Hôm nay thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024
Philippines - Australia quan ngại việc quân sự hóa các tranh chấp ở Biển Đông (27/08/2021 04:04 AM)
Hương Trà

Trong Tuyên bố chung sau Hội nghị Bộ trưởng Philippines và Australia lần thứ 5 tuần vừa qua, hai bên bày tỏ quan ngại về việc quân sự hóa các tranh chấp trên Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh tính pháp lý của phán quyết Tòa trọng tài năm 2016.

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr và Nữ Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne. Nguồn: Bộ Ngoại giao Philippines
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr và Nữ Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne. Nguồn: Bộ Ngoại giao Philippines


Cuộc họp cấp Bộ trưởng giữa Philippines và Australia được tổ chức như một đối thoại chiến lược nhằm đề ra phương hướng và tầm nhìn trong quan hệ song phương trong khuôn khổ Tuyên bố chung năm 2015 về Quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước, đồng thời kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Tuyên bố sau cuộc họp cho biết, bên cạnh việc trao đổi quan điểm về hợp tác song phương, các Bộ trưởng còn trao đổi về một loạt các vấn đề chiến lược khu vực, bao gồm cả an ninh hàng hải. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr và Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne tái khẳng định nguyện vọng chung về một khu vực biển hòa bình, ổn định và an ninh. Hai bên ghi nhận tầm quan trọng của hợp tác liên tục về an ninh hàng hải và hoan nghênh các sáng kiến mới nhằm mở rộng hợp tác, bao gồm việc thành lập cơ chế Đối thoại Hàng hải Philippines-Australia trong năm nay.

Về tình hình Biển Đông, hai bên bày tỏ quan ngại về việc “tiếp tục quân sự hóa các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông, sử dụng tàu tuần duyên và lực lượng dân quân biển một cách nguy hiểm và cưỡng bức cũng như các nỗ lực làm gián đoạn các hoạt động khai thác tài nguyên của các nước”. Tuyên bố chung nhấn mạnh, các hành động của lực lượng bảo vệ bờ biển và các khuôn khổ pháp lý liên quan phải phù hợp với luật pháp quốc tế.

Cuộc tập trận Malabar lần thứ 25 giữa Ấn Độ và Philippines ở Biển Đông. Nguồn: Spokespersonnavy twitter/Republicworld.com

Philippines và Australia cũng nhắc lại tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không, trong đó, tất cả các tranh chấp phải được giải quyết hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016, như một văn kiện pháp lý cuối cùng và có giá trị ràng buộc với các bên tranh chấp.

Bộ trưởng hai nước cũng kêu gọi hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) “phù hợp với luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS, không làm phương hại đến lợi ích của bên thứ ba hoặc quyền của các quốc gia theo luật pháp quốc tế và hỗ trợ kiến trúc khu vực bao trùm hiện có.”

Trước đó, vào ngày 23/7/2020, Australia đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, phản đối tuyên bố của Trung Quốc rằng quốc gia này không bị ràng buộc bởi phán quyết của trọng tài.

Hiện nay, Philippines đang tiến hành tuần tra liên tục trên biển Tây Philippines (cách Philippines gọi Biển Đông). Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Delfin Lorenzana ngày hôm qua (25/8) tái khẳng định, quân đội và các cơ quan chính phủ liên quan sẽ thường xuyên tuần tra khu vực cả trên không và trên biển nhằm đảm bảo Philippines luôn hiện diện ở Biển Tây Philippines, mang lại cho ngư dân Philippines cảm giác an toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của đất nước.

Trong một diễn biến khác, từ ngày 26-29/8, Hải quân Ấn Độ và Philippines sẽ tiến hành một cuộc tập trận chung trên biển Tây Philippines. Cuộc tập trận Malabar lần thứ 25 bao gồm diễn tập tác chiến trên biển và củng cố khả năng tương tác. Ấn Độ và Philippines có chung quan hệ đối tác quốc phòng và an ninh mạnh mẽ được xây dựng trong nhiều năm và trải dài trên các lĩnh vực. Hải quân hai nước tiếp tục cam kết tăng cường hơn nữa hợp tác song phương để đảm bảo một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ổn định, hòa bình và thịnh vượng./.

Hương Trà - VOV-Jakarta

 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo