Hôm nay thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024
Trung Quốc mua sân bay Australia với giá 1 USD (09/06/2019 19:06 PM)
Minh Thu

Truyền thông Australia tiết lộ Hãng hàng không Nhà nước Trung Quốc China Southern Airlines sắp sở hữu sân bay Merredin Aerodrome của Australia sau khi chính quyền hai nước ký một hợp đồng thuê đất 100 năm với giá chỉ… 1 USD.

Biển chỉ dẫn đường vào sân bay Merredin Aerodrome ở bang Tây Australia, trên đó ghi rõ chủ sở hữu thuộc China Southern Airlines
Biển chỉ dẫn đường vào sân bay Merredin Aerodrome ở bang Tây Australia, trên đó ghi rõ chủ sở hữu thuộc China Southern Airlines


Tính đến trước thời điểm hai bên ký hợp đồng, Hãng hàng không lớn nhất Trung Quốc China Southern Airlines chỉ sở hữu một nửa Merredin Aerodrome, sân bay nhỏ ở khu vực cách thành phố Perth 260km về phía đông, theo đó có quyền kiểm soát đường băng, nhà chứa máy bay và tháp điều khiển không lưu.

Tuy nhiên, tờ The Australian đưa tin hãng này sắp sở hữu toàn bộ sân bay trong khoảng 25 năm sau khi trả cho chính quyền bang Tây Australia 1 USD tiền thuê đất trong 100 năm.

Cũng theo The Australian, mục đích thuê sân bay Merredin Aerodrome của China Southern Airlines là để huấn luyện và đào tạo hàng nghìn phi công Trung Quốc, đáp ứng yêu cầu cho một trong những thị trường hàng không được đánh giá là phát triển nhanh nhất thế giới này. Nhưng điều đáng nói ở đây là Trường huấn luyện bay của China Southern Airlines vừa phải đóng cửa vì các lý do an toàn bay. Dù vậy, hãng vẫn trả hàng triệu USD tiền lương ngay cả khi không có học sinh nào theo huấn luyện kể từ hồi tháng 3 đến nay.

Ông Dick Smith, cựu Chủ tịch của Cơ quan An toàn Hàng không Dân dụng Australia (CASA) cho biết, đây là lần đầu tiên một quốc gia nước ngoài sở hữu sân bay của quốc gia nằm bên bờ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương này.

"Thật không thể tưởng tượng được khi một phi công người Australia muốn hạ cánh xuống sân bay trong nước phải được sự đồng ý của Trung Quốc. Tôi chưa từng chứng kiến sự việc nào tương tự". Kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, bất kỳ máy bay nào muốn hạ cánh tại Merredin Aerodrome sẽ đều phải chờ cấp phép từ China Southern.

Không phải đến bây giờ, các công ty hay tập đoàn của Trung Quốc mới hiện hữu tại Australia. Cách đây khoảng ba tháng, cơn sốt đất ở phía Bắc Australia bùng phát, đặc biệt là đất nông nghiệp do các công ty Trung Quốc đứng tên dưới quan điểm tìm kiếm thị trường sản xuất lương thực đáp ứng nhu cầu cho quốc gia đông dân nhất thế giới (1,3 tỷ người, tiêu thụ 20% lương thực, thực phẩm của thế giới).

Theo báo cáo của Văn phòng Thuế Autralia (ATO) công bố hồi tháng 9/2018, diện tích đất nông nghiệp có phần sở hữu của người nước ngoài tại nước này đã giảm từ 52 triệu ha xuống 50 triệu ha trong một năm qua, tính đến tháng 6-2017. Nhưng điều đáng chú ý là trong khi nhà đầu tư Mỹ rút mạnh khỏi Australia thì diện tích đất Australia do Trung Quốc sở hữu tăng từ 1,46 triệu ha lên 14,4 triệu ha. Đặc biệt, có đến 9,1 triệu ha đất là thuộc sở hữu hoàn toàn của các công ty Trung Quốc. Bắc Kinh hiện là nhà đầu tư đất nông nghiệp lớn thứ 2 tại “xứ sở kangaroo” (chiếm 25% đất sở hữu nước ngoài), chỉ sau Anh (27%).

Mới đây, Công ty bất động sản không mấy tên tuổi Shanghai Zhongfu của Trung Quốc cũng đã giành được quyền sử dụng 15.200 ha đất nông nghiệp có hệ thống thủy lợi tốt tại khu vực Kimerley thuộc bang Tây Australia trong vòng 50 năm. Vùng đất thuê này đã được dọn dẹp, trồng cây và xây nhà máy sản xuất đường. Đây là thỏa thuận thuê đất nông nghiệp lớn thứ hai của các công ty Trung Quốc tại Australia.

Trước đó, thỏa thuận chuyển nhượng quyền sở hữu trang trại trồng bông và nguồn nước tại vùng hẻo lánh Cubbie Station từng làm dấy lên làn sóng lo ngại về nguy cơ “xâm thực đất đai” của Trung Quốc đối với Australia. Xét về lâu dài, an ninh lương thực, lối sống, văn hóa và an ninh quốc gia đều chịu tác động từ sự kiểm soát các phần lãnh thổ có yếu tố nước ngoài.

Trở lại một thương vụ đình đám cách đây hai năm, chính quyền vùng lãnh thổ miền Bắc Australia cũng đặt bút ký bản hợp đồng giao cảng Darwin trong 99 năm vào tay Landbridge Group, một tập đoàn xây dựng lớn do tỷ phú Trung Quốc Ye Cheng sở hữu. Diễn biến gây quan ngại cho Mỹ và Nhật Bản vì nó có thể cản trở việc hình thành một trật tự kinh tế mới tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đối với Mỹ và các quốc gia khu vực, Darwin còn là một tiền đồn quân sự quan trọng vì vị trí cửa ngõ vào Biển Đông, nơi Trung Quốc đang muốn thiết lập “quỹ đạo” ảnh hưởng và thúc đẩy kế hoạch bành trướng. Dường như đây chính là nguyên nhân khiến Mỹ quyết tâm chuyển hướng sang chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm đối trọng với chiến lược của Bắc Kinh.

Minh Thu

 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo