Hôm nay thứ tư, ngày 18 tháng 9 năm 2024
Truyện dài: NGƯỜI MẸ KHÔNG NUÔI ĐƯỢC CON (04) (05/08/2024 07:14 AM)
Lê Nguyệt

Chương 04. Rồi cô nhắc lại chuyện bán nhà nhưng ông Bền bàn trớt.
 


Ông nói chung quanh đây không có ai bán đất, mà nếu như tới nơi khác thì lỡ gặp phải tay Hương Quản làm khó khăn vậy sao mà nhập cư nơi ở mới được chứ?
 
Thảo suy nghĩ mấy ngày liền rồi mới thưa qua:
- Hay là cha má ở lại đây. Con và chồng con về quê cũ để tạ lỗi với cha mẹ mình. Sau đó xin cha má con miếng đất cất nhà rồi đưa cha má dìa sống chung.
 
Mành lắc đầu phản đối:
- Anh không dìa chỗ đó nữa đâu.
 
Lý do thì em đã biết rồi. Em cũng đứng nghĩ cha má sẽ tha thứ cho chúng ta. Nếu như cha muốn tìm em để rước dìa hoặc để trừng phạt thì đã dán cáo thị khắp nơi rồi. Thế lực của cha mạnh ra sao em thừa biết. Em có thể dìa một mình, cha má thương con sẽ bỏ qua cho em. Rồi em muốn trở lại hay không là do em thôi chứ anh dù có thể đi cùng em cùng trời cuối đất nhưng nơi đó anh không đặt chân vào nữa.
 
Nghe Mành nói vậy, Thảo thôi không nghĩ đến chuyện về quê nữa.
 
Và cũng từ hôm đó, vong ba đứa nhỏ cũng không còn hiện ra nhát Thảo như trước. Dần dà rồi chị cũng bình an mà sinh hoạt buôn bán như thuở trước.
 
Bà Bền do tuổi già sức yếu nên lâm bệnh mấy hôm rồi qua đời. Khi bà bệnh, vợ chồng Thảo chăm sóc chu đáo, một tay chị lau rửa cho bà. Nhưng khi bà sắp trút hơi thở sau cùng thì chị chạy nhanh ra ngoài đứng khóc mà chằng dám chứng kiến phút lâm chung của người mà trong lòng chị thương yêu, luôn xem như mẹ ruột của mình.
 
Chôn cất bà Bền ở mảnh vườn mới mua. Thảo lại bắt đầu sợ, không dám ra vườn khi trời sụp tối nữa dù là đi với chồng. Mành mới mở một đường mới cho chị đi ra vườn mà không phải đi ngang mộ bà và ba đứa nhỏ.
 
Ông Bền mất vợ thì buồn nẫu người ra. Suốt ngày thơ thẩn ngoài mộ nói chuyện với bà. Vợ chồng mấy chục năm không con cái đùm túm nhau đi khắp cùng sông nước để mưu sinh. Ông yêu bà từ thuở thiếu thời cho đến khi răng long tóc bạc. Thật ra, ông là con của gia đình phú hào, do tính thích lang bạt kỳ hồ nên mới quen biết bà, dù bị cha mẹ phản đối nhưng ông nhất quyết cưới bà về làm dâu trưởng. Gia đình bà không còn ai, và vì xuất thân hèn kém nên từ khi về làm dâu, bà bị mẹ chồng ghét bỏ, khinh thị. Em chồng đày ải nhục mạ.
 
Bà có thai sắp sinh mà phải làm quật quật suốt ngày như con trâu ngoài ruộng nên không giữ được con. Ba lần như vậy, ông quyết định dắt bà bỏ trốn, trốn cái nơi mà người phụ nữ của ông bị xúc phạm, bị xem như cùi hủi đáng xa lánh. Từ đó, hai vợ chồng lang thang chỗ này chỗ khác trên chiếc ghe khắp cùng sông nước để mưu sinh. Sống trong vàng son gấm lụa nhưng bị bó buộc, bây giờ được dịp thoát ra, ông bà thỏa nguyện mơ ước của mình là được tự do.
 
Thời gian sau, hai vợ chồng dắt nhau về nhà, vì là con trưởng nên ông muốn chăm sóc cha mẹ tuổi già. Nhưng ông bị cha mẹ mắng chửi đuổi xô. Và từ đó, ông không trở về quê một lần nào nữa.
 
Từ ngày gặp vợ chồng Mành, ông bà thật hạnh phúc vì tuổi già có người bên cạnh. Tuy không nói ra, nhưng từ khi sống chung, thỉnh thoảng ông nghe lén vợ chồng họ nói chuyện. Ông biết Thảo là con ông quan Tổng Trấn ở nơi mà ông bà đã gặp vợ chồng họ. Vậy là một chuyến xuôi ghe đi mua dưa hấu, ông bà đi còn vợ chồng Mành phải ở lại bởi lúc đó họ phải đến gặp Hương Quản để làm sổ hộ tịch. Ông bà ghé qua hỏi thăm thì biết rõ gốc ngọn câu chuyện và xuất thân của hai người nhưng ông bà vẫn giữ im lặng cho đến bây giờ.
 
Thật ra, ông Bền đã từng học nghề trừ yêu diệt ma vì trên đường mưu sinh ông đã gặp quá nhiều chuyện kỳ bí. Nhưng từ khi có lá bùa hộ mạng của thầy thì ông suôn sẻ vượt qua, cuộc sống của ông và hai đứa con nuôi cũng không gặp trắc trở gì. Cho đến khi ba đứa con của Thảo cứ hiện lên đeo phá mẹ nó ông mới dùng lời ngon ngọt mà dụ dỗ chúng. Ông không muốn ai biết ông có bùa phép trong người.
 
Ông biết ba đứa nhỏ không siêu thoát nhưng vợ ông thì đã thật sự bỏ ông đi rồi. Và ông mừng vì điều này. Ông muốn bà an nghỉ đừng vướng bận gì nữa ở cõi hồng trần. Từ khi lấy ông, cuộc đời của bà đã gặp bao buồn tủi cho đến khi ông quyết định giải thoát cho bà thì hạnh phúc của bà cũng bấp bênh theo từng đợt sóng bủa vây trên sông lớn cùng ông. Chỉ từ khi có mái nhà này, bà mới sống đời sống của một người bình thường.
 
Mất vợ rồi, ông Bền như không còn mục đích sống. Tính ra, ông bà ai cũng trên bảy muôi hết rồi, cũng xứng cái mồ. Ai rồi cũng phải chết, không ai vượt qua được số mạng mà trường sinh bất tử cả. Ông nghĩ, Thảo sợ ma, sợ xác như vậy. Nếu ông mất bây giờ thì vẫn còn Mành lo. Nhưng nếu lỡ sau này Mành chết trước Thảo thì sao? Làm sao mà nó có thể bình tâm để sống trong cái nhà có đến ba người chết như vậy?
 
Cho nên, ông quyết định đả thông tư tưởng của Thảo. Ông kêu vợ chồng lại, ân cần nói:
- Ai rồi cũng sẽ phải về với đất.
 
Chết là hết, không còn gì đâu. Chỉ có những người bị chết oan ức nên không siêu thoát được, hồn phách vương vấn chốn hồng trần hoài. Nhưng ta không động họ thì họ cũng không động ta. Con sợ là sợ điều gì chứ Thảo? Lẽ nào sau này khi con bằng tuổi cha má, chồng chết trước thì con sẽ bỏ nhà để đi hay sao? Cha nói con nghe. Nếu có ma trong cái nhà này, thì ma là ai? Là cha má con, là chồng con. Là những người thương yêu con. Họ sẽ độ cho con khỏe mạnh. Vậy con sợ là sợ gì? Sợ cha má và chồng con sao?
 
Thảo ngạc nhiên, sao ông lại nói với chị mấy lời này? Ông vẫn còn khỏe mạnh tráng kiện kia mà? Bỗng dưng Thảo nghĩ đến cha má mình. Cha má chị cũng trạc tuổi ông, lớn hơn ông vài tuổi nữa. không biết cha má lúc này ra sao. Thật sự, mấy lúc gần đây chị thấy nhớ cha má mình lắm. Nhưng chị biết cha mình khó, ông sẽ không bỏ qua cho đứa con gái bôi tro trét trấu lên mặt ông đâu. Vã chăng, cha chị là người cố chấp, ông sẽ không bao giờ bỏ qua, không bao giờ chấp nhận Mành là rể.
 
Vậy nếu như về với cha má thì chị phải bỏ anh hay sao? Làm sao mà chị bỏ anh cho được chứ? Chị đã mang thai với anh ba lần mà không giữ được lần nào, anh cũng chưa từng phiền trách chị một câu. Chị đã nhận ra, chị không thể sống mà chẳng có anh được. Nhưng trong lòng chị đã định rồi, tranh thủ khi ông Bền còn mạnh khỏe, chị sẽ về quê một chuyến thăm cha má. Nếu cha má không tha thứ, không chấp nhận chồng chị thì chị sẽ đi một lần nữa, và lần này thì coi như chị đã mồ côi thật sự rồi.
 
Nhưng Thảo chưa kịp thực hiện ý định của mình thì ông Bền lâm bệnh. Trước khi mất ông nắm tay chị dặn dò:
- Cha sẽ không đi đâu đâu.
 
Có mất thì cha cũng sẽ ở lợi đây phù hộ cho vợ chồng con và canh chừng ba đứa nhỏ. Má con thì đã siêu thoát rồi, cha không bận tâm nữa. Còn con, con cũng đừng có sợ cha hay các con của con. Cha thì không làm hại con rồi và có cha canh chừng thì tụi nhỏ cũng sẽ không phá rối con đâu. Để rồi cha sẽ tìm đường cho chúng đầu thai làm người. Hai vợ chồng nên về chịu lỗi với cha má con đi. Người già luôn mong nhớ con cháu của mình. Thật lòng, cha cũng không muốn vợ chồng con ở lợi mảnh đất này. Nơi đây đầy âm khí, sự thật thì cha là thầy pháp, chính vì thầy pháp nên cha mới nhìn ra.
 
Khi về với cha má con, bán được nơi đây thì chỉ nên bán cái nhà thôi, vì cái nhà này là không ở được nữa. Sau đó rào chắn khu vườn lại, đưa ba đứa nhỏ dìa bên vườn. Mỗi cái mộ nhỏ của tụi nhỏ cha có làm dấu, để một viên đá lớn trên đó. Bây giờ chắc xương cốt không còn gì đâu. Hai đứa nên hốt một nắm đất đen dưới mộ rồi đốt nhang khấn vái đem nó qua nằm gần cha để ông cháu hủ hỉ. Nhớ lời cha dặn nghe hôn Mành. Chứ nếu không có cha, tụi nó sẽ theo phá người mới thậm chí đi theo vợ chồng con luôn. Thằng Mành dương khí mạnh nhưng con Thảo thì nó dễ xáp vô.
 
Vợ chồng gật đầu ghi nhận rồi ông yên tâm nhắm mắt xuôi tay.
 
Nói cho ông yên lòng thôi. Chứ Thảo thì vẫn sợ lắm. Đây là lần thứ hai trong nhà có đám tang. Má chị cũng vậy, cha chị cũng vậy. Khi ông bà còn tỉnh táo một tay chị chăm lo, nhưng khi ông bà trút hơi thở cuối cùng thì hai chân chị như không đứng vững nữa và chị lùi ra nhà sau. Từ đó cho đến lúc tẩn liệm chị không bước ra ngoài một bước. Thảo lẩn quẩn sau bếp chỉ huy người ta nấu nướng đãi khách đến viếng. Thậm chí khi đưa cha mẹ ra chỗ an nghỉ cuối cùng chị cũng không đi. Mặc cho người ta lấy làm lạ, chị cũng không giải thích là mình sợ xác chết nữa.
 
Chị biết cái nhà này có năm hồn ma lẩn quẩn dù ông nói bà đã siêu thoát rồi. Chôn cất làm mộ cho ông xong, Mành một mình lấy cốt con đem qua xây một cái kim tĩnh cho ba đứa ở chung, xây một cái mộ nhỏ bên cạnh ông nội. Anh không có ý định theo vợ về quê mà chỉ muốn bán cái nhà này để mua nhà khác mà thôi.
 
Ở nhà quan Tổng trấn Nam.
 
Mười lăm năm trôi qua, bà Tổng cứ đinh ninh là con gái mình đã chết. Bởi vì nếu còn sống thế nào cũng phải có tin tức về nhà. Bà buồn lắm, đau khổ và nhớ thương con. Bà khóc lóc trách móc chồng. Duyên nợ là của nó, cuộc đời là của nó, ông bà đâu thể sống hoài mà lo. Vậy thì tại sao lại không chấp nhận để toại nguyện cho con mà khiến cho nó phiêu bạt bên ngoài không rõ tung tích như vậy chứ?
 
Ông Tổng Trấn thì khác, con ông thì chuyện hôn sự của chúng phải do ông định đoạt. Ông không cần dâu rể nhà quyền quí và cha mẹ chúng giàu có hơn ông, chỉ cần nhân thân tốt và phải môn đăng hộ đối. Nếu thằng rể xuất thân từ một gia đình bần hàn nhưng nếu nó có chí tiến thủ, biết học hỏi để đỗ đạt làm quan, ông sẽ vui lòng chấp thuận. Mà thằng Mành này thì có gì? Cha mẹ nó là người làm vườn của ông, bản thân nó là thằng vai u thịt bắp không chút trình độ, nó chim chuột con ông là lăm le gia tài này, ít nhất nó cũng được chia phần để vinh thân phì gia. Vậy ông có thể hạ mình mà kết thông gia với cha mẹ nó cho nó toại nguyện hay sao?
 
Không. Ông không bao giờ tha thứ cho đứa con gái mất nết như vậy. Họa may là nó đã không chịu kham khổ nổi mà chết mất xác xứ người thì ông coi như chưa từng có đứa con này. Vậy thôi.
 
Nhưng một đêm kia, ông chưa ngủ, cảm thấy trong người bức rức khó chịu nên mới ra sân ngồi ở bậc thềm nhà. Bậc thềm này mỗi khi có chuyện trăn trở trong lòng thì ông hay ra ngồi dựa lưng vào lan can mà suy gẫm chuyện đời rồi cuối cùng cũng tìm ra giải pháp thích hợp.
 
Hôm nay cũng vậy, đã quá nửa đêm, trăng thượng tuần đã lui vào mây mù, ông Tổng chống tay lên cằm nhìn mông lung lên trời để tìm sao, bỗng ông cảm giác toàn thân ớn lạnh. Tưởng bị gió máy khi trời vần vũ sắp chuyển mưa nên ông dợm đứng dậy thì y như có người ngồi bên cạnh nắm tay ông kéo xuống. Ôi bàn tay lạnh thấu xương khiến ông rùng mình. Người đàn ông đó cất tiếng:
- Thú thật với tui đi, ông đang nhớ con Thảo phải không?
 
Bị nói trúng tim đen nhưng dễ gì ông Tổng thú nhận, ông ngó qua lão già ngồi cạnh, tuổi cũng trạc với ông, hằn học:
- Đoán mò.
- Không có đoán mò đâu. Đôi mắt ông đã nói lên điều đó rồi.
 
Tự nhiên ông Tổng thấy buồn. Chưa ai đọc được suy nghĩ trong đầu ông. Cớ sao người đàn ông xa lạ này lại biết được ông đang nghĩ gì chứ? Và ông ta là ai mà nửa đêm nửa hôm lại lọt vào nơi kín cổng cao tường như nhà ông đây? Tức thì ông sực nhớ đến cảm giác ớn lạnh và bàn tay như đá cục nắm lấy mình, ông dịch người ra một chút rồi hỏi với giọng kinh ngạc:
- Ông là ai? Sao ông vô đây được?
 
Ông lão bình thản trả lời:
- Tui là cha của thằng Mành. Vì sao tới đây được à? Vì tui không còn là người phàm mắt thịt như ông nữa.
 
Ông Tổng bĩu môi, nạt nhẹ:
- Nói xàm. Cha thằng Mành là gia nhân của tui, tui không biết mặt hay sao?
- Ủa? Tui có nói tui là cha ruột của nó đâu? Mười lăm năm nay nó là con trai tui, con gái ông là dâu tui, tính ra giữa tui và ông có quan hệ thông gia đó đa.
 
Ông Tống giận dữ đứng bật dậy, quắc mắt:
- Nhảm nhí. Tui kết thông gia với ông bao giờ? Ông là người ở đâu lại nhận vơ như vậy chứ? Và cho dù ông là ai thì cũng không đáng mặt làm thông gia ví tui đâu.
 
Ông Bền nổi giận quát lớn:
- Ngồi xuống.
 
Hết chương 04.
          Còn tiếp chương 05.
 
Lê Nguyệt
 
 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo