Hôm nay thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024
Truyện ngắn – QUA CƠN HOẠN NẠN (24/09/2022 05:05 AM)
Nguyễn Trọng Hoạt

Lần nhập viện gần đây, mẹ tôi nằm gần giường một bà cụ bị tai nạn giao thông, không biết ngã kiểu gì mà gãy cả tay phải và chân trái, phải bó bột trắng toát; nằm bất động; mặt mũi thì xây xước, rỉ máu.
 


Chỉ có hơi thở đều đều của cụ là cho người thân có thể yên tâm, còn mắt cứ nhắm triền miên, mở mắt ra là nhăn nhó rồi rên khe khẽ.
 
Tuy nhiên, theo tinh thần lạc quan của người xứ mình thì tính ra bà cụ vẫn còn may khi đầu não cùng các “cơ quan đoàn thể” bên trong không bị tổn thương. Ấy là kết luận của bác sĩ sau nhiều lần dùng máy móc tối tân chiếu chụp, soi rọi.
 
Suốt mấy ngày liền, con gái bà luôn túc trực bên mẹ. Những đêm thức trắng khiến khuôn mặt trẻ hốc hác phờ phạc; lắm khi ngồi canh bình thuốc nhỏ giọt, chị gục luôn xuống đầu giường, chợp mắt.
 
Trừ những lúc đi ăn cơm hay vào buồng tắm, chị không rời mẹ, kiên trì và chu đáo từng cử chỉ bón chăm trong những ngày dài lê thê, không một lời than trách. Nếu không làm gì, chị vẫn ngồi lặng nhìn mẹ, với đôi mắt tràn đầy yêu thương.
 
Trong số những người đến thăm bà cụ, có một thanh niên trẻ măng, đen thui; thoạt nhìn cũng đoán biết cậu ra đi từ ruộng rẫy. Đôi mắt tròn to cứ ngơ ngác ngó quanh, ngỡ như lần đầu thấy không gian toàn màu trắng và thấm đẫm mùi của thuốc men này.
 
Không giống nhiều người, cậu đến thăm bệnh nhân với vẻ rụt rè lẫn lo sợ; cậu lí nhí hỏi thăm bà cụ vài câu rồi đứng xớ rớ, chẳng chia sẻ được gì với ai. Tuồng như thấy mình bị dôi dư, cậu lẳng lặng ra hành lang đứng nhìn vào phòng bệnh; nhìn mỏi thì tìm góc vắng ngồi bệt xuống, vẻ bần thần, không yên.
 
Thấy chàng trai đẫm mồ hôi, tóc xù ngược như rễ tre và áo quần xộc xệch, tôi trêu: “Đi cày về hay sao mà đầm đìa mồ hôi thế kia?”. Đáp lại là giọng thật thà: “Dạ không, cháu vừa đạp xe từ phòng trọ tới .”
 
Trước sự ngây thơ của trẻ, tôi không dám đùa dai: “Cháu ở đâu, xa không?” “Dạ, cháu ở làng Đại học, cách đây hơn hai chục cây số”. Chặng đường dài khiến hơi thở của cậu vẫn còn gấp gáp, làn áo trước ngực cứ phập phồng, mồm hơi há ra để đón dưỡng khí.
 
Nhìn dáng vẻ đáng thương ấy, tôi muốn gợi chuyện nhưng cậu đã vội vã bước vào phòng bệnh khi nghe bà cụ rên rỉ. Tôi ngạc nhiên thấy con gái bà dành cho cậu thái độ lạnh nhạt; chị phớt lờ cứ như không có sự hiện diện của chàng trai. Thậm chí chị chẳng thèm nhìn mặt cậu, chẳng đáp lại lời chào; càng không mời ngồi như với những vị khách khác.
 
Chàng trai về rồi, tôi được cô con gái bà cụ cho biết, cậu chính là thủ phạm gây ra tai nạn khiến bà cụ phải vào viện. Đáng trách hơn, khi sự việc xảy ra, cậu chối bay chối biến, cho rằng mình không có lỗi. Những người chứng kiến sự vụ bất bình, bèn giữ cậu lại, giữ cả hiện trường và gọi công an tới. Kết luận của cảnh sát giao thông được đưa ra ngay sau đó- chàng trai chạy xe từ trong hẻm lao ra đâm thẳng vào xe mẹ con bà cụ nên lỗi hoàn toàn.
 
Đến thăm lần thứ hai, chàng trai có vẻ tươi tỉnh và bớt căng thẳng hơn khi biết vết thương bà cụ đang tiến triển tốt. Con gái bà nhìn vị khách bất đắc dĩ cũng ít ác cảm hơn. Thấy cậu đứng sượng sùng, chị kéo cái ghế nhựa từ gầm gường ra và nói khẽ: “Ngồi đi.”
 
Chàng trai ngồi bên bà hồi lâu; xoa bóp cánh tay không bị thương, thấy cụ chóp chép liếm môi, cậu lại lật đật lấy nước cho uống. Cô gái mấy lần nhắc “về đi” nhưng khách cứ nấn ná; sau cùng cậu mạnh dạn ngỏ ý xin ở lại chăm sóc cụ. Đáp lại là cái lắc đầu dứt khoát; cậu năn nỉ như van nài cũng không chuyển được ý chị.
 
Thấy chàng trai hết nói tới nói lui rồi ngồi lỳ ra, chị nhìn thẳng mặt, giọng bực tức: “Tôi yên lòng sao được khi để một người hèn nhát, không biết nhận lỗi như cậu chăm sóc mẹ mình!?” Bị chọc trúng chỗ yếu, chàng trai bất ngờ đứng sững rồi cúi gằm, mặt đỏ bừng. Lát sau, cậu ngước nhìn người đối thoại, giọng ấm ức: “Thấy máu nhiều quá nên em hoảng; không phải em hèn đâu, chị!”
 
Lời cậu được chứng minh ngay sau đó. Khi bác sĩ vào thăm khám bệnh nhân, người nhà được yêu cầu ra khỏi phòng bệnh. Mọi người đang đứng ngoài hành lang thì một ca cấp cứu được đẩy ngang qua. Người bị thương ra quá nhiều máu, máu loang ra ướt cả tấm ga trải gường. Bác sĩ và người nhà bệnh nhân cùng hối hả, người đẩy xe, người ôm túi quần áo, kẻ cầm bịch máu đang truyền giơ cao và lật đật chạy theo.
 
Mọi người đứng dạt ra nhường lối, có những tiếng kêu lên thảng thốt, nhiều người quay mặt đi. Chàng trai co rúm, mặt tái xám như kẻ chết chìm; tay nắm chặt song cửa sổ, người cứ như muốn khụy xuống.
 
Con gái bà cụ đứng gần, tròn mắt nhìn cậu: “Sao vậy?” Đáp lại là giọng rời rạc như hụt hơi: “Thấy máu… em sợ lắm!” Nói rồi cậu đưa tay lên ngực, mặt hằn vẻ đau đớn. Cô gái chớp mắt, dường như vừa cảm nhận được điều gì đó từ chàng trai. Ánh mắt bực tức của chị có phần dịu lại. Chờ chàng trai bình tâm, chị lại nhắc “về đi” bằng giọng rất khẽ như dành cho người thân. Khi khách quay lưng, chị đứng nhìn theo cho đến khi dáng cậu khuất dần nơi cầu thang.
 
Lần thứ ba chàng trai đến thăm bà cụ lúc đã khuya. Đèn trong phòng bệnh đã tắt, chỉ có ánh sáng từ hành lang hắt vào mờ mờ. Từ phòng bệnh vọng ra tiếng thở đều đều, báo hiệu mọi người đang chìm vào giấc ngủ cùng tiếng quạt quay sè sè. Cậu đứng ngoài hành lang, mải miết nhìn bà cụ qua cửa kính rồi quay sang tôi bắt chuyện, giọng lo lắng: “Liệu sau này bà cụ có đi lại được không, chú?”
 
Tôi động viên: “Người già hồi phục chậm nhưng chắc chắn đi lại được.” Đáp lại là giọng phấn chấn: “Được vậy thì mừng quá!” Thấy dáng khắc khổ cùng vẻ mệt mỏi của cậu, tôi gợi chuyện: “Sao cháu đến thăm trễ vậy?” “Dạ, cháu làm giờ mới xong" . “Làm gì?”. “Cháu bưng bê, rửa bát cho nhà hàng, chú ạ”. Nhìn kĩ, tôi lờ mờ nhận ra những vết lọ nghẹ, dầu mỡ dính trên áo người đối diện; lại cảm thấy phảng phất mùi thức ăn, gia vị. Thấy cậu quay đi, đưa tay lên che miệng, nén tiếng ngáp dài, tôi nhắc: “Cháu về ngủ đi.” Cậu khẽ dạ nhưng vẫn tần ngần một lúc rồi mới quay lưng.
 
Hôm sau, nghe tôi kể những điều vừa biết về chàng trai, con gái bà cụ ngồi lặng. Lúc lâu, chị mới cất giọng khe khẽ, như nói với chính mình hơn là sẻ chia: “Cứ mỗi lần nghe câu hát "thằng đi dạy thêm, đứa làm tiếp thị/ thằng làm quán cơm, tối về một gói mì tôm", em lại rưng rưng, thương bạn thương mình một thời khốn khó”. Nói rồi, chị nhìn xa xăm ra khoảng trời ngoài cửa sổ, mặt man mác buồn.
 
Lần đến thăm bà cụ tiếp theo, chàng trai không giấu được niềm vui khi thấy sức khoẻ cụ đang dần hồi phục. Nét mặt tươi tỉnh của người bệnh đã thắp lên hy vọng và xua dần buồn đau của người thân. Bấy giờ, con gái bà và “thủ phạm” đã thân tình hơn, qua rồi sự gượng gạo và lạnh nhạt. Cô gái đón cậu với thái độ cởi mở; chị hỏi thăm việc học tập, gia đình, quê hương. Không còn khép nép và sợ sệt, chàng trai cũng mạnh dạn trải lòng.
 
Ngồi với nhau được một lúc thì chị chủ động tiễn khách: “Cậu về đi, còn phải đi học đi làm nữa”. Chàng trai liếc nhìn đồng hồ trên tường, hơi giật mình rồi rút chiếc phong bì từ túi áo ngực, cầm cả hai tay đưa lên trước cô gái: “Chị ơi, em xin gửi chút ít để thêm tiền thuốc men cho bà”.
 
Chị bất ngờ lúng túng; chàng trai cũng ngượng ngùng: “Bà chủ nhà hàng thương nên cho em ứng liền ba tháng nhưng cũng chẳng được bao nhiêu, chị ạ.” Đáp lại là giọng từ chối rối rít: “Thôi, cậu cất đi, cất đi!”. Cậu giãy nảy không chịu; chị thì cố năn nỉ cậu nghe lời mình. Chiếc phong bì cứ đưa qua đưa lại.
 
Sau cùng, cô gái cầm chiếc phong bì ngồi lặng lúc lâu, giọng buồn như sắp khóc: “Tiền ba tháng làm thêm dồn cả vào đây, thế chín mươi ngày sắp tới em ăn học bằng gì!?” Giọng chị nghẹn lại. Chàng trai bối rối, miệng ngắc ngứ không nói nên lời. Chị cố ghìm xúc động, ghé tai cậu, nói nhỏ: “Chị cũng từng là sinh viên nghèo, từ quê lên phố vừa học vừa làm như em nên rất hiểu…” Liền đó, chị gấp chiếc phong bì lại và nhét sâu vào túi áo chàng trai, dứt khoát như một mệnh lệnh.
 
Cậu đứng lặng, rơm rớm nước mắt.
 
Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Hoạt
 
 Trở về
Các bài viết khác:
Truyện ngắn – TRẦM (08/02 08:38:39 AM)
Truyện ngắn – SHOPPING (04/02 08:35:43 AM)
Truyện ngắn – HỒNG GAI (30/01 09:42:49 AM)

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo