Hôm nay thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024
Khối quân sự NATO liệu có mất định hướng chiến lược? (07/12/2019 10:07 AM)
Nguyễn Nhâm

Dịp 70 năm thành lập NATO lại đặt ra câu hỏi về định hướng chiến lược và lý do tồn tại của tổ chức quân sự này

Thượng đỉnh NATO vào đầu tháng 12.
Thượng đỉnh NATO vào đầu tháng 12.


Trong 2 ngày 3 và 4/12, Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại London (Anh). Cuộc họp đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập khối quân sự được coi là thành công nhất thế giới. Tuy nhiên, Hội nghị diễn ra trong bầu không khí không được như mong đợi, bởi sự trì trích lẫn nhau và bất đồng trên những vấn đề rất quan trọng, thậm chí có nguy cơ mất định hướng chiến lược.

Từ xác định nguy cơ và các mối đe dọa

Chương trình nghị sự của Hội nghị lần này tập trung vào các chủ đề như: Nhiệm vụ ở Afghanistan, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, cuộc chiến chống khủng bố, tình hình ở Ukraine và việc thực hiện các thỏa thuận Minsk. Ngoài ra hội nghị còn bàn thảo về mối quan hệ của khối với Nga, Trung Quốc và hệ thống kiểm soát vũ khí chiến lược.

Tuy nhiên, Washington lại muốn đưa vào chương trình nghị sự một cuộc thảo luận về việc đối phó với Moscow và Bắc Kinh, vấn đề công nghệ truyền thông 5G và phản đối sự hợp tác của các nước châu Âu với các công ty Trung Quốc.

Trước thềm Hội nghị, ông Jens Stoltenberg Tổng thư ký NATO cũng nhắc đến Nga như một trong những mối đe dọa chính đối với NATO và cáo buộc Moscow vi phạm Hiệp ước INF. Ông Jens Stoltenberg còn đề xuất các nhà lãnh đạo Liên minh nên công nhận vũ trụ là một không gian tác chiến mới bổ sung vào các mặt trận truyền thống như mặt đất, trên biển, trên không và không gian mạng.

Tuy nhiên, vào tháng 10 vừa qua, Đức từ chối chặn công ty Huawei của Trung Quốc tham gia vào thị trường truyền thông tốc độ cao. Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng của Đức khi đề cập đến hệ thống 5G của Trung Quốc, lại nói rằng chính Washington mới đang yêu cầu các công ty Mỹ thu thập dữ liệu. Bằng chứng là NSA đã bị phát giác vì nghe lén ở Đức.

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron còn lên tiếng bác bỏ quan điểm coi Nga là mối đe dọa đối với NATO. Trong cuộc họp với ông Jens Stoltenberg vào ngày 28/11, ông nói rằng ông không coi Moscow hay Bắc Kinh là “kẻ thù” và chỉ tập trung vào việc làm sao để tạo ra một kiến trúc mới về niềm tin và an ninh ở châu Âu.

Đến bảo vệ các thành viên phía Đông

Theo giới quan sát, nội bộ NATO đã bị phân hóa trong nhận thức về chiến lược Đông tiến nhằm vào không gian hậu Xô viết. Bởi các nước như Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia thành viên đều cố gắng bảo vệ lợi ích của mình, bằng cách thương lượng với Washington trong việc hỗ trợ cho Ba Lan và các quốc gia Baltic.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, họ sẽ chặn đứng các kế hoạch của NATO trong việc bảo vệ các quốc gia Baltic và Ba Lan cho đến khi nào các nước trong Liên minh công nhận các đơn vị người Kurd Syria là khủng bố. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói rằng, theo Ankara, những gì các nước Baltic cần cũng là những gì họ muốn được cung cấp.

Theo giới phân tích, khoảng thời gian khi mà NATO có thể triển khai các chiến dịch thành công, như ở Nam Tư hay ở Libya, đã qua và khoảng thời gian bất định đã đến. Hiện giờ, khối đang phải đối mặt với câu hỏi tồn tại để làm gì, khi mà không còn sức mạnh như trước đây. Tuy nhiên, họ vẫn đang có nỗ lực để làm sống lại tầm quan trọng của NATO và điều này nhờ vào việc họ tự dựng lên kẻ thù từ Moscow.

Theo kế hoạch, năm tới NATO sẽ tổ chức cuộc tập trận lớn nhất trong vòng 25 năm. Trong các cuộc diễn tập Defender Europe 2020, NATO lên kế hoạch huy động 20.000 binh sĩ cùng với các trang thiết bị qua Đại Tây Dương, trong đó có các nước Baltic, tới biên giới Nga trong thời gian ngắn nhất, và Nga đang thành công trong việc kiềm chế áp lực từ NATO.

Giới nghiên cứu Nga cho rằng: “Chúng ta đánh giá tình hình một cách đầy đủ, không tham gia vào bất kỳ cuộc chạy đua vũ trang nào, để mở cơ hội duy trì sự ổn định, thay vì tiến hành đối đầu. Chúng ta đang hành động trên tất cả các mặt trận, trong đó có quân sự, ngoại giao, chính trị và thông tin”.

Vì thế, câu trả lời tốt nhất trước kế hoạch thù địch của NATO là sự củng cố, tăng cường sức mạnh quân đội Nga. Thủ tướng Nga còn cho biết, Nga sẵn sàng hợp tác với NATO hoặc hợp tác song phương với các nước thành viên của Khối với mục tiêu hòa bình và phát triển.

Phân phối gánh nặng tài chính

Tổng thư ký NATO đã báo cáo về sự tăng trưởng chi tiêu quốc phòng của các quốc gia tham gia Liên minh. Theo đó, các quốc gia châu Âu và Canada nói chung đã tăng chi tiêu quốc phòng lên 4,6%, cho đến nay 9 thành viên của khối đã đạt chỉ tiêu 2% GDP bao gồm: Mỹ, Anh, Hy Lạp, Ba Lan, Litva, Latvia, Bulgaria, Romania và Estonia. Tuy nhiên, Đức và Pháp vẫn chi tiêu ít hơn so với mức tiêu chuẩn mà Liên minh đặt ra.

Ông Stoltenberg cũng lưu ý rằng, Mỹ cũng đã giảm các khoản đóng góp cho ngân sách NATO từ 22% xuống còn 16%. Bởi mỗi lần nhắc tới các con số kỷ lục của ngân sách quốc phòng, ông Donald Trump đều đổ lỗi cho các đối tác của mình. Tuy nhiên, các chuyên gia có lý khi cho rằng, Washington đang cố gắng thu xếp cho tổ hợp công nghiệp quân sự của riêng mình thông qua các đơn đặt hàng của châu Âu.

Các chuyên gia rằng, những phát ngôn kiểu như vậy có thể sẽ còn được đưa ra bởi thực tế là, việc tăng cường lực lượng quân sự của NATO ở biên giới với Nga chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, và điều đó vốn không nằm trong lợi ích của các nước châu Âu. “Quá trình quân sự hóa, đang diễn ra ở các quốc gia thành viên của Liên minh, không thể nào củng cố được hệ thống an ninh châu Âu, điều mà các quan chức NATO thường xuyên lên tiếng”.

Và có thể phải xem xét lại mục tiêu chiến lược

Theo giới phân tích, nhiều vấn đề gây cấn đã đặt ra như, việc Tổng thống Mỹ D. Trump cho rằng, “Thật không ổn khi bị lợi dụng trong khối NATO, sau đó lại bị lợi dụng về thương mại. Chúng tôi (tức Mỹ) không thể để điều đó xảy ra”. Ông Trump còn đề cập đến những tranh chấp xuyên Đại Tây Dương trong nhiều vấn đề, từ lĩnh vực hàng không vũ trụ tới “thuế kỹ thuật số” của châu Âu đối với các hãng công nghệ Mỹ.

Với Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron đã thể hiện sự không hài lòng với chính sách của Mỹ về việc áp đặt vũ khí do họ sản xuất lên các đối tác; sự tranh cãi giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ về việc Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga; các nhà lập pháp Mỹ đe dọa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi ông Erdogan kêu gọi công dân và doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ đồng USD.

Sự kiện các quốc gia châu Âu áp đặt lệnh cấm vận đối với việc cung cấp vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ do liên quan đến chiến dịch “Mùa xuân Hòa bình” mà nước này triển khai ở Syria đã khiến quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp cũng trở nên xấu đi tới mức Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis có thể phải nhờ sự giúp đỡ từ Liên minh.

Trả lời phỏng vấn của báo giới ngày 7/11 với tạp chí Economist, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron còn tuyên bố về sự “chết não” của NATO, ông cho rằng đến “một thời điểm nào đó, chúng ta (tức các thành viên NATO) sẽ phải xem xét lại mục đích tồn tại của NATO là gì”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ sự không đồng tình với quan điểm của nhà lãnh đạo Pháp, trong khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lại nói với tinh thần hòa giải rằng, mối quan hệ trong Liên minh chưa bao giờ là hoàn hảo. Trong khi đó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ lại phản ứng gay gắt rằng, bản thân ông Macron nên đi “kiểm tra não” và quân đội Pháp không có quyền gì ở Syria...

Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng: “Ở cấp độ tuyên bố, các quan chức NATO nói rằng, khối đã đạt được những tiến bộ đáng kinh ngạc và đây là một Liên minh thành công, được duy trì suốt 70 năm qua. Tuy nhiên, Hội nghị thượng đỉnh lần này cho thấy, “NATO đã có những vấn đề rất nghiêm trọng”, nhất là những vấn đề về chiến lược./.
(Nguồn: Reuters)

Nguyễn Nhâm

 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo