chỗ đó còn nhận người bốc xếp hôn?
- Chi vậy? Đặng mầy làm hả?
 
Nằng nghiêng mặt:
- Chú nói chơi hoài. Con mới mười tuổi vác gì nổi bao gạo năm mươi ký. Con muốn giới thiệu mấy chú ông anh của con. Ảnh coi thư sinh vậy chứ mạnh dữ thần mạnh. Vác ba bốn bao một lượt không ăn thua gì. Có ảnh mần chung mấy chú không sợ ai ăn hiếp hết. Con cam đoan như vậy.
 
Bốn ông cười vang:
- Mẹ bà, nổ nữa. Thân thư sinh vác ba bao gạo. Tin mầy mới lạ à.
- Thì chú cứ thử đi rồi biết liền.
- Ừ mà nãy giờ quên hỏi mầy tên gì?
- Con tên Nằng. Mọi người gọi con là Thầy Nằng.
- Hahaha…Thầy Nằng Thằng Nầy hả mậy? Bà mẹ, mới mười tuổi mà miệng là miệng.
- Hén chú, cho anh con mần với hén? Vậy ông cháu con mới có tiền sống chứ.
- Bộ không tính về quê à?
- Về quê cũng còn có ai đâu, có nhà cửa, nghề nghiệp gì đâu mà sống?
- Thảm vậy mậy? Hay là để tao dắt mầy lại đại lý vé số cho mầy lấy đi bán. Cũng kiếm được tiền cơm.
 
Năng nói trong bụng. Chết mẹ, bán giấy số là bán gì nữa? Thời đại này cón nhiều cái nó chưa hiểu nổi. Điện thoại, Google, vé số, cải lương…Nó chống chế:
- Kiếm chuyện cho anh con mần tước đã gồi mới tới con. Không có con bên cạnh ông con sợ lắm.
- Sợ gì? Mầy ranh ma tổ mẹ ai ăn hiếp mầy nổi?
- Thì sợ con ăn hiếp người ta đó chớ. Hê hê hê…
 
Ông Hương biết Nằng có nhiều trò nên để mặc nó nói chuyện với bốn người lạ. Nhìn họ vậy nhưng qua cuộc đối thoại vừa rồi, ông đánh giá họ là những người lao động chân chính kiếm cơm. Mạc Chung nhìn ra ắt sẽ có cách giúp đỡ. Nhưng mình là người lớn đâu thể để con nít đại diện nói chuyện được. Nghĩ vậy, ông mới lên tiếng:
- Lão phu…à không, ta với cháu nội vô tình lạc tới đây như người từ hành tinh khác tới. Mọi thứ đều bỡ ngỡ. Thú thật với mấy chú là ông cháu ta nghèo, chưa từng thấy tờ tiền mệnh giá lớn. Chỉ biết một trăm ngàn trở lại thôi. Trước đây chỉ xài đồng xu.
 
Mộc tỏ vẻ thông cảm:
- Dạ phải. Đồng xu một ngàn, năm ngàn, mười ngàn đã bị ngân hàng thu hồi hết rồi. Giờ chỉ còn tiền giấy một ngàn, hai ngàn, năm ngàn bằng giấy cotton là mệnh giá nhỏ nhất thôi. Tiền này, giấy Polymer xuất ra năm 2003 thịnh hành tới giờ. Mệnh giá lớn nhất là năm trăm ngàn.
 
Râu đưa ánh mắt nghi ngờ nhìn ông Hương:
- Nằng nói nó có ông anh nữa. Vậy anh nó đâu sao không đi chung với hai người?
 
Ông Hương thản nhiên trả lời:
- Hồi đi ta có dặn, nếu thất lạc hãy đến cái chợ nào lớn nhất ở cổng chính mà chờ. Mơi mấy chú dắt Nằng chỉ cho nó cái chợ nổi tiếng nhất Sài Gòn để nó chờ anh nó.
 
Bốn người nhìn nhau đồng thanh nói:
- Chợ nổi tiếng nhất Sài Gòn mà ai cũng biết là chợ Bến Thành rồi? Được. Chú hãy yên tâm, tụi con sẽ đưa nó ra đó giúp chú tìm cháu. Nhưng sau khi có tiền đủ mướn nhà trọ rồi thì ông cháu hãy dọn đi chỗ khác, Từ Đường này phức tạp lắm, xảy ra án mạng hoài ở lâu không được.
 
Nằng kín đáo quay nhìn ông Hương, cười với họ:
- Không sao. Quân tử tới quỷ thần đi. Ông của con không sợ đâu.
 
Ông Hương nghiêm túc hỏi:
- Mấy chú ở đây lâu, vậy có biết vì lý do gì mà Từ Đường không có người quét dọn và nhang khói vậy?
- Chuyện này nói sau đi. À, chú thứ Mấy để tiện xưng hô?
- Ta thứ Hai.
- Chú Hai à, có những chuyện nếu thấy cũng mắt lấp tai ngơ đừng quan tâm mới yên ổn được. Nay mệt rồi nghỉ ngơi đi, tối mai tụi con sẽ kể ông nghe về nguồn gốc của Từ Đường này.
 
Rồi quay sang Nằng, Bổn hỏi:
- Chú có thằng con cũng trạc tuổi Nằng, nhưng nó đâu có lanh lợi được vậy. Nằng thông minh lém lỉnh sao không đi học để biết chữ với người ta mà theo ông hát cải lương uổng phí tuổi thơ vậy?
 
Nằng làm ra mặt buồn:
- Nghèo thấy mồ lại không có nhà cửa ổn định thì học hành sao được. Nhưng mà con cũng biết nhiều chữ lắm nghen chú. Ông con dạy con á. Tiếng Tàu, tiếng Pháp, tiếng Quốc ngữ con đọc viết go go luôn.
 
Bốn người lại cười vang, Ngạc đưa điện thoại ra trước mặt Nằng:
- Nổ nữa. Đâu mầy đọc mấy chữ trong điện thoại coi. Thơ tình của tao hồi còn nhỏ nà.
Nằng cầm điện thoại. Woa, nhờ vậy mới biết điện thoại. Xã hội văn minh quá trời. Chữ chi chít trong đó. Nó tằng hắng mấy cái rồi đọc:
 
- Anh luôn nhớ ánh mắt em e thẹn
Ngồi sau xe cứ bẽn lẽn cúi đầu
Khi anh nhìn, em bẽn lẽn ngó đâu
Ánh mắt đó in sâu vào tâm khảm.
 
Nhớ bàn tay ngại ngùng khi va chạm
Muốn tỏ tình cũng không dám mở lời
Bên cạnh nhau cứ nói chuyện khơi khơi
Mối tình thuở đầu đời ôi thơ mộng
 
Rời Tung học ga đời tìm cuộc sống
Giữa tời cao lồng lộng cách xa nhau
Tình tong anh vẫn đằm thắm đậm màu
Vẫn cảm thấy ngọt ngào mùi hương cũ
 
Anh luôn nhớ, nói nhớ không chưa đủ
Mong một ngày gặp lại nụ cười xưa
Tay tong tay, anh nói mãi chưa vừa
Câu nói của ngày xưa… I lo ve so múc. (I LOVE SO MUCH).
 
Đọc xong, Nằng hỉnh mũi:
- Ghê chưa? Ghê chưa? Con hông phải nổ mà là danh xứng với thực.
- Mẹ bà. Danh xứng với thực đồ ha. Nhưng gì mà I lo ve so múc mậy? Mầy giỏi tiếng Tàu, tiếng Pháp mà hổng biết tiếng Mỹ hả?
- Học hồi nào mà biết?
- Ông hổng dạy tiếng Mỹ ha? Pháp rút khỏi Đông Dương sau hiệp định Giơnevơ năm 1954. Năm 1961 Mỹ chính thức tham chiến Việt Nam. Vậy mà tiếng Mỹ không biết hả?
- Tời ơi tời. Con mới sanh ga cái gẹt đây biết gì hiệp định, tham chiến chú ơi. Hôi bỏ qua cái vụ này đi. Chú biết con đọc chữ là được gồi. Mà mấy tiếng đó nghĩa là gì?
 
Ngạc chúm chím cười:
- Thôi con nít biết chi mấy vụ này.
- Con biết nè. Nhưng gồi chú có gặp lợi cái cô đó hôn?
- Vợ tao bây giờ chứ ai.
- Sướng nha…Tính ga chú cũng một lòng một dạ ví thím chứ không phải hư tình giả ý.
 
Bốn người cười muốn sặc:
- Thằng nói chuyện như ông già. Hư tình giả ý ghê mậy.
 
Nằng cũng cười góp vui một hồi rồi rụt rè nói:
- Chú, chú…mấy chú cho con mượn hai bộ đồ nhen. Cho ông ví anh con bận. Mần có tiền gồi con mua đồ mới tả cho mấy chú.
- Thằng anh mầy cũng bận đồ cải lương luôn hả?
 
Nằng gật. Râu nói:
- Bốn đứa tao mầy coi ai vừa với khổ người của ông và anh mầy thì mầy lựa đi. Xong rồi vô ngủ mầy ơi, sáng còn đi làm nữa.
- Cám ơn mấy chú. Mấy chú tốt quá, Tời phật thánh thần sẽ phù hộ các chú ăn nên làm ga.
- Mẹ bà, mới mười tuổi mà khôn như quỷ. Đi vô nhớ tắt đèn giùm tao nghen?
 
Nằng ngạc nhiên:
- Tắt đèn gì chú? Con có thấy cái đèn nào đâu?
- Cái công tắt ngay cửa đó. Trời đất mầy nói gì vậy Nằng? Không có đèn thì cái gì sáng quắc đàng kia?
 
Nằng nhìn lom lom theo tay chỉ của Râu. Nó thấy một ống tuýp dài sáng ngới. Dữ luôn. Thì ra cả phòng sáng choang nhờ vào cái đèn này. Điện đó chứ đâu? Nó biết điện có ở đất nước lâu rồi, nhưng thời ông Hương cũng còn hạn chế lắm, nơi vùng quê hẻo lánh thì điện đài gì. Có thì cũng là cái bóng tròn ủm đỏ lòm chứ đâu dài sọc sáng rực rỡ như vậy.
 
Lạc hậu, nó đã quá lạc hậu khi tới đây rồi. Nhưng nó là ma không sao. Chỉ tội cho ông Hương.
 
Hết chương 04.
          Còn tiếp chương 05.
 
Lê Nguyệt
 
 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo