Hôm nay thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024
Ông Trump khó thắng trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung? (14/10/2018 01:50 AM)
Ngọc Việt

Vị tổng thống doanh nhân nôn nóng chiến thắng, nên nay ông bị kẹp giữa hai gọng kìm: TRONG - chính sách của FED và NGOÀI - trả đũa của Bắc kinh.


Chuỗi kỷ lục buồn thâm hụt thương mại chưa biết bao giờ mới dừng lại với Mỹ
Chuỗi kỷ lục buồn thâm hụt thương mại chưa biết bao giờ mới dừng lại với Mỹ



Chuỗi kỷ lục buồn thâm hụt thương mại với Trung Quốc chưa biết đến khi nào mới dừng lại với Mỹ

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, thặng dư thương mại của nước này với Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 34,1 tỷ USD trong tháng 9/2018, với kim ngạch xuất khẩu tăng lên 46,7 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm xuống 12,6 tỷ USD.

Như vậy, từ tháng 1-9/2018, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã lên tới 225,79 tỷ USD, so với 196,01 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Theo giới chuyên gia thì chưa nhìn thấy khả năng chuỗi kỷ lục đáng buồn với Mỹ có thể dừng lại. 

Đáng nói là chuỗi kỷ lục buồn với Mỹ trong thương mại với Trung Quốc được xác lập trong bối cảnh Tổng thống Trump thực hiện chính sách thương mại xung đột với Bắc Kinh, quyết tâm làm cân bằng cán cân thương mại Mỹ-Trung.

Vị tổng thống doanh nhân chọn thuế quan làm mũi nhọn tấn công đối thủ nhằm lấy lại cho nước Mỹ những gì đã "bị cướp mất", tạo ra sự leo thang căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tháng 6/2018, chính quyền Trump đã áp thuế 25% đối với 50 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc. Bắc Kinh trả đũa bằng khoản thuế giá trị tương đương đối với hàng hóa Mỹ và tuyên bố không lùi bước trước Washington.

Tháng 9/2018, Washington áp gói thuế quan thứ hai trị giá 200 tỷ USD với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, kèm theo lời đe dọa của Tổng thống Donald Trump là tiếp tục áp thuế nếu Bắc Kinh trả đũa.

Tuy nhiên, Bắc Kinh không nao núng khi đã đáp trả Washington bằng cách áp thuế trị giá 60 tỷ USD đối với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ vào thị trường Trung Quốc, khiến thương mại Mỹ-Trung liên tục xấu đi.

Ngày 1/10/2018, Tổng thống Trump doạ tung gói thuế quan thứ ba trị giá lên tới 267 tỷ USD đối với hàng hoá Trung Quốc, khẳng định sẽ không có thoả thuận nào, trừ khi Bắc Kinh thay đổi thương mại không công bằng.

Với số liệu mới nhất kéo dài chuỗi kỷ lục buồn thâm hụt thương mại Mỹ với Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2018, có thể khiến vị tổng thống doanh nhân "nóng máy" và lời đe doạ về kích hoạt gói thuế quan thứ ba sẽ biến thành sự thật.

Nếu cú ra đòn cuối cùng mà không khiến Bắc Kinh gục ngã thì đó sẽ là thảm hoạ với ông Trump và có lẽ ông Trump cũng đã dự cảm được điều đó nên một mặt doạ tung chưởng,  một mặt tìm cách khắc phục để tránh "hở sườn" mà có thể dính đòn hồi mã thương.

Việc nhanh chóng đạt được thoả thuận thương mại với Mexico và Canadađã giúp cho vị tổng thống doanh nhân yên tâm phần nào về việc ngăn chặn Bắc Kinh phản đòn, khi xây dựng chiến thuật và kỹ thuật "cực hiểm".

Ong Trump kho thang trong cuoc chien thuong mai My-Trung?
Tổng thống Trump chủ động ra đòn nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình phản đòn công hiệu hơn

Song theo giới phân tích, Chủ tịch Tập Cận Bình được nhận diện có tới 19 giải-biện pháp có thể đấu chọi với Tổng thống Trump (xin giới thiệu ở những bài tiếp theo), nên dù có đòn cực hiểm thì Washington cũng khó hạ gục Bắc Kinh.

Thậm chí, nếu tung gói thuế quan thứ ba trị giá 267 tỷ USD, Tổng thống Trump có thể nhận thất bại nặng nề trước Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, khiến ước vọng lấy lại cho nước Mỹ những gì đã bị cướp mất sẽ tan thành mây khói.

Tổng thống Trump không thể chiến thắng vì chính nước Mỹ và chính sách của mình

Theo các chuyên gia, hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ bất ngờ tăng mạnh có thể do các doanh nghiệp Mỹ tăng cường mua hàng hóa trước khi lệnh áp thuế của Trump có hiệu lực.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, sự thực không hẳn là như vậy, mà đây là hệ quả tất yếu từ chính sách của chính quyền Trump khi sử dụng thuế quan làm công cụ chính trong việc tấn công Bắc Kinh.

Phải khẳng định rằng, dù chủ động ra đòn nhưng thực chất chính quyền ông Trump hoàn toàn bị động trước Bắc Kinh, người đứng đầu Nhà Trắng ra đòn khi chưa xây dựng cho mình một nền tảng vững chắc đảm bảo cho một cuộc chiến lâu dài với Bắc Kinh.

Sự lệch pha của nền kinh tế Mỹ với kinh tế tiêu dùng đóng góp tới 2/3 vào tốc độ và chất lượng tăng trưởng là điểm yếu nhất mà ông Trump phải khắc phục, vì đây là căn nguyên thâm hụt thương mại với Trung Quốc.

Song dường như vị tổng thống doanh nhân không chú trọng vào khắc phục điểm yếu này, thậm chí còn làm trầm trọng hơn khi thực hiện chính sách khuyến khích cho vay tiêu dùng không giới hạn.

Hàng Trung Quốc giá rẻ và vay tiêu dùng không giới hạn là nguyên nhân chính của việc hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào thị trường Mỹ tăng lên, và nó chưa thể dừng lại khi sự lệch pha của nền kinh tế Mỹ chưa được cơ cấu lại cho phù hợp.

Ong Trump kho thang trong cuoc chien thuong mai My-Trung?
Chính sách của Trump làm gia tăng sức hút hàng hoá Trung Quốc

Trong khi đó, việc Bắc Kinh trả đũa bằng tăng thuế nhập khẩu khiến thị trường hơn 1,4 tỷ dân này trở nên khan hiếm hàng hoá Mỹ. Đây là nguyên nhân Bắc Kinh chỉ tung gói thuế quan nhỏ hơn Washignton nhưng tác hiệu lại vượt trội.

Trong khi đó Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lại hoàn toàn độc lập với chính sách của Trump, nên có những động thái làm giảm công lực những cú ra đòn của ông Trump, trong đó đáng chú ý nhất việc điều chỉnh lãi suất.

Việc liên tục tăng lãi suất cơ bản của FED tạo ra hai hiệu ứng bất lợi với chính sách của ông Trump, một là làm giảm nhịp độ đầu tư - sản xuất và hai là làm giá cả hàng hoá Mỹ tăng, tạo điều kiện cho hàng hoá Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường Mỹ.

Vì vậy, ông Trump liên tục chỉ trích FED tăng lãi suất, tuy nhiên định chế tài chính quan trọng này hướng tới đảm bảo cho cả một chu kỳ phát triển, còn chính sách của Trump thì phụ thuộc vào nhiệm kỳ quyền lực.

Do đó, FED không thể để cả nền kinh tế Mỹ phập phù theo chính sách và mục đích của Trump. FED chủ động sử dụng công cụ đo sức khoẻ nền kinh tế, từ đó đưa ra những chính sách của mình, bất chấp sự lo ngại của vị tổng thống doanh nhân.

Trong hai phiên giao dịch ngày 10-11/10/2018, thị trường chứng khoán Mỹ đã có sự sụt giảm kỷ lục kể từ phiên giao dịch ngày 18/8/2011, trong đó riêng chỉ số Down Jones mất tới hơn 1.300 điểm, chỉ sau hai phiên giao dịch.

Việc hàng ngàn tỷ USD bay mất vì việc FED tăng lãi suất, cho thấy FED và chính sách của FED là rào cản mà Trump không thể vượt qua - vì nó mang tính mặc định. Điều đó tạo sự cộng hưởng cho ưu thế của Tập Cận Bình trước Donald Trump.

FED và chính sách của FED là rào cản mặc định với chính sách của Trump

Vì vậy, không ngạc nhiên khi chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc kế hoạch bán lượng trái phiếu chính phủ Mỹ trị giá hơn 1.000 tỷ USD, nhằm tăng áp lực lên chính quyền Trump, dù Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin cho biết không lo lắng.

Giới phân tích cho rằng, ông Trump chỉ có thể chiến thắng khi chuyển cuộc chiến thương mại thành cuộc chiến tiền tệ, vì vị thế của đồng USD và vai trò của FED - một định chế tài chính "quốc gia to hơn quốc tế".

Tuy nhiên, vị tổng thống doanh nhân nôn nóng có chiến thắng để "Nước Mỹ sớm vĩ đại trở lại", nên không chấp nhận phụ thuộc vào FED. Và nay thì ông đã bị kẹp giữa hai gọng kìm : TRONG - chính sách của FED và NGOÀI - trả đũa của Bắc kinh.

Với thực tế như vậy, Tổng thống Trump sẽ rất khó thắng trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, còn thâm hụt thương mại với Trung Quốc không hẳn là nỗi buồn với người dân Mỹ, mà dường như chỉ là kỷ lục buồn với vị tỷ phú mà thôi.

Ngọc Việt

 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo