Hôm nay thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024
Truyện ngắn – ĐÂU CHỈ THẤY NHỚ LÀ THƯƠNG (10/10/2021 03:33 AM)
Trần Phan

. . . Năm ấy, ông từ chiến trường Campuchia trở về với một bên chân đã tháo khớp từ gối xuống, cộng thêm vài vết thương trên người...
 


1. Mỗi lần về quê, ông gặng hỏi, Thảo thường hay nói:
- Chuyện chồng con khó nói lắm ba ơi! Ví như ba đấy thôi, cũng yêu thương, cũng chờ đợi, mà rốt cuộc có đặng đường duyên đâu.
 
Mỗi lần nói thế Thảo đều biết mình lỡ miệng làm ba buồn. Nhưng thực ra, Thảo nói thế cũng là thương ba nhiều. Thương cho cái cốt cách của con nhà nòi cách mạng. Và thương cho cả tính cách của một chàng trai hạ miền sông Thu(1) chung thủy. Mà người phụ tình ba chẳng ai khác chính là má ruột Thảo - người đã dứt áo ra đi, để lại hai chị em Thảo cùng với ba côi cút trong căn nhà bên sông 15 năm qua.
 
Nghe con nói vậy, lần nào ông cũng quay mặt ra sông, nhìn sang phía thượng nguồn rồi tỉ tê cùng con:
 
- Ai cũng có nỗi niềm riêng con ạ! Sông còn có lúc đổi hướng, đổi dòng, huống hồ gì con người ta. Nếu có trách, thì lỗi cũng là do ba thôi à.
 
Dứt lời, ông lại cố giấu khóe mắt chớm đỏ, quay mặt về phía Thảo xởi lởi:
 
- Ba thấy cái anh chi làm ở trạm điện lực cũng được đấy chứ. Hôm bữa nó đưa mày về, có chào tao dăm câu. Cũng lễ phép, sáng người đấy con. Hay mày ưng nó đi, dù gì cũng nghề nghiệp hẳn hoi.
 
Nghe ông nói Thảo lại phân bua:
 
- Anh ấy chỉ là bạn bình thường thôi ba ơi. Tiện đường thì con quá giang về một đoạn. Tình cảm gì đâu ba.
 
- Thế cái thằng gì cao ốm, đeo kính cận học lớp với mày ngày xưa thường hay qua đây chơi. Tao thấy nó rõ thích mày. Hôm bữa có ghé, nó nói giờ nó là giảng viên đại học rồi đấy. Hay mày xem…
 
- Xem gì vậy ba? Ba cứ làm như con ế đến nơi rồi hay sao vậy. Nó với con bằng tuổi. Lấy nó mai mốt nó gọi con bằng bà à. Thôi ba ơi! Con còn nhiều việc phải lo lắm, nhất là phải lo cho em An học hành đến nơi đến chốn đã này.
 
Ông lại cố theo con:
 
- Việc đó đã có tao lo. Con Phương bạn cùng lớp với mày giờ đã có hai con rồi đấy. Hôm bữa nó ghé thăm tao, hai vợ chồng cho hẳn một ký bê thui Cầu Mống(2). Nó nói với tao rằng con gái có thì, con Thảo mà không lo, sau này già đi, ma nó lấy à.
 
Thảo nhíu mày lại, căng giọng với ông:
 
- Sao bạn con đứa nào cũng tự dưng ghé thăm ba hết rứa? Ba nói thiệt hay nói dỡn? Dỡn với con là không có được đâu à! Con nói rồi, con không có lấy chồng bây chừ đâu! Con còn muốn lo cho em An và muốn xây cho ba cái nhà mới kia.
 
Nói xong Thảo ngúng ngẩy đứng dậy ra vườn hái rau nấu cơm. Ông nhìn theo dáng con mà thấy nghẹn quá. Cái dáng nó giống mẹ y khuôn. Mỗi lúc dỗi là lại đứng dậy ra vườn cắt rau. Phải tội con nhỏ hằn sâu ký ức của mẹ nó quá. Không khéo nó quyết ở vậy mất. Đặng nghĩ thế thôi mà ông cảm thấy xót vô cùng ruột gan.
 
2. Năm ấy, ông từ chiến trường Campuchia trở về với một bên chân đã tháo khớp từ gối xuống, cộng thêm vài vết thương trên người. Những vết thương chỉ làm cho ông thêm tự hào rằng mình là con nhà nòi cách mạng, ông coi đó như là tiếp nối truyền thống gia đình, không lấy làm đau khổ hay bi lụy. Nhưng với chàng trai sông Thu căng tràn sức sống ngày nào, giờ chỉ có mong muốn duy nhất là được sống gần cha mẹ, ở căn nhà nhỏ nơi bến nước bao đời, chứ không màng đến chuyện tình duyên. Những tưởng cuộc sống cứ thế trôi qua yên ả ở khúc sông này, thì một lần có một đồng đội của cha ông đến thăm nhà. Họ hàn huyên cả buổi, trả nghĩa trả tình gì đó từ trong chiến trường. Rồi một tuần sau, người đồng đội của cha ông dẫn theo một cô gái xuống nhà. Sau tuần trà vui vẻ, thấm đượm tình thân, ông và cô gái ấy được gọi lên kết nghĩa trăm năm. Ông bất ngờ, nhưng không phản đối. Lúc đó ông chỉ nghĩ, bản thân ông đã lớn tuổi, cảnh nhà lại như này chắc gì cô ấy đã chịu sống ở đây. Nếu để qua một chuyến đò thì sẽ tội cho người con gái. Vậy là ngay buổi tối hôm đó, ông gọi cô gái xuống bến nói chuyện, phân bua về bản thân thương tật của mình, về hoàn cảnh cha già mẹ yếu, về tuổi tác và mọi thứ như cô đã thấy. Ông khuyên cô nên trở về quê, hoặc nếu ngại, ông có thể giúp cô tìm việc ở thị trấn mà sống, rồi tìm người hợp ý mà nên duyên. Đôi bông tai làm lễ khi sáng cô có thể mang theo. Cô gái không nói gì, lặng lẽ lên bờ vào nhà. Đêm hôm đó ông ngủ dưới ghe, thấy đèn trong nhà sáng rồi vụt tắt. Ông nghĩ cô gái đã đi rồi. Lòng nghe nằng nặng, nguôi nguôi, ông thở dài nhắm mắt ngủ.
 
Sáng hôm sau, nghe tiếng lạo rạo trên bờ, ông giật mình tỉnh dậy nhìn lên bờ, thấy cô gái đang hái rau, lũ gà chạy xung quanh chờ những con sâu được vứt ra từ đôi tay thoăn thắt của cô gái. Ba mẹ ông cũng dậy từ tờ mờ. Họ như khỏe hơn mọi ngày. Nụ cười mãn nguyện đã ở trên môi họ tự khi nào.
 
3. Mười năm chung sống với nhau, có hai mặt con đủ nếp đủ tẻ là Thảo và thằng An, nhưng ông chưa lần nào thấy vợ của mình nói đến chuyện về thăm quê bao giờ. Đầu nguồn, cuối nguồn dẫu có xa, đi 3 ngày không đến thì có thể đi 1 tuần, 1 tháng. Nhưng mỗi lần ông gặng ý hỏi, bà đều lắc đầu nói cha mẹ ở quê đã có anh chị em trong nhà lo rồi. Bà chỉ muốn ở đây phụng dưỡng cha mẹ ông, như thế cũng là phải đạo làm con với ba mẹ mình. Thấy bà nhiều lần có ý khó chịu khi nhắc đến quê hương nên ông cũng không muốn nói đến nữa. Nhưng nhiều lúc hái rau, bà luôn hướng mắt về quê mà ngân ngấn không nên lời. Nuốt nước mắt vào trong, bà ở đây, chu toàn mọi việc trong nhà cho đến khi cha mẹ ông mồ yên mả đẹp.
 
4. Vào một chiều cuối đông, khi Thảo vừa tròn 11 tuổi, đi học về, nó thấy mẹ nó cùng một người đàn ông sang trọng từ trong nhà bước ra. Dáng bà vội vội vàng vàng. Thằng An vẫn đang nằm say giấc trên võng. Bà hôn nhẹ lên trán nó, ôm nó thật chặt, rồi dặn:
 
- Con trông em An ngủ nhé! Nhớ thương em, nghe lời ba. Con ngoan, má đi rồi về.
 
Liền sau đó, bà theo người đàn ông xuống bến lên chiếc thuyền gỗ lớn, rẽ nước ngược về nguồn trong tiết trời u ám giăng mây. Ông lúc đó vẫn đang đi vớt củi chưa về. Con Thảo nghe tiếng thằng An giật mình khóc trong nhà, chạy vội vào ru em, ra lại thì chiếc thuyền đã là một chấm nhỏ trên sông mùa nước đầy.
 
Vậy là từ ngày đó, ba cha con ông côi cút sống với nhau. Ông vẫn tin, vẫn chờ bà. Nhưng ông không kiếm. Bởi nếu tính những năm tháng bên nhau thì ông cũng đã làm gì được cho bà sung sướng ngày nào đâu. Nếu ra đi là tốt hơn, thì ông cũng mừng cho bà. Nhưng con Thảo thì không. Bởi nhiều lần nó nghe những bà dạng ghe(3) nói rằng mẹ nó ham phú phụ bần, bỏ cha con nó để đi hưởng giàu sang một mình. Cái ngữ đàn bà da trắng, môi mỏng ấy làm sao chịu được cực khổ.
 
Thảo thương cha, thương em, nó quyết chí học hành. Xong đại học, nó thi đậu vào một công ty nước ngoài ở thành phố cách nhà gần 30 cây số. Vậy mà ngày hai bữa, nó chạy xe máy đi đi về về lo cho cha, cho em từng miếng ăn. Phải tội nó giống mẹ quá. Cũng da trắng môi son. Cũng tính trầm trầm nhưng chu đáo. Cũng lắm người xin đưa đón. Chừng đấy thôi cũng đủ làm ông lo lắng. Ông mong nó sớm yên bề gia thất và quên đi những đàm tiếu của người ngoài về chuyện của má nó.
 
5. Trời đã bắt đầu chuyển sang đông. Con nước lớn dần theo từng đợt mưa từ thượng nguồn sông Thu. Mấy hôm nay củi trên nguồn trôi về nhiều. Chiều nay tính chèo ghe đi vớt củi, nhưng tự nhiên lòng ông lại nóng như lửa đốt. Con Thảo vừa về đến nhà thấy cha nằm trên võng, mồ hôi lã chã. Ông nói tự nhiên ông thấy mệt, ruột gan cứ cồn cào cả ngày hôm nay. Thảo định dắt xe đi mua thuốc cho ông thì dưới bến, một chiếc thuyền gỗ sang trọng, hệt chiếc năm xưa mà má nó bước lên đi về thượng nguồn, cập ngay bến nước nhà nó. Một người đàn ông sang trọng bước lên bờ nhìn Thảo khá lâu rồi xin được phép vào nhà thưa chuyện với cha cô.
 
Ông ta giới thiệu, ông chỉ là người cùng làng với chị Tư Hậu ở thượng nguồn. Tư Hậu chính là tên của má Thảo. Ông cũng chính là người đàn ông năm xưa cập bến đưa chị Tư Hậu về quê hương. Ông muốn báo là chị Tư Hậu bị bạo bệnh mất được một tuần rồi. Chị ấy xin lỗi vì đã bỏ cha con nhiều năm qua mà đi không một lời từ biệt. Nhưng xin ông và các cháu hãy hiểu cho chị ấy. Bởi không ai trên đời này có thể khổ hơn người phụ nữ đó.
 
Câu chuyện về má Thảo được người đàn ông thuật lại trong gió chiều đã bắt đầu se lạnh và sông không ngừng lớn khi nước từ đầu nguồn liên tục đổ về. Ngày ấy, vì nhà quá nghèo nên chị Tư Hậu đã phải lấy một đầu nậu làm vàng tại thượng nguồn để có tiền lo cho cha mẹ đau ốm. Vừa sinh được một đứa con trai thì chồng chị lại đổ ra nghiện ngập. Mất sữa sau những trận đòn của kẻ nghiện, khiến cho đứa con luôn còi cọc, đau ốm liên miên. Từ lúc chồng nghiện, mọi thứ trong nhà đều đội nón ra đi, đó là chưa kể đến những đêm hai mẹ con phải chạy vào rừng trốn, vì hắn thiếu tiền để chơi ma túy. Một thời gian sau, hắn chết đi, để lại trên đầu chị một món nợ không nhỏ. 

Để có tiền chữa bệnh cho con và trả nợ, chị đã đồng ý nhận làm con nuôi của người đàn ông nọ và theo ý ông ta về xuôi lấy chồng với giao ước, khi nào cha mẹ chồng ở dưới xuôi mất thì chị có thể về lại quê hương. 15 năm trước, khi trận lũ quét ập ngang qua nhà, ba mẹ chị bị cuốn mất tích, đứa con trai bị gỗ đè nên tật nguyền từ đó… Nghĩa tử là nghĩa tận, chị phải về tìm hài cốt cha mẹ mình, rồi, sao có thể bỏ đứa con tật nguyền mà đi hưởng hạnh phúc nơi miền xuôi được chứ… Giọng người đàn ông nhỏ dần rồi nghẹn hẳn. Thảo và cha, rồi cả căn nhà lặng thinh. Chỉ còn tiếng gió rít phía ngoài đẩy con thuyền dưới bến chao chao.
 
Trần Phan
Ghi chú:
1. Sông Thu Bồn (một con sông lớn, được mệnh danh là sông mẹ ở tỉnh Quảng Nam)
2. Một món ăn nổi tiếng tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam
3. Những người phụ nữ sống hoặc hàng ngày lao động trên chiếc ghe ở trên sông.
 
 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo