Hôm nay thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024
Mỹ "không từ bỏ cam kết” với Đài Loan (04/08/2022 06:06 AM)
Mai Quyên

Bất chấp cảnh báo của Trung Quốc, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã thăm Ðài Loan và trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới hòn đảo sau 25 năm.

Bà Pelosi (thứ 2 từ trái sang) nhận huân chương danh dự trong cuộc gặp lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn (thứ 2 từ phải sang). Ảnh: EPA
Bà Pelosi (thứ 2 từ trái sang) nhận huân chương danh dự trong cuộc gặp lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn (thứ 2 từ phải sang). Ảnh: EPA


Xếp thứ 2 trong danh sách kế vị tổng thống, Chủ tịch Hạ viện Pelosi là chính khách cấp cao nhất của Mỹ đến Ðài Loan từ năm 1997. Sự kiện này cho thấy quan điểm cứng rắn lâu nay trong Quốc hội Mỹ so với Nhà Trắng về Trung Quốc. Ðây cũng là cao điểm lịch sử đối đầu giữa bà Pelosi và Bắc Kinh. Ðược biết, bà Pelosi cách nay 30 năm từng khiến Trung Quốc tức giận khi cùng 2 nhà lập pháp Mỹ xuất hiện tại quảng trường ở thủ đô Bắc Kinh để ủng hộ những người bất đồng chính kiến. Bà cũng phản đối Trung Quốc đăng cai tổ chức Thế vận hội từ năm 1993 với lý do nước này bị cáo buộc vi phạm nhân quyền. Năm 2015, bà dẫn đầu đoàn nghị sĩ đảng Dân chủ tới Tây Tạng trong chuyến thăm đầu tiên kiểu như vậy kể từ khi bất ổn lan rộng năm 2008.

*****
Giá trị biểu tượng  và chính trị

Vào tháng 6, tờ Nikkei đưa tin các quan chức Đài Loan “không ấn tượng” với cam kết của Tổng thống Mỹ Joe Biden về dùng quân sự bảo vệ hòn đảo, do lo ngại những tuyên bố như vậy khiến Bắc Kinh càng quyết đoán. Nhưng với chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ, các nhà phân tích cho biết giá trị biểu tượng và chính trị của chuyến thăm là rất lớn khi sự hiện diện của bà Pelosi cho thấy tín hiệu ủng hộ Đài Loan trong Quốc hội Mỹ trước áp lực từ Bắc Kinh.
*****

Năm nay, chính trị gia 82 tuổi tiếp tục phớt lờ cảnh báo của Trung Quốc tới thăm Ðài Loan. Theo đó, Chủ tịch Hạ viện Pelosi sáng 3-8 đã phát biểu trước Viện Lập pháp Ðài Loan, trước khi gặp nhà lãnh đạo Thái Anh Văn tại văn phòng của bà Thái ở Ðài Bắc. Phát biểu tại cuộc họp báo chung, bà Thái cảm ơn phái đoàn Quốc hội Mỹ về chuyến thăm trong “hoàn cảnh khó khăn như vậy”.

Ðáp lại, bà Pelosi bày tỏ tự hào về tình hữu nghị giữa 2 bên và đảm bảo duy trì sự hỗ trợ lâu dài của Mỹ khi khẳng định Washington không từ bỏ cam kết “luôn sát cánh cùng Ðài Loan” cách nay 43 năm. Theo bà, Trung Quốc cản trở Ðài Loan tham gia một số cơ chế và hội nghị, nhưng không thể ngăn các chức sắc thăm Ðài Bắc. Trước đó ở Viện Lập pháp, bà Pelosi có chia sẻ về 3 mục đích của chuyến công du, “một là an ninh, an ninh cho người dân chúng ta và an ninh toàn cầu. Hai là kinh tế, chúng ta cần lan tỏa thịnh vượng tối đa. Và ba là vấn đề điều hành”.

Vào cuối ngày, bà Pelosi gặp gỡ các nhà hoạt động dân chủ trước khi bay đến Hàn Quốc trong chặng tiếp theo của chuyến công du châu Á.

Trung Quốc - Nga - Triều Tiên chỉ trích

Về ngoại giao, Trung Quốc đã triệu Ðại sứ Mỹ tại Bắc Kinh để phê phán chuyến thăm của bà Pelosi mà họ coi là “hành động khiêu khích chính trị nghiêm trọng” Trên lĩnh vực kinh tế, Bắc Kinh từ ngày 3-8 cấm xuất khẩu cát tự nhiên đến Ðài Loan, tạm dừng nhập khẩu trái cây họ cam quýt, cá hố trắng và cá sòng đông lạnh từ Ðài Loan sau khi thêm 2.066 sản phẩm thực phẩm và hơn 100 doanh nghiệp thực phẩm Ðài Loan vào danh sách đen. Hai quỹ tại Ðài Loan cũng bị cấm hợp tác tài chính với các công ty, cá nhân ở đại lục. Về quân sự, Trung Quốc cho biết quân đội đang ở trong tình trạng cảnh giác cao độ và bắt đầu tiến hành “các hoạt động quân sự có mục tiêu”. Hai trong những nội dung là tập trận bắn đạn thật và thử tên lửa không mang đầu đạn hạt nhân quanh Ðài Loan.

Hãng AFP đưa tin một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng “hoàn toàn ủng hộ” quan điểm của Bắc Kinh và chỉ trích Washington làm “gia tăng căng thẳng khu vực”. Bộ Ngoại giao Nga cũng khẳng định sự đoàn kết tuyệt đối với Trung Quốc khi lên án chuyến thăm của bà Pelosi là “sự khiêu khích rõ ràng”, đồng thời kêu gọi Washington “kiềm chế các hành động ảnh hưởng ổn định khu vực, an ninh quốc tế và công nhận thực tế địa chính trị mới”.

Trong khi đó, Nhật Bản cho rằng phản ứng tập trận của quân đội Trung Quốc là “đáng quan ngại” và hy vọng vấn đề ở eo biển Ðài Loan được giải quyết qua đối thoại. Hàn Quốc cũng kêu gọi đối thoại để duy trì hòa bình và ổn định khu vực.

Mai Quyên (Tổng hợp)


 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo