Hôm nay thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024
Mỹ lo ngại dòng vốn đầu tư Trung Quốc (17/02/2018 14:02 PM)
Trúc Diễm

Thương vụ công ty Trung Quốc Ant Financial thâu tóm MoneyGram vừa bị chính quyền của Tổng thống Donald Trump từ chối bất chấp những vận động hành lang từ trước đó. Điều này là dấu hiệu mới nhất cho thấy những lo ngại từ phía Mỹ trước dòng vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba, người khổng lồ trong lĩnh vực Internet Trung Quốc. Thỏa thuận giữa Ant Financial, một công ty con của Alibaba và MoneyGram được coi như phép thử của chính quyền ông Trump với dòng vốn từ Trung Quốc.
Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba, người khổng lồ trong lĩnh vực Internet Trung Quốc. Thỏa thuận giữa Ant Financial, một công ty con của Alibaba và MoneyGram được coi như phép thử của chính quyền ông Trump với dòng vốn từ Trung Quốc.


Lo ngại an ninh quốc gia

Công ty thanh toán điện tử của Trung Quốc Ant Financial và công ty chuyển tiền Mỹ MoneyGram tuần trước cho biết họ đã hủy hợp đồng mua bán trị giá 1,2 tỉ đô la Mỹ, sau khi không được cơ quan chức năng của Mỹ chấp thuận. Thương vụ mua bán MoneyGram-Ant Financial đổ vỡ khi căng thẳng giữa hai cường quốc ngày càng lớn trong việc xác định nước nào sẽ kiểm soát công nghệ của tương lai. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc và Mỹ đang ngày càng trở nên xung đột liên quan tới việc dữ liệu cá nhân sẽ phải được quản lý như thế nào khi mà dòng tiền và quyền sở hữu doanh nghiệp đang “chạy xuyên biên giới”.

Một khi mua được công ty chuyển tiền có quy mô hoạt động lớn như MoneyGram, Ant Financial có thể có quyền truy cập các hồ sơ tài chính thực hiện tại Mỹ. Và nó cũng tạo ra lỗ hổng an ninh lớn nếu công ty này có quan hệ chặt chẽ với chính quyền Trung Quốc. Ant Financial đã phủ nhận những cáo buộc trên, cho rằng dữ liệu của người dùng sẽ được tiếp tục lưu trữ tại Mỹ.

“Môi trường địa chính trị đã thay đổi đáng kể từ khi chúng tôi đề xuất giao dịch với Ant Financial gần một năm trước”, Giám đốc điều hành của MoneyGram, Alex Holmes nói.

Điểm đặc biệt, thương vụ này thất bại bất chấp những bước dọn đường trước đó của ông trùm Internet Trung Quốc, Jack Ma, người sở hữu Ant Financial. Ngay sau khi ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016, ông Ma đã sánh bước với vị tân Tổng thống Mỹ tại tòa tháp Trump Tower ở New York và cam kết rằng đế chế thương mại điện tử của mình sẽ giúp tạo ra 1 triệu việc làm cho người Mỹ.

Không chỉ vậy, ông Ma còn nỗ lực xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt người dân và chính quyền Mỹ. Năm ngoái, vị Chủ tịch tập đoàn Alibaba, tập đoàn công nghệ, bán lẻ và thương mại điện tử hàng đầu của Trung Quốc, đã tổ chức một hội thảo ở Detroit nhằm giúp các doanh nghiệp Mỹ bán hàng trên trang thương mại trực tuyến Alibaba của mình.

Những hành động trên dường như không thể vượt qua được quan ngại của ông Trump cũng như chính quyền của ông về những thương vụ mua bán, sáp nhập, đặc biệt liên quan tới các bí quyết công nghệ của Mỹ. Đây cũng là thời điểm nhạy cảm khi chính quyền Mỹ đang trong giai đoạn hoàn tất một cuộc điều tra liên quan tới cáo buộc Trung Quốc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ. Nếu đúng như vậy thì kết quả của cuộc điều tra có thể dẫn tới việc Mỹ áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, hoặc xa hơn là hạn chế các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ.

Chính quyền của ông Trump cũng sẽ sớm có những biện pháp để ngăn chặn cái mà ông Trump vẫn thường lên án là hoạt động thương mại không công bằng với Trung Quốc, cụ thể là trong lĩnh vực năng lượng mặt trời.

Ngay sau quyết định trên, trong một buổi họp báo sau đó, Geng Shuang, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng Chính phủ Trung Quốc hy vọng Mỹ tạo một sân chơi bình đẳng cho các công ty Trung Quốc.

Sự đổ bể của thương vụ lần này cũng được ví như một “cảnh báo” đối với các thương vụ lớn khác mà các công ty Trung Quốc đang nhắm tới. Một trong số đó là thương vụ SkyBridge Capital, một công ty đầu tư toàn cầu có trụ sở tại Mỹ, do Anthony Scaramucci, đồng minh của ông Trump, sáng lập, được bán cho một công ty con của HNA Group, một tập đoàn khổng lồ của Trung Quốc.

Từ thép tới trí tuệ nhân tạo

Ông Trump và các chính trị gia khác từ lâu đã chỉ trích các hoạt động thương mại của Trung Quốc và tác động của những hoạt động thương mại này tới các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp truyền thống của Mỹ, ví dụ như ngành thép. Nhưng những năm gần đây, họ lo lắng hơn tới các hoạt động mua bán, sáp nhập của Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ cao như ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Trung Quốc, nước đã có những bước tiến lớn về công nghệ trong những năm gần đây, đã đầu tư mạnh để phát triển công nghệ tiên tiến theo cách khiến nhiều chính phủ và doanh nghiệp nước ngoài phải quan ngại.

Bắc Kinh đã đặt ra chiến lược rõ ràng cho các công ty của mình, được nêu ra trong “Made in China 2025”, nhằm thâu tóm các công ty công nghệ tiên tiến của nước ngoài để xây dựng các đế chế khổng lồ trong nước. Đây cũng là cách các công ty và cá nhân giàu có của Trung Quốc tìm nơi trú ẩn an toàn hơn cho dòng tiền của mình.

Đầu tư của Trung Quốc đã tăng lên tới 130 tỉ đô la Mỹ trong năm 2017, từ mức 21,5 tỉ đô la Mỹ năm 2012, tức tăng hơn 6 lần trong sáu năm, theo Công ty nghiên cứu Rhodium Group. Năm 2018, các ngân hàng cho biết họ mong đợi một năm tràn đầy thương vụ đầu tư lớn, nhắm tới nhiều lĩnh vực được cho là quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế tương lai như công nghệ cao và năng lượng tái tạo.

Mới đây, các nhà lập pháp của hai đảng đã giới thiệu một đạo luật kêu gọi sự kiểm soát chặt chẽ hơn các khoản đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ. Họ cũng đang trong tiến trình mở rộng hoạt động của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (Cfius), một ủy ban bao gồm nhiều cơ quan chức năng có nhiệm vụ xem xét các giao dịch nước ngoài để nhận diện những nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia Mỹ. Và, vụ thâu tóm MoneyGram của Ant Financial là một ví dụ về hoạt động của ủy ban này.

Cfius không chỉ kiểm duyệt hoạt động thâu tóm trong lĩnh vực quốc phòng mà còn tập trung vào một loạt thách thức an ninh khác, bao gồm hoạt động thâu tóm các công nghệ tiên tiến của Mỹ. Các thương vụ mua bán công ty sở hữu thông tin nhạy cảm như dữ liệu tài chính, hồ sơ sức khỏe, đã bị loại bỏ vì nguy cơ tiềm ẩn của hoạt động gián điệp và tống tiền.

Ngoài thương vụ giữa MoneyGram và Ant Financial bị từ chối, trong tháng 9 năm ngoái, ông Trump cũng đã ngăn chặn một nhà đầu tư, do Chính phủ Trung Quốc đứng sau, mua một công ty bán dẫn của Mỹ sau khi Cfius cho rằng thỏa thuận này ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.

“Họ (công ty Trung Quốc) đang tìm kiếm nhiều thỏa thuận thương mại hơn so với bình thường, rất nhiều thỏa thuận trong đó có tính nhạy cảm chính trị”, Thad McBride, Chủ tịch của một tổ chức thương mại quốc tế tại hãng luật Bass, Berry và Sims, nói với New York Times.

Cfius cũng được mở rộng quyền hạn, không chỉ tập trung vào hoạt động mua bán, sáp nhập mà còn bao gồm cả hoạt động liên doanh. Nhiều nhà hoạch định chính sách cho rằng, nhiều công ty Trung Quốc đã tránh được sự kiểm soát của Cfius bằng cách thành lập các công ty liên doanh với doanh nghiệp Mỹ hoặc thông qua việc chuyển giao công nghệ. Quy định mới này có thể sẽ “vá” được lỗ hổng trước đó bằng cách tự động xem xét các công ty liên doanh vượt ngưỡng nhất định về sở hữu nước ngoài và mở rộng giám sát đối với các công nghệ mới nổi mà có thể giúp Trung Quốc có lợi thế hơn so với Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều lo ngại cho rằng quá trình xem xét này dường như đặc biệt đáng lo ngại đối với các công ty Trung Quốc. Ya-Qin Zhang, Chủ tịch Baidu, một công ty Internet khổng lồ của Trung Quốc, cho New York Times biết tại một hội nghị ở Silicon Valley trong tháng 10 năm ngoái rằng công ty của ông cũng nhắm tới một số thương vụ tại Mỹ nhưng sẽ phải “rất cẩn trọng” vì Cfius và môi trường chính trị.

Trúc Diễm


Con đường Tơ lụa mới của Trung Quốc ngổn ngang ổ voi

 Dự án Vành đai, Con đường đầy tham vọng của Bắc Kinh với đường sắt, cảng biển... nối châu Á với châu Âu đang gặp rất nhiều khó khăn cả về chính trị và tài chính.

Con đường Tơ lụa Trung Quốc hy vọng kết nối Á - Âu đang vấp phải "ổ voi" lên tới 14 tỷ USD ngay ở Pakistan.

Pakistan rất gần gũi với Bắc Kinh, và các quan chức nước này vẫn ví von mối quan hệ với Trung Quốc là "tình anh em sắt đá". Dù vậy, dự án đập Diamer-Bhasha giữa hai nước đã đổ vỡ vào tháng 11/2017 khi người đứng đầu cơ quan phát triển nguồn nước và năng lượng Pakistan nói Bắc Kinh muốn kiểm soát dự án thủy điện này. Ông nói nó đi ngược lại lợi ích của Pakistan.

Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố bác bỏ nhưng chính thức rút khỏi dự án này, một trong số hàng chục dự án đang được hai bên cùng phát triển.

Từ Pakistan đến Tanzania tới Hungary, các dự án trong sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Chủ tịch Tập Cận Bình đang bị hủy bỏ, thương lượng hoặc trì hoãn do những tranh chấp về chi phí, khiếu nại rằng các nước nhận quá ít từ các dự án của các công ty Trung Quốc và được tài trợ bởi các khoản vay từ Bắc Kinh.

Ở một số nơi, Bắc Kinh còn phải chịu phản kháng chính trị do nỗi sợ hãi sự thống trị của nền kinh tế lớn nhất châu Á.

"Pakistan là một trong những nước nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc, và một khi Pakistan khẳng định tôi sẽ không làm việc này với anh, điều đó có nghĩa đây không phải đôi bên cùng có lợi như Trung Quốc vẫn nói", AP dẫn lời Robert Koepp, nhà phân tích cho công ty nghiên cứu Economist Corporate Network.

Chiếc ô tham vọng

"Vành đai và Con đường", được ông Tập Cận Bình công bố năm 2013, là sáng kiến lớn đầy tham vọng cho những dự án được Trung Quốc xây dựng hoặc tài trợ trên 65 quốc gia trải dài từ Nam Thái Bình Dương, qua châu Á đến châu Phi và châu Âu. Những dự án này bao gồm từ khoan dầu tại Siberia đến xây cảng ở Đông Nam Á, đường sắt ở Đông Âu và nhà máy điện ở Trung Đông.

Ngân hàng Phát triển Châu Á cho biết đến năm 2030 cần phải đầu tư hơn 260 nghìn tỷ USD cho cơ sở hạ tầng của khu vực thực hiện những dự án "Vành đai, Con đường" để giữ cho các nền kinh tế phát triển. Các quốc gia, trong đó có Nhật Bản đã cho vay hàng tỷ USD, nhưng liên kết của Trung Quốc lớn hơn và là nguồn tiền duy nhất cho nhiều dự án.

Không có danh sách chính thức các dự án, nhưng công ty tư vấn BMI Research đã lập một cơ sở dữ liệu trị giá 1,8 nghìn tỷ USD về những khoản đầu tư cơ sở hạ tầng có sự tham gia của Trung Quốc bố trên khắp châu Á, châu Phi và Trung Đông. Rất nhiều trong số đó vẫn đang còn trên giấy tờ và một số dự án phải đến 30 năm nữa mới được thực hiện.

Nhiều chính phủ hoan nghênh sáng kiến này nhưng Washington, Moscow và New Delhi đang khó chịu trước việc Bắc Kinh cố gắng sử dụng "Vành đai, Con đường" để phát triển một cấu trúc chính trị tập trung vào Trung Quốc, làm xói mòn ảnh hưởng của họ.

Chính phủ Mỹ và Nhật Bản bày tỏ quan tâm đến những dự án "Vành đai, Con đường", coi đó là cơ hội cho các công ty của họ nhưng cũng đang cố gắng để phát triển các sáng kiến thay thế.

Tháng 11/2017, tổ chức cung cấp tài chính OPIC của chính phủ Mỹ đã ký thỏa thuận với các đối tác Nhật Bản để cung cấp "các giải pháp thay thế đầu tư cơ sở tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương". Tháng 12, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết Nhật Bản có thể "hợp tác rất nhiều" với Trung Quốc.

Tháng 11/2017, Nepal hủy dự án cho các công ty Trung Quốc xây dựng một con đập trị giá 2,5 tỷ USD sau khi kết luận hợp đồng cho dự án thủy điện Budhi Gandaki vi phạm các quy định đòi hỏi nhiều nhà thầu.

Liên minh châu Âu đang xem xét liệu Hungary có vi phạm các quy tắc hay không khi ký hợp đồng cho các nhà thầu Trung Quốc xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc tới Serbia mà không cần đấu thầu.

Tại Myanmar, kế hoạch xây dựng một nhà máy lọc dầu trị giá 3 tỷ USD đã bị hủy bỏ cũng vào tháng 11/2017 do những khó khăn về tài chính.

Đường dài trắc trở

Sự vấp ngã của một trong những dự án cơ sở hạ tầng tham vọng nhất thế giới có thể giúp giảm bớt những lo ngại Bắc Kinh sẽ gia tăng ảnh hưởng chiến lược của mình. Ngay cả Pakistan, một trong những nước láng giềng thân thiện nhất của Trung Quốc, cũng không đồng thuận với Bắc Kinh về các dự án trọng điểm.

Hai chính phủ đang phát triển các cơ sở với tổng chi phí 60 tỷ USD bao gồm các nhà máy điện và đường sắt để liên kết cực tây của Trung Quốc với cảng Gwadar do Trung Quốc xây dựng trên Ấn Độ Dương.

Chuyến thăm của một quan chức ngoại giao Trung Quốc hồi tháng 11 đã không mang lại được thỏa thuận về các dự án đường sắt trị giá 10 tỷ USD ở Karachi và một sân bay 260 triệu USD ở Gwadar.

Cũng trong tháng đó, cơ quan phát triển nguồn nước và năng lượng Pakistan tuyên bố dự án đập Diamer-Bhasha sẽ được rút khỏi kế hoạch phát triển chung. "Những điều kiện của Trung Quốc để cấp tiền cho dự án đập Diamer-Bhasha là không thể thực hiện được và đi ngược lại lợi ích của chúng tôi", ông Muzammil Hussain nhấn mạnh.

Tại Thái Lan, việc xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc trị giá 15 tỷ USD đã bị đình chỉ vào năm 2016. Sau nhiều cuộc đàm phán về chi phí, chia sẻ công nghệ và quyền sở hữu đất đai, các nhà lãnh đạo Thái Lan đã thông báo một kế hoạch mới vào tháng 7 cho tuyến đường sắt đầu tiên nối Bangkok tới vùng đông bắc nước này. Hợp đồng xây dựng được thực hiện với các công ty Thái Lan trong khi Trung Quốc sẽ cung cấp công nghệ.

Tại Tanzania, chính phủ đã mở lại các cuộc đàm phán với Trung Quốc và Oman, về việc sở hữu một cảng trị giá 11 tỷ USD trong thành phố Bagamoyo. Tanzania muốn đảm bảo rằng người dân của họ hưởng lợi không chỉ từ thuế thu được từ cảng.

"Tiến bộ vững chắc"

Bất chấp những trở ngại, các quan chức Trung Quốc nói rằng hầu hết dự án "Vành đai và Con đường" đang tiến triển với chỉ vài vấn đề.

Phát biểu trong một cuộc họp báo vào ngày 21/11, Một quan chức Bộ Thương mại cho hay việc xây dựng đường ống dẫn dầu và khí đốt từ Nga và Trung Á đang "tiến bộ vững chắc". "Chúng tôi còn nhiều tiềm năng để hợp tác hơn nữa", ông nói.

Năm 2015, ngân hàng Phát triển Trung Quốc công bố đã dành 890 tỷ USD cho hơn 900 dự án trên 60 quốc gia về khí đốt, khoáng sản, điện, viễn thông, cơ sở hạ tầng và nông nghiệp. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc thì cho biết họ sẽ tài trợ cho 1.000 dự án ở 49 quốc gia.

Đứng ra trợ cho các dự án là đòn bẩy để Bắc Kinh yêu cầu sử dụng nhà thầu và công nghệ của mình, nhưng cũng có thể dẫn đến việc các đối tác phàn nàn nếu thương lượng không đủ kỹ càng.

Ngày 9/12, chính phủ Sri Lanka đã bán 80% cổ phần trong một cảng tại thành phố Hambantota cho một công ty nhà nước Trung Quốc sau không trả được đúng hạn 1,5 tỷ USD cho Bắc Kinh để xây dựng cảng này. Điều đó làm dấy lên những ý kiến cho rằng thỏa thuận đó là quá có lợi cho Bắc Kinh.

"Họ có nhận thức về sự xâm phạm chủ quyền từ phía Trung Quốc qua việc tiếp quản cảng", nhà phân tích Christian Zhang của BMI Research đánh giá.

Hoa Hạ

 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo